Cúp giải thưởng Bayeux cho các phóng viên chiến trường năm 2021 được dành cho một phóng viên ảnh Miến Điện "ẩn danh". AFP - SAMEER AL-DOUMY
Giải thưởng quốc tế phóng viên chiến trường Bayeux năm 2021 vinh danh một phóng viên « vô danh », người đã đưa đến công chúng những hình ảnh trực tiếp về các cuộc biểu tình đòi dân chủ mùa xuân năm nay chống đảo chính quân sự Miến Điện, bị tập đoàn quân sự đàn áp tàn bạo. Đây là lần đầu tiên giải Bayeux được trao cho một phóng viên vô danh.
Tối hôm qua, 09/10/2021, ban giám khảo giải thưởng phóng viên chiến trường Bayeux lần thứ 28 đã trao tặng giải thưởng phóng sự ảnh cho bộ sưu tập mang tên « Cuộc cách mạng Mùa Xuân » của một phóng viên chuyên nghiệp người Miến Điện, từng được New York Times công bố.
Nỗ lực bền bỉ và lòng quả cảm của người phóng viên chiến trường đã chinh phục toàn bộ ban giám khảo, như lời thuật của AFP. Chủ tịch ban giám khảo, ông Manoocher Deghati, cho biết, với giải thưởng này, ban giám khảo muốn nhấn mạnh đến « các điều kiện tại nơi nhiều phóng viên nhiếp ảnh rất trẻ - chuyên nghiệp hay nghiệp dư đang làm việc -, và tầm quan trọng của chủ đề này ». Bản thân chủ tịch ban giám khảo là một phóng viên ảnh người Pháp gốc Iran, từng phải trốn khỏi đất nước năm 1985, do mạng sống bị đe dọa.
Người được trao giải, có mặt ngay trong khán phòng vào lúc giải thưởng được công bố, đã yêu cầu danh tính được giữ kín, vì lý do an ninh cá nhân và gia đình. Trong một thông điệp gửi đến ban tổ chức giải thưởng, người phóng viên cho biết rõ về những nguy hiểm rình rập những người làm báo Miến Điện.
Người biểu tình đòi dân chủ đối diện với cảnh sát, Rangoon 2021. Ảnh chụp của nhà báo ẩn danh, tác giả bộ ảnh phóng sự “Cuộc cách mạng Mùa Xuân”, được trao giải phóng sự ảnh Prix Bayeur des correspondants de guerre. © Ảnh The New York Times / Giải thưởng quốc tế phóng viên chiến trường Bayeur
Anh nói : « Với tư cách là một phóng viên ảnh Miến Điện độc lập, tôi đã rất mạo hiểm. Các nhà báo bị coi là mục tiêu tấn công. Hơn 70 người đã bị bắt. Chúng tôi đã quyết định ngừng mang chiếc mũ có ghi dòng chữ BÁO CHÍ, khi biết binh lính chủ trương nhắm bắn các nhà báo ảnh ».
Nhà báo vô danh Miến Điện đã xuống đường ngay từ ngày đầu cuộc đảo chính 01/02/2021, để ghi lại những hình ảnh phản kháng đầu tiên chống giới tướng lĩnh. Giống như những người biểu tình, ông cùng các đồng nghiệp đã tác nghiệp trong không khí gần như chiến tranh với đạn thật, đạn cao su, lựu đạn gây choáng, hơi cay… Ban ngày chụp ảnh, ban đêm lẩn trốn các cuộc bố ráp của quân đội và an ninh, nhờ sự hỗ trợ của người dân. Ngày 31/03, nhà nhiếp ảnh cùng một số đồng nghiệp đã thoát khỏi trong gang tấc một cuộc vây bắt của quân đội.
« Chiến lược » của TalibanGiải quốc tế báo chí về chiến tranh Bayeux cũng trao nhiều giải thưởng cho truyền thanh, truyền hình, và báo viết. Trong số các giải được trao, có phần thưởng vinh danh phóng viên báo viết người Đức Wolfgang Bauer, vì một phóng sự « phân tích rõ chiến lược của lực lượng Taliban », những ông chủ mới tại Kabul, với những bước tiến từng cây số một, từng ngôi làng một, bắt đầu từ các căn cứ địa trên núi, nơi họ rút về năm 2001. Phóng sự « Among Taliban » được đăng tải trên báo Đức Zeit Magazin.
Báo chí bí mật tại BelarusGiải phóng viên báo viết trẻ được trao cho Thomas D’Istria, với phóng sự « Cuộc cách mạng tại nền độc tài cuối cùng của châu Âu », được công bố trên Le Monde. Người được trao giải là một sinh viên, đã hoạt động báo chí bí mật trong một năm, để đưa tin bài về phong trào dân chủ tại Belarus.
Vinh danh các nhà báo làm việc trong « các điều kiện hiểm nghèo »Bayeux là thành phố đầu tiên của nước Pháp được giải phóng trong Thế chiến Hai. Năm 1994, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc đổ bộ Normandie, thành phố cùng với tỉnh Calvados và vùng Normandie tổ chức Giải thưởng phóng viên chiến trường Bayeux, để « vinh danh các nhà báo hoạt động trong những điều kiện hiểm nghèo, để giúp cho công chúng có được các thông tin độc lập ».
Nhân dịp giải thưởng phóng viên chiến trường Bayeux, một số bức ảnh của nhà báo Miến Điện vừa được trao giải được trưng bày tại triển lãm « Myanmar Printemps 2021 », trong Bảo tàng tranh thảm Bayeux, cùng với ảnh của nhiều nhiếp ảnh gia Miến Điện vô danh khác (triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 31/10). Bảo tàng Bayeux nổi tiếng với một di sản được UNESCO vinh danh với loạt tranh thảm về cuộc chinh phục nước Anh thế kỷ XI, của công tước xứ Normandie, « William the Conqueror », tức hoàng đế William đệ nhất.
Theo RFI