Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 14/10 bầu Mỹ trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc sau hơn 3 năm kể từ khi chính quyền ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hội đồng có trụ sở ở Geneva gồm 47 thành viên vì cho rằng có sự thiên kiến chống lại Istrael và thiếu cải tổ.
Mỹ nhận được 168 phiếu thuận trong cuộc bỏ phiếu kín của 193 thành viên Đại hội đồng. Mỹ sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm vào ngày 1/1 năm sau, đối chọi với Bắc Kinh và Moscow là hai nước bắt đầu nhiệm kỳ trong năm nay.
Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng Giêng năm nay, hứa nhân quyền sẽ là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của ông và chính quyền Biden không ngại chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan cũng như chỉ trích Nga.
Tuy nhiên, điểm lại thành tích của chính quyền Biden, Reuters cho rằng tới nay những quan ngại về nhân quyền tại các nước đã nhiều lần bị đẩy sang một bên để ưu tiên cho vấn đề an ninh quốc gia và giao tiếp với các cường quốc.
“Hoa Kỳ sẽ có cơ hội chứng tỏ xem chính quyền Biden nghiêm chỉnh tới mức nào trong việc đưa vấn đề nhân quyền làm trọng tâm của chính sách đối nội và đối ngoại,” Giám đốc Theo dõi Nhân quyền Liên hiệp quốc Louis Charbonneau nói. “Với nhiều bước sai lầm cho tới nay, họ [Mỹ] nên dành thời giờ trong hội đồng để quảng bá nhân quyền giữa các nước bạn bè cũng như các nước đối thủ.”
Các ứng viên Hội đồng nhân quyền được chọn theo những nhóm địa lý để đảm bảo đại diện đồng đều. Không có sự chạy đua cạnh tranh hôm 14/10 để bầu 13 thành viên mới và bầu lại 5 thành viên. Các thành viên không được phục vụ hơn hai nhiệm kỳ liên tục.
Đại hội đồng cũng bầu Kazakhstan, Gambia, Benin, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Malaysia, Paraguay, Honduras, Luxembourg, Phần Lan , Montenegro và Lithuania cũng như bầu lại cho Cameroon, Eritrea, Somalia, Ấn Độ và Argentina hôm 14/10.
Theo VOA