Nhà báo Phạm Đoan Trang và tấm bưu thiếp trong chiến dịch "Thư gửi Trang"
Luật Khoa/RFA edited
Hôm 4 tháng 11, mạng báo Luật Khoa Tạp Chí và tổ chức nhân quyền Dự án 88 đồng phát động chiến dịch kêu gọi cộng đồng viết thư cho nhà báo Phạm Đoan Trang đang bị giam giữ trong tù.
Hai tổ chức trên cho biết lý do chiến dịch này được phát động đúng ngày 4 tháng 11, là do đây là ngày mà phiên tòa xét xử bà Trang dự kiến diễn ra nếu không bị hoãn.
"Những lá thư của các bạn cũng là lời xác quyết rằng xã hội luôn đứng về phía lẽ phải và những người đấu tranh cho lẽ phải" - tuyên bố có đoạn viết.
Người ủng hộ được kêu gọi viết thư tay hoặc tạo bưu thiếp theo mẫu và gửi về địa chỉ của Trại tạm giam số 1 Hà Nội, với hy vọng rằng những lá thư này sẽ đến được tay người nhận, hoặc cũng có thể gửi thông qua các tổ chức phát động chiến dịch.
Chiến dịch này xuất hiện trong bối cảnh tình hình sức khoẻ của nhà báo Phạm Đoan Trang đang có những diễn biến xấu, được luật sư bào chữa thông báo ra ngoài.
Trả lời phỏng vấn của RFA, ông Trịnh Hữu Long, tổng biên tập của tờ Luật Khoa Tạp Chí, một trong các bên phát động chiến dịch viết thư, cho biết:
“Hôm nay, ngày 4 tháng 11 năm 2021, Luật Khoa Tạp chí chúng tôi cùng với tổ chức The 88 Project (Dự án 88), một tổ chức chuyên hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến tự do ngôn luận. Chúng tôi mở một chiến dịch, chiến dịch này, mục đích là để kêu gọi những người quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, quan tâm đến nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, hãy gửi thư vào trong trại giam cho Đoan Trang.
Việc này để giúp cho Đoan Trang cấm thấy rằng cô ấy không cô độc ở trong tù, và việc này cũng có tác động tâm lý rất là lớn không những cho Đoan Trang mà còn cho cả gia đình của Đoan Trang, bạn bè của Đoan Trang, và những nhà hoạt động nhân quyền khác ở Việt Nam vốn đang phải sống trong những điều kiện hết sức khó khăn về mặt an ninh.”
Bức ảnh vẽ nhà báo Phạm Đoan Trang trong chiến dịch "Thư gửi Trang". Ảnh: Jin Jin/Ân xá Quốc tế/Luật Khoa
Dự án 88 là tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ, tuy nhiên hoạt động chủ yếu về các lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam. Bà Jessica Nguyễn, phụ trách vận động của tổ chức này cho biết qua email về sự tham gia của tổ chức Dự án 88 vào chiến dịch "Thư gửi Trang":
“Tên của tổ chức chúng tôi xuất phát từ Điều 88, Bộ luật Hình sự 1999 (nay là Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015). Đây là điều luật rất mơ hồ thường được dùng để truy tố những nhà bất đồng chính kiến vì 'Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam', với mức án tù có thể từ 03 đến 20 năm.
Dự án 88 hỗ trợ và thúc đẩy việc cải thiện các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận thông qua chia sẻ câu chuyện và ủng hộ hoạt động của các nhà hoạt động Việt Nam, những người như Đoan Trang, bị đàn áp vì bày tỏ bất đồng ý kiến một cách ôn hòa.
Theo đó, chúng tôi hy vọng rằng sự tham gia của Dự án 88 góp thêm ý nghĩa cho chiến dịch này, khi Đoan Trang bị truy tố bằng chính điều luật 88, điều luật mà tổ chức chúng tôi đang vận động để bãi bỏ.”
Nhà báo Phạm Đoan Trang bị truy tố dưới khoản 1 của điều 88 trong Bộ luật Hình sự năm 1999, nếu bị kết tội thì bà sẽ phải đối diện với mức án từ 3 đến 12 năm tù giam.
Hiện phiên toà xét xử sơ thẩm nhà báo này vẫn chưa được lên lịch trở lại sau khi Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội hoãn lịch xét xử ban đầu, vốn định diễn ra vào ngày 4 tháng 11.
Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ Tùy tiện (WGAD) hôm 25/10 cho rằng, việc giam giữ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang do cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện là tùy tiện và WGAD kêu gọi trả tự do ngay cho bà này.
Tờ báo Nghệ An - cơ quan của đảng bộ đảng CSVN tỉnh Nghệ An hôm 3/11 có bài viết khẳng định, Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc đã "vô lối, trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam".
Theo RFA
"UNWGAD nói rằng Việt Nam bắt giữ Phạm Thị Đoan Trang một cách “tùy tiện” là hồ đồ, vô căn cứ" - tờ báo có cơ quan chủ quản là Tỉnh Ủy Nghệ An viết.