Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan và sự quá tải của Bệnh viện 115 trong đợt dịch thứ tư. báo Phụ nữ online/RFA edited
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội thuộc đoàn TP.HCM hôm 8/11 cho rằng, cần nhìn nhận lại hệ thống điều trị của Việt Nam qua "phép thử" là đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa rồi.
"Về hệ thống điều trị, đây cũng là một phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị thực sự của chúng ta như thế nào. Chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết!
Coi như chúng ta chỉ tập trung vào việc phòng dịch COVID này, để cấp cứu cái này mà không đủ nữa, còn những cái căn bệnh khác..." - Chủ tịch hội Dược học Việt Nam thẳng thắn nhìn vào cái yếu kém dù cho báo chí nhà nước từng "lên đồng" khi chữa trị khỏi cho bệnh nhân số 91 là phi công người Anh.
Phát biểu tại điểm cầu trực tuyến ở TP.HCM trong phiên thảo luận toàn thể về kinh tế - xã hội của Quốc hội, bà Lan cho rằng không có sự rạch ròi giữa ngân sách và bảo hiểm, cùng với việc cơ chế đấu thầu không áp dụng cho các bộ "test kit COVID-19" dẫn đến việc loạn giá xét nghiệm.
"Chúng ta cho rằng, hễ COVID thì có nhà nước và ngân sách lo, nhưng cái phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng, cho nên các bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán (chi phí điều trị - PV).
Ngoài ra, dù hệ thống y tế công lập bị quá tải nhưng lực lượng y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời và chưa có cơ chế để họ tham gia vào việc phòng chống dịch, cũng theo bà Lan "tất cả những gì chúng ta phải trả giá trong thời gian vừa qua chính là cái hệ quả để lại khi mà hệ thống y tế của chúng ta chưa đủ mạnh, mà chưa đủ mạnh bên cạnh cái lỗi của mỗi người là lỗi chủ quan, còn có lỗi của chủ trương và chính sách".
"Chúng ta có thực sự ưu tiên cho y tế hay giáo dục?" - Đại biểu Quốc hội làm tới khóa thứ 3 đặt câu hỏi.
Hệ thống y tế cơ sở cũng là một "bài học xương máu" được bà Phạm Khánh Phong Lan nhắc tới khi cho rằng, hệ thống này dàn trải và không được đầu tư đúng mức về kinh phí và cả về nhân lực.
"Cách đây mười mấy năm, từ các trung tâm y tế của các quân huyện chúng ta chia ra thành ba phần là bệnh viện, trung tâm y tế và phòng y tế.
Chúng ta có cái gì? Chúng ta có một cái bệnh viện chưa đến mức là bệnh viện, chúng ta có trung tâm y tế dự phòng què quặt và chúng ta có phòng y tế chỉ làm được công tác hành chính, đó là tôi nhớ từ hồi 2006-2007." - Phó Chủ tịch Hội đông y TP.HCM cho hay đến vừa qua tình trạng này vẫn còn khi bệnh viện và trung tâm y tế lại thuộc Sở Y tế dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc huy động nguồn lực.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có hơn 950.000 ca nhiễm COVID-19, hơn 22.000 người qua đời, chỉ riêng TP.HCM thì số ca tử vong đã gần 17.000 người.
Theo RFA