Ảnh minh họa : Logo các ứng dụng Twitter, Facebook, WhatsApp. AP - Martin Meissner
Kazakhstan, quốc gia nằm ở Trung Á bị tổ chức phi chính phủ Mỹ Freedom House liệt vào danh sách không tự do internet, đã ký một « tuyên bố chung » với mạng xã hội Facebook để « hợp tác chặt chẽ về những nội dung độc hại ». Nhật báo Le Monde nhận định : « Tại Trung Á, Facebook và YouTube điều chỉnh theo kiểm duyệt ».
Thỏa thuận ký ngày 01/11/2021 cho phép chính quyền « truy cập trực tiếp và độc quyền vào hệ thống cảnh báo nội dung (Content Reporting System) giúp chính phủ cảnh báo những nội dung có thể vi phạm chính sách chung của Facebook về mặt nội dung và các luật của Kazakhstan ».
Kazakhstan tự hào là nước « đầu tiên ở Trung Á được hưởng những đặc quyền như vậy ». Một đặc quyền mà Facebook, cũng như mạng xã hội YouTube, sẵn sàng nhân nhượng để tiếp tục tồn tại ở quốc gia nổi tiếng không có dân chủ từ khi độc lập năm 1991. Tập đoàn Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, chiếm 23% thị trường 19 triệu dân này và phải cạnh tranh trực tiếp với mạng xã hội Nga VKontakte (chiếm 15% thị trường). Trong khi ở các thị trường phương Tây, Facebook cũng đang bị cáo buộc « ưu tiên lợi nhuận hơn là an toàn » cho người sử dụng.
Theo báo Le Monde, Kazakhstan đi theo xu hướng « thắt chặt kiểm soát các mạng xã hội nước ngoài » được các nước chuyên chế trong vùng triển khai, để giảm thiểu nguy cơ phản đối như từng diễn ra ở Nga, Belarus. Matxcơva thường xuyên cáo buộc các nền tảng công nghệ Mỹ là công cụ xúi giục thay đổi chế độ. Vừa đe dọa chặn và phạt, điện Kremlin vừa can thiệp để làm giảm tốc độ truyền các video trên YouTube và Twitter để buộc người sử dụng chuyển sang dùng các mạng đặt ở Nga ở Rutube. Ông Peter Rutland, giáo sư kinh tế chính trị Nga tại đại học Wesleyenne (Mỹ) nhận định : « Đội ngũ của Putin sẽ phải cân nhắc cẩn thận thiệt hơn việc thắt chặt kiểm duyệt. Có thể sẽ có những phản ứng gay gắt nếu Kremlin tìm cách đóng cửa YouTube ».
Kazakhstan cũng muốn tránh nguy cơ đó. Vì vậy, luật mới của của nước này buộc các mạng xã hội nước ngoài chỉ định nhân viên địa phương và những người này phải chịu trách nhiệm cá nhân về những khiếu nại của chính quyền. Chỉ hai ngày sau khi Facebook bắt tay với chính quyền Kazakhstan, nước láng giềng Uzbekistan dùng biện pháp mạnh hơn : chặn mạng nhắn tin Telegram, rất nổi tiếng tại quốc gia 35 triệu dân, cũng như Facebook và YouTube. Nhưng trước phản ứng dữ dội, tổng thống đã chỉ trích « những hành động đơn phương và thiếu suy nghĩ » của lực lượng an ninh mạng và thí tốt là người đứng đầu ngành công an Internet.
Vẫn theo Le Monde, các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ không muốn từ bỏ những thị trường mỗi ngày một lớn ở vùng Trung Á nhưng có hai chiến lược khác nhau. Ví dụ mạng Twitter và LinkedIn từ chối định vị dữ liệu và miễn cưỡng tuân theo chỉ thị của chính quyền nước sở tại đóng tài khoản của các nhà đối lập. Ngược lại, Facebook và YouTube răm rắp tuân theo.
Vào đợt bầu cử Quốc Hội tháng 09/2021 tại Nga, hai mạng xã hội Mỹ, cũng như Telegram đã chặn những tài khoản của Alexei Navalny đúng vào lúc nhà đối lập chuẩn bị ra hướng dẫn bỏ phiếu. Còn tại Kazakhstan và Turkmenistan, đối lập cáo buộc những mạng này chặn kênh của họ theo lệnh của chính phủ viện cớ là « vi phạm bản quyền » hoặc « không tôn trọng đời tư ». Dù bị chỉ trích nhưng hiện các mạng xã hội Mỹ vẫn đang cố làm vừa lòng các chính quyền chuyên chế hậu Xô Viết.
Theo RFI