logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 14/11/2021 lúc 03:08:53(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Con tàu xình xịch chạy trong màn đêm đen kịt, tiếng rít ken két của bánh xe sắt nghe chói lói màng nhĩ, cái âm thanh kìn kịt hòa với độ lắc lư đều đều làm cho con người ta bồng bềnh trong cơn ngái ngủ. Trong toa tàu người và đồ đạc lèn chặt như nêm, hàng hóa chất kín mọi lối đi, tận dụng từng khoảng trống dù là nhỏ nhoi nhất. Mùi hơi người chua chua pha với khét lẹt, mùi thum thủm từ những bộ áo quần dơ bẩn bốc lên muốn nghẹt cả mũi, đã thế khói dầu của đầu máy theo gió tạt vào càng làm tăng thêm mức độ ngột ngạt. Ở khúc trong còn dễ chịu hơn một chút, những chỗ hai đầu toa xe càng kinh khủng hơn, mùi khai nồng nặc của nước tiểu, mùi hôi thối của khách đi tàu phóng uế lưu cửu lâu năm… tra tấn lỗ mũi những người gần đó. Tuy nhiên ở chỗ hai đầu toa xe lại là nơi an thân và dễ né tránh nhất cho những người đi tàu lậu vé như An. 


 Từ quê lên Sài Gòn học, ba mẹ vét hết tiền nhà, bán cả tấn thóc mà cũng chỉ đủ đóng học phí nửa năm, lấy đâu ra tiền để mua vé tàu? Đã thế nhiều người có tiền cũng không thể nào mua được vé chính thức, toàn phải mua chợ đen thôi, nhân viên phòng vé tuồn hết ra ngoài cho bọn cò rồi. Lần đầu theo thằng Tân nhảy tàu,  An sợ run cả người, cứ lơ ngơ sợ bị người ta đuổi xuống giữa đường, sợ bị nhân viên trên tàu bắt phạt… Khi thấy tay kiểm soát vé đến, thằng Tân lủi mất tiêu. An bị anh ta chửi như tát nước vào mặt:


- Địt mẹ quân bố láo, mày không có vé mà dám lên tàu à? Tàu của nhà nước cứ gặp hạng khách như mày thì có mà phá sản!


An tái xanh tái xám mặt mày, hạ mình run rẩy năn nỉ hết lời nhưng tay kiểm soát vé vẫn không tha. Y dọa:


- Tới ga gần nhất ông sẽ tống cổ mày xuống, bằng không mày phải nộp phạt tính từ ga đầu đến ga cuối!


An thất kinh, kiểu này thì chết, tiền đâu mà phạt? Nếu không bị đuổi xuống giữa đường thì biết làm sao đây? Trong lòng An bấn loạn, nước mắt muốn trào ra. Tay kiểm soát vé vốn ranh ma xảo quyệt, y sống bằng nghề này đã bao nhiêu năm, gặp biết bao người như An. Y dọa thế để kiếm ăn thôi, cứ mỗi chuyến tàu ra vô y kiếm được số tiền bằng cả mấy tháng lương. Nhìn An rúm ró sợ sệt, y cười đểu:


- Mày từ quê lên sài Gòn học, vậy mang theo bao nhiêu tiền?


- Dạ, ba mẹ bán cả tấn lúa chỉ đủ đóng học phí nửa năm thôi.


- Mày đừng láo, vậy mầy lấy tiền đâu ăn ở? Đất Sài Gòn không phải như mảnh ruộng quê mày.


- Dạ, em cũng chưa biết tính sao, có lẽ em sẽ tìm việc vừa học vừa làm.


- Mày đi không vé, vậy giờ mày tính sao?


- Dạ, anh thông cảm, em biết sai nhưng không còn đường nào khác.


- Thông cảm cho mày thì ai thông cảm cho tao? Tao còn phải chi cho trưởng tàu, gác cửa nhà ga và nhiều chỗ khác nữa.


- Dạ, em thật sự hổng có tiền, nhà em làm ruộng nghèo lắm.


 Y không nói năng gì thêm, bất thần thọc tay vào túi quần An, vét sạch mấy ngàn mà mẹ an dúi cho để ăn uống dọc đường. May mà tiền học phí mẹ An đã cẩn thận may cái túi nhỏ ghim vào phía trong quần dài. Tay kiểm soát vé bỏ đi còn quăng lại câu khinh khỉnh.


- Gặp khách như mày ông có mà đói!


 Thế là lần đầu nhảy tàu cũng đến được ga Sài Gòn, tuy nhiên nó đã để lại trong tâm tư An một dấu ấn không phai mờ, vừa tủi phận nghèo, vừa nhục vì những lời mạt sát, vừa pha nỗi xấu hổ… Những lần nhảy tàu sau thì An cũng không còn quá sợ hay mắc cỡ nữa, nhiều bạn bè lên sài Gòn học cũng nhảy tàu cả thôi. Cái nghèo nó hành hạ thì cái khó ló cái khôn, nếu mà sĩ diện thì làm sao lên Sài Gòn học được bây giờ? Biết nhảy tàu là sai, là nguy hiểm nhưng không còn cách lựa chọn nào khác. Đời dạy An nhiều bài học, dần dần An không còn dễ xúc động hay dễ bị bắt nạt nữa. Những lần nhảy tàu sau,  An cũng lanh lẹ như thằng Tân, chấp nhận ngửi mùi xú uế và nguy hiểm ở hai đầu toa xe. Hễ thấy bóng kiểm soát vé bên này thì dọt lẹ qua bên kia và ngược lại. 


 Đêm càng về khuya, khí trời lành lạnh xông vào con tàu, tiếng xình xịch ru An vào giấc ngủ, những âm thanh ồn ào nhốn nháo cũng không nhằm nhò gì với sức sức vóc trai trẻ mới lớn. An có thể ngủ nằm, ngồi bất cứ chỗ nào, hễ buồn ngủ là làm thẳng giấc, có khiêng vứt xuống ao cũng không hay biết huống chi là tiếng xình xịch của con tàu. 


 Ký túc xá trường đại học Tổng Hợp về đêm nhộn nhạo lắm, kẻ đi học về, người đi học thêm tiếng Anh, vi tính, cũng có những người tí tửng đi chơi, vui nhất, máu nhất vẫn là những cuộc nhậu của những sinh viên rảnh rỗi. Phòng 406 đang có trận nhậu tưng bừng. Anh Hưng ôm đàn ghi ta khảy bập bùng, cả đám hò dô cạn ly rồi hát bè theo:


“ ...Năm mười mười lăm hai mươi
   Con sâu lúc lắc em không có dám bắt
   Con chim lí lắc em bắt cho anh coi
   Anh có tè em không, anh có tè em không?…”


Những bài hát chế, dựa theo tông nhạc của các bản nhạc vàng cứ thế bài nối tiếp bài, ca hát vang lừng. Thằng Khải, Toàn, Phú... bè theo tiếng ghi ta bằng những âm thanh gõ ly, chén, nồi, chảo. Tụi con Phượng, con Thúy, con Loan… cười ngặt nghẽo. Con Hạnh chịu chơi hết biết luôn:


“ ...Con sâu ngúc ngoắc em đâu muốn bắt
   Con chim nhí nhắt em bắt cho anh coi 
   Anh có tè em không, anh có tè em không?...”


 Thằng Khải cà khịa:


- Em dám bắt hôn?


- Sợ gì mà hổng dám!


 Cả đám cười như chưa chưa bao giờ được cười, tranh nhau nói om sòm cả căn phòng. Thằng Phương nổi tiếng tửu lượng cao nhất bọn, càng uống càng tỉnh. Nó vốn đẹp trai trắng trẻo, uống rượu vào càng hồng hào đẹp trai hơn. Bọn con gái đứa nào cũng thích nó. Nó cặp bồ với con Thanh, hai đứa cũng xứng đôi vừa lứa, hai đứa rất mặn nồng tình tứ, những tưởng dài lâu, nào ngờ chẳng mấy chốc chia tay. Nhiều bọn trong phòng gặng hỏi tại sao nhưng cả hai đều nín thinh. Những ngày sau cả phòng 406 của nữ sinh và phòng 903 của nam sinh rỉ tai nhau:


“Con Thanh chia tay thằng Phương và gởi nó lá thư, trong đó có câu: Chúng ta hết duyên nhưng còn nợ “. Thằng Phương đem lá thư ra cho cả phòng nam đọc chơi, thật tình nó có mượn con Thanh một món tiền nhưng chưa trả. 


 Cuộc nhậu đã đời với món khô đuối với rượu Bầu Đá mà thằng An mang từ quê vô. Cái thứ rượu vẫn đồn đại xưa nay quả là danh bất hư truyền, rượu vào miệng rồi, chảy đến đâu là cảm nhận đến đấy, từng tế bào từ miệng cho đến dạ dày đều bốc lửa, mùi thơm men gạo nhè nhẹ nhưng làm lâng lâng. Kẻ nào yếu quất một ly là hỏa bốc lên đầu, trào nước mắt ngay, bởi vậy mà dân nhậu cho nó cái tên mỹ miều là “Nước mắt quê hương”. Đã mấy năm thành lệ, hễ thằng An từ quê vào, có thể không có tiền đóng chỗ ở, thiếu gạo ăn nhưng không bao giờ thiếu khô đuối và rượu Bầu Đá. Thằng Khải tuyên bố một câu xanh rờn:


- Mầy dìa quê dô mà hổng có hai món đó là tụi tao tống cổ mày ra khỏi phòng 902 ngay lập tức!


 Những bợm nhậu sinh viên tuy nghèo nhưng nhậu quốc lủi riết cũng rành, tụi nó nói ngay cả đế Gò Đen cũng không bằng, những thứ rượu khác thì càng không thể so sánh được, duy có rượu tây thì không bàn đến, cái khoản này thì sinh viên không có cửa, ăn còn chưa đủ no thì lấy đâu ra rượu tây để mà so.


 Nghỉ hè xong, An lại trở vô, ngay buổi tối hôm ấy gầy độ nhậu, cả phòng mừng gặp lại nhau, nhậu tưng tưng gần cạn bình Bầu Đá, thằng Hưng bỗng dưng ngậm ngùi:


- Anh em mình mấy năm nay sống chết có nhau, giờ gần ngày ra trường rồi, mai đây liệu ai có còn nhớ những ngày ký túc xá? Có đứa sẽ thành ông nọ bà kia nhưng cũng sẽ có người long đong lận đận, số phận mỗi người mỗi khác, đâu ai biết trước được ngày sau, mong sao anh em sau này còn nhớ đến nhau!


 Bốn năm đại học qua cái vèo, ngày tốt nghiệp An và thằng Vân bị giam bằng vì còn nợ điểm một vài môn: Tư tưởng HCM, Duy vật biện chứng… phải ba tháng sau mới được đóng tiền để thi lại, sau đó người ta mới phát bằng đại học. Những cái môn ấy quả là ác mộng với sinh viên, nếu những môn chuyên ngành giỏi bao nhiêu thì những môn ấy lại tệ bấy nhiêu. Có ai muốn học đâu, ngặt một nỗi bị buộc phải học, không học thì không ra trường được, mà càng học những môn ấy thì càng ngu, chỉ tổ tốn thời gian, tốn tiền bạc mà thôi. Hễ hôm nào có giờ của môn ấy thì An và cả đám lủi ra quán cà phê cóc ở vỉa hè ngồi đồng, những bạn khác có vô lớp thì ngủ, ngáp hoặc làm việc riêng, mặc cho khứa lão gỉang viên thao thao bất tuyệt, tha hồ nói hưu nói vượn.






 Sau khi ra trường, những thành viên của hai phòng kết nghĩa 406 và 902 tản mát bốn phương trời. Thằng Hoàng về lại cao nguyên ngàn thông của nó. Thằng Lộc dìa miền tây sông nước. Thằng Dĩ, thằng Khải bám trụ lại Sài Gòn. An thì về với khúc ruột miền trung, nhờ người quen chạy chọt nên cũng xin được chân kế toán trong một công ty khai thác đá granite. Không biết phước phần đến hồi trổ quả hay mả tổ phát mà An đổi đời một cách nhanh chóng đến không ngờ. Khi An vào công ty chỉ là tay kế toán quèn vậy mà vài năm sau được cất nhắc làm phó giám đốc. Thời may lại đến, giám đốc về hưu An được bổ nhiệm thay. An cho mở thêm vài chi nhánh nữa và nghiễm nhiên trở thành tổng giám đốc công ty khai thác và xuất khẩu đá granite. Một lần nữa bà linh hiển phò hộ, bấy giờ phong trào cổ phần hóa dâng cao. An lập tức phù phép toàn bộ tài sản công thành tài sản riêng, anh em nhà An đều trở thành những cổ đông chính của công ty, mặc dù chẳng bỏ ra một xu nào nhưng lại có trong tay hàng chục triệu cổ phần, cổ phiếu. Không biết với những chiêu gì nữa và moi đâu ra tiền mà mấy năm liền An nằm trong danh sách hai trăm người giàu nhất Việt Nam. Ngày xưa đi học, mấy anh em An không có một cái xe đạp tàng để đi, giờ thì May bach, Fan tom, Audi, Bentley… cả chục chiếc, mỗi chiếc bằng cả vài trăm năm lương của một công nhân, tài xế riêng hai người thay ca túc trực hai mươi bốn giờ. Tất nhiên AN không thể hưởng lộc một mình được, lộc chia cho các quan từ địa phương đến trung ương, không chỉ hiện vật, hiện kim mà còn hàng trăm ngàn cổ phiếu nữa, thời đại chứng khoán thì biếu cổ phiếu là khôn ngoan và an toàn cho cả hai bên. Ngày đi học An nhậu khô đuối với Bầu Đá, giờ những thứ quê mùa ấy đã biến mất từ lâu khỏi danh mục của An và các quan. Mỗi bữa nhậu của An đáng giá bằng vài năm lương của một người thợ là chuyện thường, không chỉ nhậu tăng một mà còn có những trận vui tăng hai, tăng ba với tất cả những trò chơi mà người ta có thể tưởng tượng ra. Bọn tư bản phương tây có thể gìau hơn nhưng có lẽ chưa bao giờ biết đến những trò chơi của An và các bạn quan của An.


 Tài sản, tiền bạc của An và anh em An ngày càng tăng cao, phình to thì những ngọn núi quanh vùng bị bào mòn đi, bị xẻ nát tươm, bị thuốc nổ phá tan hoang. Mỗi khi mưa xuống, nước chảy thành dòng xé toạc sườn núi, những dòng nước đỏ lòm như máu từ núi chảy xuống. Ruộng đồng quanh vùng bị đá dăm làm hư hoại hoàn toàn không thể cấy trồng chi được. Xe tải hạng nặng cày nát đường hương thôn, trời nắng bụi mù mịt, trời mưa sình lầy lún đến gối. Dân kêu trời như bộng, báo đài có nó vài lần nhưng cũng chẳng tới đâu.


 Một ngày cuối tuần,  An với mấy phóng viên của tờ báo địa phương nhậu ở nhà hàng Hoa Biển, một nhà hàng lớn có số má nhất ở tỉnh nhà, dĩ nhiên rượu tây và sơn hào hải vị là chuyện nhỏ. Cuộc nhậu tưng bừng, em út nâng ly tới tấp, những tiếp viên quen thuộc và người mới đều được bo rất hậu hĩnh. Giữa cuộc nhậu, An thảy ra bàn một bao thơ dày cộm và tâm tình:


- Ai làm việc nấy, nhưng các anh đã làm ảnh hưởng không tốt đến việc của tôi, đây là chút quà hữu nghị anh em. Hy vọng các anh biết mình nên làm gì! Các anh cũng biết đấy, ông bà ta ngày xưa dạy:” Rừng nào cọp nấy”, còn thời đại hôm nay thì chúng ta cũng có câu:” cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền” cổ kim đều hay và chí phải, phải không mấy anh em?


 Bàn nhậu lặng yên, không khí chùng xuống một tí, cánh phóng viên cũng hơi ngượng ngùng. An lập tức búng ngón tay cái tách, mấy cô đào mơn mởn từ đâu ùa ra bá vai ôm ấp mấy tay nhà báo. Cuộc vui lại sôi nổi và hào hứng, tiếng cụng ly leng keng, tiếng hô dô dô đầy khí thế, mấy cô đào đều là những tay tửu lượng đáng nể, bọn họ tập dượt rất kỹ để điều ra phục vụ những khách VIP của nhà hàng. Trong những cô đào ấy, Diễm là hàng độc của An, An đã đóng dấu chủ quyền, hễ An cần thì tất cả mọi kế hoạch khác của Diễm và nhà hàng phải hủy bỏ để mà phục vụ An. Những tuần sau đó, báo địa phương và cả những tờ báo lớn đều chạy những bài khen ngợi công ty đá Granite tận mây xanh, nào là: Giám đốc tài giỏi biết cách làm ăn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, học hỏi giao lưu quốc tế, hàng xuất khẩu chất lượng cao, đời sống công nhân khá giả...” 


Bạn học ngày xưa đọc báo thấy thế cười khẩy. Thằng Khánh mỉa mai:


- Đời sống công nhân khá giả? Đúng là tháng An khá thật nhưng giả cũng cao tay.


Thằng Phương vẫn thường nói chuyện qua điện thoại với thằng Tân:


- Thằng An giờ là đại gia, ngày xưa uống toàn Bầu Đá, nay với nó thì đến Chivas cũng là đồ bỏ, nó uống những chai cỡ cả ngàn đô là chuyện thường.


 Cả đám bạn phục lăn kể cả ngã ngửa ra, không ngờ thằng An phất nhanh, phất mạnh đến như thế. Nhiều đứa vẫn cứ lấy chuyện ngày xưa ra kể:” Hồi đó ba má thằng An có mấy sào ruộng, nuôi mấy anh em nó thiếu thốn trăm bề, vậy mà sao giờ giàu dữ vậy? Mà đâu chỉ mỗi mình nó, anh em cả nhà nó đều như thế cả, nó vực cả nhà nó lên ngôi đỏ từ vũng bùn đen”. Tụi con Vân, Thanh, Thúy… dường như có vẻ ước ao lẫn chút ghen tị:


- Vợ thằng An có số hưởng, cô ta chẳng làm gì cả, suốt ngày tô điểm, đi lòng vòng và đón con mà thôi!


 An giàu có nhất tỉnh nhà, thế lực bảo kê cũng vào loại thế lực bậc nhất. An như ông vua không ngai ở vùng này.


 Sự đời đôi khi vượt qua sự hiểu biết của con người, nó chẳng đi theo quy luật nào cả, thậm chí nó có những ngã rẽ đến không ngờ. Một ngày kia gió đổi chiều, những thế lực đối nghịch ở triều đình thắng thế và nắm được những cái ghế quyền lực nhất. Quan chủ tỉnh thuộc phe cựu bị cho về nhà đuổi gà giúp vợ, tuy nhiên được hưởng đặc ân:” Miễn truy cứu trách nhiệm”. Dân chúng cười:” Hạ cánh an toàn”. Riêng đám tay chân thủ hạ thì bị đánh te tua, nặng nhất là An, tài sản bị tịch thu, những chiếc xe sang bị sung công quỹ, tài khoản công khai bị đóng băng, bị kết tội tham ô tài sản công, hối lộ công quyền, phá hoại môi trường sinh thái, vi phạm đạo đức lối sống cán bộ… 


 An ngồi tù, một hôm bỗng nhiên cười sằng sặc rồi lại khóc hu hu. Bạn tù ngỡ An bị căng thẳng thần kinh, có kẻ lại gần an ủi thì nghe An lẩm bẩm:


- Giá giờ có nậm Bầu Đá.


Bạn tù cũng đều là những kẻ có thế lực, có tiền bạc nhưng ngã ngựa, nói chung là cùng hội cùng thuyền với An. Trong đám ấy có người bảo:


- Rượu Bầu Đá tuy dân dã quê mùa nhưng lại lành. Rượu tây thơm và mắc tiền nhưng nhức đầu và đau mình lắm! 


 An trằn trọc mãi không ngủ được, phần nhớ lại vàng son vừa bị mất, phần tiếc nuối những ngón ăn chơi, giờ nằm giường tù cứng đau mình… nước mắt tự động chảy ra. Trong lúc chập chờn nửa tỉnh nửa mê An thấy lại cảnh khóc ngày xưa lúc nhảy tàu lần đầu trong đời. Qua nửa đêm, An ngủ trong mộng mị nặng nề, nghe tiếng còi tàu toe toe, tiếng la ó chói lói của mấy bà gác cổng soát vé, tiếng hành khách gọi nhau í ới… Chợt từ trong tâm thức sâu thăm thẳm, tiếng thằng Tân nhắc vọng về:


- Tàu đến cống Bà Xép sẽ chạy chậm lại để xin lệnh vào ga. Mày phải nhảy xuống thật lẹ rồi ra đường đón xe ôm về ký túc xá. Nếu mầy chậm chân, tàu vào ga thì tụi nó sẽ phạt mày từ ga đầu đến ga cuối đấy!


 An mơ màng mộng mị, hình ảnh ngồi thu lu ở cái xó gần chỗ nối hai đầu toa xe lửa cứ bập bềnh theo nhịp lắc lư của toa tàu. Mùi khai thối khăm khẳm tưởng đã quen nhưng có lúc vẫn buồn nôn muốn ói. Bên ngoài khung cửa sổ, trời vừa lờ mờ sáng, phố xá con im lìm ngái ngủ, những ngọn đèn hai bên đường vẫn còn  tỏa ánh sáng vàng vọt xuống mặt đường. 

11/21
TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.190 giây.