Năm 1992, tôi là nhân viên của Trung Tâm Người Á Châu, Asian Human Services in Chicago. Tôi được đặc trách làm tư vấn cho học sinh gốc Đông Dương tại các trường cấp ba-high schools- ở trong vùng Uptown-Chicago. Tôi có văn phòng và họp thư riêng ở mỗi trường. Chủ yếu của chương trình là dạy thêm Anh ngữ cho các cháu tị nạn mới qua. Nhưng khi đi vào nhà trường thì thấy vấn đề khác hẳn. Nói đúng ra nó không phải là khác mà là nó bề bộn và nghiêm trọng hơn. Có nhiều vấn đề vượt cả văn hóa, giáo dục, nó thuộc về luân lý đạo đức và pháp luật.
Lần đầu tiên tôi đến nhận việc ở một ngôi trường gần sở làm của tôi, một cảnh tượng kinh dị xảy ra khiến bà giám thị đến gặp tôi trong lúc tôi đang hầu chuyện với ông hiệu trưởng.
- Xin lỗi ông hiệu trưởng, có phải ông này là ông tư vấn học đường người Việt không?
Ông hiệu trưởng ôn tồn đáp:
- Vâng ông ta vừa đến nhận việc, bà Cleverton bà cần làm việc gì với ông ta không?
Bà giám thị nhìn tôi:
- Vậy xin mời ông đến khu hồ tắm.
Tôi liền đưa tay bắt tay ông hiệu trưởng và cám ơn thì giờ quí báu của ông đã dành cho tôi. Tôi đi theo bà giám thị. Bà đi thật nhanh. Trông bà nóng như khối than hồng, vừa đi bà vừa nói:
- Không thể tin được thằng bé Viêt Nam lai, thằng lai Việt Nam, thật khốn nạn. Nó hành động như thú vật, nó thú vật thật, nó là thú vật.
Tôi liền nắm lấy tay bà và giữ bà thật chặt, và nói thẳng vào tai bà:
- Bà Cleverton, xin bà thận trọng, tôi thấy bà mất khôn ngoan rồi đấy…
- Tôi muôn vàn xin lỗi ông. Chúng ta không có quyền gọi ai là thú vật. Tôi có thể bị nhà trường sa thải nếu ông thưa tôi. Xin ông tha lỗi cho và cũng mong ông hiểu cho tôi vì tôi giận quá đâm ra mất trí…
Chuyện đến đây thì chúng tôi cũng vừa vào khu hồ tắm. Bà Cleverton dùng ngón tay trỏ chỉ về một cậu Mỹ lai Việt da trắng.
- Nó đó, nó tên là Henri. Ông có thể tưởng tượng cách đây 30 phút nó vỗ đít một cô bé nữ sinh trong hồ tắm. Cô bé mặc đồ bikini, vừa ở dưới nước ngoi lên, đi ngang qua mặt nó, nó liền vỗ đít con bé. Trời! Hiện tượng chưa từng có trong trường này. Thật dã man quá. Xin ông mang nó về phòng và làm việc với nó. Bà thở ra mệt nhọc.
Henri là anh chàng Mỹ lai da trắng, tóc vàng, vóc dáng trung bình, không to con lắm, người trông có vẻ thanh tú nữa là khác. Gương mặt anh phảng phất buồn, trông hao hao như gương mặt James Dean. Đặc biệt đôi mắt vàng nâu của anh trông vừa lãng mạn tình tự, vừa hung bạo, giống cặp mắt tài tử màn bạc của Mỹ, Steve Mac Queen. Anh có dáng dấp một kẻ bất cần đời. Anh chắc chắn là một giọt máu rơi tuyệt vời. Cha của anh có thể là người lính chiến bất đắc chí, bị lôi vào quân đội từ sân trường đại học nào đó tại Mỹ. Dưới bộ quân phục đến Việt Nam, ông ta tìm cách lãng quên đời, trao thân gửi phận cho một ả giang hồ. Henri sinh ra đời trong nghịch cảnh như thế. Không ai muốn có Henri cả. Đối với bố mẹ anh, anh chỉ là tai nạn.
Tôi hỏi Henri:
- Anh đến Mỹ anh có cố gắng tìm cha anh không?
- Có ai công nhận đâu mà tìm. Cộng đồng Việt Nam, không công nhận tôi là người Việt, họ bảo tôi lai Mỹ, còn người Mỹ có bao giờ họ thừa nhận tụi này đâu, họ bảo tụi này lai Việt. Họ cho tới Mỹ là quí rồi. Còn bắt họ công nhận mình là người Mỹ thi chờ cho đến tết Maroc.
- Tôi nghe anh nói giọng Sàigòn, làm tôi nhớ Sàigòn...
- Có ai ở Sàigòn đâu mà nói giọng Sàigòn làm ông nhớ. Sinh ra được 3 tháng, ông già cuốn gói về Mỹ, bà già đem tôi về Lịch Hội Thượng giao cho bà ngoại nuôi. Bà già quầy quả trở lên Sàigòn lo làm ăn. Bà gửi tiền về nuôi cả nhà bà ngoại. Một năm, năm bảy tháng mới thấy bà về thăm tôi một lần.
- Anh nói quê ngoại anh ở Lịch Hội Thượng, vậy mẹ anh là Tàu lai?
- Bà già tôi cha Tàu, mẹ Việt, nhưng bà không biết nói tiếng Tàu. Nghe nói mẹ tôi lớn hơn cha tôi năm sáu tuổi gì đó. Trước khi lấy cha tôi, bà có một đời chồng người Việt mình. Khi người Mỹ đến, bà bỏ ông chồng người Việt, bà lên Saigòn làm ‘cava’ rồi lấy cha tôi. Tôi cũng chỉ nghe Bà Ngoại tôi nói như vậy, chớ bà già tôi không bao giờ bà nói về bà cho tôi, bà cũng không nói về cha tôi.
- Trên giấy tờ thì năm nay anh 19 tuổi và học lớp 12?
- Đó là khai gian, thật sự tôi sanh năm 1970, năm nay tuổi thiệt của tôi là 21-22 tuổi. Cách đây 2 năm, hồi mới đến Mỹ, tôi tự ý khai nhỏ tuổi, để tiếp tục học, kiếm ít chữ nghĩa để sau này đi làm công nuôi bà già, nhưng coi bộ cũng mệt. Ở trong nước, nhờ bà ngoại cho cắp sách đến trường một hay hai năm gì đó để biết đọc biết viết tiếng Việt, rồi ở nhà, đi bụi đời. Đến Mỹ khai là 17 tuổi, họ cho ngồi ít nhất là lớp 10. Làm sao học nỗi. Chán đời, bỏ trường, bê tha ngoài đường. Chơi thử cần sa, bị tụi nó gài hoài, rồi bực tức, đánh lộn, vào tù ra khám. lảm bà già buồn tội nghiệp bà, một đời bà khổ cực vì tôi.
- Anh thương mẹ anh?
- Không thương sao được, trên đời này có ai là người không thương mẹ. Khi tôi lên Đầm Sen ở Phú Lâm, để lo giấy tờ đi Mỹ, mẹ tôi nhiều lúc muốn tôi đi Mỹ một mình, cho nên bà cho tôi tấm ảnh này. Sau đó, bà nói bà không thể nào sống mà không có tôi bên cạnh bà. Mà nói thiệt tôi không thể đi Mỹ một mình, vì làm sao tôi sống xa mẹ tôi được. Anh vừa nói vừa chìa tấm ảnh của mẹ anh cho tôi xem.
Đó là tấm bán thân đen trắng, cỡ 4 x 6 cm. Tấm ảnh này đã chụp lâu lắm rồi. Người đàn bà trong tấm ảnh trẻ cỡ 28, 30, có đôi mắt và mái tóc đen huyền hoặc, mặc áo ngắn tay, hở ngực, cổ trần, da trắng, trông bà hao hao một nửa giống ca sĩ Khánh Ngọc, một nửa giống Liz Taylor. Lật sau tấm ảnh tôi thấy hàng chữ bà ghi: “Hên, ở đất nước người lúc nào con cũng ghi nhớ con là người Việt Nam, con là con của mẹ”. Tôi vừa cầm tấm ảnh vừa đọc hàng chữ của mẹ anh ấy, vừa theo dõi anh. Thốt nhiên, Henri nói với tôi một cách trân trọng:
- Thưa bác sĩ, câu đó chính tay mẹ con viết. Con hồi mới sanh cha con gọi con là Henri, sau này mẹ con đổi lại gọi con là Hên.
- Anh có biết, nói chuyện với anh và đọc câu ghi chú của mẹ anh trên tấm ảnh, làm cho tôi xúc động không?
- Thưa bác con biết chớ. Mà bác có biết bác là người duy nhất hồi giờ con nói chuyện nhiều, mà cũng là người duy nhất con đưa cho xem tấm ảnh của mẹ con. Bác có biết con Sylvia con mà con vỗ đít nó trông hồ tắm không? Nói thiệt nó cũng thích con “thấy mẹ”! Nó làm điệu làm bộ như vậy. Con cũng biết làm như vậy là coi không được, nhưng thấy nó cũng ngứa tay. Vỗ đít một đứa con gái có nhầm nhò gì, nhất là gái Mỹ…
Chỉ không đầy năm phút Henri đảo lộn tư tưởng của tôi về anh ta dữ dội, đầy mâu thuẫn trong con người ấy. Anh đúng là trái đắng của cuộc đời, một tâm hồn đầy giông tố và bão nổi. Anh là hậu quả của sự va chạm giữa Đông và Tây, giữa kẻ xâm lăng và người bảo vệ, của một cuộc chiến dai dẳng. Henri dù sao cũng đáng thương thật, cần được giúp đỡ. Anh ấy chỉ cần một điểm tựa vững chắc là có thể đứng dậy, đi thẳng người được.
Trong những buổi tư vấn sau đó, Henri cũng thổ lộ nhiều điều về cuộc sống khó khăn, về tương lai đen tối của anh:
- Bác sĩ nói tương lai tụi này đen tối hả? Con mấy ông sĩ quan H.O. mới qua cũng vậy thôi, cũng lờ quờ như tụi con, cũng khó khăn, cũng ngơ ngác trong lớp học, cũng ngạc nhiên khi thấy mình lại đứng trước bảng đen. Thì bác thử nghĩ, Việt cộng vô hồi 75, lúc đó tụi nó có 7, 8, 9, 10 tuổi cỡ đó, cha tụi nó không là ngụy quân cũng ngụy quyền đi học tập mút mùa. Mẹ tụi nó cũng như mẹ con, chỉ biết nội trợ, có biết bán buôn gì đâu mà nuôi con cái. Cho nên sau 5, 6, 7, 8, 9, 10 năm hay lâu hơn nữa, cha đi tù cải tạo không thấy ngày về, ở nhà tiêu hết tài sản dành dụm được, con cái rời bỏ sách đèn, rời bỏ mái trường, kiếm sống. Nói chi những năm 80, kinh tế khó khăn, ăn độn cả nước. Ngay cả lũ con cái gia đình cách mạng cũng vậy, cha thì vác súng đi giải phóng Kampuchia, mẹ tụi nó cũng như mẹ tụi này, cũng phải ngồi bán thuốc lá đầu đường xó chợ, kiếm sống qua ngày. Kẻ thì đợi chồng về từ lao tù cải tạo, người thì đợi chồng về từ chiến trường Kampuchia. Còn tất cả con cái, con cách mạng cũng như con ngụy, mới 12, 13, 14, 15 tuổi không phải chôm chỉa, thì cũng còm lưng trên chiếc bôm xe đạp mà độ nhật nuôi thân. Nói tới đây, ngừng một hồi, coi bộ anh cũng mệt, nhưng xem chừng anh còn muốn nói nữa, cho nên tôi cũng kính trọng để anh tiếp tục nói, và tôi cũng biết đây là cơ hội hiếm có để cho anh được giải bày, và cũng để tôi tìm hiểu anh.
- Như bác sĩ biết, anh tiếp tục nói, các ông sĩ quan của mình, sau 8 năm, 10 năm, có người 12 năm đi tù cải tạo về. Họ già. Con cái đều lớn cả, học hành đứt đoạn từ lớp 5 lớp 6. Đùng một cái các ông ấy được đi Mỹ theo diện “Từ thiện” H.O. Thật sự phỏng vấn cho diện “Từ thiện- H.O” từ khi con còn ở bên nhà, từ năm 1987 có thể sớm hơn nữa là khác mà mãi đến năm 1990- 92 những đợt đầu của diện ‘Từ thiện’- H.O mới đặt chân lên đất Mỹ, thế đủ biết Việt cộng họ cố tâm trì hoãn để trả giá, làm mấy thằng bạn con mới qua sau bị trễ tràng học hành sâu đậm hơn. Đến Mỹ tụi nó cũng khai gian tuổi nhỏ lại, để tiếp tục đến trường kiếm thêm một ít chữ nghĩa hòng sau này kiếm sống. Tụi nó, rồi cũng hố như con, cũng ngơ ngác trước bảng đen, cũng bỏ trường, cũng chán đời như con…Đừng nói chuyện thần đồng với tiếng Mỹ. Tiếng Mỹ tại Mỹ khác với tiếng Mỹ tại Việt Nam trước 75. Học tiếng Mỹ để lấy Mỹ khác với học tiếng Mỹ để trở thành một công dân Mỹ, một công nhân viên chức của Mỹ.
Nói đến đây tôi thấy những điều nhận xét của Henri rất sâu sắc, mặc dầu anh nói với âm điệu giản đơn chân chất của người Nam. Trường đời đã dạy anh những bài học nhiêu khê và cũng thực tiễn.
Chợt nhớ đến mẹ anh, tôi hỏi:
- Đến năm 1990 mẹ anh và anh được đi Mỹ theo diện “Con Lai Làm Lại Tổ Quốc”-Amerisian Repatriation- thường gọi tắt là diện “Con lai”. Thế thì những năm 80 đến 90 mẹ anh làm gì để sống?
Tôi thấy Henri khựng lại, trước khi trả lời. Anh có vẻ đăm chiêu khi tôi nhìn thẳng vào mắt anh. Henri nói:
- Sau 75 mẹ con về Lịch Hội Thượng, không có một đồng xu dính túi. Mẹ con phải nuôi con. Lúc đó con mới có 5 tuổi. Mẹ con còn phải phụng dưỡng bà ngoại con. Mẹ con phụng dưỡng bà ngoại con một cách rất chu toàn. Mẹ con là một người đàn bà thực tế. Mặc dầu hơi lớn tuổi, cũng may, lúc ấy mẹ con vẫn còn nhan sắc. Lúc ấy các ông lớn cách mạng họ phú quí, thành ra họ “đói” lắm. Những năm 80 mẹ con lập quán cà phê ở Vĩnh Châu, đắt như tôm tươi, dập dìu tài tử giai nhân, hội tụ đủ mọi anh hùng, mọi cấp bậc quân hàm, từ cán sơ đến cán cao. Bà xây sẵn mộ phần cho bà ngoại con. Mẹ con đóng sẵn một cái ‘hòm’ bằng gỗ sao, để sẵn trong nhà cho bà ngoại con thấy mà an dạ. Mẹ con cấm con không được lai vãng tới quán bà đang làm ăn. Tuyệt đối con luôn luôn sống với bà ngoại con. Đêm ngủ với bà ngoại, ngày đi chơi với bà ngoại. Đôi khi cũng vì quá thương con, bà ngoại cho con đến trường học một ít chữ nghĩa để sau này, như bà ngoại nói “để cho mày nuôi thân”.
Tới đây, tôi ân cần nắm lấy tay anh, và hẹn gặp anh ngày mai khi tôi xuống đến các lớp để tìm hiểu thực tế.
Được giới thiệu từ văn phòng hành chánh của trường, tôi đi xuống các lớp. Lúc ấy, trường này có vào khoảng 150 học sinh Việt Nam, có hai thầy, hai cô người Việt. Sau vụ hè vừa rồi nhà trường đuổi mất một ông. Cũng tại thằng Henri. Ông đó là ông giáo trẻ, “dê” một cô nữ sinh, dĩ nhiên là nữ sinh Việt Nam, học trò của ông, mà cũng quen với Henri, chỉ quen vậy thôi, bạn cùng lớp cùng trường. Khi cô ấy được ông giáo “chiếu cố”, gọi lên bảng để giải bài toán. Cô bé lính quýnh không biết chỗ nào đứng hay ngồi cho tiện, ông giáo thấy vậy, bèn kéo cô ngồi trên đùi ông. Cô bé la hoảng lên. Chỉ có vậy mà thằng Henri cũng nổi nóng, nhào lên đánh ông giáo hai bạt tai, và chửi ông ta là quân khốn nạn. Đó là nguyên văn bà Cleverton kể cho tôi nghe, và bà nói:
- Thằng Henri như vậy nó cũng hơi quá phải không? Mấy ông bà giáo người Việt nói với tôi như vậy, cho nên tôi đuổi nó ra khỏi trường, cấm tuyệt đối nó không được đến trường suốt trong ba tháng hè. Lúc đó là cuối niên học. Còn chuyện ông giáo nghỉ việc, nhất là ông giáo là Boat People, đến Mỹ năm 1978, ông ta có chế độ bao cấp, chính quyền thành phố giới thiệu vào dạy ở trường này thì không ai dám đuổi đâu. Ông ấy nghỉ việc là tự ông ấy xin nghỉ. Và bà nói trong giọng nhỏ lại:
- Ông ấy có job tốt hơn. Lương thầy giáo đói lắm…
Tôi đến lớp thầy Đông. Tôi với thầy Đông có quen nhau. Cũng sơ thôi. Ông ta gặp tôi, thật tình mà nói ông ta cũng mừng. Ông đưa tôi vào lớp và giới thiệu với học trò:
- Nghe đây, ông bác sĩ này cũng có con lớn như tụi bây. Tau nói cho tụi bây biết, ông ấy đến đây mỗi tuần nửa giờ tại lớp này, để nói về…Xem chừng ông giáo quên, độ ấy ông có vẻ lẫn. Tôi liền đỡ lời ông:
- Tôi được phép đến đây để nói với các anh chị về những tai hại của xì ke ma túy và những chứng bịnh do nó gây ra. Và nếu có thể tôi sẽ nói về đạo đức và xã hội.
Tôi nghe tiếng của một nữ sinh:
- Cha! Coi bộ hơi nhiều…
Rồi cô đứng phắt dậy, nắm chiếc ghế cô đang ngồi, quay đúng 180 độ. Cô ngồi chàng hảng kẹp cái ghế giữa hai đùi, đặt cầm lên chỗ tựa lưng của ghế, mắt lém lỉnh nhìn tôi, cô dõng dạc hỏi:
- Ông có chơi chưa mà ông nói về các thứ đó?
Cả lớp cười ồ lên. Tôi cũng cười theo. Tôi cố tình cười lớn hơn và lâu hơn họ. Có vài cặp mắt xoe tròn nhìn tôi.
Tôi nói:
- Dĩ nhiên trước khi đến nói chuyện với các anh chị, tôi cũng phải qua một khóa học tập, tôi phải biết thế nào là bạch phiến, thế nào là cần sa, thế nào là ma túy…
- Ông có biết, hiện giờ giá chợ đen bao nhiêu một gram cocaine không?
- Vào khoảng 200 đô la.
Câu trả lời như một phản xạ, làm cô bé cụt hứng, cô bé la lớn
- Alphonso, có phải đúng như vậy không mày?
Có ai trả lời ở cuối lớp
- Đ.m. hỏi bá vơ không!
Cả lớp cùng cười. Lần này tôi không cười theo họ, và cũng chẳng buồn để ý ai là kẻ vừa trả lời câu hỏi của cô bé. Cái sắc thái của lớp học đang lôi cuốn tôi một cách mãnh liệt. Henri đang ngồi cuối lớp. Chung quanh anh có một số học sinh trông họ không mấy gì vui nếu không muốn nói các cháu đó trông có vẻ lạc lõng, yên lặng, ít cười, thường nhìn những đám mây bay ngoài cửa sổ. Họ không hề tham gia hay góp ý gì lúc tôi nói chuyện. Ông giáo Đông hình như vừa bắt được ý nghĩ của tôi, ông vừa nói với tôi vừa hất hàm về phía các cậu ấy:
- Tụi đó là con của đám sĩ quan H.O. mới qua.
Trong nhóm chung quanh Henri có anh chàng nhỏ con, có đôi mắt sáng, linh hoạt và cậu ấy có cái nhìn đặc biệt. Sau câu nói của thầy Đông tôi nghe anh ấy ‘chíp’ miệng, và anh nhìn thầy Đông bằng cái nhìn của anh làm tôi giật mình. Còn ông giáo Đông thì ông cóc cần, cái job dạy học của ông vững như bàn thạch. Ông là ‘công thần giáo dục’. Ông dạy trường này từ năm 1975…
Tôi nhìn xuống cuối lớp, chợt nghĩ đến điều gì, tôi vụt miệng hỏi:
- Trong các anh chị có anh nào tên Trung?
Chính cậu nhỏ con ấy, dơ tay và đứng lên:
- Thưa bác sĩ con tên Trung
- Anh là con ông Đinh?
- Vâng cha con, Trung Tá Đinh.
- Hai giờ chiều mai tôi muốn gặp anh tại vân phòng tôi. Văn phòng tại cơ quan của tôi, chứ không phải văn phòng tại trường này.
- Thưa bác sĩ cha con có ý muốn con đến gặp bác sĩ vào ngày thứ năm, vì buổi sáng thứ năm con không có lớp. Thưa bác sĩ, như vậy được không ạ?
- Được, vậy gặp anh lúc 9 giờ sáng thứ Năm tại cơ quan tôi.
Trong lúc tôi trao đổi với Trung, ông giáo Đông bước ra ngoài, học trò trong lớp thì im lặng. Có một vài gương mặt có vẻ vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Có lẽ lâu quá từ ngày theo chân cha mẹ lưu lạc đến giờ các cháu không hề được nghe cuộc đối thoại mẫu mực và nghiêm túc như vậy. Các cháu thường nghe nói “tau nói cho tụi bay biết” nhiều hơn. Tôi cảm thấy xót xa cho con em chúng tôi vô hạn. Là cha mẹ, trên bước đường lưu vong, chúng tôi thường xao lãng, không gần gũi với con em chúng tôi trong việc học hành, vì mãi lo vật lộn với cuộc sống, sợ mất job hơn là sợ mất con.
Cách đó ba hôm, tôi đang ngồi làm việc tại cơ quan, anh Đinh gọi điện thoại cho tôi:
- Alô! Alô! Bác sĩ Thể đó phải không? Alô, thưa có phải bác sĩ Thể đó không?
- Vâng, thưa ông.
- Bác sĩ, tôi là Đinh. Tôi vừa đến Mỹ theo diện sĩ quan H.O.
- Thưa anh, anh là sĩ quan H.O. thuộc đợt mấy, sao anh qua được sớm vậy?
- Thưa sĩ quan H.O.2. Sở dĩ tôi gọi bác sĩ là tôi có chuyện này: Tôi đến Mỹ với cả gia đình. Vợ chồng tôi mang theo 4 cháu, hai trai hai gái. Hai cháu gái lớn cả rồi và gần thành gia thất, tôi chỉ còn kẹt hai cháu trai còn nhỏ. Tôi không thông thạo hệ thống học đường ở đây. Tôi nghe nhiều người nói bác sĩ là người am tường về hệ thống giáo dục tại Mỹ. Tôi cũng nghe nói bác sĩ trong những năm qua đã chỉ dạy, giúp đỡ một số con em của đồng bào tị nạn, nhờ thế các cháu ấy vào được những Đại học tốt tại Mỹ. Nói thật với bác sĩ qua 10 năm đi tù cải tạo của Cộng sản, bây giờ đến Mỹ, kiệt quệ rồi. Chán nản quá rồi. Tôi giao trọn hai đứa nhỏ cho bác sĩ, hư nên gì chúng tôi cũng nhớ ơn bác sĩ.
Trong khi nói chuyện điện thoại với anh, tôi nghe có tiếng đàn bà thở dài thườn thượt… Anh vụt nói tiếp:
- À, bác sĩ, bà nhà tôi biết bác sĩ. Năm 72 bác sĩ mổ bướu cổ cho bà nhạc tôi tại bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa, Cần Thơ.
- Anh Đinh, anh nói giọng Bắc. Anh là người Bắc cưới vợ Nam?
- Vâng, bà nhà tôi là nữ sinh Trường Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ. Tôi là dân Albert Sarraut, di cư vào Nam 1975, tôi tiếp tục học ở Chu Văn An Sàigòn.
- Anh Đinh, anh an tâm. Tôi sẽ hết lòng dạy các cháu. À, mà này, xin anh cho tôi được phép hôm nào đến thăm anh chị và các cháu.
Tôi nghe có tiếng ai chép miệng và thở dài. Ngừng một đổi lâu, anh Đinh nói:
- Chắc hai cháu, Trung và thằng em nó, thế nào cũng đến chào bác sĩ. Lúc đó tôi sẽ cho bác sĩ biết hôm nào thuận tiện mời bác sĩ đến thăm chơi. Hiện tại hai cháu đang học tại trường thầy Đông đó bác sĩ… Xin chào bác sĩ.
Tôi cảm thấy mình thiếu tế nhị khi xin phép được đến thăm nhà của một người ti nạn vừa mới đến Mỹ. Ngày xưa tôi cũng vậy, tôi không muốn ai đến thăm nhà tôi, nhìn thấy cảnh bần cùng của gia đình tôi khi vừa đặt chân lên đất Mỹ.
Đúng 9:00 giờ sáng ngày thứ Năm, hai anh em Trung và Hùng đến gặp tôi. Trung lễ mễ mang hai chai rượu vang đến:
- Thưa Bác sĩ, Cha mẹ con xin biếu bác sĩ hai chai rượu vang nhân dịp các con đến chào bác sĩ, và xin bác sĩ nhận hai con như con của bác sĩ.
- Tôi vô cùng cảm ơn ba mẹ của hai anh, và cảm ơn hai anh. Hai anh biết đấy, lễ vật hay quà biếu vẫn là tục lệ xưa và nay khi còn ở trong nước, không ngờ trong cái xắc tay trên bước đường lưu vong cha mẹ anh vẫn còn mang theo tục lệ ấy.
Sau đó hai cháu trình bày về quá khứ học hành của mình ở trong nước và mấy tháng vừa qua tại Mỹ. Các cháu khác hẳn các cháu trước đã từng qua khóa dạy tại lớp này, nhất là những nhận định rất thực tế của Trung:
- Cha con vào phỏng vấn chương trình H.O. vào năm 1989. Thú thật cha con không mấy nhiệt tình khi đăng ký đi chương trình H.O. Chính cái nghĩa của chữ ‘Humanitarian Operation - Chiến dịch Từ Thiện’ mà làm cha con cảm thấy xốn xang. Mẹ con thì bảo phải đi, nếu đi vì cho mình thì mình còn gạn đục khơi trong, còn đi là vì con thì phải đi ngay thôi. Trễ lắm rồi làm sao cho các con theo kịp được chương trình học hành xứ người.
Khi cha con vào phỏng vấn chương trình H.O. năm 1989, nhà trường biết ngay. Lúc đó con học cuối năm lớp 10. Con là học sinh giỏi của trường. Con vẫn được thầy thương bạn mến như bấy lâu nay, mặc dầu nhà trường và ai cũng biết cha con là sĩ quan của chế độ cũ, đang đi học tập cải tạo tại miền Bắc. Nhưng khi biết cha con sửa soạn đi Mỹ theo chương trình H.O. thì thái độ nhà trường đối với tụi con như một đường vạch rõ nét. Họ yêu cầu các con nghỉ để chuẩn bị đi Mỹ với gia đình. Nhưng họ chỉ yêu cầu bằng miệng, không có văn thư chính thức. Các thầy, các cô giáo cũng nói xa nói gần đó chỉ là những yêu cầu chớ chẳng phải là những sắc luật hay nghị quyết chi cho rõ ràng. Tiếp thu từ những ý kiến đó, hai con cứ tiếp tục ngồi lì. Hai đứa con được ngồi lì lâu năm như vậy, thực ra cũng là nhờ các thầy và các cô. Con là người học trò giỏi, luôn luôn dẫn đầu lớp: Toán, Việt văn, và Nga Văn. Các thầy và các cô không ai muốn tụi con gián đoạn học hành. Khi gần hết lớp 12, cuối năm 1991, gia đình con có giấy lên đường đi Mỹ, có ngày giờ và số chuyến bay, lúc đó tụi con nhận được văn thư chính thức của nhà trường yêu cầu nghỉ học để chuẩn bị xuất cảnh với gia đình.
- Hai anh cho tôi biết cảm tưởng của hai anh, khi vào học trường Mỹ trong 3 tháng qua, và dự tính các anh sẽ học những gì, và nhất là Trung, năm tới vào Đại học, anh có những dự định gi? Anh nghĩ gí về trình độ học sinh tại Mỹ? Trung liền trả lời:
- Cách đây 3 tuần, bạn của ba con là Trung tá Hải, qua Mỹ hồi 75, ông và gia đình ở ngoại ô. Bác Hải đưa xe đến rước ba mẹ con và hai con, đến chơi nhà ông ta ở Buffalo Grove. Con bác Hải cũng học một cỡ với tụi con. Nhân dịp này, con bác Hải đưa tụi con đi thăm trường cấp 3 của họ ở Buffalo Grove. Phải nói cả một cơ ngơi giáo dục đồ sộ. Mọi thứ đều nề nếp và kỷ luật nghiêm túc. Tụi nó bảo thầy giáo và học trò ở đây phần nhiều là người Do thái và người Da Trắng. Dĩ nhiên cũng có một vài người da đen để chiếu lệ. Con cũng thấy danh sách học sinh xuất sắc hàng tháng, hàng tam cá nguyệt. Cũng có danh sách các cô giáo, các thầy giáo xuất sắc hàng tháng. Học sinh tự ý ghi tên mình vào một đội chuyên môn: Đội Toán, Vật Lý, Xã hội, Bóng Rổ, Bóng chuyền, Bóng đá, Quần vợt, Football. Có một đội đặc biệt và lý thú đó là Đội Biện Luận, Debate Team. Con thấy thằng Sơn con bác Hải, tháng vừa rồi nó là cá nhân xuất sắc của đội đó. Nó cũng được trường nhìn nhận là cá nhân xuất sắc trong năm về bộ môn Debate này. Nó bảo với con cách đó một tháng, nó vác đội Debate của trường nó đi đấu võ mồm với ba trường khác, trường nó thắng to, nó là trưởng toán, nó được cá nhân xuất sắc.
- Con Trung tá Hải tiếp xúc với các anh họ vui vẻ chứ?
Trung trả lời
- Con bác Hải rất tử tế và nghiêm túc.
Hùng liền cướp lời anh:
- Họ không có lý do gì mà họ không tử tế đối với tụi con cả. Họ hơn tụi con là 75 cha họ ở Sàigòn chạy được. Còn cha con lúc đó đang đánh với Việt cộng tại Buôn-mê-thuộc…
Một lần nữa, Trung nhìn Hùng với cái nhìn của người anh hiểu được tánh háo thắng của thằng em mình. Trung nói:
- Gia đình bác Hải xưa kia ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa với ba mẹ con. Sơn, trước 75 có học chung tiểu học với con. Chính Sơn nhắc điều đó. Phải nói bác Hải là người quân nhân yêu nước. Năm 75 bác chọn lựa con đường bác đi không phải cho bác, như bác nói với cha con: “anh biết đấy, lúc đó thời tụi mình hết rồi. Bỏ tổ quốc ra đi hồi 75, là sự chọn lựa cho con, vì tương lai của con. Ở lại với Cộng Sản, tôi không sợ biển máu, nhưng tôi rất sợ Giai Cấp Đấu Tranh của Chuyên Chính Vô Sản”. Đám con bác Hải 4 người. Tất cả đến Mỹ dưới 10 tuổi, đều ở ngoại ô lúc mới đến từ 75, bây giờ họ vẫn nói tiếng Việt trôi chảy, vẫn giữ truyền thống giống nòi, họ không hề thay tên đổi họ. Họ tiếp thu tư tưởng yêu nước của người Cha một cách sâu sắc. Họ cũng thường về thăm nước: Sàigòn, Huế, Dalạt…Nói đến đây Trung có chiều suy nghĩ, ngừng một chập anh nói:
- Lúc đến nhà bác Hải thì vui lắm, mở mắt cho tụi con thấy hệ thống giáo dục của Mỹ cừ khôi lắm. Học sinh của Mỹ giỏi đủ mọi môn. Tại trường mỗi học sinh ngồi đối diện một cái Computer từ tiểu học. Khi tốt nghiệp Trung học, mọi học sinh biết sử dụng computer một cách thông thạo, biết đánh máy chữ rất căn bản và phải đậu xong bằng lái xe hơi. Giáo dục tại Mỹ là sự đầu tư lớn của Chính phủ Mỹ cho tương lai của nước Mỹ. Nếu có ai vì quá nhiệt tình với Mỹ mà bảo rằng đó cũng là sự đầu tư của Mỹ cho tương lai của cả thế giới. Con nghĩ câu nói ấy, không đến nỗi nói ngoa...Nhưng khi về nhà cha con buồn. Mẹ con công nhận cảm tình của bác Hải đối với ba con không suy sụp, tình chiến hữu lúc nào cũng cao quí. Nhưng mẹ con than phiền bà Quỳnh, vợ bác Hải, tiếp đãi mẹ con có phần lạnh nhạt. Mẹ con bảo: “Cũng tại ông mê đánh giặc, tận trung báo quốc, ở tù cộng sản cho đã, rồi mới tới Mỹ. Đến Mỹ chậm chân hơn người ta, nghèo khó quá mà, cho nên người ta mới lạnh nhạt khi dễ tôi như vậy. Chớ ‘con’ Quỳnh nó có hơn tôi cái gì đâu? Nó chỉ hơn tôi là ở chỗ chồng nó khôn hơn chồng tôi…”! Rồi mẹ con khóc. Ba con im lặng. Theo sự nhận xét của con, bác Quỳnh cũng rất tế nhị, bà sợ mẹ con hiểu lầm, cho nên bà cũng thận trọng lắm. Bác Quỳnh rất ân cần với mẹ con, ‘một điều thưa chị hai điều xưng em’. Có lẽ tại mẹ con thương tụi con quá đó thôi. Vì trên đường về ngồi trên xe thằng Hùng em con nó cứ than phiền là “đến Mỹ sau người ta hơn cả chục năm, phải ngồi học ở cái trường, thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi. Người Mỹ biết tất cả, họ kỳ thị, sống chết mặc bây”. Và hơn nữa đàn bà với đàn bà không phải là đơn giản. Con thấy mấy tuần rồi cha con ngồi một mình, suy nghĩ và hút thuốc lá hơi nhiều, con cố gần gũi ba con, ba con hay gắt gỏng. Nói đến đây, mắt Trung hơi buồn, anh ấy cúi mặt nhìn mũi giầy. Tôi liền đưa ra chương trình để giúp Trung và Hùng học thêm Anh ngữ, và tôi cũng nói thật, cả hai anh đều có thể thi đậu lớp 12, ngay cả cuộc thi mở ngay ngày mai. Nhưng các anh cũng biết, xong lớp 12 học sinh ở Mỹ ai thi cũng đậu. Nhưng có nhiều loại, trình độ khác nhau: A, B, C, D. Bây giờ tôi giúp hai anh học Anh ngữ và luyện thi ACT và SAT. Phần Anh ngữ hai anh học với tôi mỗi tuần hai buổi. Phần dạy kèm cho hai anh thi SAT và ACT ở đây tôi có một số sinh viên đại học Northwestern, Loyola, DePaul tình nguyện dạy cho tất cả học sinh của tôi tại đây. Như vậy tuần sau chúng ta bắt đầu.
Sau đó tôi đưa hai anh ấy đi thăm các phòng thính thị Anh ngữ mà riêng tôi dùng để dạy anh ngữ trong mấy năm qua cho các học sinh Việt, Miên, Lào và Trung Hoa mới qua Mỹ. Hai anh thích thú khi thấy cơ sở dạy Anh ngữ của tôi.... Hai anh chào tôi ra về. Ra đến cửa, Trung ngỏ lời cám ơn tôi còn Hùng thì bảo được nói chuyện với tôi thật bổ ích, và anh ấy cảm thấy rất thích thú. Chợt Trung nói:
- Thưa bác sĩ, hôm nay thứ năm 28 Tây, ba mẹ con xin mời bác sĩ đến nhà con vào ngày thứ sáu, 28 tây tháng tới lúc 3 giờ chiều.
- Cám ơn anh, về thưa với ba mẹ là tôi sẽ đến.
Sau khi đưa Trung và Hùng về tôi rất ngạc nhiên cái hẹn của anh Đinh: cái hẹn một tháng, lúc 3 giờ chiều ngày thứ sáu. Một cái hẹn rất tiêu cực, hình như có ý bảo mình đừng đến. Nhưng tôi lại nghĩ nếu quả thật như vậy thì việc đến thăm anh định là điều cần thiết cho tôi phải đến. Tôi sực nhớ câu Trung nói: “Rồi mẹ con khóc, ba con im lặng…ba con nhiều lúc ngồi hút thuốc lá và suy nghĩ một mình”. Tôi vụt đứng dậy đến soi mặt mình trong kiến cố tìm lại nét mặt thiểu não của tôi 12 năm về trước, khi mới đến Mỹ, biết bao là oan khiên vây bủa. Từ sự phản trắc của người thân thương, đến sự phụ bạc của người đời, nguy hiểm hơn nữa là sự chụp mũ của bọn đâm thuê chém mướn, bọn Vietnam mafia.
Tôi đến thăm anh Đinh lúc 3 giờ chiều, vào đúng ngày giờ đã hẹn. Trước đó ba hôm tôi có nhắc với Trung và Hùng sau buổi học anh ngữ với tôi. Tôi cũng nhắc qua loa thôi. Sợ anh chị hiểu lầm là mình quan trọng hóa việc đến thăm của mình. Tôi cầm theo hai chai rượu vang mà anh chị ấy cho cách đây một tháng. Không phải đem trả lại, mà đem theo với dự ý để khui cùng uống với anh chị trong dịp gặp nhau lần đầu.