Lại đề xuất sử dụng danh tính thực khi dùng mạng xã hội!Biểu tượng một số mạng xã hội thông dụng hiện nay. AFP
Tại buổi tiếp xúc cử tri một số quận ở thành phố Hồ Chí Minh chiều 16 tháng 11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an thành phố, cho rằng cần yêu cầu việc sử dụng mạng xã hội bằng danh tính thực để khi cơ quan chức năng xác minh, kiểm tra thì xác định được ngay chủ tài khoản. Theo ông Quang, văn hóa sử dụng mạng xã hội đang là vấn đề nóng bỏng, trong đó có việc sử dụng mạng xã hội chửi bới, xuyên tạc, không phù hợp với đạo đức, tin giả, tin xấu...
Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA:
“Điều này không chỉ bất hợp lý mà còn bất khả thi.
Vì lẽ, tài khoản trên trang mạng xã hội mang tính cách cá nhân với nhau. Chúng không mang tính cách hành chính, không thể hiện mối quan hệ giữa công dân với chính quyền. Cho nên, người sử dụng không có trách nhiệm pháp lý về việc đặt biệt danh (nick name) theo danh tính thật hay danh tính đầy đủ của mình. Còn lại, biệt danh người sử dụng đặt tên có vi phạm đạo đức xã hội hay thuần phong mỹ tục hoặc giả danh người khác hay không thì nhà quản lý mạng xã hội đã tự kiểm soát vấn đề đó nhân danh "tiêu chuẩn cộng đồng" mà không cần chính quyền can thiệp.
Chưa kể, thực tế trang mạng xã hội phố biến, nhiều người dùng nhất ở Việt Nam là Facebook thuộc sở hữu nước ngoài. Chính quyền không thể áp đặt ý chí mang tính cá biệt của mình để buộc họ có quy định về đặt biệt danh dùng riêng cho người dùng ở Việt Nam khác biệt với người dùng trên toàn thế giới được.”
Điều này không chỉ bất hợp lý mà còn bất khả thi. Vì lẽ, tài khoản trên trang mạng xã hội mang tính cách cá nhân với nhau. Chúng không mang tính cách hành chính, không thể hiện mối quan hệ giữa công dân với chính quyền. Cho nên, người sử dụng không có trách nhiệm pháp lý về việc đặt biệt danh (nick name) theo danh tính thật hay danh tính đầy đủ của mình. - Luật sư Đặng Đình MạnhViệt Nam bị liệt vào nhóm các nước không có tự do báo chí (đứng thứ 175 trên 180 quốc gia trong bảng xếp hạng tự do báo chí thế giới 2020 của Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới - RSF) nên mạng xã hội là nơi người dân có thể bày tỏ những sai trái của nhà cầm quyền cũng như những bất công trong xã hội hàng ngày, hàng giờ. Tuy vậy, nhiều người dân lên tiếng trên mạng xã hội bị phạt tiền, thậm chí bị phạt tù. Nhiều người cho rằng, một khi Nhà nước kiểm soát luôn tiếng nói người dân trên mạng xã hội thì đó là một hình thức bịt miệng người dân.
Cô Diệu Hạnh ở TP.HCM nêu ý kiến của mình với RFA sáng 17 tháng 11:
“Từ khi mạng xã hội Facebook ra đời thì nhiều sự thật được phanh phui và lan truyền rất nhanh. Chính quyền họ không muốn điều đó nên yêu cầu để tên thật nhằm dễ kiểm soát, kiểu như đăng ký sim điện thoại. Họ sẽ không làm được điều đó vì chính Facebook không bắt buộc sử dụng tên thật khi mở tài khoản Facebook mà. Đây là hình thức bịt miệng dân thôi!”
Dù Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu “mạng xã hội không phải là ảo nữa, mà thật rồi…”, nhưng tên thực tế, mạng xã hội hiện nay vẫn là mạng ảo. Một người muốn có bao nhiêu danh khoản Facebook thì cứ việc tạo.
Cho đến hiện tại, Facebook chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc người dùng phải sử dụng tên thật của mình khi mở danh khoản. Người dùng cũng có thể sử dụng nickname hoặc dùng một cái tên không phải tên được gọi hàng ngày, có thể sử dụng biệt hiệu hoặc nghề nghiệp của mình đặt tên cho danh khoản Facebook cá nhân. (Nicknames can be used as a first or middle name if they're a variation of your authentic name (like Bob instead of Robert). You can also list another name on your account (example: maiden name, nickname, professional name). Profiles are for individual use only.)
Ảnh minh họa một người đang sử dụng facebook. AFP
Đây không phải lần đầu một quan chức đề xuất, yêu cầu việc sử dụng danh tánh thật khi sử dụng mạng xã hội như vậy.
Hồi cuối năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã đưa ra Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam. Trong đó có đề xuất “công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác”.
Khi nghe thông tin đó, nhà báo Đỗ Cao Cường, nguyên phóng viên báo Pháp Luật nhận định ngay rằng, điều này được đưa ra nhằm hạn chế tối đa quyền bày tỏ của người dân và cũng là cách để che đậy sự thật:
“Khi họ đưa ra Bộ quy tắc đó thì rõ ràng mục đích là để kiểm soát những công chức trong cơ quan Nhà nước. Là một hình thức để những công chức không có tiếng nói, không có sự phản biện, không có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân từ cuộc sống, gia đình cho tới quan điểm về đất nước. Đây là một hình thức nô lệ tư duy, là một hình thức để những người trong hệ thống của họ không có quyền tố cáo tham nhũng hoặc đưa ra những sai phạm, tiêu cực trong hệ thống ra xã hội.”
Đây là một hình thức nô lệ tư duy, là một hình thức để những người trong hệ thống của họ không có quyền tố cáo tham nhũng hoặc đưa ra những sai phạm, tiêu cực trong hệ thống ra xã hội. - Nhà báo Đỗ Cao CườngCách nay hai tháng, Bộ Công an Việt Nam đã đề xuất tăng mức phạt hành vi ‘vu khống’ trên mạng xã hội cao gấp 2-3 lần mức phạt đang được áp dụng hiện nay. Dự kiến nghị định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2021.
Cụ thể, theo nghị định được ban hành vào tháng 2 năm 2020, hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân thì bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Dự thảo nghị định mới quy định mức phạt cho các hành vi trên từ 40 triệu đến 60 triệu đồng. Với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Dự thảo nghị định mới quy định mức phạt cho các hành vi tương tự là từ 20 triệu đến 40 triệu đồng.
Tháng 6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, áp dụng đối với công chức nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức và cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Theo đó, người dùng mạng xã hội được khuyến cáo là “không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác”. Quy định trên có nội dung tương tự với Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015, được dùng để buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”.
Điều luật này bị các tổ chức nhân quyền uy tín trên thế giới chỉ trích và kêu gọi bãi bỏ vì bị cho là “xâm hại đến quyền tự do ngôn luận và biểu đạt” của người dân.
Thêm vào đó, Bộ quy tắc này yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải “phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn, và loại bỏ các nội dung, thông tin vi phạm pháp luật”. Điều này gây ra lo ngại rằng các công ty sẽ trở thành công cụ kiểm duyệt cho Nhà nước.
Vào tháng 10 năm ngoái, truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng rằng riêng trong năm 2020, Facebook gỡ bỏ trên 2.000 bài viết mà Việt Nam cho là có phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức, tăng 500% so với cả năm 2019, tỷ lệ gỡ chặn đạt 95%.
Cùng với Facebook, Google được nói có tỷ lệ chặn gỡ nội dung bị Việt Nam báo vi phạm đạt 90%. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, YouTube đã gỡ bỏ gần 11.000 video.
Vào cuối tháng 10 năm nay, tờ Washington Post ở Hoa Kỳ loan tin đích thân Giám đốc Điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, đến Việt Nam cam kết với Chính phủ Hà Nội để hạn chế những bài trên mạng xã hội này mà cơ quan chức năng báo là ‘chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam’.
Theo RFA