Contener tại cảng Thượng Hải : Mỗi kiện hàng của Trung Quốc nhập vào châu Âu là một vũ khí giúp Bắc Kinh mở rộng quyền lực. Ảnh chụp ngày 19/10/2021. REUTERS - ALY SONG
Giáo sư Jonathan Holslag đại học Bruxelles trong bài nhận định « Đối với Bắc Kinh, thương mại và chính trị là hai vế không thể tách rời » nêu lên câu hỏi : nếu Bắc Kinh sử dụng đòn thương mại để tấn công – mà kèm theo đó là những tác động cả về chính trị và quân sự, liệu châu Âu có khả năng kháng cự hay không ? Trung Quốc dùng « thương mại như một loại vũ khí ». Lục địa già thấy trước nguy cơ đó nhưng thực sự không biết phải ứng xử ra sao.
Tác giả đơn cử một ví dụ thể hiện thái độ lúng túng của châu Âu và Pháp trước ông khổng lồ châu Á này : Tây Âu ngăn cản Hoa Vi tham gia vào mạng 5G. Paris thậm chí đã thông qua một đạo luật « loại tập đoàn Trung Quốc này » khỏi những lĩnh vực « nhậy cảm » trong việc xây dựng mạng internet thế hệ mới tại các thành phố lớn trên lãnh thổ Pháp.
Điều đó không cấm cản Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh « con đường tơ lụa kỹ thuật số » qua trung gian tập đoàn viễn thông Pháp Orange. Nhà cung cấp mạng của Pháp tiếp tục cộng tác với Hoa Vi « tại những quốc gia khác trên thế giới và để củng cố vị thế tại châu Phi ». Hệ quả kèm theo là Orange đã cùng với « một tập đoàn Trung Quốc khai thác cả một hệ thống cáp quang xuất phát từ Pakistan đến tận thành phố cảng Marseille », miền nam nước Pháp.
Châu Âu chết vì hàng rẻ Trung Quốc Trong cuộc đọ sức giữa châu Âu và Trung Quốc chỉ riêng trên mặt trận thương mại, Bắc Kinh còn có một lợi thế không nhỏ đó là khoản thặng dư mậu dịch hơn 200 tỷ euro một năm so với các bạn hàng châu Âu và « trong mô hình tư bản » theo kiểu của Trung Quốc các quyết định về chiến lược đầu tư, phát triển … thuộc về Nhà nước
Trong bối cảnh đó, vấn đề cốt lõi đặt ra với châu Âu nằm ở chỗ, Lục địa già không thể nào ngăn cản đà tiến của Trung Quốc và cũng không thể có được một mối quan hệ cân đối hơn với Bắc Kinh nếu như châu Âu vẫn « nghiện » hàng rẻ Trung Quốc. Đó là một thứ « thuốc phiện giết chết khả năng bảo đảm an ninh cho tương lai của châu Âu ». Giáo sư về quan hệ quốc tế đại học Bruxelles, Jonathan Holslag báo động : mỗi một contener, mỗi kiện hàng Trung Quốc nhập vào châu Âu cho phép Bắc Kinh mở rộng thêm quyền lực tại châu lục này.
Không dễ chia tayNhưng « cai nghiện » hàng Trung Quốc không dễ. Giáo sư Mary-Françoise Renard đại học Clermont Ferrand vùng Auvergne, cũng trên tờ Le Monde, ghi nhận : khủng hoảng y tế và căng thẳng địa chính trị hiện tại làm dấy lên lo ngại về « quan hệ kinh tế » của phương Tây với Trung Quốc. Nhưng Pháp chẳng hạn lệ thuộc vào nền kinh tế thứ hai này đến mức độ nào ?
Nhìn tổng thể, Trung Quốc là bạn hàng chiếm 4 % tổng kim ngạch xuất khẩu và 7 % nhập khẩu của Pháp. Năm ngoái gần 19 % xuất khẩu thực phẩm chế biến của Pháp hướng về thị trường Trung Quốc, trong khi đó, xe hơi Pháp vẫn không cất cánh nổi tại thị trường rộng lớn này. Về đầu tư nước ngoài vào Pháp, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5 % FDI nhưng vốn Trung Quốc « chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực mang tính chiến lược ». Vậy có thể « tách rời khỏi Trung Quốc » được hay không ?
Tác giả bài tham luận trả lời : Thực tế cho thấy, thị trường nước đông dân nhất địa cầu làm mê hoặc các doanh nghiệp Pháp nói riêng, của phương Tây nói chung. Vả lại ngay chính sách tái dịch chuyển các công xưởng từ Hoa Lục trở về lại nguyên quán còn phải được xét theo những tiêu chuẩn của từng ngành nghề. Không có chuyện vơ đũa cả nắm.
Cuối cùng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, chưa chắc là châu Âu sẵn sàng đón nhận trở lại một số nhà máy đang hoạt động tại Trung Quốc.
Về hai bài báo còn lại trên tờ Le Monde trong loạt bài nói về sự phụ thuộc của phương Tây vào Bắc Kinh, Agnès Verdier Molinié giám đốc IFRAP quỹ nghiên cứu về các vấn đề hành chính và chính sách công của Pháp tìm cách trả lời câu hỏi « liệu chúng ta có quyền làm phật lòng Trung Quốc hay không » khi mà 50 % nợ công của Pháp do nước ngoài kiểm soát, trong đó có cả Trung Quốc. Còn nhà nghiên cứu Isabelle Feng thì chú ý đến trường hợp của tập đoàn điện lực Pháp EDF sa bẫy nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn tình Quảng Đông. Công ty điện lực Pháp vấp phải « văn hóa che đậy của chế độ Trung Quốc ».
Theo RFI