EPACư dân các nước châu Âu hiện đại biết rõ rằng, như câu nói phổ biến trong dân gian, trên đời này có hai điều không thể tránh khỏi - cái chết và thuế má. Có vẻ là tổng kết thông thái này ngày càng trở nên quen thuộc với cả Hàn Quốc. Nhắc nhở về điều đó là dự thảo mới của Luật Thuế, hiện đang được thảo luận tích cực ở đất nước châu Á này.
Hồi cuối năm ngoái tại Hàn Quốc đã diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống. Như thường lệ, đó là cuộc đua tranh giữa hai ứng viên chính - đại diện của cái gọi là "lực lượng cánh hữu bảo thủ" Park Geun-hye và đại diện của cái gọi là "lực lượng tiến bộ" Moon Chae Ying. Tuy nhiên, nếu để qua một bên những chi tiết bề nổi thì sẽ thấy màu sắc chính trị của các ứng viên trong cuộc tranh cử vừa qua không hẳn cố định, vì rằng giữa các chương trình của họ chỉ có sự khác biệt tối thiểu. Cả phái gọi là bảo thủ lẫn bên gọi là cấp tiến đều nhất trí cho rằng Hàn Quốc cần bằng mọi cách phát triển lĩnh vực xã hội và trở thành quốc gia phồn vinh toàn diện.
Đối với những người nước ngoài từng sống nhiều năm ở Hàn Quốc như tác giả của bài viết này, trạng thái tinh thần trên chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Với đa số cư dân Hàn Quốc, hình mẫu cuộc sống lý tưởng không phải là chủ nghĩa tư bản Mỹ đầy cạnh tranh khắc nghiệt, mà là các nước dân chủ-xã hội ở Bắc Âu. Hầu hết người Hàn, kể cả những ai dường như ủng hộ quan điểm hữu khuynh, đều tin rằng trong tương lai Hàn Quốc không nên noi gương Hoa Kỳ, mà là làm sao để giống như Thụy Điển, Đan Mạch.
Ước mơ về một quốc gia phồn vinh và phúc lợi như trên là có thể hiểu được và thậm chí đáng khen ngợi. Tuy nhiên, theo cái nhìn quan sát từ bên ngoài, giấc mơ đó đôi khi có vẻ ngộ nghĩnh. Dễ hiểu là người Hàn Quốc mơ ước về chương trình xã hội rộng rãi, bao gồm cả giáo dục miễn phí, chăm sóc y tế miễn phí, trợ cấp hưu trí dồi dào và những ưu việt tương tự. Tuy nhiên, đồng thời họ lại hiếm hoi đến mức ngạc nhiên đặt ra câu hỏi những chương trình đãi ngộ này sẽ được thanh toán như thế nào. Mà trong khi đó, câu trả lời hoàn toàn rõ ràng – những chương trình đó có thể được tài trợ hoặc nhờ vào hoạt động tích cực xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, hoặc thông qua phương cách tăng thuế. Bởi lẽ các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Hàn Quốc hầu như không đáng kể, đối với đất nước này việc thực thi các chương trình xã hội ưu việt chỉ còn trông vào con đường thứ hai.
Về nguyên tắc, cần vinh danh các chính khách Hàn Quốc: thậm chí cả trong chiến dịch tranh cử, họ cũng không phủ nhận rằng để thực hiện chương trình xã hội đầy hứa hẹn, họ sẽ phải tăng thuế. Dù sao chăng nữa, trước ngưỡng cửa cuộc bầu cử, các ứng viên cố tránh thu hút sự tập trung quá mức của cử tri vào viễn cảnh đáng buồn này. Cộng thêm là kích thước tăng thuế cần thiết luôn đánh giá không hết tầm. Như vậy, tạo cho các cử tri ấn tượng rằng vì những lợi ích xã hội tương lai, cuối cùng chủ chi sẽ là các hãng và tập đoàn. Theo quan niệm của đa số cư dân, các hãng và tập đoàn trong nước có quá nhiều tiền, hoặc giả nếu người trả tiền thuế là những nhà giàu địa phương, thì các cử tri bình thường cũng chẳng mấy ái ngại.
Tuy nhiên, các sự kiện trong những tuần lễ gần đây đã chỉ ra rằng tất cả những tham vọng đó là hoàn toàn vô căn cứ. Quả thực, mức tăng thuế dự trù bây giờ còn khá vừa phải, nhưng rõ ràng đó chỉ là bước khởi đầu. Đáng tiếc là nếu không có đóng thuế, thì cũng chẳng hiện hữu một Nhà nước xã hội lý tưởng như Thụy Điển.
Trong bối cảnh này, không có gì đặc biệt tồi tệ. Cũng chính những người dân Thụy Điển, với cuộc sống khiến không chỉ người Hàn Quốc, mà có lẽ là đa số nhân loại phải ghen tỵ, hiện đang hoàn toàn bình tĩnh sống chung với thuế thu nhập chiếm đến hơn 50% thu nhập của phần lớn dân cư. Về nguyên tắc, một quốc gia phúc lợi toàn diện là cơ cấu hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, cũng như trong bất kỳ thiết chế nào, những giá trị ưu việt vẫn luôn gắn kết chặt chẽ với những hạn chế khiếm khuyết. Mức độ cao về bảo vệ xã hội kết hợp với thuế cao không tránh khỏi dẫn đến giảm xung lực hiệu quả lao động, tới sự xuống cấp chất lượng dịch vụ và điều chính yếu nhất là tới suy giảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế.
Ở đây nảy sinh câu hỏi: Liệu các cư dân Hàn Quốc có sẵn sàng với tăng đột ngột gánh nặng thuế, vốn đã có truyền thống là một trong những mức nhẹ nhàng nhất thế giới? Liệu người dân bình thường của Seoul và Busan có sẵn sàng nộp cho Nhà nước 35-40% tổng thu nhập cá nhân, đổi lấy được nhận giáo dục miễn phí và chăm sóc y tế không mất tiền? Liệu người Hàn có sẵn sàng chấp nhận thực tế là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quen thuộc 10 - 15 năm lại đây, thường đạt 4-5%/năm, bây giờ sẽ giảm xuống bằng tiêu chuẩn châu Âu là 1,5-2%/năm?
Không loại trừ rằng, người Hàn Quốc sẵn lòng chấp thuận sự thỏa hiệp trung bình như vậy. Cũng không loại trừ rằng trong triển vọng dài hạn đó là con đường hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần đi theo con đường đó với đôi mắt mở to: phải hiểu rằng sự bảo trợ xã hội hiệu quả chỉ có thể hiện hữu ở nơi mức thuế đủ cao.
Tiếng nói nước Nga