Như Không? Bút hiệu này gợi cho tôi liên tưởng ngay đến ngôn từ Bát Nhã của nhà Phật. "Sắc bất dị Không. Không bất dị Sắc". Giản dị mà nói: "Có tức là Không. Không tức là Có". Đứng trước cái có, cái không, như không, như có, nhà thơ Như Không đã thể hiện tinh thần Bát Nhã Ba La Mật một cách khá rõ nét:
Mắt không muốn nhìn thì tai không nghe
Đầu không nghĩ tới
Tướng và sắc không cần phải hỏi
Mây khắp bốn trời
Ngửa bàn tay còn không thấy ngón
Người không hiểu
Ta càng không hiểu
Mãn thiên hoa vũ
Trước cũng không
Sau vẫn là không!
--- Không, tr. 77
Một kiểu công án Thiền tân thời mang hình thức lung linh biểu tượng. Người có tâm thiền thường mượn thơ để buông bỏ tất cả, dứt trừ hết khổ ách, chân thực không hư thì sá gì mất hay còn hoăc Mất Và Còn:
Đến không phải là có
Đi không phải là mất
Chằng chịt bao duyên nghiệp
Cõi tạm là sắc không
Còn. Không giữ
Mất. Không tiếc
Duyên còn thì còn nhau
Mất. Cần gì phải biết
Chẳng hiểu Thiền là gì
Sao lòng như đã Phật?
--- tr. 96
Lục bát Thiền của Như Không cũng dạt dào, sinh động, một sức sống tỉnh thức giữa thực tại và mông muội, giữa Sắc và Không:
Thoát thai
Từ cuộc hồng hoang
Hạt mầm mông muội
Bay ngang cõi này
Vô sắc tướng
Không hình hài
Chẳng từng vô thủy
Cõi ngoài hư không
Sắc không
Trôi giữa vô cùng
Buông thôi!
Gọi tiếng thinh không
Trở về
--- Buông, tr. 102
Trở lại trang đầu tập thơ Những Đóa Hoa Tật Nguyền, người đọc nhận thấy ở lứa tuổi của thập niên 1950 nhiều văn nghệ sĩ đã khoát áo nhà binh trong đó có nhà thơ Như Không. Ngay từ bài thơ đầu tiên và rải rác qua những trang thơ, cho thấy tác giả Như Không từng đi lính. Nhưng không phải lính làng, lính lệ mà là lính thứ dữ: Nhảy Dù.
Trong suốt ba mươi năm chiến tranh diễn ra giữa hai miền Nam Bắc, Nhảy Dù là một trong những binh chủng xuất sắc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng gây sợ hãi và tạo nhiều thương vong cho địch quân. Các bạn tôi, những Đàm, Minh, Ngôn, Út… là những chiến sĩ Dù dũng cảm may mắn còn sống sót sau chiến tranh, trừ người bạn học ngày xưa Nguyễn Thành Được, trung úy Pháo Binh Dù đã vì nước hy sinh.
Con cá cần nước để sống, người và thú gần gũi như bạn thì súng đạn chẳng khác nào là bạn của lính. Ngoài mặt trận, súng ống, lưỡi lê, đạn dược, những vật thể vô tri không có mắt mà chí thiết này thật vô cùng hữu dụng. Nó là bạn, là anh em, đồng đội, thậm chí là người tình. Có điều lính thường thì không nói làm gì; còn lính mà dính tới văn chương chữ nghĩa thơ thẩn dàn trời như Như Không thì chữ thơ lại trở thành một loại vũ khí sắc bén đúc bằng chữ có khả năng bắn thẳng vào tâm hồn bạn đọc. Bài Ký Ức Của Một Người Lính là một thí dụ:
Đồi núi Dakto nằm mấy tháng
Da mướt xanh như sắc lá rừng
Chong súng trong hầm chịu pháo bắn
Nghe tiếng depart lạnh sống lưng
Pháo rớt nơi nào đâu biết được
Đồi cao co cụm cả trăm người
Cơn bão thép trùm lên bốn hướng
Coi như ngày mới đẻ… đứt nôi
…
Đêm qua trúng pháo hầm banh nóc
Ghìm súng dưới hào nghe đạn reo
Chết mấy mạng. Thân ta bầm dập
Lên trực thăng cơn sốt rét về theo…
Cũng bài thơ trên, poncho dùng để che mưa che nắng đồng thời cũng để bộc thay người lính ngã xuống:
Ta bỏ lại sau lưng chiến địa
Ngổn ngang như có đá trong lòng
Poncho gói xác bao người chết
Cao điểm rồi đây giữ được không?...
Thơ Như Không sặc mùi chiến chinh, mùi lính, mùi lửa đạn, mùi máu anh em đầm đìa đến nỗi ngay cả căn cứ hỏa lực Thiện Ngôn được bao bọc toàn kẽm gai, mìn bẫy, và gió hú, nơi nhảy dù Như Không trấn đóng, mai vàng cũng không dám nở giữa mùa Xuân chinh chiến:
Đồn anh ở bây giờ
Mai vàng không dám nở
Máu lửa ngày chiến chinh
Phải đâu là chỗ trọ?
Em làm sao đến thăm
Kẽm gai giăng đầu ngõ
Đường đi chôn đầy mìn
Và từng đêm súng nổ
…
Đêm nay đêm hưu chiến
Súng vẫn ghìm trên tay
Đã từng đêm hưu chiến
Rụng rơi nhiều mạng người
Máu anh em đã đổ
Triền miên máu da vàng
Máu anh em vẫn đổ
Đầm đìa máu Việt Nam…
--- Những Đêm Hưu Chiến, tr.60-61
Cũng cần nói thêm, trong chiến tranh Việt Nam, ngoài các căn cứ hỏa lực nổi tiếng như Pleime, Benhet, Delta, Dakto, Tân Cảnh, Hạ Lào, thì căn cứ hỏa lực Thiện Ngôn, tuy ít được biết đến nhưng cũng là một trong những cứ điểm chiến lược khá quan trọng nằm trên Quốc lộ 22 cách Tây Ninh khoảng 33 km về phía Tây Bắc và cách Katum khoảng 20 km phía Tây Nam. Nơi đây, năm 1968 từng xảy ra nhiều cuộc chiến ác liệt.
Lính chiến là lính ở sa trường nhiều hơn ở thành phố. Ở lâu ngoài mặt trận, từ quan đến quân, lính nào cũng có mùi rừng, mùi khét, tóc râu thì lởm chởm như lũ cô hồn sống. Nhưng cứ lao mình trong hòn tên mũi đạn riết cũng có ngày lính trở về thành phố, về dưỡng quân hay về ba ngày phép rồi lại ra trận. Ta đọc ở đây bài thơ Mai Lại Về Rừng, tr. 110, để cảm thương cho thân phận người lính tác chiến:
Vào quán nón sắt vất trong góc
Quân từ xa về còn mùi rừng
Cánh tay rướm máu gai cào xước
Tóc râu lởm chởm lũ cô hồn
Đôi giày trận lắm lem bùn đất
Bao ngày mưa gió tím môi thâm
Ta về phố tóc vương mùi khét
Nhớ lửa rừng xa dội tiếng bom
Hà cớ tiếc đời qua chén rượu
Lòng như cơn gió thoảng bên trời
Ta ngồi bên phố nghe rừng gọi
Mịt mịt đồi xa những xác người
Bia nốc chục chai như nước lạnh
Thương ngày khô khốc giữa rừng sâu
Đoàn quân khát nước đi le lưỡi
Đêm mịt mùng không ánh hỏa châu
Mắc võng khuya nằm nghe pháo bắn
Cú rúc mơ hồ trong bóng sương
Bốn phía đại ngàn cơn gió hú
Tiếng mưa rơi giấc ngủ chập chờn
Mai biết chừng đâu ta bỏ mạng
Dưới đáy hố bom, giữa xó rừng
Cũng có thể xác thân nằm lại
Rừng già vất vưởng một vong linh…
Thi ca là nghệ thuật của ngòi viết có tri thức. Thoát ra ngoài chinh chiến điêu linh, người đọc lại thấy nhà thơ Như Không an nhiên tự tại lặn lội vào đời không cặm bẫy, đạn bom, vượt qua mọi giả hình, giả cảnh để sống thực cho mình và cho đời. Người có tâm thì thơ mới sống thực, ý thơ mới phơi phới trên từng hình tượng, âm thanh và ngôn ngữ.
Ở Những Đóa Hoa Tật Nguyền, ngoài ngôn ngữ mênh mông hạnh phúc lẫn khổ ải trần gian, cũng như về hình tượng được tác giả mượn lịch sử để miêu tả và hào hứng diễn xuất bằng tiểu thuyết võ hiệp, thì âm thanh trong thơ Như Không cũng rạt rào vọng âm không kém.
Thật vậy, động từ trong thơ Như Không "động" một cách bình dị, nhưng tình tứ và thơ mộng. Mùa Xuân là mùa rất động, thường làm rộn cõi người, làm ngây ngất em, nhưng không may lại làm "héo" đi cõi lòng người thơ :
Lòng như cũng héo thêm đôi chút
Cuối mày chi chit vết chân chim
Ta quá cũ chẳng thể nào nói nỗi
Lắc đầu nhìn ta mà Xuân nín thinh
--- Chút Xuân Còn Lại, tr. 22
Ở đời cái gì đã héo mà không rụng không rơi. Ngay cả tình yêu Những Giấc Mơ Hình Cầu cũng vậy, tiếng rơi thật đẹp:
Anh rơi vào em như dòng sông lặng
Đã yên bình chảy suốt mấy mươi năm
Em rơi vào anh. Chiều rơi định mệnh
Hòa tan nhau. Trong suốt đến vô ngần!
--- (tr. 131)
Thơ là nơi trú ngụ của ký ức người. Là nơi chữ nghĩa được trải ra mà thành nghệ thuật thi ca. Chiến tranh trong thơ Như Không toàn thây người máu đổ thịt rơi, còn cảnh đời thì như ma trận không làm sao đương cự nỗi cái cơ cực, đắng cay trước cửa tử cửa sinh. May thay, Những Đóa Hoa Tật Nguyền có chân dung đa sắc, đa dạng, có hạnh phúc, có môi cười, có tình đời của hai người nắn tình yêu thành những tiếng động thật dễ thuơng:
Bên đời tôi róc rách em
Nửa hư nửa thật. Giữa đêm ngỡ ngày
Bên đời em róc rách tôi
Nghe như tiếng vọng cuối trời xa xôi
Giữa đời róc rách từng đôi
Róc ra róc rách… chảy hoài đời nhau.
--- Róc Rách, tr. 34
Bài thơ Chiếc Cầu Chữ Y, tr. 124 cũng dễ thương không kém; cầu mang hình thức của chữ "Yêu" tuy chia ba ngả phù vân, song tình bất tử:
Chiếc cầu hình chữ Y
Chữ "Yêu" cũng bắt đầu như vậy
Em đứng giữa ngả ba cầu, lưỡng lự
Sông chảy đôi dòng
Tình chia bao nhánh
Một đời người biết mấy nẻo phù vân?
Ta đều biết ở Sài Gòn cầu chữ Y nằm từ đường Nguyễn Biểu bắt qua kinh Tàu Hủ và kinh Đôi nối liền quận 5 và quận 8, có ba nhánh tạo thành hình chữ Y-cà-rét tức Y dài. Ở Đà Lạt, Lâm Đồng hay Trà Ôn, Vĩnh Long, Phụng Hiệp, Hậu Giang cũng có cầu chữ Y nhưng ít người biết. Hồi còn đi học ở Sài Gòn, tôi từng đạp xe qua cầu chữ Y, ngang qua lò heo Chánh Hưng dọc theo kinh Tàu Hủ đi thăm cô bạn người Hải Nàm (Cô ấy mất ở Bỉ đã nhiều năm). Và tôi cũng có lần đứng trên cầu chữ Y trên bờ Hồ Xuân Hương, Đà Lạt phồng mũi cố hít… mùi cà phê trong quán Thủy Tạ thoảng hương từ bên kia bờ hồ.
Ngoài ra, Những Đóa Hoa Tật Nguyền còn có những nét đáng yêu khác, như Cầu Vòng Và Em (tr. 23), Em Và Newton (tr. 24), Eureka (tr. 26), Quy Y (tr. 27), Đũa (tr. 97), Mẹ Và Em (tr. 116)…, là một cách nhìn khá cởi mở, tự do và phóng khoáng.
Nhưng mà Những Đóa Hoa Tật Nguyền là hoa gì, lật từng trang sách tôi tìm hoài mà chẳng thấy hoa đâu? Hoa mọc ở cành Nam mà tôi như con chim rả cánh bay tìm biển Bắc? Thì ra những đóa hoa tật nguyền này không phải là những vật thể làm bằng giấy, bằng nhựa hay bằng tinh bột mà tác giả đã làm ra nó bằng ký ức được miêu tả bằng những "biểu tượng tâm linh" nhấp nhô bào ảnh.
Những trận đánh, máu lửa ngày chiến chinh, cơn bão thép, cõi đất dữ, đời lỡ vận, cuộc chia ly Âu Lạc, vun vút tiếng gươm bay, máu đổ Lệ Chi Viên, lạnh một tiếng cười xa xăm, phù hư một thoáng, oan nghiệt cõi đi về, trận đại dịch tràn tới, cơn hồng thủy đỗ về, rừng cạo trọc, sông cạn núi mòn, ma quỷ đảo điên chiều lịch sử, sự kiêu hãnh mù lòa, tiếng người chết nghiến răng, một cuộc mất trinh, trần gian héo rũ, những nỗi đau không đếm hết…
Dưới cái nhìn của Như Không tất cả những biểu tượng tâm linh kia lần lượt trở thành "những đóa hoa tật nguyền". Tuy tật nguyền nhưng những đóa hoa đời không bao giờ héo. Lịch sử cũng vậy, thay vì héo lại sáng bừng lên một vẻ đẹp rưng rưng.
Phan Ni Tấn/Việt Báo
NHƯ KHÔNG sinh năm 1951 tại Quảng Nam. Trong thời chiến là lính Nhảy Dù. Giải ngũ trước 1975 do chiến thương. Tiếp tục đi học lấy bằng cử nhân văn, dạy học nhiều Trung Tâm Ngoại Ngữ tại Sài Gòn.
Tác phẩm đã in:
- Hoàng Nhã Như Không ( thơ, 2012 ). Những Đóa Hoa Tật Nguyền (thơ và truyện ngắn, 2021 ). Góp mặt trong tác phẩm 108 Nhà Văn, Nhà Thơ Giữa Thế Kỷ XX do Nhà Biên Khảo Ngô Nguyên Nghiễm thực hiện, 2020. Góp mặt trong tác phẩm 44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại do nhà thơ Luân Hoán thực hiện, 2021. Bài vở đóng góp cho các tạp chí văn học trong và ngoài nước. Hiện sống, viết, vẽ, dạy học trong nước.