Bản đồ 111 quốc gia tham dự "Thượng đỉnh vì Dân Chủ" (ngày 08-09/12/2021), theo sáng kiến của chính quyền Mỹ (màu hồng trong bản đồ). © wikimedia
Ngày 09 và 10/12/2021 sẽ diễn ra « Thượng đỉnh vì Dân Chủ », theo sáng kiến của Hoa Kỳ, quy tụ hơn 100 nước tham gia. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, cuộc thượng đỉnh nhiều tham vọng này, theo chủ trương ban đầu của tổng thống Joe Biden (vốn là một cam kết chính khi tranh cử), đã buộc phải hạ thấp mục tiêu, trong bối cảnh nền dân chủ bị thách thức tại chính nước Mỹ và nhiều quốc gia dân chủ khác (1).
1/ Sáng kiến «
Thượng đỉnh vì Dân Chủ »
từ đâu ra ? Vì sao nói Thượng đỉnh toàn cầu vì Dân Chủ của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phải hạ thấp mục tiêu ? Mục tiêu tổ chức một thượng đỉnh các nền dân chủ, chống tham nhũng, chống các chế độ độc tài, vì nhân quyền tại các nước dân chủ và những nơi khác, đã được ứng cử viên tổng thống Joe Biden đưa ra hồi đầu năm 2020, trong
một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs (tháng 3 – tháng 4 2020). Vào thời điểm đó, ứng cử viên Biden đã coi tình trạng suy yếu của nền dân chủ toàn cầu là vấn đề cốt lõi. Đắc cử tổng thống, ông Joe Biden không từ bỏ mục tiêu tổ chức một thượng đỉnh quốc tế như vậy ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Theo nhà sử học Maya Kandel (2), chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ, Viện tư vấn độc lập Montaigne (Pháp), bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong quá trình chuẩn bị thượng đỉnh, khi tham vấn các đồng minh, đối tác ở châu Âu và châu Á, đã nhận được « nhiều phản ứng lưỡng lự » về khả năng tham gia vào một dự án quá gần với « một liên minh các nền dân chủ chống lại Trung Quốc ». Tuy nhiên, từ sáng kiến một thượng đỉnh của liên minh các nền dân chủ chống lại các chế độ độc tài, dự án này rút cuộc đã trở thành « Thượng đỉnh vì Dân Chủ » (Summit for Democracy). Việc khẳng định tên gọi này có nghĩa một ý nghĩa đáng kể.
Vẫn theo bà Maya Kandel, một vài ngày trước khi thượng đỉnh diễn ra, lịch trình hội nghị vẫn còn chưa được đúc kết. Những người gần gũi với chính quyền Biden cũng cho biết là không nên chờ đợi quá nhiều vào thượng đỉnh này, và đây chỉ là một bước đệm, hay thượng đỉnh phần một cho một thượng đỉnh phần hai sẽ diễn ra vào năm tới. Hội nghị ngày 09 và 10/12 tới theo hình thức « trực tuyến », thượng đỉnh sang năm mới là cuộc họp mặt « trực tiếp ».
Chủ đề chính của thượng đỉnh phần một lần này là « cuộc khủng hoảng của các nền dân chủ » (3). Thông điệp như vậy là rất rõ ràng: giờ không phải là lúc cổ vũ mạnh mẽ cho dân chủ bên ngoài biên giới, các nền dân chủ phải ưu tiên đối phó trước hết với các khủng hoảng trong nội bộ. Các vấn đề chính sẽ được thảo luận tại hội nghị là « bảo vệ truyền thông tự do, sức bền của các xã hội dân sự », cùng với việc thúc đẩy « cuộc chiến chống tham nhũng », một trục quan trọng khác trong « chính sách đối ngoại mà Joe Biden dự kiến triển khai trong năm tới ».
Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs (tháng 3 – tháng 4 2020), cơ sở cho chính sách đối ngoại, chính sách về dân chủ của Joe Biden, « chống tham nhũng » được coi như vấn đề « có ý nghĩa sống còn với lợi ích quốc gia », bởi « tham nhũng » cũng là con đường mà các thế lực nước ngoài can thiệp nhằm thao túng các xã hội dân chủ.
Ông Joe Biden một mặt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các tập đoàn công nghệ tin học lớn Big Tech trong việc bảo vệ các xã hội dân chủ, bảo vệ quyền tự do ngôn luận, mặt khác lo ngại về « các công cụ thúc đẩy việc giám sát của chính quyền, xâm phạm quyền riêng tư, tạo điều kiện cho đàn áp và dẫn đến sự lan truyền của hận thù, thông tin sai lệch và bạo lực ».
Nhìn chung, chính quyền Biden đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi quyết định tiếp tục tổ chức cuộc Thượng đỉnh vì Dân Chủ, trong bối cảnh hàng loạt vấn đề khiến hình ảnh nước Mỹ đột ngột xấu đi nghiêm trọng, đặc biệt với người biểu tình ủng hộ tổng thống thất cử Donal Trump tấn công Nhà Quốc Hội ngày 06/01/2021 (do tin tưởng gian lận bầu cử khiến kết quả bị đảo ngược), việc ông Trump, bất chấp thất bại trong bầu cử, đã liên tục bác bỏ kết quả cho dù không có bằng chứng gian lận, gây hoài nghi nghiêm trọng trong công luận trong nước, cũng như bên ngoài, đối với định chế dân chủ Mỹ.
2/ Nền dân chủ tại Mỹ có thực sự bị đe dọa ? Sau cuộc tấn công Nhà Quốc Hội Mỹ ngày 06/01, nhiều tranh luận dấy lên tại Washington, về việc có nên duy trì Thượng đỉnh toàn cầu vì Dân Chủ hay không. Một số chuyên gia, như Tom Wright - viện Brookings Institution, khẳng định cuộc tấn công Nhà Quốc Hội của những người ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump càng làm cho việc tổ chức một hội nghị quốc tế vì dân chủ là hết sức cần thiết, cần được tổ chức khẩn cấp, đặc biệt trong bối cảnh các phong trào « dân túy – dân tộc chủ nghĩa » trỗi dậy mạnh mẽ « mang tính xuyên quốc gia, quốc tế ». Ngược lại, một số tác giả như hai chuyên gia James Goldgeier và Bruce Jenleson (cả hai đều làm việc trong chính quyền Clinton và Obama), hồi tháng Giêng 2021, đã nêu ý tưởng nên bỏ thượng đỉnh quốc tế, mà chỉ nên tổ chức một thượng đỉnh « mang tính nội bộ ».
Dù khuyến nghị duy trì hay bỏ, trên thực tế, ba điều tra có uy tín về dân chủ toàn cầu ghi nhận thực trạng suy yếu của nền dân chủ Mỹ, cụ thể trong hai năm 2020, 2021 (ba điều tra nói trên bao gồm Freedom House, Economist Intelligence Unitet của Viện International Institute for Democracy và Electoral Assistance / International IDEA).
Kết quả có thể là khác biệt giữa ba cuộc điều tra, nhưng điểm chung là nước Mỹ « không còn nằm trong số các quốc gia dân chủ nhất thế giới ». Báo cáo của Freedom House xếp nước Mỹ ở hàng thứ 61 trong số các quốc gia dân chủ trên thế giới. Hàng loạt yếu tố, đã có từ lâu, khiến nước Mỹ bị tụt hạng về dân chủ, tuy nhiên tiến trình suy thoái đã gia tốc kể từ năm 2019, đặc biệt với việc phân bổ lại các đơn vị bầu cử, mà Freedom House so sánh với tình hình tại Hungary, Malaysia hay Jordani, việc « chính trị hóa quá trình đề cử và bổ nhiệm các thẩm phán », nhiều bang ra luật gây trở ngại cho việc bỏ phiếu (tổng cộng 17 bang theo báo cáo của Brennan Center - Đại học New York), tình trạng tham nhũng chính trị trở nên đặc biệt trầm trọng dưới thời Donald Trump, các tập đoàn công nghiệp tác động mạnh đến các cuộc tranh cử và nghị trường...
Cũng cần đặt vấn đề sự suy yếu của nền dân chủ Mỹ trong bối cảnh rộng hơn là tình trạng suy yếu nói chung về dân chủ trên toàn cầu. Theo Freedom House, gần 75% dân cư thế giới sống tại một quốc gia mà định chế dân chủ suy yếu trong năm 2020. Xu thế dân chủ suy yếu ảnh hưởng đặc biệt mạnh đến các quốc gia đồng minh và thân cận với chính quyền Mỹ, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Maya Kandel, Viện Montaigne.
3/ Việc tổ chức « Thượng đỉnh vì Dân Chủ » gây bất lợi gì cho Hoa Kỳ và các nước dân chủ ? Việc Thượng đỉnh phải đổi tên từ « Thượng đỉnh của các nền dân chủ », thành « Thượng đỉnh vì Dân Chủ » cho thấy chính quyền Biden và các đồng minh đã hiểu rằng họ sẽ bị rất nhiều chỉ trích nếu nhân danh Dân Chủ. Trong số 111 quốc gia và vùng lãnh thổ được mời tham gia hội nghị, theo Freedom House, có 77 quốc gia được xếp lại « tự do », 31 quốc gia được xếp hạng « phần nào có tự do », và đặc biệt là ba nước không được coi là quốc gia « tự do ».
Trung Quốc và Nga không được mời tham gia thượng đỉnh. Và cho dù thượng đỉnh đã đổi tên, việc chính quyền Mỹ tổ chức một hội nghị về dân chủ, vì dân chủ, nhưng không mời Bắc Kinh và Matxcơva, bị hai cường quốc này coi như một hành động thù địch. Đại sứ hai nước Mỹ - Trung tại Washington ra một thông điệp chung, đăng tải trên tạp chí Mỹ National Interest, ngày 27/11, cực lực lên án sáng kiến của nước Mỹ, mà theo Trung Quốc và Nga, đã độc quyền định nghĩa về dân chủ. Nhiều chuyên gia lo ngại, việc các quốc gia dân chủ tập hợp bàn về dân chủ, nhằm củng cố « nội lực » dân chủ có nguy cơ trở thành cái cớ làm gia tăng đối đầu địa chính trị.
Nhà chính trị học Thomas Pepinsky (Viện Brookings Institution) nhận định sẽ là bất lợi khi thượng đỉnh về dân chủ lấn sân sang lĩnh vực kinh tế hay địa - chính trị. Không để vấn đề dân chủ bị « trộn lẫn » với các lợi ích địa-chính trị cũng là quan điểm của cựu đại sứ Canada Henri-Paul Normandin, Viện Nghiên cứu Quốc tế Montréal, Canada. Nhật báo Anh Financial Times có bài phân tích (của nhà báo Janan Ganesh) nhấn mạnh đến việc tổ chức thượng đỉnh có nguy cơ lợi bất cập hại, với việc tạo cớ để các nền độc tài tấn công phe dân chủ, đặt bên dân chủ vào thế thủ, trong lúc trên thực tế, nền dân chủ xét trên toàn cầu « đã mở rộng phạm vi nhiều hơn hẳn so với năm 1975 ».
Đánh giá sai lầm về tương quan lực lượng có thể gây tâm thế bi quan trong người dân ở chính các quốc gia dân chủ, làm cán cân nghiêng về phía các thế lực mỵ dân, dân tộc chủ nghĩa. Bên cạnh đó, theo Financial Times, điểm quan trọng là « thế đối đầu giữa dân chủ và độc tài không phải là giữa các khối quốc gia, mà bên trong nội bộ từng nước », cho dù có các can thiệp nước ngoài phá hoại các định chế dân chủ tại các quốc gia dân chủ. Cũng như học giả Viện Brookings Institution và cựu đại sứ Canada, bài viết trên báo Anh Financial Times cảnh báo nguy cơ đồng nhất đối đầu dân chủ - độc tài với đối đầu địa – chính trị. Theo Financial Times, loại trừ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, và kể cả Nga, Trung Quốc, khỏi thượng đỉnh vì dân chủ có thể biến lĩnh vực này trở thành chuyện « địa-chính trị », trong khi đây về cơ bản là vấn đề mang tính quốc gia.
4/ Vì sao chính quyền Biden vẫn kiên quyết tổ chức « Thượng đỉnh vì Dân Chủ », bất chấp các bất lợi đã được cảnh báo ? Ý tưởng về tổ chức thượng đỉnh vì dân chủ hay liên minh giữa các nền dân chủ, theo chuyên gia Maya Kandel là một truyền thống lâu đời của Mỹ. Trên thực tế, sáng kiến này đã từng mang lại nhiều kết quả. Trong một bài tổng thuật về vấn đề hồi cuối tháng trước, nhà nghiên cứu Thụy Điển Anders Aslund, làm việc tại Atlantic Council (và International Advisory Council at the Center for Social and Economic Research / CASE), đã điểm lại những điểm lại những thành công, những thất bại của một số sáng kiến tập hợp vì dân chủ, do nước Mỹ thúc đẩy trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt với Thỏa thuận Helsinki năm 1975 giữa các nước NATO và khối Liên Xô, hay sáng kiến Cộng đồng các nền Dân Chủ (Community of Democracies), được công bố tại Ba Lan năm 2000, với 106 khách mời, trong đó có Nga và nhiều quốc gia Ả Rập, theo sáng kiến của cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albrigh và đồng nhiệm Ba Lan.
Trong bài phân tích trên trang mạng của Viện Montaigne, chuyên gia Maya Kandel khẳng định là thượng đỉnh quy tụ các nền dân chủ (bao gồm các nền dân chủ vững vàng cũng như các nền dân chủ bấp bênh) là hoàn toàn cần thiết, vì mục tiêu củng cố dân chủ nói trên, cho dù rất nhiều bất lợi. Bởi chính quyền Biden phải thực thi các cam kết tranh cử. Bởi việc tái khẳng định các giá trị dân chủ trên toàn cầu là cần thiết sau nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump với chủ trương rời bỏ khỏi nhiều cơ chế đa phương, hợp tác quốc tế, đã để trống sân cho các chế độ độc tài (4). Tổ chức Thượng đỉnh vì Dân Chủ này là cần, bởi tìm ra các giải pháp đối phó với khủng hoảng về dân chủ trong nội bộ mỗi quốc gia dân chủ là cấp bách. Điều quan trọng, thượng đỉnh này sẽ là có ích nếu các bên có thể tìm ra được những hình thức hợp tác phù hợp, « hẹp hơn, hiệu quả hơn ».
Theo RFI
___________________
Ghi chú 1/ « Dù Biden thắng, Mỹ không dễ trở thành trụ cột của cơ chế quốc tế đa phương », RFI, ngày 26/10/2021.
2/ Maya Kandel, « Le Sommet pour la démocratie de Biden, un projet en panne d’ambitions ? », Viện Montaigne, ngày 2/12/2021.
3/ Tháng 3/2021, Nhà Trắng công bố bản « Chỉ dẫn
Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời » (Interim National Security Strategic Guidance) đặc biệt nhấn mạnh đến một thách thức sống còn. Đó là các nền dân chủ trên toàn cầu, bao gồm cả nước Mỹ, đang trong tình trạng « bị vây hãm », bị thách thức « từ bên trong », bởi « nạn tham nhũng, bất bình đẳng gia tăng, phân cực xã hội, chủ nghĩa dân túy và các mối đe dọa phi tự do nhắm vào thể chế nhà nước pháp quyền ». Xem thêm « ‘‘Chiến lược An ninh Quốc gia’’ Mỹ: Ưu tiên củng cố dân chủ và siết chặt quan hệ đồng minh », RFI, ngày 05/03/2021.
4/ « Cơ chế đa phương bị xói mòn: Di sản Trump 2017-2020, thách thức với tân tổng thống Mỹ », RFI, ngày 04/11/2020.