Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Konstantin gần Petersburg. Ảnh tư liệu chụp ngày 30/04/2013. AP - Alexei Nikolsky
L’Obs tuần này đăng ảnh tổng thống Nga với dòng tựa « Ba mươi năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, gu-lắc quay lại ». Trong hồ sơ « Chế độ độc tài Putin » gồm 12 trang, tuần báo thiên tả nhận định, nước Nga ngày nay lại rơi vào chủ nghĩa toàn trị. Ông chủ điện Kremlin muốn tại vị cho đến cuối đời, dập tắt tất cả những tiếng nói khác biệt, cai trị một cách thô bạo đất nước rộng lớn nhất thế giới.
Tù nhân chính trị tại Nga nhiều hơn cả những năm cuối Liên XôHôm 23/01/2021, bàng hoàng trước việc Alexei Navalny vừa xuống máy bay là bị tống vào tù, đông đảo người dân Nga xuống đường đòi trả tự do cho nhà đối lập. Các cuộc biểu tình nhanh chóng bị lực lượng an ninh vũ trang tận răng đàn áp, một số đơn vị đặc biệt còn dùng cả vũ khí laser làm lóa mắt. Trên toàn quốc, 11.000 người biểu tình bị bắt, riêng tại Matxcơva là 4.000 người, có người còn bị cảnh sát còn đến tận nhà để giải đi. Họ bị nhận diện bởi những camera đặt trong các tòa nhà vài tháng trước đó, với lý do giám sát việc tôn trọng lệnh phong tỏa trong mùa dịch.
Tờ báo dẫn ra trường hợp anh sinh viên Said-Moukhamd Dzumayev, 21 tuổi, bị lãnh án 5 năm khổ sai chỉ vì đi biểu tình. Anh sẽ ra tù vào năm 2026, khi Vladimir Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ năm theo dự tính của ông ta, và như vậy sẽ lãnh đạo lâu hơn cả Stalin. Dzumayev nằm trong số 420 tù chính trị được tổ chức nhân quyền Memorial liệt kê trong danh sách tháng 11. Memorial ước tính con số thật sự cao gấp ba, nói cách khác, nước Nga ngày nay giam giữ nhiều tù nhân vì lý do chính trị hơn cả những năm sau cùng của Liên Xô cũ.
Người tù nổi tiếng nhất là Alexei Navalny, vừa được Nghị Viện Châu Âu tặng giải Sakharov hôm 02/10/2021, và như để trừng phạt, hai người có trách nhiệm trong Quỹ chống tham nhũng (FBK) của ông là Lilia Tchanycheva và Violeta Goudeva đã bị bắt giữ hôm 09/11, họ có thể lãnh án đến 10 năm tù. Năm 2017, quỹ này đã tiết lộ tài sản của Dimitri Medvedev, người từng thế vai tổng thống cho Putin, trong đó có một vườn nho và lâu đài ở Ý trị giá 81 triệu euro. Năm ngoái, FBK lại phạm tội « khi quân » khi công bố tòa dinh thự vô cùng sang trọng bên bờ Hắc Hải của Vladimir Putin, ước tính có giá trên 1 tỉ euro.
Nếu Lilia và Violeta bị kết án, nên họ sẽ không được ghi trong danh sách sắp tới của Memorial về tù chính trị, vì tổ chức nhân quyền do giải Nobel hòa bình Andrei Sakharov thành lập năm 1989, đã bị chính quyền yêu cầu giải thể.
Sửa Hiến Pháp để làm tổng thống đến năm 84 tuổiTừ giữa năm 2020, chiếc mặt nạ cuối cùng đã rơi xuống. Những án tù nặng nề chỉ vì đi biểu tình, tra tấn tù chính trị, buộc lưu vong các nhà đối lập, đóng cửa những tổ chức bảo vệ nhân quyền hiếm hoi còn hoạt động…Putin muốn đóng lại chương perestroika (đổi mới) và glasnost (minh bạch) cuối thập niên 80 của Mikhail Gorbatchev - một giải Nobel hòa bình khác.
Tổng thống Nga vẫn chưa phải là Stalin, bạo chúa đã làm hàng triệu người chết trong ba thập niên trị vì, chưa thô bạo bằng Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông kiên quyết dập tắt mọi tiếng nói phản biện. Bộ máy đàn áp bắt đầu khởi động từ 2012, hạn chế tối đa quyền biểu tình. Sau đó Kremlin chế ra khái niệm « nhân tố nước ngoài », kiểu như « kẻ thù của nhân dân » thời Lênin năm 1917, rất hiệu quả để đè bẹp xã hội dân sự. Những « nhân tố nước ngoài » này còn bị hạ nhục bằng cách buộc truyền thông phải nêu ra tư cách này mỗi lần nhắc đến họ.
Putin lợi dụng đại dịch Covid để cho trưng cầu dân ý thông qua Hiến Pháp sửa đổi, gian lận một cách thô thiển : có thể bỏ phiếu bất kỳ lúc nào và bất cứ đâu trong vòng một tuần lễ, thùng phiếu không được bảo vệ. Hiến Pháp mới cho phép Putin tiếp tục làm tổng thống thêm 12 năm nữa, đến tận năm 2036, năm ông ta 84 tuổi !
Dựng thành trì pháp lý, tìm cách viết lại lịch sửSau đó một loạt đạo luật được thông qua để khai tử các quyền tự do : trong một số trường hợp biểu tình một người cũng bị cấm, có thể chận Twitter, Facebook, YouTube nếu chỉ trích nhà cầm quyền…Để bảo vệ phe mình vĩnh viễn, một thành trì pháp lý được dựng lên. Các cựu tổng thống được hưởng quyền đặc miễn suốt đời, kể cả đối với những hành động trước và sau nhiệm kỳ, không thể bị câu lưu, thẩm vấn, khám nhà. Khái niệm vu khống được mở rộng đến nỗi không thể tố cáo một quan chức tham nhũng mà không có nguy cơ vào tù, cấm tiết lộ tài sản quan chức.
Khái niệm « nhân tố nước ngoài » không còn dành riêng cho tổ chức mà cả cá nhân. Nhãn này lập tức được dán cho một trong những nhân vật được kính trọng nhất nước Nga : Lev Ponomarev, nhà vật lý học 80 tuổi, từng là chủ tịch ủy ban điều tra của Quốc Hội về âm mưu đảo chính Gorbatchev tháng 8/1991. Một luật ra tháng 7/2021 cấm « so sánh các hành động của Liên Xô và Đức trong Đệ nhị Thế chiến ». Chính quyền nhìn nhận đã có những vụ thảm sát thời cộng sản cũ, nhưng làm mọi cách giảm nhẹ vai trò của cơ quan mật vụ NKVD và sau đó là KGB, xuất thân của nhiều nhà lãnh đạo hiện nay.
Ý định viết lại lịch sử đã khiến nhà sử học Iouri Dimitriev, 65 tuổi trở thành nạn nhân. Ông phát hiện một trong những hố chôn tập thể quy mô nhất thời kỳ đại khủng bố của Stalin 1937-1938, định danh được 6.241 nạn nhân bị NKVD xử bắn. Chính quyền bèn quy cho ông tội quấy nhiễu tình dục và kết án 13 năm tù. Để chống chọi với Kremlin nay chỉ còn tờ báo Novaia Gazeta, nơi nhà báo Anna Politkovskaia từng làm việc (cô bị sát hại năm 2006). May thay, chủ nhiệm tờ báo, Dimitri Mouratov, vừa được tặng giải Nobel Hòa bình hôm 10/12/2021 !
Theo RFI