Người biểu tình kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 bên ngoài nhà hát TCL Chinese Theatre ở Hollywood, Los Angeles, Mỹ, nhân Ngày Nhân quyền Thế giới, 10/12/2021. AP - Damian Dovarganes
Hôm qua, 10/12/2021, nhân ngày Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Hoa Kỳ công bố một loạt danh sách các giới chức, tổ chức thuộc 8 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Miến Điện, bị trừng phạt do các xâm phạm nhân quyền. Tham gia trừng phạt cùng Mỹ có Anh và Canada.
AFP cho biết cụ thể người đứng đầu khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), Erken Tuniyaz, và người tiền nhiệm Shohrat Zakir, bị bộ Tài Chính Hoa Kỳ trừng phạt vì trách nhiệm trong việc giam cầm « hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều người dân thuộc các sắc tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi » tại Tân Cương.
Công ty Trung Quốc SenseTime, chuyên về các kỹ thuật nhận dạng gương mặt, có thể được sử dụng để kiểm soát đám đông, cũng là đối tượng trừng phạt. Theo bộ Tài Chính Mỹ, công nghệ của công ty SenseTime đã được chính quyền Tân Cương sử dụng để kiểm soát cư dân tại khu tự trị. Công ty SenseTime đang chuẩn bị lên sàn chứng khoán tại Hồng Kông ngày 17/12, với hy vọng huy động được 682 triệu euro.
Về loạt trừng phạt hôm qua, bộ Tài Chính Mỹ ra thông cáo khẳng định : « Hành động của chúng tôi hôm nay, với sự phối hợp của Anh và Canada, gửi đi một thông điệp, theo đó các nền dân chủ trên thế giới sẽ hành động chống lại những người sử dụng quyền lực Nhà nước để đàn áp ». Các trừng phạt nói trên của Washington nằm trong khuôn khổ « luật Magnitsky ». Luật mang tên của luật sư Nga Sergueil Magnitsky, biểu tượng của cuộc tranh đấu vì nhân quyền, chống lại các hành động lạm quyền của quan chức nhà nước, qua đời trong nhà tù Nga năm 2009.
Ngoài Trung Quốc, các trừng phạt của Mỹ cũng nhắm vào công ty phim hoạt hình nổi tiếng của Bắc Triều Tiên SEK. Theo bộ Tài Chính Hoa Kỳ, công ty này đã « sử dụng các tổ chức bình phong để lách các trừng phạt quốc tế nhắm vào chính quyền Bình Nhưỡng, lừa dối các định chế tài chính quốc tế ». Bộ trưởng Quốc Phòng Bắc Triều Tiên Ri Yong Gil cũng nằm trong danh sách trừng phạt. Đây là loạt trừng phạt mới đầu tiên đối với Bắc Triều Tiên của chính quyền Biden.
Đại học Nga European Institute Justo bị trừng phạt vì bảo trợ cho hàng trăm công nhân Bắc Triều Tiên sang Nga với tư cách « sinh viên ». Bộ Tài Chính Mỹ cho biết những người lao động này đã mang lại nhiều ngoại tệ để chính quyền Bắc Triều Tiên sử dụng phát triển các chương trình « bất hợp pháp » chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo.
Về Miến Điện, Washington cũng trừng phạt bốn lãnh đạo vùng và ba tổ chức liên quan đến bộ Quốc Phòng, do « tham gia vào các cuộc tấn công của tập đoàn quân sự chống lại nền dân chủ và đàn áp tàn bạo » những người phản kháng.
Loạt trừng phạt được đưa ra vào ngày thứ hai, tức ngày cuối cùng Thượng Đỉnh vì Dân Chủ trực tuyến do Hoa Kỳ tổ chức, với khách mời từ hơn 100 quốc gia.
Theo RFI