Trình diễn xếp hình trong chương trình gala nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 28/06/2021. AP - Ng Han Guan
Tại hội nghị các ngoại trưởng khối G7 được tổ chức ở Liverpool, Anh Quốc, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell, ngày 11/12/2021 nhận định, Trung Quốc giờ đây là một thách thức chiến lược và ý thức hệ.
Chính vì Trung Quốc đã trở thành một thách thức, cả về chiến lược và ý thức hệ, nên theo ông Josep Borrell, Liên Âu “cần phải cảnh giác, hợp lực để bảo đảm, chẳng hạn, tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông”, nơi 40% lượng hàng xuất khẩu của Liên Âu đi qua. Lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu cũng nhấn mạnh, việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông là “rất quan trọng”, là “xương sống” của nền kinh tế châu Âu.
Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị vào hôm qua, G7 cho biết các ngoại trưởng "đã thảo luận về hàng loạt vấn đề và thách thức, chẳng hạn tình hình ở Hồng Kông và Tân Cương, Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan." Các ngoại trưởng G7 cũng bày tỏ "quan ngại" về điều mà họ gọi là "các chính sách kinh tế cưỡng chế" của Trung Quốc.
Trang tin News 24 nhắc lại : Mặc dù Trung Quốc là đối tác lớn nhất của châu Âu về thương mại và hai bên có mối quan hệ kinh tế vững chắc, nhưng đối với Bruxelles, chính phủ Trung Quốc có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền và Bắc Kinh là « một đối thủ mang tính hệ thống ». Vào tháng 11/2021, Ủy Ban Châu Âu đã công bố một chiến lược đầu tư toàn cầu trị giá 340 tỉ đô la, với tên gọi Global Gateway, nhằm củng cố mối quan hệ bền vững với thế giới. Dự án được xem là nhằm tạo đối trọng với sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường – BRI - của Trung Quốc.
Theo RFI