Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc hôm 15/12
Việt Nam sẽ tiếp tục không chọn bên trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong chỉ đạo ngành ngoại giao và nói thêm rằng chính sách đối ngoại của Việt Nam ‘phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết’.
Ông Chính đưa ra phát biểu này hôm 15/12 tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc khai mạc hôm 14/12. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức một Hội nghị chuyên sâu về công tác đối ngoại với quy mô toàn quốc như vậy.
Bên cạnh sự có mặt của ông Chính, hội nghị còn quy tụ giới lãnh đạo chóp bu của Việt Nam bao gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng, phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.
Theo đó, ông Chính một lần nữa nhấn mạnh ‘Việt Nam kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa’. Theo đường lối này, Việt Nam tuân thủ nguyên tắc ‘ba không’, tức là không tham gia liên minh, không theo nước này chống lại nước kia và không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ.
“Tinh thần là chúng ta không ‘chọn bên’ mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển,” ông Chính được Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời nói.
Thủ tướng Chính kêu gọi ngành ngoại giao ‘phải xem lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng’ và ‘phải bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam’.
Ông yêu cầu đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam phải làm sao ‘để bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng tin cậy và yêu mến Việt Nam, hiểu rõ và ủng hộ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam’.
Ông cũng khen ngợi ngành ngoại giao Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chiến lược ‘ngoại giao vaccine’ để tranh thủ nguồn cung vaccine từ nhiều nước trên thế giới, từ đó giúp Việt Nam từ chỗ xuất phát chậm hơn nhiều nước đến nay đã nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tiêm ngừa cao, cũng theo tường thuật của Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
‘Vị thế mới’Trước đó, tại phiên khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu ngành ngoại giao Việt Nam ứng xử với các nước sao cho tương xứng với vị thế mới của đất nước.
“Thế và lực của nước ta trên các tiêu chí quan trọng như kinh tế, dân số, quốc phòng và đối ngoại đã khác nhiều sau 35 năm đổi mới. Đặc biệt, các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, mang tầm chiến lược của Việt Nam đòi hỏi nước ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực,” ông Trọng được Cổng thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời nói.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu cho đối ngoại Việt Nam là ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’ và ‘xác định đúng đối tượng (để đấu tranh), đối tác (để hợp tác), và ‘tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa Việt Nam với các nước’.
“Mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của ta phù hợp với luật pháp quốc tế,” ông Trọng được dẫn lời nói tại hội nghị.
Trên vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, ông Trọng chỉ đạo là ‘phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo’.
Ông Trọng được cho là đã dẫn hình ảnh cây tre Việt Nam ‘mềm mại, nhưng rất kiên cường’ để kêu gọi xây dựng ‘trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam’ – tức là ‘bản lĩnh, kiên định nhưng linh hoạt, sáng tạo’.
Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược với hầu hết các nước lớn trên thế giới như Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Nhật, Ấn Độ, Hàn, Úc … Bang giao với Trung Quốc còn cao hơn một mức là ‘đối tác chiến lược toàn diện’, trong khi bang giao với Mỹ, bất chấp những diễn biến nồng ấm trong thời gian qua, hiện vẫn ở mức ‘đối tác toàn diện’ chứ chưa được ‘đối tác chiến lược’.
Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai nước có quan hệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, và cũng giống như nhiều nước đông nam Á khác, Hà Nội phải tìm cách để không rơi vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường.
Trên trường quốc tế, Việt Nam sắp sửa hết nhiệm kỳ là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đã đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của khối Asean trong năm 2020.
Việt Nam cũng nằm trong số rất ít nước trên thế giới tham gia vào tất cả các hiệp định thương mại tự do với các khối kinh tế lớn trong đó có Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ (tức CPTPP) bao gồm 11 nước trong đó có Nhật, Úc (Mỹ đã rút), Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) với Trung Quốc.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ, cán bộ ngoại giao đã trình bày tham luận nhận định về tình hình chính trị và kinh tế thế giới, thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và đề xuất đường lối cho chính sách đối ngoại của Việt Nam trong tình hình mới.