Cờ của đảng Cộng Sản Trung Quốc và quốc kỳ Trung Quốc bên ngoài Văn phòng của chính quyền Trung ương tại Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 25/11/2020. REUTERS - LAM YIK
Không có ứng cử viên dân chủ nào có cơ hội tham gia ứng cử Nghị Viện Hồng Kông trong cuộc bầu cử Nghị Viện ngày Chủ Nhật 19/12/2021. Thêm một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chế độ « bán dân chủ » tại Hồng Kông hoàn toàn cáo chung. Tiến trình hủy diệt hệ thống chính trị bán dân chủ ở Hồng Kông diễn ra như thế nào, và những bối cảnh nào đã tạo thuận lợi cho tiến trình này ?
Theo nhiều nhà quan sát, tiến trình hủy diệt chế độ « bán dân chủ » tại Hồng Kông có ba khía cạnh nổi bật. Thứ nhất là chấm dứt nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ » (1), thứ hai là cải cách hệ thống bầu cử để gạt bỏ hoàn toàn cơ hội tham gia của phe dân chủ và thứ ba là triệt hạ hoàn toàn các đảng phái đối lập (2). Cuộc « chiến tranh thương mại » Mỹ - Trung là một nhân tố căn bản thúc Bắc Kinh thâu tóm nhanh chóng Hồng Kông trở lại (3). RFI tổng hợp nhận định của chuyên gia về chủ đề này.
***
Luật An ninh Quốc gia : Khởi đầu tiến trình hủy diệt chế độ bán dân chủ ở Hồng Kông Kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997, đặc khu này được hưởng quy chế « tự trị », với một hệ thống chính trị « bán dân chủ », dưới sự lãnh đạo của một chính quyền thân Bắc Kinh. Theo thỏa thuận Anh – Trung Quốc năm 1984, cựu thuộc địa của Anh tiếp tục được hưởng một quy chế pháp lý khác biệt hoàn toàn với Hoa lục trong vòng 50 năm, từ khi trở về với Trung Quốc năm 1997. Bắc Kinh không đợi đến năm 2047, để lấy lại hoàn toàn Hồng Kông, như cam kết.
« Nhất quốc lưỡng chế » (Một quốc gia, hai chế độ) là nguyên tắc được lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) đề ra năm 1983 trong quá trình thương lượng với chính quyền Anh, thời thủ tướng Margaret Thatcher. Nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ » đã bị khai tử với việc áp dụng tại Hồng Kông Luật An ninh Quốc gia mới ngày 01/07/2020.
Luật An ninh Quốc gia do chính quyền trung ương trực tiếp áp dụng với đặc khu Hồng Kông, cho phép trừng phạt bốn tội « ly khai, lật đổ, khủng bố và đồng lõa với nước ngoài ». Những người bị buộc tội có thể bị phạt tù chung thân. Trước Luật này, Bắc Kinh đã nhiều lần mưu toan, thông qua chính quyền đặc khu, áp đặt các quy định nhằm gia tăng kiểm soát, thao túng xã hội Hồng Kông. Mỗi lần như vậy, các lực lượng vì dân chủ ở Hồng Kông đều tổ chức những phong trào phản kháng. Phong trào Dù Vàng năm 2014 là một ví dụ tiêu biểu. Đợt phản kháng lớn cuối cùng là vào nửa sau năm 2019, sau khi chính quyền Hồng Kông mưu toan áp đặt luật dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc xét xử. Cuộc phản kháng kéo dài nhiều tháng trời. Đàn áp dữ dội không khiến phe đòi dân chủ lùi bước. Dự luật này đã bị hủy bỏ. Lần này, chính quyền Trung Quốc đã trực tiếp ra tay với Luật An ninh Quốc gia.
Luật An ninh Quốc gia cho phép Bắc Kinh áp đặt tại Hồng Kông một nhà nước « công an trị », giống như tại Hoa lục. Luật cho phép thành lập tòa án riêng và một lực lượng cảnh sát riêng, để xét xử những người bị cáo buộc theo luật An ninh Quốc gia mới. Nhà Trung Quốc học Chloé Froissart, giáo sư Viện Quốc gia về các Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (INALCO), Paris, trong một hội thảo trực tuyến của Viện Pháp về nghiên cứu Đông Á (IFRAE), hôm 13/12, nhận định là Luật An ninh Quốc gia và các định chế được lập ra nhằm thực thi luật này đã áp đặt một chế độ « công an trị » tại Hồng Kông và « định nghĩa lại Nhà nước pháp quyền là một Nhà nước có chức năng duy trì trật tự xã hội ».
Những bối cảnh thuận lợi nào giúp Bắc Kinh cơ hội ? Mục tiêu thao túng hệ thống chính trị bán dân chủ Hồng Kông, để từng bước bóp nghẹt, của Bắc Kinh là điều được giới quan sát ghi nhận. Tuy nhiên, bước ngoặt quyết định từ một năm rưỡi nay dẫn đến tiến trình hủy diệt chế độ bán dân chủ Hồng Kông là điều hoàn toàn mới. Bắc Kinh đã tận dụng được những điều kiện thuận lợi nào để làm việc này ?
Hai ngày trước cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông 19/12/2021, hoàn toàn bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát, Viện Pháp về nghiên cứu Đông Á (IFRAE), phối hợp với trang mạng chuyên về thời sự chính trị châu Á Asialyst có cuộc thảo luận về chủ đề này. Cuộc thảo luận - được giới thiệu trên trang mạng Pháp ngữ của Asialyst, với tiêu đề « Bầu cử Hồng Kông: Điếm kết cho bước chuyển sang chế độ độc tài trước sự bất lực quốc tế » - đưa ra một số nhận định đáng chú ý.
Thỏa thuận Anh – Trung không có giá trị ràng buộcVề bối cảnh thuận lợi chung, nhà nghiên cứu Guibourg Delamotte (INALCO), chuyên gia về các quan hệ quốc tế ở châu Á, nhấn mạnh đến những « giới hạn của luật pháp quốc tế ». Mặc dù, Anh và Trung Quốc đã có một thỏa thuận về Hồng Kông, để ngỏ khả năng đặc khu này được hưởng quy chế bán tự trị trong 50 năm, nhưng « trong bản tuyên bố chung được đệ nạp lên Liên Hiệp Quốc này không hề có thể thức phân xử » trong trường hợp bất đồng giữa hai bên, và hoàn toàn « dựa vào thiện chí của hai bên ký kết ». Hơn nữa, việc Trung Quốc là một thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có quyền phủ quyết, khiến mọi nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về khủng hoảng Hồng Kông sẽ bị ngăn chặn.
Anh, Hoa Kỳ và một số nước châu Âu có đưa ra một số biện pháp trừng phạt. Luân Đôn và Washington thiết lập lệnh cấm bán các trang thiết bị mà cảnh sát Hồng Kông có thể sử dụng để chống người biểu tình. Hoa Kỳ áp dụng một số biện pháp trừng phạt thương mại. Mỹ, Anh, Canada và Liên Âu ban hành nhiều biện pháp tạo điều kiện tiếp nhận người Hồng Kông phải tị nạn vì tình hình xấu đi tại đặc khu. Cuối năm 2020, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu cho biết Liên Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt một số cá nhân và cơ sở liên quan đến khủng hoảng Hồng Kông.
Theo RFI