Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình khi nhiều người tụ tập trước Tòa án Tối cao ở thủ đô Moscow để phản đối phiên tòa xét xử tổ chức nhân quyền Memorial
Tòa án Tối cao Nga hôm 28/12 đã ra lệnh giải tán tổ chức nhân quyền nổi tiếng nhất của nước này vì vi phạm luật yêu cầu họ phải đăng ký ở dạng đặc vụ nước ngoài, khép lại một năm đàn áp những người chỉ trích chưa từng thấy kể từ thời Liên Xô.
Việc đóng cửa Memorial khép lại một năm mà tiếng nói chỉ trích Điện Kremlin hàng đầu này bị bỏ tù, phong trào chính trị của họ bị cấm và nhiều đồng minh của họ buộc phải chạy trốn. Moscow nói rằng họ chỉ đơn giản thực thi luật pháp để làm thất bại chủ nghĩa cực đoan và che chắn cho đất nước trước ảnh hưởng của nước ngoài.
“Đây là tín hiệu xấu cho thấy xã hội và đất nước chúng ta đang đi sai hướng,” hãng tin TASS dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Memorial, ông Jan Raczynski, nói.
Việc họ bị đóng cửa sẽ làm tăng nguy cơ ‘đàn áp toàn diện’ ở Nga, một trong những luật sư của Memorial, ông Maria Eismont, cho biết trong các phiên xử cuối cùng hôm 28/12.
Memorial đã gọi vụ kiện là ‘có động cơ chính trị’. Hãng tin Interfax dẫn lời một luật sư của họ nói họ sẽ kháng cáo, cả ở Nga và ở Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Được thành lập trong thời kỳ dân chủ hóa ở Liên Xô bởi những người bất đồng chính kiến nổi tiếng trong đó có góa phụ của người đoạt giải Nobel Hòa bình Andrei Sakharov, Memorial ban đầu tập trung ghi lại những tội ác của thời kỳ Stalin.
Nó từng là tổ chức nhân quyền chính ở Nga thông qua hai cuộc chiến tranh ở Chechnya vào những năm 1990, và gần đây đã lên tiếng trước sự đàn áp giới chỉ trích dưới thời Tổng thống Vladimir Putin.
Nhà chức trách đã đưa nhóm này vào danh sách chính thức các ‘đặc vụ nước ngoài’ vào năm 2015, một động thái kéo theo hoạt động của họ bị áp đặt nhiều hạn chế.
Tháng trước, các công tố viên cáo buộc Trung tâm Nhân quyền Memorial ở Moscow, và Memorial Quốc tế, tổ chức mẹ của nó, là ‘vi phạm luật đặc vụ nước ngoài’.
Các công tố viên nói Memorial Quốc tế đã vi phạm các quy định khi không dán nhãn tất cả các ấn phẩm của mình, bao gồm cả các bài đăng trên mạng xã hội. Họ cáo buộc Memorial Quốc tế đặt tại Moscow là dung túng cho chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Phát biểu tại phiên xử cuối cùng hôm 28/12, một công tố viên nhà nước cho biết Memorial đã tổ chức các chiến dịch truyền thông quy mô lớn nhằm làm mất uy tín của chính quyền Nga, theo TASS.
Nhóm này đã phủ nhận bất kỳ vi phạm nghiêm trọng nào và gọi các vụ kiện là ‘mang tính chính trị’. Họ nói các thành viên sẽ tiếp tục công việc ngay cả khi họ bị giải thể.
Tổng thống Putin, vốn từng là điệp viên trong cơ quan an ninh KGB của Liên Xô, mới đây nói rằng Memorial đã bảo vệ các tổ chức mà Nga coi là cực đoan và khủng bố, và rằng họ nêu tên những người cộng tác với Đức Quốc xã trong danh sách nạn nhân bị đàn áp dưới thời Liên Xô.
Theo VOA