Biểu tượng của tổ chức bảo vệ nhân quyền Nga nổi tiếng Memorial, vừa bị tư pháp Nga giải thể cuối tháng 12/2021. © twitter.com/hrc_memorial
Bắc Kinh và Matxcơva tiếp tục triệt hạ nhân nhân quyền trong những ngày cuối năm 2021, đó là nhan đề của xã luận của La Croix, với tựa đề “Các quyền tự do bị đàn áp”. Nhật báo Công Giáo nhấn mạnh là “hai chế độ Trung, Nga đã dồn toàn lực để đè bẹp những người tranh đấu cho tự do”. Ngày 29/12, cảnh sát Hồng Kông tiến hành đợt bố ráp lớn chấm dứt các hoạt động của phương tiện truyền thống độc lập quan trọng cuối cùng, Stand News. Đây là một diễn biến mới của chính sách chung của chính quyền Trung Quốc gạt sang bên lề những người tranh đấu vì dân chủ tại cựu thuộc địa Anh Quốc. Hôm trước đó, Toà án Tối cao Nga đã ra lệnh giải tán tổ chức phi chính phủ Memorial International, một trong những tổ chức xã hội dân sự được tôn trọng nhất đất nước, do nhà tranh đấu Andrei Sakharov, người được trao giải Nobel Hoà bình năm 1975, sáng lập.
Lo sợ của Bắc Kinh, Matxcơva: Khát vọng tư duy độc lập lan tỏa trong xã hộiLa Croix ghi nhận là trong “cả hai trường hợp”, chính quyền Nga và Trung Quốc đều nêu ra các lý do “an ninh quốc gia”. Các cáo buộc thật là “nực cười”, theo La Croix. Và “điều này đặc biệt phản ánh việc các chế độ độc tài này đang trở nên cứng rắn hơn, không chấp nhận bất cứ hình thức đối lập nào”. Các nhà độc tài Tập Cận Bình và Vladimir Putin đều thống nhất trong việc khẳng định “người dân không quan tâm mấy đến tự do, mà điều quan trọng là an ninh và thịnh vượng”. La Croix bác bỏ luận điệu tuyên truyền này, khi khẳng định “các đàn áp tàn khốc mà chính quyền tiến hành cho thấy điều ngược lại. Nhiều người này đang bị trấn áp chính vì họ bày tỏ khát vọng suy nghĩ độc lập, hành động độc lập, phản đối độc lập. Chính bởi vì những khát vọng của họ đang lan tỏa mà họ bị chính quyền buộc phải câm lặng”.
Giải thể Memorial, bước ngoặt lớn của “giai đoạn hậu Xô Viết”
Nhật báo Le Monde dành hồ sơ chính trang nhất và xã luận cho chủ đề hiệp hội nhân quyền Memorial bị chính quyền Nga đàn áp. “Memorial, sự kết liễu của một biểu tượng dân chủ Nga” là tựa trang nhất. Theo Le Monde, quyết định triệt hạ tổ chức Memorial cho thấy chính quyền Putin “cương quyết viết lại lịch sử, và kiểm soát chặt xã hội dân sự”. Bài xã luận của Le Monde mang tựa đề “Memorial bị giải thể, ký ức bị phong tỏa” (Memorial cũng có nghĩa là “hồi ức”).
Theo xã luận Le Monde, “hành trình của tổ chức bảo vệ nhân quyền Memorial, từ hy vọng dân chủ cho đến chỗ bị loại bỏ, cho thấy những biến đổi chính trị của nước Nga trong ba thập niên qua”. Memorial được thành lập vào cuối những năm 1980 trong giai đoạn mở cửa do Gorbatchev thúc đẩy vào thời điểm đó, có sứ mạng đưa ra ánh sáng các đàn áp chính trị dưới thời Liên Xô và cổ vũ cho việc phục hồi danh dự cho các nạn nhân. Sau khi Liên Xô giải thể, Memorial chuyển từ một tổ chức ly khai thành một hiệp hội được công nhận. Memorial đã phục hồi tên tuổi của 3 triệu nạn nhân của các trại tập trung Nga (“gouglag”).
Le Monde nhấn mạnh là nghiên cứu khoa học mà Memorial tiến hành xung đột trực tiếp với quyết tâm của tổng thống Nga kiểm soát cách thuật lại lịch sử quốc gia. Ông Putin đã tiến hành việc viết lại một cách hệ thống lịch sử nước Nga, ca ngợi công lao của nhà độc tài Stalin trong Thế chiến Hai. Theo Le Monde, “việc giải thể Memorial còn hơn cả là một biểu tượng, mà còn là một bước ngoặt của lịch sử nước Nga thời hậu Xô Viết”.
Với nước Nga, năm 2021 mở đầu bằng việc bỏ tù nhà đối lập Navalny, tiếp theo đó là quyết định giải tán phong trào chính trị của nhà đối lập. Và giờ đây, vào dịp cuối năm, đến lượt Memorial. Theo Le Monde, “giai đoạn hậu Liên Xô” dường như đang khép lại, kể từ giờ ký ức của nước Nga đã hoàn toàn bị thao túng bởi một chính quyền bị ám ảnh bởi “những ảo ảnh vĩ đại của quá khứ”.
Theo RFI