logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 30/12/2021 lúc 02:36:41(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
Nguyễn Hưng Quốc (Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn) được biết đến là một nhà phê bình văn học tài ba, nhưng ít ai biết anh ấy còn là một cây bút chính trị luận sắc bén và hàn lâm. Cuốn sách “Những bài viết về chính trị” mà tôi muốn giới thiệu đến các bạn là một minh chứng cho phát biểu đó. Chính trị thường được xem là một đề tài chán phèo, nhưng cuốn sách này có thể thu hút bạn từ trang đầu đến trang cuối.

Cuốn sách thật ra là tập hợp những bài viết đã đăng rải rác trên trang blog tiếng Việt của Đài Tiếng Nói Hoa Kì (VOA) trong chừng 20 năm qua. Đó là những bài luận về văn hoá chính trị, lòng tin và sự tín nhiệm, trí thức và chính trị, độc tài và dân chủ, xã hội dân sự, tính chính trị của ngôn ngữ, và cộng sản và độc tài. Đây không hẳn là những bài bình luận thời sự chính trị, mà là luận về chính trị và văn hoá.


Tất cả bài viết đều bàn về những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Tại sao chỉ Việt Nam? Tại vì, như tác giả tâm sự, Việt Nam là nỗi ám ảnh duy nhứt trong thời gian anh sống ở xứ người. Nhưng sống ở nước ngoài và nhìn về Việt Nam như là một ‘người ngoài cuộc’ lại có cái hay, vì tác giả có thể đối chiếu, so sánh với những nơi khác mà người trong cuộc có lẽ không có được.


Nói là ‘tập hợp’ thì có lẽ bạn đọc nghĩ là nhiều bài, nhưng thật ra chỉ có 7 bài viết mà thôi. Bảy bài viết nhưng dài đến 410 trang. Mặc dù độ dài của bài viết có thể chẳng nói lên điều gì, nhưng với một tác giả như Nguyễn Hưng Quốc, người cẩn thận với chữ nghĩa, thì độ dài đó nói lên nội dung phong phú và phẩm chất của mỗi bài viết.


Thật vậy, bài nào cũng hàm chứa nhiều chất liệu hàn lâm, và được tác giả luận bàn tới nơi tới chốn. Tôi phải nhấn mạnh rằng ở điểm này, bởi tác giả rất khác biệt với những những cây bỉnh bút chuyên nghiệp về chính trị, những người viết nhiều, nhưng họ có vẻ ‘đuối’ khi đến đoạn cuối. Họ có thể có nhiều chứng từ cá nhân hay có nhiều dữ liệu các mối liên hệ cá nhân, nhưng họ không có khả năng rút ra một qui luật của chứng từ và dữ liệu. Còn ở đây, bạn đọc sẽ thấy bài viết nào trong cuốn sách cũng được tác giả lí giải một cách thấu đáo, và khi đọc xong người viết cảm thấy mình như được khai sáng.


Văn hoá chính trị
Cuốn sách được mở đầu bằng bài luận “Văn hoá và chính trị“. Tác giả đặt 2 câu hỏi: (i) tại sao những nước giàu có càng ngày càng giàu, còn những nước nghèo khổ thì càng ngày càng nghèo; và (ii) tại sao có những nước theo thể chế dân chủ tôn trọng nhân quyền, nhưng lại có những nước chọn thể chế toàn trị, độc tài. Tác giả lí giải rằng văn hoá là yếu tố có thể trả lời cho 2 câu hỏi đó. Những công trình nghiên cứu về văn hoá của các học giả lừng danh như Lawrence Harrison và Samuel Huntington được trích dẫn để minh chứng cho vai trò quan trọng của văn hoá trong quá trình phát triển kinh tế và lựa chọn thể chế chính trị của một quốc gia.


Từ văn hoá, tác giả bàn luận về văn hoá chính trị, văn hoá tham nhũng, văn hoá dân chủ, ý thức về quyền lợi quốc gia, kèm theo những dữ liệu và nhận xét rất thú vị. Chẳng hạn như trong phần bàn luận về quyền lực và trách nhiệm, tác giả nhận định rằng:


“Ở Việt Nam, ngược lại với quyền lực, người ta muốn tuyệt đối (độc quyền lãnh đạo), nhưng với trách nhiệm thì người ta muốn chia sẻ (trách nhiệm tập thể). Hậu quả là không ai chịu trách nhiệm về điều gì cả, ngay cả với những sai lầm của chính mình và/hoặc thuộc quyền hạn của mình.”
Tác giả chỉ ra rằng trong lãnh vực chính trị, một phát hiện quan trọng trong thế kỉ 20 là nhân quyền. Dĩ nhiên, nhân quyền ở đây không phải hiểu theo cách hiểu của ông đương kim Thủ tướng Việt Nam, mà quyền được sống, quyền được xét xử một cách công minh, quyền được tự do ngôn luận, và quyền tự do tư tưởng và tín ngưỡng.


Tác giả lí giải rằng một lãnh đạo chính trị tốt cần phải xây dựng cho mình một “tự sự chính trị” (hiểu theo nghĩ “political narrative”). Tự sự là một câu chuyện về nhận thức. Từ nhận thức dẫn đến viễn kiến và sứ mệnh mà chúng ta hay thấy các chính trị gia phương Tây hay phát biểu. Còn ở Việt Nam thì sao? Theo tác giả, ở Việt Nam, thế hệ thứ nhứt của đảng cộng sản trong thời chống Pháp thì họ có khả năng xây dựng tự sự chính trị với những mục tiêu rõ ràng. Để xây dựng tự sự theo cách cộng sản, người ta không ngần ngại dựng nên những câu chuyện như Lê Văn Tám để vận động quần chúng. Người ngoài nhìn vào thì thấy đó là một sự bịa đặt trắng trợn, nhưng với giới học giả thì đó là một tự sự chính trị mà có thể người dựng nên nó không biết hành vi mình có nghĩa gì. Còn ngày nay thì theo tác giả các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản sau này không có khả năng xây dựng tự sự chính trị. Thậm chí có người còn nói không biết 100 năm sau Việt Nam sẽ đạt được XNCH hay chưa! Họ không phác hoạ được một lộ trình cho đất nước trong tương lai.
Trong phần bàn về tánh cách con người, tác giả đề cập đến một số ‘căn bệnh’ văn hoá của người Việt được nhiều người nhắc đến như độc ác, thù hằn, tham lam, hoang tưởng, và khoe khoang. Tác giả thêm rằng hai căn bệnh nguy hiểm hiện nay là tính ích kỉ, giả dối và vô cảm. Nhưng tác giả không chỉ bàn đến những căn bệnh đó ở người Việt nói chung, mà còn minh hoạ bằng những trường hợp tiêu biểu ở giới lãnh đạo. Tác giả nhận định rằng ba căn bệnh mới đó (ích kỉ, giả dối và vô cảm) là những thử thách lớn nhứt của người Việt Nam hiện nay.


Độc tài và dân chủ
Ai trong chúng ta cũng có một chút hiểu biết thế nào là độc tài, và thế nào là dân chủ. Thế nhưng, ít ai trong chúng ta có thể lí giải sự khác biệt giữa hai thể chế này một cách rạch ròi như tác giả qua chương viết về “Độc tài và dân chủ“. Chương này giúp độc giả hiểu biết hơn về dân chủ và điều kiện để có một nền dân chủ.


Độc tài được định nghĩa là “hiện tượng thâu tóm quyền lực vào tay một người hoặc một nhóm người”. Giới chính trị học còn chia độc tài thành 2 loại độc tài: cá nhân độc tài và hệ thống độc tài. Tiêu biểu cho cá nhân độc tài là Adolf Hitler và Mummar Gaddafi, một cá nhân thâu tóm tất cả quyền lực. Hệ thống độc tài bao gồm những chế độ quân chủ, và sau này là xã hội chủ nghĩa (XHCN).


Dù là cá nhân hay hệ thống độc tài, họ đều sử dụng một loại quyền lực khác để biện minh cho sự tồn tại của họ. Các chế độ quân chủ thì dựa vào khái niệm “Thiên mệnh” (quyền lực đến từ thần linh), chế độ Phát xít thì dựa vào qui luật tiến hoá để biện minh cho một sắc tộc thượng đẳng, còn XHCN thì sử dụng ý tưởng thế giới đại đồng, bình đẳng, tự do và hạnh phúc. Nhưng tất cả chế độ độc tài đều tận dụng cách thần thánh hoá lãnh đạo để mị dân, mà theo đó các lãnh đạo đều hoặc là ‘vĩ đại’, hoặc là ‘thiên tài’, hoặc là ‘kính yêu’, hoặc là xuất sắc’, v.v.


Đối nghịch với độc tài là Dân chủ. Nhưng dân chủ là gì? Chữ ‘dân chủ’ như chúng ta biết xuất phát từ tiếng Hi Lạp với 2 thành phần: demos có nghĩa là dân và kratos có nghĩa là cai trị. Dân chủ, democracy (tiếng Anh), được Abraham Lincoln định nghĩa đơn giản và dễ hiểu là:


“Chánh quyền của dân, do dân, và vì dân”.


Triển khai từ định nghĩa đó, dân chủ trước hết là cách tổ chức chánh quyền, mà theo đó chế độ phải được dân bầu một cách tự do và bình đẳng. Trong chế độ dân chủ, Nhà nước chỉ là một bộ phận trong hệ thống bao gồm các thiết chế chính trị, tôn giáo, văn hoá, nghiệp đoàn, thương mại, v.v. và các thiết chế này phải độc lập với Nhà nước. Tất cả các thiết chế này phải hoạt động dựa trên một nguyên tắc: pháp quyền. Pháp quyền gắn liền với các giá trị phổ quát của nhân loại.


Nhưng dân chủ không phải tự nhiên mà có, mà là cả một quá trình phát triển lâu dài. Có 3 quá trình: lịch sử, đấu tranh, và học tập. Khái niệm dân chủ xuất hiện ở Hi Lạp từ 2500 năm trước, thời mà quyền bính thuộc vào giới tu sĩ và quí tộc, và phải qua một quá trình dấu tranh để có được hình thức dân chủ như ngày nay. Nhưng trên hết, dân chủ là một quá trình học tập. Không phải cứ có những thiết chế như Quốc hội, luật pháp, truyền thông là có dân chủ. Nếu các thiết chế đó không có sự tham gia của dân chúng thì không thể xem là dân chủ được. Nhận định về tình hình ở Việt Nam, tác giả tỏ ra bi quan:


“Sinh hoạt xã hội Việt Nam hiện nay cũng không phải là mảnh đất tốt để nuôi dưỡng dân chủ. Luật pháp không rõ ràng, để sống còn người ta phải mánh mung. Xin trường học cho con cái: mánh mung. Xin việc làm: mánh mung. Để tăng lương hoặc thăng chức: mánh mung. Ở đâu cũng cần có mánh mung cả. Thói mánh mung ấy, một mặt giết chết luật pháp, một mặt giết chết cả niềm hi vọng vào dân chủ.”


Phần viết về sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài, theo tôi, cũng là một sự ‘mở mắt’ cho độc giả. Tác giả đưa ra 6 sự khác biệt giữa hai thể chế như sau:


Quyền và bổn phận: dân chủ nhấn mạnh đến quyền (right), độc tài nhấn mạnh vào bổn phận của từng cá nhân;
Bình đẳng và phục tùng: dân chủ dựa và tin vào sự bình đẳng, độc tài xây dựng trên sự vâng phục;
Con người và Nhà nước: dân chủ vinh danh con người, độc tài vinh danh Nhà nước;
Tự do: dân chủ khuyến khích tự do tư tưởng, độc tài đàn áp tự do tư tưởng;
Đa nguyên: dân chủ đề cao tinh thần đa nguyên, độc tài thích sự đồng qui, đồng dạng và đồng nhứt;
Thoả thuận và áp đặt: dân chủ vận hành qua đàm phán và thương thảo, độc tài dùng quyền lực để giải quyết những xung đột.

Điều thú vị là tất cả các thể chế độc tài đều tự nhận (hay mạo nhận) là dân chủ!


Trí thức và chính trị
Một chương trong sách tôi rất tâm đắc là chương “Trí thức và chính trị“. Định nghĩa về trí thức là một chủ đề … không có hồi kết. Tác giả mô tả sự khác biệt về định nghĩa trí thức giữa Việt Nam và phương Tây. Ở Việt Nam, “người ta xem trí thức là những người có ăn học và lao động trí óc“, còn ở phương Tây, học giả Thomas Sowell định nghĩa trí thức là những người làm những việc liên quan đến ý tưởng: “Công việc của một nhà trí thức bắt đầu và kết thúc với ý tưởng.” Và, chiếu theo định nghĩa của Sowell, tác giả nhận thấy “hầu hết những người Việt Nam chúng ta quen gọi là trí thức đều không phải là trí thức, đặc biệt, trí thức công chúng.” Nhưng dĩ nhiên, ngay cả định nghĩa của Sowell cũng không phải là sự đồng thuận sau cùng.


Tôi thích cách tác giả ví von về người trí thức như là những kẻ … vượt biên. ‘Vượt biên’ ở đây hiểu theo nghĩa họ vượt ra ngoài và vượt lên lãnh vực chuyên môn của họ, ra khỏi biên giới của môi trường hoạt động cố hữu, và vượt biên về thái độ:


Những người như Noam Chomsky, Andrei Sakharov, Albert Einstein, v.v. là những nhà khoa học lỗi lạc trong chuyên ngành của họ, nhưng họ còn là những trí thức công chúng hiểu theo nghĩa họ bàn về những vấn đề ngoài chuyên ngành.
Đa số giới khoa học hoạt động trong môi trường cố hữu (như công bố bài báo khoa học, diễn thuyết trong các hội nghị), tức là họ nói với đồng nghiệp trong môi trường khoa học, còn trí thức thì vượt biên khỏi môi trường cố hữu này để nói chuyện với quần chúng. Thay vì xuất hiện trong các diễn đàn khoa học, họ xuất hiện trên màn ảnh tivi, trên báo chí, và blog.
Vượt biên về thái độ ở đây hiểu theo nghĩa họ là những kẻ hoài nghi lành mạnh. Người trí thức “nghi ngờ mọi quyền lực họ trở thành những kẻ phản biện, lúc nào cũng thắc mắc, cũng tra vấn, cũng phản đối.” Họ có khi trở thành cái gai trong con mắt của kẻ cầm quyền, họ là thiểu số trong cộn đồng. Nhưng đó là một lựa chọn của người trí thức, nói như Thi sĩ Vũ Hoàng Chương “Tôi: thù nhân của Số Nhiều.”


Ba sự vượt biên đó định hình một trí thức, và cũng có thể dùng để phân biệt giữa chuyên gia và trí thức. Chuyên gia không vượt biên; trí thức vượt biên. Trí thức là một lựa chọn: “Thông minh là do bẩm sinh. Kiến thức là do thụ đắc. Nhưng trí thức là tự nguyện. Người ta không sinh ra là trí thức, đã đành. Ngay cả khi được học hành chu đáo, người ta cũng không nhất thiết trở thành trí thức để chỉ quanh quẩn mãi với các ý niệm và ý tưởng. Người ta có thể trở thành những nhà thực hành hay thực dụng xuất sắc. Lựa chọn trở thành trí thức là lựa chọn sống chết với ý tưởng. Chỉ với ý tưởng.”


Tác giả đề cập đến mối liên hệ giữa trí thức và độc tài, và chỉ ra rằng mặcdù các nhà độc tài đều tham lam, độc ác, huyễn tưởng, giả dối, nhưng ngạc nhiên thay họ có nhiều trí thức [đúng nghĩa] ngưỡng mộ và hết lòng bệnh vực. Những nhà độc tài như Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông được sự ủng hộ của những trí thức lừng danh như George Bernard Shaw, Andre Gide, Doris Lessing, Jean-Paul Sartre, v.v. Điều bất ngờ đối với tôi là ngay cả danh hoạ Picasso, Bertolt Brecht, và Graham Greene cũng từng ủng hộ Stalin và Mao Trạch Đông!


Tại sao giới trí thức lại ngây thơ và cả tin như thế? Tác giả nghĩ rằng lí do là họ bị nhồi sọ. Nhồi sọ bằng tuyên truyền. Tác giả cho biết đã từng gặp nhiều văn nghệ sĩ ở miền Bắc, và nhận xét rằng “họ gần như tuyệt đối tin tưởng vào giới lãnh đạo và chế độ. Trong các buổi học tập chính trị và văn hoá, họ lắng nghe cán bộ giảng bài như nghe những lời thánh phán. Họ cắm cúi ghi chép rồi về nhà, đọc lại một cách thành kính.” Mà, không phải chỉ ở miền Bắc, ngay cả một số người có học ở nước ngoài cũng tin tưởng vào chế độ. Tác giả viết:


“Lại nhớ, mấy năm đầu sau 1975, một số ‘trí thức‘ Việt kiều ở Pháp về thăm nước rồi viết bài đăng tải trên báo chí ở Paris. Họ khen Việt Nam không tiếc lời. Trong lúc người Việt Nam đói đến xanh xao mặt mũi, họ khen đời sống rất sung túc. Trong lúc cả hàng chục ngàn người bị bắt đi cải tạo và con cái họ không được vào đại học, họ khen “chính quyền cách mạng” thực tâm hoà giải, không có bất cứ một chính sách kỳ thị nào đối với những người thuộc chế độ cũ trước đó. Trong lúc cả hàng triệu người bất chấp nguy hiểm tìm cách vượt biên tìm tự do, họ cho Việt Nam là một quốc gia dân chủ và ao ước một ngày nào đó được về nước sống hẳn (dù trên thực tế, không bao giờ họ về cả!)“


Tác giả trích thơ của Nguyễn Quốc Chánh đúc kết 3 ‘qui luật’ về mối liên hệ giữa thông minh, lương thiện và cộng sản:


Một người thông minh và lương thiện thì không thể cộng sản;
Một người thông minh mà cộng sản thì không thể lương thiện;
Một người lương thiện mà cộng sản thì chắc chắn không thông minh.

Tác giả chỉ ra một nghịch lí trong mối liên quan giữa giới lãnh đạo Việt Nam và trí thức: họ rất chuộng bằng cấp, nhưng họ không che giấu được sự khinh bỉ cố hữu đối với trí thức. Vũ Thư Hiên trong cuốn ‘Đêm giữa ban ngày‘ có đoạn viết về tướng Đinh Đức Thiện (em ruột của Lê Đức Thọ) nói lên sự khinh bỉ của giới lãnh đạo dành cho trí thức:


“Trong cuộc đời không dài Đinh Đức Thiện đã giữ những chức vụ rất quan trọng – bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, Trưởng ban xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí, hàm thượng tướng. Ông ít học. Trình độ học vấn không quá bậc sơ đẳng. Thế nhưng Đinh Đức Thiện khinh trí thức lắm. Ông hạ lệnh cho các kỹ sư điện tính toán thời hạn lắp đặt đường dây cao thế Thái Nguyên – Hà Nội. Họ tính kỹ rồi báo cáo lên Đinh Đức Thiện: không thể dưới hai năm. Ông ta nghe xong liền nổi khùng: ‘Rặt một lũ ăn hại đái nát! Làm chó gì mà mất những hai năm. Tôi mà ra lệnh cho công binh làm ấy à, chỉ hai tháng là cùng. Tính với chả toán, tính như con c… Các anh lúc nào cũng cúi đầu làm theo sách vở của bọn thực dân đế quốc. Vào rừng chặt cây về mà làm cột, mắc điện vào. Là xong. Trí thức với chả trí ngủ!’ Người kể lại chuyện này là một kỹ sư tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật thời Pháp, hôm ấy được nghe Đinh Đức Thiện trực tiếp quát mắng.”


Nhưng ở Việt Nam, không phải chỉ giới lãnh đạo mới ghét trí thức, ngay cả giới trí thức cũng ghét trí thức.

Xã hội dân sự và ngôn ngữ chính trị

Trong chương bàn về “Xã hội dân sự“, tác giả đưa ra định nghĩa thế nào là một xã hội dân sự (civil society) mà trước đây hay được gọi là ‘xã hội công dân’. Tại sao xã hội dân sự quan trọng? Tại vì nó là một nền tảng, một yếu tố cho nền dân chủ. Tác giả trích và phê bình 11 tiêu chí về một xã hội dân sự mà học giả Larry Diamond đề ra:


Người dân có quyền kiểm soát quyền lực của Nhà nước;
Người dân có quyền vạch trần tham nhũng của các giới chức Nhà nước;
Cổ vũ quần chúng tham gia vào sinh hoạt chính trị;
Xiển dương lòng khoan dung, tinh thần thoả hiệp, và tôn trọng sự khác biệt;
Phát triển chương trình giáo dục ý thức công dân trong nhà trường;
Bày tỏ các quan điểm gắn liền với những lợi ích khác nhau trong xã hội;
Diễn đàn đối thoại giữa các bộ lạc, tôn giáo;
Huấn luyện nhà lãnh đạo tương lai;
Cung cấp thông tin cho quần chúng về các vấn đề liên quan đến đời sống công cộng;
Môi giới hoá giải các xung đột; và
Giám sát bầu cử một cách khách quan.

Xã hội dân sự hiểu theo 11 tiêu chí trên đã được hình thành và phát triển mạnh ở miền Nam Việt Nam trong thời VNCH 1954-1975. Thế nhưng sau 1975, khái niệm xã hội nhân sự chỉ mới được đề cập từ giữa thập niên 1980! Vậy mà cho đến nay, tình hình xã hội dân sự ở Việt Nam là một “bức tranh lệch lạc và dang dở”.


Một chương khác cũng thu hút sự chú ý của tôi là “Tính chính trị của ngôn ngữ“. Đây là một chương thuộc vào ‘thế mạnh’ của tác giả vì anh là người rất quan tâm và nghiên cứu sâu về ngôn ngữ dưới góc độ văn hoá. Ngôn ngữ, theo tác giả, có 2 chức năng chánh: một là định danh sự vật, hiện tượng, ý tưởng; và hai là phương tiện giao tiếp xã hội. Do đó, ngôn ngữ có liên quan mật thiết với chính trị.


Tác giả chỉ ra rằng ngôn ngữ nào cũng có tính chính trị, và nó được thể hiện qua 2 góc độ: bản chất của ngôn ngữ và cách ứng xử của ngôn ngữ. Bản chất ngôn ngữ ở đây là khái niệm cấu trúc luận (structuralism) và kí hiệu học (semiotics) mà Ferdinand de Saussure đề cập. Ngôn ngữ cũng hàm chứa giá trị. Chẳng hạn như trong tiếng Việt, chúng ta hay nghĩ rằng chữ “phụ nữ” có âm hưởng lịch sự và trang trọng hơn chữ “đàn bà” (nhưng tác giả chỉ ra rằng chữ “phụ nữ” có nguồn gốc từ chữ Hán và nó không có nghĩa sang trọng như trong tâm thức người Việt. ‘Nữ’ tượng trưng hình người quì, còn ‘Phụ’ chỉ sự lệ thuộc và nhiệm vụ nội trợ.)


Trong các thể chế ở Tàu và Việt Nam, ngôn ngữ được sử dụng như là một phương tiện tuyên truyền. Do đó, đảng cộng sản Tàu sau khi nắm quyền một trong những ưu tiên là chính trị hoá ngôn ngữ. Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao và cũng chính trị hoá ngôn ngữ. Người ta tạo ra một loại ngôn ngữ mới với mục tiêu là quảng bá bản sắc của thể chế mới duy trì sự tồn tại của thể chế. Tôi thấy tác giả phân tích các đặc điểm của ngôn ngữ chính trị mới rất thú vị: thứ nhứt là tách rời các danh xưng gắn liền với chế độ phong kiến hay chế độ trước đó, và thứ hai là làm sang trọng hoá ngôn ngữ bằng cách mượn chữ Hán.


Theo đó, người ta tạo ra những cái tên mới: thay thế chữ “kỳ” (vd Nam kỳ) thời Minh Mạng thành “bộ” (vd Nam Bộ); người đứng đầu nhà nước là “Chủ tịch“, thay vì “Tổng thống“; “lính” thành “chiến sĩ“; v.v. Họ cũng mượn các danh xưng bên Tàu như “bí thư”, “chi bộ”, “chi ủy”, “chính uỷ”, v.v.
Họ còn phân định giữa địch và ta. Chẳng hạn như địch là “giặc lái“, ta là “phi công“; địch là “bồi bút“, ta là “văn nghệ sĩ“; địch là “núp dưới tên“, ta là “nhân danh“; địch là “đầu sỏ“, ta là “lãnh đạo“; v.v.


Để nhồi sọ, người ta dùng nhiều định ngữ hoặc bổ ngữ. Chẳng hạn như khi nói đến lãnh đạo là phải có chữ “vĩ đại“, “thiên tài“, “sáng suốt“. Chẳng hạn như đề cập về đảng thì phải đi kèm với “quang vinh“, “muôn năm”; chiến thắng thì phải “vẻ vang” hay “vang dội“; với lịch sử thì “rực rỡ“; với tranh đấu thì “oanh liệt“; với dân tộc thì “bất khuất“; với chính sách thì “đúng đắn“; với chỉ đạo thì “sâu sát“; với kẻ thù thì “tàn bạo“; với tộc ác thì “dã man“; với âm mưu của kẻ thù thì phải có “tinh vi” hay “hiểm độc“; với chánh quyền địch thì phải có chữ “tay sai” hoặc “bù nhìn“; văn hóa, ở miền Bắc, phải đi liền với chữ “xã hội chủ nghĩa“, ở miền Nam, chữ “suy đồi“. Tác giả nhận xét rằng với các cách kết hợp từ như thế, người cộng sản đã tạo thành vô số các sáo ngữ.


Nhưng ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, còn có hiện tượng “phản ngôn ngữ” (anti-language. Cách phản ngôn ngữ thể hiện qua cách dùng nguyên cả một cụm từ hoặc một từ ghép hoặc một tên riêng của một người hay một địa phương (vd: “Đi gì mà Hà Văn Lâu thế?”), cách dùng chữ ‘vô tư’ rất phổ biến (vd: “Mình vô tư với ta đi / Vô tư nhau chả cần chi nhiều lời“), hiện tượng dùng phụ từ ‘hơi bị’ (vd: “Cô ấy hơi bị hấp dẫn“), và hiện tượng thành ngữ mới (vd “ăn chơi sợ gì mưa rơi“, “chảnh như con cá cảnh“, “chán như con gián“, v.v.) Hiện tượng phản ngôn ngữ thể hiện “một sự phản kháng lại thứ chính trị trên nhưng lại dựa trên một thứ chủ nghĩa hư vô đầy tuyệt vọng.”


Tác giả kết luận “Nói cách khác, nếu việc sử dụng ngôn ngữ trong bộ máy tuyên truyền của đảng và nhà nước Việt Nam mang đầy tính chính trị thì hiện tượng phản-ngôn ngữ đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay cũng có tính chính trị.”


Như tôi đã từng nhận xét trước đây, Nguyễn Hưng Quốc là một tác giả có cách viết văn rất trong sáng và khoa học, đơn giản vì anh là người yêu tiếng Việt, yêu ngôn ngữ. Chọn chữ chính xác. Cấu trúc ý tưởng khúc chiết. Mỗi chương hay bài viết đều được cấu trúc một cách logic: đặt vấn đề, điểm qua các nghiên cứu trước, nhận định, và kết luận. Đó là cách viết rất chuẩn mực trong khoa học mà không phải ai cũng làm được. Nhiều ý tưởng phức tạp được diễn giải bằng một văn phong mà bất cứ ai cũng thấy dễ hiểu. Kết quả là một tác phẩm có sức cuốn hút từ trang đầu đến trang cuối.


Ở Việt Nam ngày nay, chính trị là một đề tài tương đối nhạy cảm, thậm chí nguy hiểm. Chẳng biết từ bao giờ, người Việt bị gieo vào một suy nghĩ là phải tránh xa chính trị vì nó nguy hiểm, mặc dù ai cũng thấy chính trị bàng bạc trong cuộc sống chúng ta. Nhưng qua cuốn sách này, tác giả Nguyễn Hưng Quốc làm cho chúng ta gần gũi hơn với chính trị, thậm chí thấy chính trị học rất thú vị. Cái hay của “Những bài viết về chính trị” là tác giả cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tươi tắn và một cách hiểu mới về chính trị trong bối cảnh Việt Nam, và đó là một đóng góp quan trọng của cuốn sách.

Tác giả Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn, người gốc Quảng Nam, nay là một đồng hương của tôi ở Úc. Tác giả là một ‘fellow’ danh dự của Đại học Victoria (Melbourne), và phụ trách môn tiếng Việt và văn học Việt Nam.
Sách “Những bài viết về chính trị” của Nguyễn Hưng Quốc, do Nhà xuất bản Lotus Media phát hành. Sách gồm 421 trang, kể cả Bảng tra cứu (index), có bán trên amazon với giá 17 USD.
https://www.amazon.com/N...Vietnamese/dp/1087918936

Nguyễn Văn Tuấn


Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.296 giây.