Cuộc gặp giữa ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) và t (T)ổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing tại thủ đô Miến Điện, ngày 12/1/2021, ba tuần trước cuộc đảo chính. © AP - Equipo de prensa del ejército birmano
Trong những ngày cuối cùng của năm 2021, thế giới chấn động với vụ hơn 30 thường dân Miến Điện và nhà hoạt động nhân đạo quốc tế bị thiêu sống tại bang Kayah gần biên giới Thái Lan. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã phải ra thông cáo ngày 29/12/2021 lên án vụ thảm sát. Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền Miến Điện, vụ thảm sát nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trả lời chương trình Fréquence Asie của RFI, ngày 02/01/2021, đại diện của tổ chức phi chính phủ Myanmar Witness cho biết tổ chức này đã tập hợp được hàng nghìn tài liệu cho thấy các đàn áp của tập đoàn quân sự Miến Điện là ngày càng nhiều hơn, càng tàn bạo hơn. Lãnh đạo nhóm điều tra của tổ chức phi chính phủ Myanmar Witness, ông Ben Strick, cho biết cụ thể :
“Chúng tôi đã tập hợp được trong hiện tại hơn 3.900 tài liệu, trong đó có các video cho thấy những gì diễn ra trên thực địa. Từ vụ đảo chính đến nay, chúng tôi ghi nhận ngày càng nhiều hành động bạo lực. Nếu như trong tháng 2, và tháng 3 năm 2021 các vụ tấn công bằng hơi cay, và đôi khi bằng đạn thật chống lại người biểu tình, thì hiện tại, có vô số các cuộc tấn công vào toàn bộ nhiều ngôi làng, rất nhiều nhà bị thiêu rụi hoàn toàn. Hay những vụ người bị tra tấn, bị đốt thành than. Hiện nay, chúng tôi có 270 bằng chứng về việc các vụ hoả hoạn là do phía chính quyền cố tình gây ra, trên cả nước. Riêng con số này đã gây lo ngại !”.
Tổ chức phi chính phủ Myanmar Witness Hpruso là một trong những tổ chức đầu tiên thông báo cụ thể về vụ hơn 30 thường dân bị chết thiêu tại huyện Hpruso, bang Kayah.
Lãnh đạo nhóm điều tra của tổ chức phi chính phủ Myanmar Witness cho biết thêm về tình trạng chiến sự diễn ra dữ dội tại bang Karen, tập đoàn quân sự tấn công thẳng vào các khu dân cư, buộc người dân phải tháo chạy ồ ạt sang Thái Lan.
“Mức độ di tản của các cộng đồng dân cư bắt đầu được ghi nhận ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi đã chứng kiến những cuộc tị nạn lớn, bao gồm cả những người vượt qua biên giới bang Karen để đến Thái Lan. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều cuộc giao tranh nổ ra trong khu vực này giữa quân đội Miến Điện (Tatmadaw) và lực lượng Quân Giải phóng Karen. Chúng tôi đã thấy việc sử dụng pháo hạng nặng và gần đây chúng tôi đã chứng kiến các cuộc không kích. Chúng tôi có bằng chứng rằng đạn pháo rơi sát gần khu vực dân cư. Hàng ngàn người đang cố gắng chạy trốn khỏi vùng chiến sự và có khả năng con số này sẽ tăng lên… Chúng tôi đã thấy nhiều người tị nạn băng qua những con sông chảy siết sang đất Thái Lan, cõng trên lưng những người lớn tuổi, không hề mang theo hành lý gì, chỉ với mỗi bộ quần áo họ đang mặc. Điều này cho thấy mức độ tuyệt vọng của họ về những gì đang diễn ra ở Miến Điện”.
Sau Hoa Kỳ, đến lượt Liên Hiệp Châu Âu ngày 30/12/2021 thông báo ủng hộ việc áp đặt lệnh cấm vận quốc tế về vũ khí đối với Miến Điện và sẵn sàng bổ sung các biện pháp trừng phạt nhắm vào tập đoàn quân sự Miến Điện.
Cuối tháng 12/2021, theo báo mạng đối lập Miến Điện The Irrawaddy, Trung Quốc bàn giao cho Hải quân của tập đoàn quân sự Miến Điện một tàu ngầm tấn công thứ hai, theo một thỏa thuận bí mật được ký kết hồi năm ngoái.
Theo RFI