Bất chấp tình trạng bùng phát dịch COVID-19 trong năm 2021, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vẫn đạt 16,1 tỷ đô la, tăng 15% so với năm trước đó.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa thiết lập một kỷ lục mới, đạt mức 111,56 tỷ đô la vào năm 2021, tăng gần 21 tỷ đô la so với năm trước, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Với cột mốc kỷ lục mới này, Mỹ trở thành đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam đạt mức kim ngạch trên 100 tỷ đô la, chỉ sau Trung Quốc.
Năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 25% lên gần 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hoa Kỳ, đứng đầu là máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 17,82 tỷ đô la, tăng 46%; kế đó là hàng dệt may, đạt 16,1 tỷ đô la, tăng 15%; máy vi tính, điện tử và linh kiện đạt 12,76 tỷ đô la; tăng 23%. Ngoài ra, các thiết bị cầm tay và linh kiện, giày dép, gỗ và sản phẩm bằng gỗ cũng đạt mức tăng cao.
Trong khi đó, về nhập khẩu, Việt Nam năm 2021 nhập khẩu gần 15,27 tỷ đô la hàng hóa từ Mỹ, tăng 11,4% so với năm 2020 và chiếm 4,6% kim ngạch cả nước.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy vi tính, điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng.
Vào đầu tháng 1 năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố rằng Việt Nam “quyết giảm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ” sau khi Washington gắn nhãn Việt Nam (cùng với Thuỵ Sỹ) là nước “theo túng tiền tệ” vào tháng 12/2020, dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Đến tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden nói không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ như đã nêu trong “Báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ” trước đó.
Theo VOA