Ba nhà báo và blogger của RFA hiện đang bị bỏ tù gồm: Nguyễn Văn Hóa, Trương Duy Nhất và Nguyễn Tường Thụy.
Theo thống kê của Human Rights Watch, Việt Nam hiện vẫn giam giữ ít nhất 145 người vì dám lên tiếng đòi thực thi các quyền cơ bản ôn hoà. Ít nhất 31 người đã bị kết án tù trong năm 2021 vì bày tỏ ý kiến ôn hoà của mình trên mạng trái với quan điểm của Chính phủ.
Tết tù và Tết nhàÔng Huỳnh Anh Khoa (Facebooker Nino Huỳnh), người vừa mãn hạn tù hôm 13 tháng 9 năm 2021, cho RFA biết tâm trạng khi lần đầu đón Tết cùng gia đình sau khi được trả tự do:
“Cái Tết đầu tiên của mình, cũng như các phạm nhân khác chứ không riêng tù nhân chính trị, được ra trước Tết đoàn tụ cùng gia đình thì ai cũng vui. Về cảm xúc cá nhân thì như người ta nói bên ngoài này là nhà tù lớn, nhưng dù sao cũng thoải mái hơn môi trường trong kia khi phải xa gia đình vợ con của mình. Mùa Tết năm ngoái mình ở trong đó trúng thời gian mình được chuyển từ trại tạm giam sang trại trung chuyển Bố Lá nên đỡ ngột ngạt hơn bên quận Tám. Bên quận Tám buồng giam ba người nhỏ, tù túng... mình không được biết thông tin gì bên ngoài gia đình nên chật vật về tinh thần lắm.”
Ông Huỳnh Anh Khoa bị kết án 15 tháng tù giam với cáo buộc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Ở trại tạm giam thì tiêu chuẩn ăn kém hơn. Còn trong các nhà tù khác thì thuận lợi hơn. Nhưng nói chung trong những ngày Tết thì tù nhân cũng trông chờ để cải thiện bữa ăn.
-Luật sư Nguyễn Văn ĐàiLuật sư Nguyễn Văn Đài, vì cổ vũ nhân quyền mà hai lần bị tù giam ở Việt Nam trước khi sang Đức định cư, khi trả lời RFA hôm 25/1 cho biết về chế độ của trại giam vào dịp Tết:
“Đối với nhà tù CSVN thì vào ngày lễ Tết họ cho tăng tiêu chuẩn ăn từ năm đến sáu lần, cũng có một chút giò, chút thịt bò, mỗi người một cái bánh chưng... Nhưng ở trại tạm giam thì tiêu chuẩn ăn kém hơn. Còn trong các nhà tù khác thì thuận lợi hơn. Nhưng nói chung trong những ngày Tết thì tù nhân cũng trông chờ để cải thiện bữa ăn. Còn những tù nhân có gia đình thăm nuôi thì họ cũng không trông chờ ngày Tết.”
Không được thăm nuôiÔng Trần Huỳnh Duy Thức, một tù nhân chính trị, hiện đang thụ án tại trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An. Đây đã là năm thứ 12 ông ở trong tù.
Ông Thức bị bắt vào năm 2009 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông Trần Huỳnh Duy Thức sau đó bị kết án 16 năm tù giam. Cùng vụ án với ông còn các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung, cả ba người đều đã ra tù.
Trả lời RFA hôm 25/1 từ Sài Gòn, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, cho biết:
“Cho đến ngày hôm nay thì gia đình vẫn chưa được đi thăm anh Thức vì dịch bệnh nên trại giam không cho thăm. Nhưng trong đợt dịch thì anh Thức được gọi về hai năm một tháng. Trong đó thì sức khỏa của anh Thức cũng tạm ổn. Hiện cũng chưa có thông tin gì mới hơn.”
Cô Trương Thục Đoan, con gái của tù chính trị/RFA blogger Trương Duy Nhất, hiện đang ở Canada, hôm 25/1 cho biết sức khỏe của ba cô trong trại giam hiện không tốt:
“Từ tháng 5 năm 2021 đến nay do dịch bệnh nên trại giam dừng việc thăm gặp. Mỗi tháng, ba được điện thoại về nhà 10 phút. Ba cho biết đã được tiêm vắc-xin. Về sức khoẻ, những ngày trời trở, bệnh thoát vị đĩa đệm và viêm mũi dị ứng tái phát, đau nhức ê ẩm.”
Ông Trương Duy Nhất bị bắt lần đầu vào năm 2013. Ông từng là một phóng viên báo Nhà nước nhưng bỏ ra ngoài và lập một trang blog của riêng ông có tên “Góc Nhìn Khác’. Cáo buộc mà cơ quan chức năng ghép cho ông lúc đó là ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân’ theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Ông bị tuyên án hai năm tù.
Sau khi ra tù vào năm 2015, ông tiếp tục viết blog và đóng góp bài cho mục Blog của Đài Á Châu Tự Do. Vào tháng một năm 2019, khi đang có mặt tại Bangkok, Thái Lan để xin quy chế tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, ông bị mật vụ Việt Nam bắt cóc đưa về trong nước. Lần này ông bị cáo buộc tội ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ theo Điều 356, Bộ Luật Hình sự năm 2015, và bị tuyên án 10 năm tù.
Hình minh hoạ: Bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai và bà Nguyễn Thị Tâm, những nhà hoạt động về đất đai bị chính quyền Việt Nam giam giữ. Photo: RFA Edited.
Anh Nguyễn Văn Hóa, sinh năm 1995, là phóng viên của Đài Á Châu Tự Do bị bắt khi đang ghi hình người dân đi nộp đơn kiện công ty Formosa hồi năm 2017. Anh Hóa bị tuyên án bảy năm tù giam và đang bị giam ở trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam. Bà Nguyễn Thị Huệ, chị ruột tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, khi trả lời RFA mới đây, cho biết:
“Từ lúc bị dịch tới giờ thì Hóa viết thư về cho biết trại đã ngưng không cho thăm gặp. Em cũng cho biết thời gian này rất hay bị cảm cúm, ho, sổ mũi, đau đầu… Nói chung sức khỏe rất là sa sút. Với là trong thời gian đại dịch này thì tinh thần cũng không an tâm, ở ngoài thì lo cho người thân ở trong, mà ở trong thì cũng rất là lo cho người thân ở ngoài, rất là khó khăn!”
Hôm trước Anh gọi nói Tết đừng lên thăm vì nó không cho gởi quà vô, chỉ cho gặp qua tấm kính, nên kêu ở nhà nghe điện thoại ổn là được... ra Tết nó cho gặp cả con thì đi.
-Nguyễn Thị ChâuChị Nguyễn Thị Châu, vợ tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 25/1 rằng trại giam không cho gửi quà Tết:
“Chồng em vẫn đang bị giam ở trại Xuân Lộc. Em được thăm lần cuối là tháng 12 năm 2020. Hôm trước anh gọi nói Tết đừng lên thăm vì nó không cho gởi quà vô, chỉ cho gặp qua tấm kính, nên kêu ở nhà nghe điện thoại ổn là được... ra Tết nó cho gặp cả con thì đi. Anh Ánh cùng sáu người trong đó hay đấu tranh là nhà báo Phạm Chí Dũng, anh Cương, Huỳnh Đức Thanh Bình, Nguyễn Văn Đức Độ... thì cũng bị trại giam đối xử khắc nghiệt như nhau, chứ không được như tù nhân khác. Vì ở trong ấy các anh hay đòi quyền này kia, đòi trại phải làm đúng luật... nên nó không cho ra nắng, đá banh... như những tù nhân khác.”
Kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre hôm 6/6/2019 tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc tội làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, theo điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.
Vẫn không có tin tức người thânDù trại giam cấm thăm gặp do dịch COVID-19, nhưng một số trại giam vẫn cho tù nhân lương tâm gọi điện thoại về gia định ít nhất mỗi tháng một lần. Trong khi đó một số gia đình tù nhân chính trị vẫn không có tin tức gì từ người thân.
Đơn cử như trường hợp cô Đỗ Thị Thu, vợ tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương. Cô Thu nói với RFA rằng kể từ khi phiên tòa xử chồng, mẹ chồng là bà Cấn Thị Thêu và em chồng là Trịnh Bá Tư... thì cô và gia đình không được nhận bất cứ thông tin gì từ chính quyền để có thể thăm gặp:
“Chồng cháu thì kể từ phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án Hà Nội ngày 15/12/2021 thì cháu chỉ nhận thông tin là chồng cháu đã kháng án, còn vẫn không có thông tin chồng cháu bị giam ở đâu. Còn đối với mẹ cháu và em Trịnh Bá Tư thì cũng từ phiên toà phúc thẩm ở Hòa Bình ngày 24/12/2021 đến nay cũng không có thông tin gì ạ.”
Một trường hợp khác là tù chính trị - Mục sư Nguyễn Trung Tôn, được thân nhân nói là sức khỏe đang suy kiệt nhưng không được điều trị đầy đủ, đúng bệnh. Bà Nguyễn Thị Lành, vợ Mục sư Nguyễn Trung Tôn xác nhận với RFA như vừa nêu vào ngày 25/1/2022:
“Tình hình sức khỏe Mục sư rất yếu, trước khi bị bắt đã bị mật vụ an ninh đánh, đến ngày hôm nay thì vào trại đâu được điều trị như bên ngoài. Gia đình gởi thuốc vào thì cái nào trại cho uống thì được uống, cái nào không cho uống thì mình phải chịu... Hai năm nay đã bị chuyển vào trại Gia Trung - Gia Lai cách nhà tôi tới 1.000 cây số.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, trong ba năm trở lại đây, chính sách của Việt Nam đối với tù nhân lương tâm thay đổi rất nhiều, muốn giam giữ lâu để trừng phạt và răn đe:
“Trước năm 2019, những tù nhân lương tâm có nhu cầu đi nước ngoài và được nước ngoài chấp thuận thì Việt Nam sẽ trả tự do cho đi ngay. Nhưng từ năm 2020, họ thay đổi chính sách, họ muốn giam giữ những người chống lại họ để trừng phạt. Thứ hai là họ muốn răn đe những người chưa bị bắt, để họ sợ và thối lui. Ngoài ra thời kỳ tôi bị giam thì không thấy ai bị đánh đập, nhưng ba năm trở lại đây nhiều người đã tố cáo bị đánh đập khi giam giữ điều tra.”
Dù chỉ là một vài trường hợp tù nhân lương tâm trong số hơn cả trăm người bị nhà cầm quyền Hà Nội bỏ tù vì đã lên tiếng cho tự do, dân chủ... nhưng cũng có thể thấy rõ tình cảnh bị đối xử khắc nghiệt của tù nhân chính trị trong nhà tù cộng sản Việt Nam.
Theo RFA