Anh mở đầu cuộc chuyện trò với ông cụ bằng giọng nói nghe ra hớn hở:
- Có người muốn xin mèo nhà mình về nuôi, bố ạ. Vậy con đưa hai đứa Xuân, Hạ sang nhà người ta và giữ lại Thu, Đông mà thôi.
- Anh tìm hiểu kỹ người nhận chưa mà đem cho đấy?
- Bố yên tâm. Con làm cán sự xã hội cho bà cụ này cũng đủ lâu. Ghé nhà cụ lần này mới biết ra cô con gái của cụ thích nuôi mèo, mà xin những hai con để chúng bầu bạn.
- Lạ nhỉ! Cô ấy xem ra có sở thích giống anh. Không chừng cũng độc thân như anh?
- Bố mới lạ! Ai lại hỏi như thế khi mới biết nhau?
Ông cụ thường ca cẩm anh con trai nuôi mèo từ một con đến cả đàn, từ đời cụ mèo đến chắt mèo trong khi chuyện vợ con chẳng hề nghĩ đến. Nhiều năm trước đám bạn anh phải tranh nhau mà xin mèo về làm thú cưng. Giờ thì họ không muốn xin nữa vì ngại chăm, hoặc dẫu có muốn chăm thì đã đến lúc chăm cháu nội cháu ngoại chứ không đến lượt thú cưng. Thế là lũ mèo của anh hiện tại còn những bốn con, được cái ông cụ thương anh con trai nên anh có việc đi đâu thì lại cặm cụi cho chúng ăn. Cụ nói xa nói gần:
- Thú cưng chỉ sống một phần đời với ta nên ta đau khổ lắm nếu nó phải ra đi.
Anh nghe bố nói thì lặng yên giây lâu rồi đáp:
- Nếu nghĩ như bố thì ai còn muốn nuôi? Thế bố có nghĩ ngược lại rằng thú cưng đã sống cả cuộc đời với con?
Ông cụ đuối lý. Nói chuyện với anh con trai độc thân xấp xỉ sáu mươi đôi lúc cũng dễ cáu kỉnh, cụ đành kiếm cớ ghé thăm người bạn học cũ hiện đang ở Nhà Già để trút nỗi buồn bực. Người bạn này con cái đã trưởng thành, khi vợ mất thì ông ta quyết định vào ở Nhà Già để không phiền các con. Người bạn luôn đón ông cụ với nụ cười trên môi, lắng nghe những băn khoăn lo lắng của ông cụ về con cái. Đến lúc chào tạm biệt ra về, ông cụ còn trầm ngâm với lời khuyên từ người bạn:
- Ông nhớ tuyệt đối không can thiệp vào công việc của con cái, để chúng tự do thoải mái thì chúng mới ở với mình. Con cái vui mình vui theo còn chúng có chuyện buồn thì mình giữ im lặng.
- Ông nói thế nào ấy chứ thế hệ mình có biết bao kinh nghiệm và vốn sống cần trao truyền.
- Ôi dào lại còn trao với truyền. Này nhé, những thứ ấy của ông chỉ nên để chiêm nghiệm cho bản thân, cùng lắm là biến chúng thành những câu chuyện trào phúng mà tự ngẫm thôi. Giả như muốn chia sẻ, chỉ nên kể những câu chuyện hoài niệm ấy với bạn hữu cùng thời.
Dù nghe không xuôi tai lắm nhưng ông cụ lại có phần nể nang ông bạn già, người đã quyết định sống xa con cháu mà xem ra vẫn an nhiên, tự tại. Riêng bản thân ông cụ, sau khi bà cụ mất thì ông chỉ còn biết sống dựa vào anh con trai và mong mỏi anh yên bề gia thất. Nghĩ đi nghĩ lại, ông cụ thấy điều bạn ông khuyên xem ra hữu lý: chuyện mỗi thời một khác nên không thể đem lý lẽ của mình mà áp dụng cho con cái, đã không những không hiệu quả mà đôi khi còn trái ngược. Chẳng hạn ông cụ thi thoảng đặt câu hỏi khiến anh con trai nhăn nhó:
- Bao giờ con cho bố uống rượu đây? (Ngộ nhỡ con ông cố ý không hiểu mà đối đáp: “Ơ hay, bố uống rượu hằng ngày đấy thôi!” thì có phải ông đâm cụt hứng?)
Hoặc có lúc ông cụ lại nhắc khéo:
- Bạn bè của bố mẹ đều lên chức ông bà rồi đấy! (May là anh chỉ ậm ừ, không trả treo cái kiểu: “Bố mẹ lớn tuổi thì được gọi là ông bà thôi chớ đâu cần phải đợi khi có cháu?” thì chẳng phải ông còn biết nói gì nữa!)
Thực sự, đã có lúc anh con trai nổi bướng mà lập luận rằng chẳng lẽ cứ phải sống trên đời, có chồng hay có vợ và con cái mới là bình thường còn những ai làm khác thì bị xem là bất bình thường hay sao?
Thì ra triết lý về cuộc sống, mạnh người nào người nấy chiêm nghiệm. Trẻ hiểu theo cách của trẻ, già hiểu theo cách của già, không có khuôn mẫu. Ai cũng có cung cách sống riêng, khó ai có thể bỏ đi quan niệm của mình mà tiếp nhận một quan niệm khác.
Một buổi sáng cuối tuần, anh vỗ nhẹ đầu Xuân và Hạ lúc đó đang vờn nhau cuộn len trong khi Thu và Đông lặng lẽ cuộn tròn sưởi nắng:
- Tụi con về nhà mới với mẹ phải ngoan nết nhé.
Đến khi Xuân và Hạ được đặt trong giỏ xách gọn gàng, hai con mèo còn lại đang nằm lim dim bỗng giật mình với tiếng kêu meo meo, vội mở to đôi mắt bi ve và rón rén tiến gần chiếc giỏ, ý chừng không chịu rời xa hai đứa kia. Anh vuốt khẽ từng cái mũi hồng hồng ươn ướt của Thu và Đông mà thầm thì:
- Rồi thỉnh thoảng bố cho đi thăm.
Ông cụ nghe mà mủm mỉm cười, vui lây với mái ấm riêng mà anh con trai đang có với lũ thú cưng. Nhớ khi bảo lãnh được anh con trai duy nhất sang xứ người thì tuổi của anh đã vượt qua tam thập nhi lập. Hòa nhập được với nền văn hóa và ngôn ngữ khác biệt là một thử thách, tìm một công việc phù hợp với năng lực và sở thích đối với anh lại càng khó hơn. Ý thức bổn phận đối với bố mẹ độ tuổi bóng xế khiến anh đành bỏ dở mọi dự tính của một người bình thường. Có những khoảng thời gian anh thấy mông lung chao đảo, lái xe ra ngoài hoặc đi bộ lang thang bất cứ đâu mà không cho bố mẹ biết và họ chỉ cảm thấy thật nhẹ nhõm khi anh còn quay về nhà. Có hôm anh còn lái xe lên tận trường đại học cũ, đứng ngắm nhìn từ ngoài cổng như gác lại giấc mơ còn dang dở. Rồi anh cứ tiếp tục sống phụng dưỡng bố mẹ mà quên rằng chính bản thân mình đang già đi, khó mà tìm một người bạn đời để có thể khỏa lấp nỗi cô đơn dần bủa vây anh. Bỗng dưng một buổi nọ có một chú mèo lạc loài xuất hiện, mon men kết thân mỗi khi anh cho nó ăn. Từ đó trở đi cả người lẫn mèo không còn cảm giác lạnh lẽo nữa, cả hai đều tìm được một thứ hơi ấm mang tên “gia đình” rồi thời gian dần khiến anh quay trở lại được cuộc sống thường nhật.
Nghe tiếng chuông nhấn thì cô con gái như đã chờ sẵn để mở cửa. Cô đã nghe bà cụ nói trước rằng anh sẽ đem tặng hai con mèo. Cô chìa tay cho Xuân và Hạ quen hơi trước khi có thể vuốt ve bộ lông mượt mà của chúng. Từ chỗ rụt rè, gầm gừ nho nhỏ cho đến lúc cảm thấy yên tâm, bọn mèo đã chịu nằm ngoan.
Cô nói với anh như thể phân trần:
- Mẹ tôi mãi mới chịu cho tôi nuôi mèo bởi lẽ cụ thích nuôi gà hơn.
Bà cụ đáp lại con gái:
- Đúng là tôi thích ra vườn xem gà hơn nhưng ngặt cái gà hay bị rù vào mùa lạnh nên tôi đành chiều cô đấy.
Anh hỏi nhỏ cô thế nào là con gà rù. Cô chưa kịp đáp thì bà cụ nghe được bèn trả lời:
- Con gà nào bị rù là xõa cánh sát đất, đứng yên một chỗ, lù đà lù đù, trông như người khoác áo tơi ấy mà.
Một lần nữa anh lại ngẩn người vì kỳ thực anh cũng chẳng rõ chiếc áo tơi ra sao. Bà cụ như đọc được nỗi thắc mắc của anh lại giải thích:
- Thời xưa người ta phải khoác áo tơi để tránh nắng che mưa. Vật liệu áo tơi làm bằng lá cọ khâu chồng thành lớp như kiểu lợp ngói để nước mưa trôi nhanh. Làm xong tấm áo rồi thì tạo dây rút ở cổ nên trông cứng như cái khung quanh người khoác nó.
Lối nói chuyện của bà cụ khiến anh tẩn mẩn gom được khối câu hỏi đem về nhà đánh đố ông cụ:
- Bố có biết “cái cóng” là thứ gì không? Bà cụ nhờ con lấy hộ mà con phải hỏi lại đấy.
- Thì là cái hũ đựng bằng sành miệng rộng có nắp đậy hình trụ chứ gì nữa.
- Vậy bà cụ bảo “hượm đã” nghĩa là sao?
- Tức là “khoan đã”, là “chờ một lát”, là “làm gì mà vội thế” chứ sao?
Rốt cuộc thì bố anh phải gật gù công nhận bà cụ quả là người trữ cả bồ “chữ xưa”. Tuy nhiên, đối với cô con gái của bà cụ thì anh không phải vắt óc mà đoán nghĩa của chữ đâu.
- Cho hỏi chút xíu.
- Cứ hỏi nhiều đi.
Người hỏi, người đáp chuyện đời thường. Cô kể anh nghe về nết ngoan của mỗi đứa mèo, chỉ cái tội chúng bắt đầu biết làm nũng ăn vạ, về đôi chim từ đâu bỗng dưng bay đến kết tổ trên một cái cây ở vườn sau, về một em bé nào đó có thể được mẹ bế hoặc ngồi xe đẩy mà bị tuột rơi chiếc giày bé xíu ngay lối đi bộ trước mặt nhà khiến cô phải treo chiếc giày nơi nhánh hoa giấy nhoài ra đường để mẹ bé dễ thấy nếu muốn tìm lại, v.v… Còn anh kể cô nghe những chuyện vô thưởng vô phạt, hình như chỉ cốt làm cô nhoẻn miệng cười xinh.
- Tôi mà nói xạo thì không xí-lắt-léo cũng xi-cà-que.
Nhắc nhớ lời thề thốt mướt rượt thời trẻ con hay nói với nhau: nếu nói láo mà không bị chết thì cũng bị lọi giò. Têu tếu nhưng sao cũng ghê ghê. Ấy vậy mà các mẩu chuyện xưng hô trống không chẳng đầu chẳng đuôi giữa cô và anh xem ra lại là một tiếu liệu pháp khiến hai người thường cười giòn giã.
Khi những cuối tuần đang trôi về cuối năm cũ để đón Tết sắp đến, anh tạt qua bà cụ và cô thường hơn để xem Xuân và Hạ đã quen với nếp sống mới chưa. Thấy con gái quấn quýt bên mèo, bà cụ chép miệng bảo:
- Lúc trẻ hơn mà cô chịu lấy chồng thì hẳn đã mỏi tay bồng bế.
Bà cụ ví cô con gái như trâu quá sá, mạ quá thì. Trâu không còn thích hợp với việc đồng áng nữa còn mạ thì quá lứa. Ngày trước ở quê bà đến tuổi này bị xem là muộn chồng và mặc định thành “bà cô già”. Cô nghe mà chạnh lòng, đâm giận lẫy miệng đời. Thời buổi này mà thiên hạ còn xét nét quá đỗi. Cô đến sáu mươi tuổi mà chưa lập gia đình thì cũng mặc kệ cô đi.
- Nước trong quá sẽ không có cá, con ạ. Cách nhìn nhận chuyện đời của con chưa uyển chuyển nên chưa có con cá nào dám bơi đến.
- Mẹ cứ nói con phải mở lòng. Con lúc nào cũng mở lòng đấy thôi nhưng đâu phải cứ thế là yêu ngay được ai đó.
Anh bất chợt nhìn ra cô cũng chịu áp lực tương tự như mình. Chuyện cha mẹ già mong con cái đã nhiều tuổi kết hôn là lẽ đương nhiên, nhưng sự mong muốn ấy cũng không thể bằng người trong cuộc. Cha mẹ già quên mất rằng tình yêu phải bắt đầu từ sự cảm nhận của trái tim và rằng có phải ai cũng đạt được điều thỏa nguyện mong ước đâu. Suy cho cùng thì mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình dù khổ đau hay sung sướng bởi vì chẳng ai có thể chịu đựng thay.
Thấy cô ngồi bó gối rầu rầu bên Xuân và Hạ, anh tự hỏi đời này hà cớ chi phải muộn phiền. Tại sao cô phải để tâm trí vào lo âu điều tất nhiên của cuộc đời mà quên lãng bao nhiêu điều tuyệt đẹp bên đời trong khi điểm dừng còn rất ngắn. Cứ ngẫm thế này: đi qua mỗi chặng đường đời, lại thấy phía trước bớt dài, bớt mù mịt, bớt chông chênh; còn nhìn lại phía sau không thấy gì mình phải tiếc nuối, vậy là được. Biết mình chưa đủ thân để thốt lời an ủi cô, song anh vẫn buột miệng:
- Tuổi Dần như tôi bị xem là cao số đấy chứ nhưng tôi thấy có buồn gì đâu, cô ạ!
Bà cụ nghe mà kêu lên kinh ngạc:
- Ơ hay, hóa ra anh cùng tuổi với cô út nhà này, thảo nào mà cả hai độc thân. Đến Tết này cả anh lẫn chị chạm ngưỡng Lục thập hoa giáp rồi đấy.
- Thì ra cụ biết xem cả tuổi. Cụ thử nói tuổi của con ra sao.
- Chuyện! Cứ nhìn con gái tôi thì đoán được tuổi anh thế nào rồi chứ không cần phải nghiên cứu nghiên kiết gì đâu. Này nhé, Nhâm Dần là con hổ từng trải qua khó khăn ở tiền vận. Người tuổi Nhâm Dần mang mệnh Kim bản lĩnh, quyết đoán nhưng xem ra cô độc và bôn ba nhiều đấy. Đường tình duyên của Nhâm Dần đến tuổi này mà còn độc thân thì quả là lận đận, thờ ơ, đúng không nào? Nhưng tin tôi đi, bước sang trung vận thì tình duyên khởi sắc, cuối cùng thì cũng tìm được bến đỗ bình yên, chỉ cần thời gian để kết nối khoảng cách.
Đoạn bà cụ lại nhắc nhở:
- Đến tuổi sáu mươi, phải giữ mồm giữ miệng.
Bà cụ nói một câu mà ẩn hai ý. Cái mồm cái miệng là để ăn để nói. Sống đến tuổi này rồi thì cần ăn uống chừng mực, nếu đổ bệnh thì lấy đâu hưởng phần đời còn lại. Lại thêm không nên nói đại nói bừa mà gây hiềm khích. Vậy thì cả thân lẫn tâm đều phải chú trọng ngang nhau.
- Tôi giục cô ấy cứ đi lấy chồng, không phải lấy cớ bịn rịn mẹ già nữa. Nó mà an yên rồi thì tôi về ở với anh chị lớn của nó là xong. Lại thêm phần tuổi tôi đã đến lúc đi về phía bên kia mặt trời rồi. Bất cứ cái gì tồn tại nguyên vẹn lâu quá chỉ tổ làm cho xã hội trì trệ.
Phàm là người, đến lúc nào đó thì ai cũng chết. Chúng ta là người. Chúng ta cũng sẽ chết. Hỏi rằng ai có thể chối bỏ tam đoạn luận về cuộc sống? Tuy vậy, anh bất ngờ trước những suy nghĩ thực tế của bà cụ. Đối với nhiều người, già đi nghĩa là cái chết đang đến gần. Dẫu biết rằng sinh – tử là quy luật của tự nhiên và không chừa một ai nhưng nhiều người già vẫn sợ phải đối mặt với cái chết. Mới vừa đồng cảm với cô con gái, giờ đây anh lại thương cảm bà cụ. Anh chỉ biết an ủi bâng quơ:
- Vâng, thôi thì trời kêu ai nấy dạ!
- Tôi điếc, gỡ máy trợ thính ra thì chẳng nghe trời gọi mà dạ đâu!
Anh bật cười. Xem ra bà cụ có óc hài hước đó chứ! Giọng nói nhuốm vẻ ưu tư trước đó giây lâu giờ lại hóm hỉnh. Mà nhắc chi mai kia mốt nọ mình sẽ già, câu chuyện đã đến lúc chuyển đề tài:
- Thế năm mới sắp đến hẳn cụ chuẩn bị các thứ để ăn Tết?
- Tôi già rồi, không ăn Tết anh ạ. Chỉ chơi Tết thôi.
Lời cụ nói lại nghe thâm thúy. Cắm rễ nơi xứ người đủ lâu thì Tết hồi ức phần nhiều trở thành Tết cổ tích, xuân hoài niệm trở thành xuân xưa. Dù Tết xứ người dần dần mất đi nhiều phong tục, phôi pha dần cái cảm xúc lâng lâng cho thời điểm cuối năm nhưng anh vẫn bắt gặp Tết luôn đẹp trong ký ức những con người như bà cụ hoặc bố anh.
Bà cụ nhắc đến thú chơi hoa Thủy tiên mà cụ đã phải từ bỏ vài năm nay vì tay run không thể gọt tỉa được nữa. Chỉ mới mường tượng dáng một bà lão nâng niu cái bát thủy tinh có đế vừa được lau chùi tỉ mỉ để chuẩn bị bày Thủy tiên là anh đã thấy lòng mình Tết quá. Lại thêm bà cụ vui ra mặt khi nghe anh nói biết chút ít về thú chơi này. Bà cụ nhờ anh đưa cô con gái đi chọn mua những củ Thủy tiên và chỉ cô gọt tỉa. Thường thì bà cụ hoạt ngôn, nhưng đến khi thấy anh và cô đem về những củ Thủy tiên tròn chắc, vỏ ngoài có vân mỏng màu cánh gián sẫm thì biết anh hẳn là người chơi hoa cầu kỳ nên chỉ yên lặng xem anh làm mà thôi.
Anh chỉ cô cách xác định hướng của mầm hoa để tỉa, bóc vỏ củ đúng mặt, riêng mặt bên kia không gọt để phát triển bình thường. Ôm quanh giò Thủy tiên là khóm lá được xén cẩn thận để tạo dáng cong, chỉ uốn lượn thấp nhằm không che lấp mất hoa. Anh còn nhắc một khi đã cầm con dao gọn bén để gọt tỉa Thủy tiên thì tâm ý phải luôn thận trọng, tỉ mỉ, kẻo cắt phạm vào mầm.
Thấy cô suýt soa với các vết cắt gọt trên giò Thủy tiên, anh trấn an:
- Thủy tiên mạnh mẽ lắm, các vết sẽ lành chỉ sau vài ngày đấy thôi.
Thủy tiên mang vẻ đẹp kiêu sa do tính thuần khiết nên kén nước sạch và trong. Nơi xứ người kiếm đâu ra bể nước mưa mát lành hoặc giếng khơi trong vắt thế nhưng bà cụ có kinh nghiệm thủy dưỡng cho “nàng tiên nước” theo cách của mình. Suốt mùa đông, trừ những ngày mưa đầu mùa trút xuống còn mang theo bụi bặm, còn thì những ngày sau đó cụ chiết nước mưa tinh khiết để dành. Cứ chịu khó mỗi ngày thay nước để củ và rễ luôn sạch sẽ không bị úa màu thì đến lúc ngắm hoa nở mới thấy công sức bỏ ra được đền bù xứng đáng.
Trong lúc cô mơ màng ngắm giò thủy tiên với những mầm hoa hứa hẹn, anh hỏi khẽ:
- Thế cô có biết tại sao Thủy tiên còn được gọi là hoa “đĩa bạc chén vàng” không đấy?
- Tôi nghĩ nhụy hoa vàng rực rỡ trông tựa chiếc chén vàng đặt trên mấy cánh hoa nở vành ngoài trắng muốt như chiếc đĩa con.
- Đúng vậy.
Bà cụ thì ra vẻ hài lòng khi ngắm nghía giò Thủy tiên:
- Anh khéo tay đấy! Kiểu gọt lá dưới, hoa trên đã bị thất truyền khá lâu mà anh lại biết. Ít hôm nữa củ sẽ mọc rễ tua tủa tựa như chùm râu bạc phơ của tiên ông đấy thôi.
- Vâng, tùy cách sáng tạo của người chơi Thủy tiên mà mỗi kiểu dáng đều có biểu tượng, ý nghĩa riêng. Con thì nghĩ khi gọt tỉa cần chú ý sao cho lá uốn thấp, hoa cao nhỉnh hơn và hướng ra tứ phía chứ không cao nhổng như người mới chơi thường gọt.
Chơi hoa thủy tiên nơi xứ người là để nhớ về cố hương. Ngắm hoa mà thấy cả sức sống diệu kỳ trong cái tưởng như mong manh, lặng thầm. Đối với những ai trong tâm thế sống vội thì hòng dễ có được những khoảng khắc tĩnh lặng để thưởng thức vẻ đẹp của một giò Thủy tiên từ hương thơm thanh thoát, hoa trắng muốt tinh khiết, lá xanh mướt, củ để lộ phần vỏ xén như những móng rồng màu trắng sữa cho đến kiểu dáng rễ độc đáo. Người sành chơi còn biết tính toán sao cho thời khắc giao thừa có được những bông hoa Thủy tiên nở viên mãn thì xem đó là duyên lành, điềm may mắn.
- Thế cụ có bao giờ nghe người ta gọi hoa Thủy tiên là Nhã toán?
Lần này bà cụ lắc đầu chịu thua còn anh thì ngầm đắc ý do được bố anh mách nước.
Sáng sớm mưa xuân lất phất ướt nhẹ mặt sân, trưa và chiều hửng khô ráo, thật khéo chiều lòng người. Những lọn gió thơm thoảng mùi hoa Thủy tiên gợi nhớ tách trà nóng xua tan khí lạnh. Bởi bà cụ có tay ướp trà, nhà lúc nào cũng sẵn trà ngon đãi khách. Rải một lượt trà khô cánh nhỏ thì lại rải đến một lượt hoa Thủy tiên, cứ như thế mà đầy ắp cái âu sứ men lam đem từ quê nhà sang. Bà cụ đậy kín với lớp giấy sáp mỏng rồi đem phơi sương đêm, canh lúc vừa bình minh sáng hôm sau thì đem vào. Có như vậy thì hương Thủy tiên hòa lẫn vị đất trời mới len lỏi vào từng cánh trà. Pha trà xong, bà dặn dò trước khi chống gậy dạo quanh vườn:
- Thưởng thức trà thì không thể tùy tiện. Vội vàng thì không cảm nhận được hương vị của trà. Mà chần chừ quá thì trà nguội, phải hâm lại mất ngon.
Anh và cô nâng tách mời nhau. Nhấp ngụm trà ướp Thủy tiên, cô thấy nụ hoa như đang nở trên môi mình tỏa hương nhè nhẹ. Còn anh uống nhẩn nha tách trà mà thấy lửa ấm trong lòng. Trà như thấm đượm nỗi niềm của hai người.
Thời gian bây giờ dường như bay chứ chẳng trôi như trong thi văn mô tả nữa. Con người ta dừng lại, nhìn tới nhìn lui, thấy sao “cái tuổi nó đuổi xuân đi.” Cô chẳng còn trẻ. Cái lứa tuổi nắng thấp nhưng duyên chưa nhạt. Anh thì bạc tóc mà chẳng hề bạc lòng. Gió rét hun hút giật từng cơn như nhắc hai người sắp thêm một tuổi nữa. Gió rét về họ thấy nhức xương nhức cốt đồng đều. Họ tủi thân y chang nhau. “Lục thập nhi nhĩ thuận.” Sắp đón nhận vòng xuân hoa giáp, anh và cô hẳn thấu hiểu sự lý của chuyện đời qua kinh nghiệm bản thân mà cư xử với nhau cho phải lẽ.
Có biết đâu ai đó đang loay hoay một lời ngỏ làm quà sêu Tết mà sao vẫn tắc tị? Thôi đành mượn lũ thú cưng mà nói bóng gió, nói bâng quơ để biết đâu ai khác nghe tỏ.
- Tết sắp đến rồi mẹ của Xuân, Hạ có ưng để tôi và Thu, Đông kết thân cho vui vầy không?
Có những khoảnh khắc yên lặng. Người mở lời tự thấy mình quê. Ủa, cô không tin sao? Bộ coi như chuyện nói chơi rồi bỏ chắc? Sao cô làm khó anh chi vậy? Cô ngó mà không thấu ruột gan anh sao chứ? Lúc này anh cần nắm lấy đôi bàn tay của cô hơn bao giờ hết. Nắm tay cô thật dạn dĩ để đi hết phần đời còn lại của cuộc đời. Nắm tay nhau tận khi quắt khọm thì lúc đó chỉ có thể nhìn nhau móm mém cười mà thôi.
Ý còn ẩn, mà lòng người nghe tan chảy. Dẫu vậy, cô chỉ cười nụ, cho rằng bộ hết chuyện hỏi rồi hay sao. Bỗng dưng cô cũng muốn đưa bàn tay ngón thương ngón nhớ đan xen của mình nắm lấy cái bàn tay vững chãi đã bày cô gọt tỉa loài hoa tiên nước. Nhưng sao vẫn rụt rè. Nhân duyên không tự nhiên mà có nhưng cũng không tự nhiên mà đến. Cô hiểu rằng nếu không biết dưỡng duyên thì nhân lành cũng mất. Hạnh phúc được chia đều thì số phận cũng phải chia đều. Vả lại, có những lựa chọn phải đợi đến phần nốt của cuộc đời mới dám kết luận là mọi thứ đều thuận theo chữ duyên.
Thôi thì đôi bên yên lặng tự hiểu. Liệu Thủy tiên có nở kịp đón xuân để họ mượn mật ngữ của hoa mà mở lòng với nhau?
Trở về nhà, anh lại kể bố nghe chuyện bà cụ gần chín mươi tuổi. Cứ mỗi lần anh chào tạm biệt ra về thì y như rằng bà cụ tiễn anh bằng lời quyến luyến:
- Cậu nhớ nhé, hứa là khách của tôi mãi đấy!
Bà cụ cứ mong anh là khách, thế thì cứ xa lạ hoài sao, anh tự hỏi. Bố anh nghe mà tủm tỉm cười:
- Bà cụ muốn kết tình thân hơn, chỉ tại anh không nhận ra thôi.
Không để con trai phải đợi, ông cụ nói ngay:
- Anh không nghe các cụ ta nói “dâu là con, rể là khách” đó ư?
Anh ngẩn ngơ hồi lâu, đoạn khẽ hỏi:
- Vậy thế ngày xưa bà ngoại con có nói câu đại loại như thế với bố trước khi bố lấy mẹ không?
- Mẹ con mồ côi sớm nên bố chưa gặp mặt bà ngoại.
Lại đến lượt ông cụ hỏi tẩn mẩn:
- Ừ mà cả bà ngoại lẫn bà nội con đều mất sớm thì khi xuống dưới đó không rõ hai bà có rõ mình là thông gia của nhau không nhỉ?
- Bố còn không biết thì con sao biết được? Nhưng ít ra bây giờ bố biết ai sẽ là thông gia của bố đấy chứ.
Ông cụ sửng sốt, chỉ e mình nghe nhầm. Định thần hồi lâu, ông cụ mừng khấp khởi, phải chăng anh con trai nói chuyện về cô mèo hai chân một cách nghiêm túc? Vậy là anh bắt đầu nghĩ đến một người bạn đời cho mình. Ông cụ lẩm bẩm hồn nhiên đủ để nghe một mình: “Ấy bố cứ tưởng nọ nay anh kể chuyện về bà cụ là anh muốn bố gá nghĩa cùng bà cụ cơ chứ. Thôi thì tình riêng không có thì tình thông gia cũng được chứ sao.”
- Mai anh ướm lời với bên ấy để bố qua hầu chuyện cụ bà thông thái.
Sự đời không có gì là bất khả. Chuyện gì cũng có thể tiến nhanh hơn chuyện mở lời. Trong gió xuân mơn man dịu dàng, người ở tuổi xuân hoa giáp tỏ tình chậm, nhẹ. Chậm, nhẹ thế nào thì cũng đừng trù trừ thêm nữa, chàng trai, cô gái ạ! Vòng xuân hoa giáp chỉ đến một lần trong đời mà thôi.
Lạ lùng, đời nay còn có những chuyện cổ tích mùa xuân tưởng không thật mà hóa ra thật không tưởng.
Orchid Thanh L