Chinese President Xi Jinping waves during the opening ceremony of the 2022 Winter Olympics, Friday, Feb. 4, 2022, in Beijing. AP - Anthony Wallace
« Trung Quốc sẽ thực hiện cam kết gửi đến thế giới sự kiện Thế Vận Hội an toàn, hiệu quả và hoành tráng ». Thành công của Thế Vận Hội, theo như lời tuyên bố trên của ông Tập Cận Bình khi tiếp chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế (CIO) Thomas Bach hôm 25/01/2022, còn nhằm phục vụ cho chính sách đối nội và củng cố vị thế của chủ tịch Trung Quốc.
Bắc Kinh hiện là thành phố duy nhất trên thế giới tổ chức cả hai kỳ Thế Vận Hội mùa hè (2008) và mùa đông (2022). Theo giáo sư Patrick Clastres, chuyên ngành lịch sử thể thao tại đại học Lausanne (Thụy Sĩ), khi trả lời đài TV5 ngày 28/01, « các kỳ Thế Vận Hội được coi là tủ kính và cho phép nước chủ nhà gia nhập câu lạc bộ các nước giầu ». Năm 2008, Trung Quốc gia nhập câu lạc bộ này, 14 năm sau, Bắc Kinh muốn khẳng định vị trí thống trị thế giới.
Chính quyền trung ương thể hiện với dân vị thế quốc tếThực vậy, đăng cai tổ chức Thế Vận Hội mùa đông còn giúp Trung Quốc « đề cao mô hình, cơ sở hạ tầng của họ, cho thấy một đất nước phát triển hơn những gì thế giới hình dung và để cải thiện hình ảnh của họ », theo phân tích của chuyên gia về Trung Quốc Camille Brugier, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp, được trang Huffington Post trích dẫn ngày 03/02.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã phá vỡ « thói quen » đối thoại trực tuyến trong suốt hai năm chống dịch Covid-19 để đích thân đón khoảng 20 nhà lãnh đạo thế giới đến Bắc Kinh dự lễ khai mạc. Sự xuất hiện của tổng thống Nga và các nhà lãnh đạo bị xếp là « độc tài » được đưa tin long trọng nhằm làm lu mờ việc phương Tây tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh và để khẳng định Trung Quốc không đơn độc.
Sự kiện quốc tế để khơi dậy tự hào dân tộcThành công của sự kiện thể thao quốc tế này, được đưa tin một chiều từ truyền thông Nhà nước, còn nhằm mục đích sâu xa hơn là để chính quyền, đặc biệt là chủ tịch Tập Cận Bình, « nói với người dân », theo nhận định giáo sư Patrick Clastres, cũng như khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong dân. Vị thế của ông Tập Cận Bình sẽ được củng cố thêm và ông sẽ danh chính ngôn thuận ứng cử chức tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba trong kỳ đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2022.
Ngoài ra, thể thao được chính quyền Trung Quốc « sử dụng làm thước đo tăng trưởng », theo nhà nghiên cứu Pháp Marc Julienne. Đặc biệt, « các nước tham gia Thế Vận Hội mùa đông là những nước giầu, phần lớn là phương Tây ». Còn ở trong nước, từ khi Bắc Kinh được trao quyền đăng cai Thế Vận Hội 2022, thị trường thể thao mùa đông tăng lên gấp 5 lần từ 2013 đến 2019 với doanh thu hơn 81 tỉ đô la. Theo báo Le Figaro, số người Trung Quốc chơi trượt tuyết sẽ tăng thêm gần 10 lần, từ 13 triệu người lên thành 120 triệu người vào năm 2030. Các bộ môn thể thao mùa đông thu hút đông đảo tầng lớp trung lưu Trung Quốc và là cách để họ thể hiện đẳng cấp.
Bảo toàn chiến thắng « Zero Covid »Cuối cùng, « Thế Vận Hội là cơ hội lớn chứng minh với thế giới rằng hệ thống quả lý của Trung Quốc là hiệu quả, đặc biệt trước tình hình dịch Covid-19 », theo giáo sư Shi Yinhong tại Đại học Bắc Kinh, được nhật báo Pháp Libération trích dẫn. Tuy nhiên, mô hình này buộc Trung Quốc sống trong cô lập từ hai năm qua, 90% chuyến bay quốc tế bị cắt giảm. Các biện pháp kiểm soát dịch vẫn tiếp tục được duy trì nghiêm ngặt vì chủ tịch Tập Cận Bình « trót » khẳng định chiến thắng dịch hoàn toàn ngay từ năm 2020. Từ giờ, mọi biến thể virus đều bị Trung Quốc liệt là « ngoại nhập », như trường hợp « phát hiện » Omicron trên bưu kiện từ Canada gửi về. Ông Tập Cận Bình phải bảo toàn chiến thắng Covid-19 cho đến kỳ Đại hội Đảng.
Nói tóm lại, theo Wu Qiang, nhà chính trị học độc lập ở Bắc Kinh, được nhật báo Pháp Libération trích dẫn, Thế Vận Hội mùa đông 2022 « vừa là một thách thức quốc tế vừa là chính sách đối nội. Thế Vận Hội tạo sân khấu huy động chủ nghĩa dân tộc phục vụ Đảng, đồng thời thể hiện quyền lực tuyệt đối của ông Tập, chứng tỏ rằng ông có thể đoàn kết đất nước trong khó khăn, bất chấp những thách thức về dịch bệnh và quốc tế ».
Theo RFI