logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 04/02/2022 lúc 09:32:12(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Thế là đào lại rụng, mùa đào thứ hai mươi mốt của tôi ở Hoàng Hoa trang thuộc Đào bang này. Thành Ất Lăng là thủ phủ của Đào bang, sở dĩ có tên gọi này là vì trái đào là biểu tượng của tiểu bang Georgia , nick name của tiểu bang là Peach state, ngoài ra hoa Dogwood cũng là đồng biểu tượng.  

Ở Đào bang, hoa đào bạt ngàn, trái đào nhiều không đếm xuể. Hoa đào có nhiều loại: Đào thắm, đào phai, đào bạch, đào đơn, đào kép, đào nhiều màu… Mùa xuân hoa đào nở rực hồng cả một góc trời của Hoàng Hoa trang nói riêng của Đào bang nói chung, cảnh tượng đẹp như cõi thiên thai. Trái đào cũng có rất nhiều loại: Đào vàng, đào trắng, đào tiểu, đào đại, đào lông, đào láng, đào vườn, đào rừng… Trái đào đủ độ già ăn giòn, chua chua ngọt ngọt ngon hơn là đào chín. Mùa xuân hoa đào nở, mùa hạ trái đào rụng, những nhà vườn chuyên môn thì hái bán, những người trồng tài tử thì… trái rụng đầy đất. Nếu mùa xuân hoa đào tạo ra cảnh quan thiên thai thì mùa hạ đào rụng, chín nhũng ra, côn trùng kéo đến trông bầy nhầy như “ Địa ngục”. Thế mới biết thiên đường với địa ngục không hai, cũng từ một tâm niệm mà ra.
 
Đào bang không chỉ có đào, mà còn là một vựa trái cây, một chành đậu phộng, đậu nành, bắp, hạt,  dẻ, lê, táo… và bao nhiêu nông sản khác nữa. Ngày xưa Đào bang là lò cung cấp bông gòn cho Anh quốc và châu Âu, hàng trăm điền trang trồng bông gòn, mùa bông gòn nở bung ra, những cuộn bông gòn như mây trắng cuồn cuộn trên mặt đất. Thuốc lá cũng là đặc sản nổi tiếng một thời của Đào bang. Thời thế đổi thay, bể dâu vô thường, giờ đây bông gòn và thuốc lá đã lui vào dĩ vãng.
 
Con người cũng hay thật, vượt quyền tạo hóa. Đậu nành, bắp và nhiều loại nông sản khác bị người ta can thiệp vào cái gene của chúng. Mình muốn trồng thì hàng năm phải mua giống của nhà vườn. Mình không thể để giống được, mặc dù những vụ mùa trước lựa chọn hạt to, chắc để giành làm giống cho mùa sau nhưng chúng chẳng bao giờ nảy mầm được, đơn giản là vì gene của chúng đã bị thay đổi rồi. Các nhà vườn làm thế để buộc người ta phải lệ thuộc vào họ. Họ độc quyền về giống và cây con.
 
Đào bang đã cống hiến cho nước Mỹ một vị tổng thống, đó là ngài Jimmy Carter, trước khi làm tổng thống thì ông ấy vốn là “vua đậu phộng” của xứ này. Tổng thống Jimmy Carter ôn hòa, từ ái, nho nhã… Có lẽ tính cách này không hợp với cái gu của người Mỹ. Cái tạng người Mỹ là phải mạnh, phải hùng thì mới ăn khách, với những tính cách ấy thì người Mỹ cho rằng Jimmy Carter yếu. Jimmy Carter có lòng từ bi lớn, ông, vợ ông và tổ chức từ thiện Habitat đã dựng hơn năm ngàn ngôi nhà cho người nghèo, cứu trợ trong và ngoài nước Mỹ mấy chục năm nay. Tổng thống nai lưng ra làm, làm đổ mồ hôi sôi nước mắt chứ không phải cái kiểu mang găng trắng, khều khều để chụp hình quay phim như các quan ở xứ mình. Tổng thống Jimmy Carter cũng là người thúc đẩy quốc hội và chính phủ nhận gấp đôi số lượng hồ sơ HO, đẩy nhanh việc rút ngắn thời gian cứu xét hồ sơ HO, có lẽ những ai đi diện HO cũng nên nhớ ơn ngài. Tổng thống Jimmy Carter là một nhân cách lớn, một người con ưu tú của Đào bang.
 
 Nhân mùa đào rụng ở Hoàng Hoa trang, tôi lại nghĩ lan man, tâm trí bay bổng để mặc cho ngòi bút rong ruổi chạy trên trang giấy. Phía nam của Đào bang rất mạnh về nông nghiệp, mặc dù khí hậu và thổ nhưỡng hai vùng đều như nhau. Phía bắc Đào bang thì thịnh về công nghiệp, kỹ nghệ và chính trị. Không chỉ Đào bang, trên bình diện quốc gia cũng thế, những bang miền nam thiên về nông nghiệp, phát đạt về nông nghiệp, còn những bang miền bắc thì mạnh về công nghiệp, kỹ nghệ, chính trị, quyền lực. Liên hệ rộng hơn nữa thì thấy bên Tàu cũng thế, miền nam vô cùng phát đạt về nông nghiệp và bán mua nhưng miền bắc thì vượng về công nghiệp, chính trị. Ngay cả cố quận mình cũng vậy, miền nam là vùng của nộng nghiệp, miền bắc là đầu mối của thế lực chính trị, vượng về quyền lực. Người phương nam hiền hòa, thật thà, chất phác. Người miền bắc thì sắc sảo, giỏi ăn nói lý luận, ngôn ngữ bóng bẩy đến độ xảo… Từ đấy tôi nhận thấy rằng đất phương nam ở đâu cũng thịnh về nông nghiệp, còn phương bắc thì vượng về chính trị, quân sự và quyền lực, phải chăng vượng khí đất trời như thế? Phải chăng đó là sự ngẫu nhiên tình cờ hay có “Định mệnh” sắp sẵn?
 
 Người mình thường nói “ Đất lành chim đậu”, Đào bang này quả là đất lành, người kéo về đây càng ngày càng đông, nhất là từ sau đại hội Olympic 1996. Con số người đổ về Đào bang sinh sống cứ tăng đều, mỗi năm một tăng, hậu quả là giờ đây thành Ất lăng kẹt xe kinh khủng, là một trong mười thành phố kẹt xe tồi tệ của nước Mỹ. Nếu ngày xưa thì “ ba ngày kẹt nhẹ, bảy ngày kẹt nặng”, giờ thì ngày nào cũng kẹt, giờ nào cũng kẹt. Đoạn xa lộ 75-85 đi xuyên qua thành Ất Lăng là con đường khổ nạn, kẹt kinh khủng, không lúc nào không kẹt, nó chỉ được thông thoáng trong năm dịch vừa qua.
 
 Đào bang quả là đất lành thật, Đào bang không xa hoa tấp nập như Las Vegas, chẳng giàu sang quý phái như San Francisco, nào có được đồ sộ như New York, lại càng thiếu cái hào nhoáng của Hollywood , không có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của Yellowstone, Rushmore, Alaska… nhưng bù lại Đào bang không bị nóng thiêu lửa cháy, không bão tuyết, cuồng phong, sóng thần, núi lửa, động đất...Đào bang đất đai trù phú, màu mỡ rất bình yên, dễ sống, vật giá và nhà cửa rẻ. Việc làm dễ kiếm, đất đai cũng rẻ… bởi thế mà người trong thiên hạ đổ dồn về đây.
 
 Đào bang không chỉ có nông sản mà cũng có những thương hiệu tên tuổi lẫy lừng thế giới như: Coca Cola, CNN, Delta Airline...Công nghiệp, thương mại, kinh tế và đời sống vật chất thì nơi nào trên xứ sở Cờ Hoa này cũng tương đồng nhau. Các thành phố và các bang đều giống nhau, nào là siêu thị, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí… và cư dân thì ăn uống, vui chơi, mua sắm hầu như nơi nào cũng na ná như thế cả. Cái làm cho Đào Bang có nét riêng, dấu ấn riêng chính là ở những đồng quê, những trang trại mênh mông ngút tầm mắt và cũng chính vì thế mà người ta mới chọn trái đào và hoa Dogwood làm biểu tượng của tiểu bang. Đồng quê mới chính là cái hồn, cái văn hóa truyền thống của của Đào bang nói riêng nước Mỹ nói chung.
 
 Hoa đào nở mùa xuân, trái đào rụng mùa hạ, Đào bang nằm mơ màng dưới trời xanh mây trắng, mặc cho người đến rồi đi. Ngoài kia, thành Ất Lăng kẹt xe ghê gớm mà nơi này, Hoàng Hoa trang vẫn lặng yên, tịch tĩnh. Những điền trang danh tiếng một thời như Tara, Love Joy, Mimosa, Twelve oaks… vẫn nằm mơ màng nhớ về một dĩ vãng xa xưa.
 
 Ngày mùa hạ, tôi thường nhặt đào rụng, đêm mùa hạ nằm nghe đào rơi lộp độp trên mái nhà, những cây đào sát hiên nhà, tán lá phủ lên mái, trái đào rụng lộp bộp suốt cả đêm trường   Đêm nằm nghe tiếng đào rụng lộp độp trên mái nhà, cứ ngỡ tiếng vọng từ một miền xa lơ xa lắc nào đó của tuổi thơ vọng về. Tiếng đào rụng làm nhớ đến tiếng mận rụng trên mái tôn của ngày xưa. Hồi ấy ba trồng cây mận bên chái hiên nhà, cây mận cũng cho quả sai lắm, trái mận to như nắm tay người lớn, chín ửng hồng thấp thoáng trong tàn lá xanh. Mận nhiều quá, đêm đêm rụng trên mái tôn lộp bộp. Cứ hai ngày ba lựa những chùm mận to đẹp nhất để dâng cúng Phật. Thường thì sau hai ngày để trên bàn thờ thì trái mận mất giòn đi. Ba hạ xuống thay trái mới, trái cũ dù không còn ngon nhưng vẫn phải ăn, vì bỏ thì sợ mang tội. Từ chuyện trái mận cúng xong thì hết giòn, hết ngon tôi laị nhớ chuyện người ở quê nhà. Hồi ấy hàng xóm có người từ Bắc mới vô, y là tay vô thần và cực đoan. Có lần y cũng làm giỗ cho mẹ ( tất nhiên là y chẳng biết lễ tiết gì cả) chỉ nấu thức ăn dâng lên bàn thờ mẹ y, đốt nắm nhang và chờ nhang tàn thì hạ xuống. Lúc mọi người ăn uống thì y oang oang nói:” Rõ ràng các vị có về hưởng, hãy xem này! thức ăn mất hết hương vị như lúc mới dâng lên!” thật mắc cười, rõ ràng tận trong thâm tâm y vẫn tin có hương hồn ông bà, cha mẹ, trời đất quỷ thần…mặc dù y tôn thờ chủ nghĩa vô thần, làm việc bá đạo! Mấy tay vô thần gộc hoặc đầu lãnh, khi về già thường viết sách chạy tội, lấp liếm chuyện ác đã làm, thanh minh thanh nga niềm tin xằng bậy…Có nhiều tay vô thần còn quy y, sám hối trước khi chết! chỉ tội bọn tép riu đi theo phí cả đời, suốt đời phò ác, haị người, haị vật, haị nước non, phỉ báng thánh thần.


 
 Đêm phương ngoại nằm nghe đào rụng lộp độp trên mái nhà, lòng thấy xốn xang chi lạ. Cái xứ sở lạ lùng này, thông thường người ta biết đây là xứ sở phồn vinh về kinh tế, hùng mạnh về quân sự, thanh minh về chính trị, tân tiến về khoa họac kỹ thuật, nhân bản về giáo dục, khai phóng về văn hoá nghệ thuật…Nhưng người ta không ngờ rằng, cái xứ sở này còn là nơi mà nền nông nghiệp vô cùng trù phú và phát triển, sản vật phong nhiêu sung túc, hoa quả nhiều vô kể. Cái đất chi mà lạ, cắm cây gì xuống cũng sống, gieo hạt gì xuống cũng mọc lên. Lòng tự hỏi lòng, sao người ở đây nhiều phước báo thế? phải chăng quá khứ gieo trồng nhân lành nên nay hưởng quả? phải chăng những người cùng tâm lượng rộng, chí nguyện lớn nên cùng cộng sinh ở quốc độ này? hỏi tức là thưa rồi vậy.    Tất cả mọi người, hàng ngày đang hưởng quả và cũng là đang tạo nghiệp. Mỗi năm xứ Cờ Hoa viện trợ cho thế giới hàng trăm tỷ mỹ kim (gồm cả tiền của chính phủ, tư nhân, các tổ chức từ thiện…), cưu mang hàng triệu nạn nhân khắp thế gian này. Không ở đâu mà chính phủ và người dân có lòng bao dung, cởi mở để chấp nhận hàng triệu, triệu người di dân như thế! Không ở đâu trên thế gian này mà người ta có thể tự do truyền đạo, hành đạo như ở đây. Ai cũng dễ dàng và tự do theo đuổi đức tin của mình, việc xây cất nhà thờ, thánh đường, chùa chiền… rất dễ dàng, chỉ cần đủ những yếu tố cơ bản mà luật pháp đòi hỏi như: diện tích đất, chỗ đậu xe, sự an toàn cho tín đồ…Ở đây đủ các sắc dân trên thế giới và cũng từ đó đủ các sắc thái văn hoá, các tôn giáo mà người di dân mang theo. Tất nhiên không thể không nói đến mặt trái của nó, ở đây cũng có nhiều bất công, bất cập về địa vị, thu nhập, quyền lợi, màu da…Dân chúng tiêu thụ một cách hoang phí, hàng năm có cả trăm nhìn tấn thức ăn thừa đổ đi. Chính phủ can thiệp quân sự nhiều nơi trên thế giới, sản xuất mua bán vũ khí  nhiều nhất thế giới, súng đạn trong dân chúng nhiều như kẹo…Nghiệp thiện và bất thiện cùng tồn tại, ngày ngày đang thọ hưởng quả và tạo nghiệp không ngừng.
 
 Đào rụng lộp bộp trên mái nhà cứ như điệp khúc bất tận, như tiếng vọng của quá khứ gợi lên những âm hưởng xưa, cái âm thanh lộp bộp như gõ vào trong tạng thức, đánh thức những kỷ niệm một thời chưa xa lắm. Nằm ghe đào rụng, tâm trí cứ miên man như ngựa hoang, như khỉ chuyền cành, bởi vậy mà nhà thiền mới nói “ Tâm viên ý mã”. Nghe tiếng đào rơi, lòng phân vân bao nỗi bất cập của chuyện đời chuyện đạo, những mối ưu tư giữa cố quận với nơi này, dẫu biết rằng nhà ở đâu thì tim mình ở đó như câu danh ngôn tiếng Anh đã viết:” Home is where heart is”, nhưng sao lòng vẫn nhớ, vẫn thương cố quận không cùng, cố quận mình nhiều nhọc nhằn, nhiều thiên tai lẫn nhân tai, người xứ mình còn nhiều đau khổ lắm. Nắng hạn mưa lũ quanh năm, có đâu được thanh bình, trù phú như Đào bang này hay như xứ sở Cờ Hoa này. Lòng lại nghĩ, phải chăng là nghiệp? là vận số?
 
 Mùa xuân hoa đào nở, mùa hạ trái đào rơi, hoa quả của mùa màng dễ dàng nhận thấy và nắm bắt. Quả của quy luật nhân quả, luật tự nhiên thì đâu dễ gì thấy và biết được, đôi khi nó như sương khói mờ hồ, khó hiểu khó tin. Quả có thể trổ liền tức thì như “ Hậu quả nhãn tiền” nhưng phần nhiều thì quả trổ đời sau, gọi là hậu thế báo, lai thế báo…thậm chí quả có thể không trổ, vì nó còn bị chi phối bởi cái duyên, không đơn giản cứ hễ có nhân là có quả. Cái duyên quan trọng lắm, có thể làm tăng trưởng thúc đẩy cái quả sớm xảy ra hay chậm laị hoặc thui chột đi, ví như gieo hạt luá trên ruộng nước, có phân bón, chăm sóc, thời tiết thuận lợi… thì sẽ có mùa màng bội thu; còn như gieo hạt lúa trên cát sa mạc, không nước , phân, chăm sóc…thì chắc chắn không có gì để gặt! Bởi thế trong nhà Phật không chấp nhận chuyện số mệnh, tương lai nằm trong tay của mình, những nghiệp cũ có thể sửa đổi chuyển hoá. Ở đời gặp thầy lành, bạn tốt không phải dễ, gặp duyên lành cũng không phải dễ. Phần nhiều gặp duyên không tốt vì cái tâm , cái tôi, cái ngã nó thích hưởng thụ, ngại khó… từ đó nó hướng ta về những cái: tài- sắc- danh-thực-thuỳ. Nó ràng buộc ta vào: Sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp, để rồi tháng năm qua đi, đời nối tiếp đời cứ như trái đào rụng trong sự uổng phí vô tình.
 
 Đêm nằm nghe đào rụng lộp độp trên mái nhà, nhớ về tiếng mận rụng ngày thơ ấu xa xưa. Laị nghĩ đến trái táo rụng xuống đầu nhà bác học Newton. Đã từng vô số lần rụng, vô số trái táo rụng nhưng chỉ có mỗi trái táo rụng trên đầu ấy mà nhà bác học đã khám phá ra định luật sức hút của trái đất. Rõ ràng trong tạng thức nó chưá vô số chủng tử, khi có một cơ duyên đặc biệt nào đó tác động thì nó lập tức khởi tác dụng vậy! cũng vì thế mà có nhiều người chợt ngộ rất tình cờ. Ví như ngài A Nan, vì chưa chứng quả Arahanta nên không được dự kết tập kinh điển. Ngài buồn lòng suy nghĩ nhiều, rồi trong lúc vừa toan đặt lưng nằm nghỉ thì bất chợt ngộ mà chứng quả. Hoặc giả như Lục Tổ Huệ Năng trong lúc gánh củi đi bán, nghe người tụng kinh mà ngộ ra…
 
 Trái đào rụng, chín bấy nát bét ra, những tưởng thế là xong. Nào ngờ hạt vùi trong đất, năm sau laị mọc cây đào mới. Mùa thu lá đào vàng, muà đông trơ trụi cả cành nhưng nhựa sống vẫn âm thầm nuôi những nụ, mùa xuân nở ra rực rỡ đất trời, mùa hạ thì trái đào chín rụng rơi. Sinh-già-bệnh-chết cái vòng quay bất tận, sinh-trụ-dị-diệt vẫn tiếp diễn không ngừng, tử -sanh vẫn hiện diện trong từng tế bào và trong mỗi sát- na này!
 
 Đào bang đang giữa hạ, nắng vàng như rót mật tự trời xanh, mặc dù dịch virus Corona đã giảm, số người nhiễm mới không bao nhiêu, mọi việc dần trở lại bình thường nhưng trong tâm con người ta chưa thể bình thường, lúc nào cũng đầy những yêu ghét, nghi kỵ, sợ sệt… Người ta cũng không thật sự biết con virus Corona từ đâu ra, từ phòng thí nghiệm Wuhan? Từ chợ hải sản? Từ động vật hoang dã? Tất cả chỉ là giả thuyết, chẳng có chứng cứ cụ thể và Trung Cộng vẫn tiếp tục che giấu sự thật, không một ai có thể tiếp cận được những dữ liệu ban đầu. Bác sĩ Văn Lượng, người đầu tiên lên tiếng cảnh báo virus Corona thì đã nằm yên giấc ngàn thu, những tài liệu liên quan thì đã bị thủ tiêu hoặc xóa sạch. Thật tình thì đây chẳng phải cơn dịch đầu tiên của loài người và cũng chẳng phải là cơn dịch cuối cùng. Khoa học kỹ thuật, y học, dược học… dù có phát triển đến đâu đi nữa cũng không thể nào xóa bỏ được dịch bệnh. Dịch bệnh cũng là biểu hiện của vô thường, cũng là dấu hiệu cụ thể của thịnh suy. Đã thành ắt có hoại, có sanh ắt có tử, có thịnh thì sẽ suy. Đất trời vũ trụ cũng không nằm ngoài sự hợp tan và thịnh suy.
 
 Đào bang những ngày nắng hạ, thành Ất Lăng hối hả chạy đua với thời gian để chích ngừa cho dân, gỡ bỏ nốt những biện pháp giãn cách cuối cùng. Phải đến khi nào không còn phải đeo khẩu trang bịt miệng bịt mũi nữa thì mới hoàn toàn trở lại bình thường. Khi ấy thì những khuôn mặt nam thanh nữ tú của người Đào bang lại “ Tương ánh hồng” như  hoa đào. Hoa đào của Đào bang nào có khác gì hoa đào của Thôi Hộ ở thành Nam đời Đường. Không biết có phải vì nhờ thơ của thi sĩ mà hoa đào ấy trở nên đẹp nổi tiếng, khắc sâu vào lòng người hay là nhờ hoa đào mà thơ của thi sĩ Thôi Hộ hay hơn? Thôi Hộ làm thơ rất ít nhưng với bài thơ “ Đề đô thành nam trang” này đã trở thành một huyền thoại có một không hai trong văn sử. Người yêu thơ, yêu hoa đào xưa nay ai ai cũng thích, cũng mê. Hoa đào của hôm nay có khác gì hoa đào của mười lăm thế kỷ trước? Chắc là không, chắc chắn là không! Khác chăng là bởi tại tâm mình. Người Tàu ngày xưa tưởng tượng và thi vị hóa trái đào thành những loại đào tiên,  đào trường thọ… Những trái đào của yến tiệc ở cung Dao Trì ăn vào thì sống mãi, năng lực công phu không ai địch lại, trẻ mãi không già…
 
Không biết người xưa khi thi vị hóa và sáng tác ra những loại đào tiên, đào trường thọ ấy có nằm nghe đào rụng chăng? Tiếng đào rụng lộp bộp giữa những đêm trường mùa hạ như nhắc nhở nhịp điệu vô thường, như báo hiệu sự tương tục bốn mùa, như cái điệp khúc sanh tử bất tận.

8/2021
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.109 giây.