Hình minh hoạ: Người dân rời TPHCM sau khi TP dỡ bỏ lệnh giãn cách do dịch bệnh COVID-19 hôm 1/10/2021. AFP
Cứ sáu trên bảy người khắp thế giới cảm thấy bất an trong tình hình hiện nay. Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố vào ngày 8/2 đưa ra kết luận vừa nêu.
Bản báo cáo, tựa đề ‘Những mối đe dọa mới cho an ninh con người trong thời đại hiện nay’, đưa ra những dữ liệu và phân tích cho thấy cảm giác an toàn của con người bị xuống đến mức thấp nhất tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngay cả tại những nước giàu có nhất với nhiều năm thành công về tăng trưởng cũng xảy ra tình trạng đó. Giới được hưởng một số quyền lợi y tế, an sinh, giáo dục cao nhất cũng cho biết họ có những mối lo lớn hơn trong chục năm qua.
COVID-19 khiến tuổi thọ con người giảm suốt thời gian trong hai năm liên tiếp vừa qua. Biến đổi khí hậu cũng được cho là một nguyên nhân chính dẫn đến tử vong trên khắp thế giới. Dự báo cho rằng dù có giảm thiểu tương đối lượng phát thải khí nhà kính, đến trước cuối thế kỷ 21 này sẽ có chừng 40 triệu người chết vì nhiệt độ Trái đất thay đổi.
Thống kê trong báo cáo cho thấy chừng 1,2 tỷ người đang sống trong những khu vực có xung đột.
Tiến bộ trên toàn cầu không tự động mang lại cảm giác an toàn hơn. Do đó UNDP kêu gọi cần phải có sự đoàn kết và chú tâm vào những nỗ lực phát triển.
Theo UNDP yêu cầu cần hành động ngay chưa bao giờ rõ ràng như vào thời điểm hiện tại. Theo những tác giả của báo cáo, các nhà hoạch định chính sách cần phải xem xét các biện pháp bảo vệ, đoàn kết sao cho những giải pháp phải đồng bộ, không để giải pháp cho tình trạng này gây tệ hại cho tình trạng khác.
Khái niệm an ninh con người được UNDP nêu lên trong báo cáo phát triển hồi năm 1994. Lúc bấy giờ đã có cảnh báo an ninh con người không thể chỉ đánh giá bởi an ninh lãnh thổ mà phải xem trọng những nhu cầu căn bản, phẩm giá và sự bảo đảm được sống an lành của con người.
Theo RFA