Hình minh hoạ: Một người với chứng nhận phong phó giáo sư tại một buổi lễ ở Quốc Tử Giám, Hà Nội hôm 24/12/2012. AFP
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN), cho biết HĐGSNN nhận được tố cáo có năm ứng viên ngành Kinh tế, một ứng viên ngành Chính trị học không đủ trình độ cũng như điều kiện trở thành giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ.
Hồi năm 2021 một số ứng viên vào các chức danh giáo sư, phó giáo sư …cũng từng bị những tố cáo tương tự.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân, giảng viên Đại học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội, xác nhận tình trạng tố cáo liên quan tới ứng viên thuộc ngành Kinh tế, ngành Chính trị học hoặc các ngành khác, là chuyện xảy ra mỗi năm chứ không cứ gì gần đây mới có:
“Năm nào mỗi lần phong học hàm, học vị thì đều có cái chuyện tố cáo nên cũng bình thường. Người ta xác minh đến đâu thì người ta xử lý đến đấy theo đúng pháp luật thôi. Thường là năm nào cũng bị như thế.”
Ông nêu lại tiến trình phong học hàm, học vị tại Việt Nam:
“Tức là ở Việt Nam mình thì đầu tiên là trợ giảng, sau đó thì thạc sĩ rồi tiến sĩ mới là học vị. Phó Giáo sư phải có thâm niên về giảng dạy bao nhiêu năm, phải có đề tài nghiên cứu về khoa học, phải có công trình hướng dẫn luận văn thạc sĩ, rồi công trình viết sách, báo… Rất nhiều qui định trong Quyết định 37 của Thủ tướng, sau khi đó thì mới nộp hồ sơ để xin công nhận phó giáo sư. Rồi phó giáo sư bao nhiêu năm thì mới nộp hồ sơ để được công nhận là giáo sư.”
Nhìn chung thì những qui định của Việt Nam về học hàm, học vị từ phó giáo sư, giáo sư cho đến tiến sĩ đều rất khó, rất chặt chẽ, là khẳng định của Tiến sĩ Vũ Ngọc Xuân:
“Ngoài những ‘điều kiện cứng’ còn có những điều kiện về bỏ phiếu nữa. Còn có Hội đồng các cơ sở, Hội đồng ngành rồi Hội đồng Nhà nước.”
“Không phải cứ di dạy là thành phó giáo sư, giáo sư ngay được. Thậm chí nhiều ‘điều kiện cứng’ trông thì có vẻ như thế, nhưng mà cả ‘tiêu chuẩn cứng’ và tiêu chuẩn về tín nhiệm đều không đơn giản, đặc biệt là hàm giáo sư. Mỗi lần đến đợt Hội đồng Nhà nước sắp công nhận thì cũng có điều tiếng nọ kia, cũng có chuyện khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bỏ phiếu tín nhiệm. Hoặc khi mình đủ tiêu chuẩn theo điều kiện nhưng không đủ tiêu chuẩn theo tín nhiệm thì mình cũng bị loại. Cho nên trong quá trình từ lúc nộp hồ sơ đến vòng cuối cùng là chuyện bỏ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư thì nhiều ứng viên bị rơi rớt hết rồi, càng ngày số lượng được công nhận càng ít đi. Đặc biệt phó giáo sư thì còn nhiều một chút chứ giáo sư thì ít lắm”.
Xếp hàng lên nhận chứng nhận hàm giáo sư và phó giáo sư tại Quốc Tử Giám, Hà Nội hôm 24/12/2012. AFP
Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, được phong hàm Giáo sư năm 1992, cho biết đặc thù riêng của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, là Nhà nước trực tiếp quản lý việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ:
“Nhà nước tập trung hồ sơ, lý lịch, thành tựu khoa học… rồi có hội đồng từ cấp trường đến hội đồng các ngành và hội đồng cả nước, sau đó quyết định ai được phong và ai không được phong”.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng vấn đề của Việt Nam là do chạy theo thành tích, chạy theo xu hướng hình thức học hàm học vị, dẫn đến những chức danh giáo sư hay tiến sĩ không có thực chất:
“Tức là chỉ cần mình về quê, mình vỗ ngực xưng tên là giáo sư là tiến sĩ đây thì tức khắc bà con phấn khởi, coi như đây là người đặc biệt ưu tú trong xã hội. Người ta không cần biết mình đứng ở đâu, có kiến thức gì, đã đóng góp gì cho khoa học.”
Tôi đã thấy một giáo sư Việt Nam nói “Tôi được phong Tiến sĩ ở Nga nhưng tôi không tự hào bằng tôi là Tiến sĩ của Đại Học Lomonosov”. Tôi cho rằng ý đấy rất quan trọng. Ví dụ ở Đại học Quốc dân Hà Nội hay ĐHQD ở TP HCM chẳng hạn, năng lực khoa học của họ cao hơn rất nhiều các trường khác”.
Hiện HĐGSNN đang trong giai đoạn tổng hợp kết quả thẩm tra, xác minh các thông tin phản ánh của các Hội đồng ngành, liên ngành.
Các Hội đồng ngành, liên ngành, trong đó có Hội đồng ngành Kinh tế, Hội đồng liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học được cho là đã thực hiện nghiêm túc theo quy định trong Quyết Định 37 của Thủ tướng Chính phủ.
Sắp tới, cùng với việc hoàn thiện hồ sơ cho tất cả các ứng viên, Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ phối hợp với các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, nhằm đề xuất hướng xử lý đối với từng trường hợp có đơn thư phản ánh.
GSTS Đặng Hùng Võ cho rằng cần nghiêm khắc và quyết liệt trong yêu cầu rà soát, thẩm tra những trường hợp khai gian thành tích để được phong chức danh học vị cao. Hội đồng Giáo sư Nhà nước gồm các vị khả kính cần tuyên chiến với cái gọi là gian dối, trí trá trong việc lập hồ sơ xin phong học hàm.
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục-Đào tạo, Việt Nam khởi sự phong hàm giáo sư đầu tiên năm 1976 cho năm người trong lĩnh vực Sử học, ba người trong lĩnh vực Văn học, một người trong lĩnh vực Triết học, hai người trong lĩnh vực Toán học, một người trong lĩnh vực Vậy lý, một trong lĩnh vực Hóa Học.
Bên cạnh đó, còn có 14 người trong lĩnh vực Y học, một trong lĩnh vực Nông học, một trong ngành cơ khí.
Sau 1980, cứ vài năm Việt Nam lại phong giáo sư và phó giáo sư một lần. Năm 1980 có 83 GS và 347 phó giáo sư được phong.
Năm 1984 có 117 GS và 644 PGS được phong.
Năm 1986: 6 GS, 9 PGS về quân sự. Đến 1988 là 14 GS, 87 PGS.
Những con số GS và PGS được phong tăng dần theo từng năm. Đến 1996 có 210 GS, 771 PGS.
Năm 2001, Việt Nam có 96 GS, 391 PGS được phong. Bước qua 2003 là 62 GS, 388 PGS.
Năm 2015 có 74 GS, 607 PGS.
Đến 2017, Chính phủ ban hành quy định mới về nâng cao chất lượng. Đây là năm cuối xét theo tiêu chuẩn cũ, cả nước được 85 GS và 1.141 PGS.
Do số lượng tăng đột biến, Thủ tướng yêu cầu thanh tra lại. Khi Thanh tra vào cuộc, 41 trường hợp không đủ tiêu chuẩn đã bị loại.
Năm 2019 có 73 GS, 349 PGS. Năm 2020 là 77 GS, 465 PGS.
Đến ngày 31/12/2019, cả nước có 78.250 giảng viên, trong đó 619 là giáo sư, 4.831 là phó giáo sư, 17.035 là tiến sỹ, 46.251 là thạc sỹ, và 9.513 là cử nhân. Số GS và PGS còn lại không làm công việc giảng dạy.
Theo RFA