Phát biểu trên hệ thống truyền hình quốc gia trong ngày thứ Sáu cuối tuần thứ nhì của cuộc chiến, Putin đã hung hăng hăm dọa sẽ theo đuổi cuộc tấn công đến cùng. Có thể là một đòn chiến tranh tâm lý nhằm đe dọa Ukraine và cũng có thể là bước đường cùng, không còn cách thoái lui của một kẻ độc tài, bất chấp hậu quả do mình gây ra. Không ai có thể dự liệu hết âm mưu của Putin cùng khả năng và tinh thần chiến đấu của người dân Ukraine sẽ chống cự được bao lâu.
Các nguồn tin tình báo của Mỹ cảnh báo rằng, Nga đang huy động đến 92% khả năng chiến đấu của quân đội trong cuộc xâm lấn lãnh thổ Ukraine lần này và trong những ngày đến, cuộc giao tranh và con số tử vong sẽ càng khốc liệt hơn. Với quân số và vũ lực áp đảo của Nga như vậy, Ukraine dẫu có kiên cường và quyết tâm, cũng như vẫn đang được phe đồng minh tiếp tục ủng hộ, cung cấp vũ khí chiến đấu thì việc Kyiv bị thất thủ chỉ là vấn đề của thời gian, không là điều ngạc nhiên nếu có xảy ra trong cuộc chiến không cân sức này.
Với thái độ hiếu chiến, không nhượng bộ hay lùi bước của Putin thì những biện pháp chế tài và lệnh cấm vận tài chánh mạnh mẽ nhất mà Mỹ và khối đồng minh đã áp dụng dẫu có tạo ra áp lực nặng nề và lâu dài lên Nga, trong hy vọng mong manh là điều này cùng sự phản đối từ hàng ngũ lãnh đạo chính phủ và quân đội nếu có, cũng như chính từ người dân Nga có thể làm thay đổi quyết định của Putin. Bằng không thì sự cấm vận vẫn không đủ để cản bước quân Nga hiện nay, ngoại trừ phe đồng minh trực tiếp can dự về mặt quân sự, chính thức chiến đấu cùng với quân đội Ukraine.
Vậy tại sao Mỹ và phe đồng minh vẫn chưa nhập cuộc?
Với liên minh và sức mạnh quân sự của mình, khối đồng minh có thừa khả năng chặn đường tiến quân của Nga, giúp Ukraine bảo vệ được nền tự do và đánh bật Nga ra khỏi Ukraine. Nhưng câu trả lời không đơn giản như suy nghĩ của những người không nắm giữ trọng trách với quốc gia và người dân. Bởi chiến thắng nào không có cái giá rất đắt phải trả?
Khi phe đồng minh đưa quân đội vào Ukraine, không chỉ đưa người lính của nước mình đối đầu sự nguy hiểm mà còn khơi mào cho nguy cơ một cuộc thế chiến với kẻ thù có vũ khí hạch tâm cùng sự gián đoạn một nguồn cung cấp năng lượng đáng kể cho Châu Âu, dẫn đến những hệ lụy cho cả thế giới. Riêng giá dầu thô đã tăng khoảng hơn 20% kể từ khi chiến tranh xảy ra đến nay, tăng đến xấp xỉ 120 đô la một thùng dầu vào cuối tuần. Các chuyên gia kinh tế dự báo có nhiều khả năng có thể sẽ tăng đến 150 đô hay như hãng tài chánh JPMorgan còn cho rằng đến 185 đô la nếu chiến tranh leo thang và kéo dài. Giá xăng dầu đột biến sẽ dẫn đến sự gia tăng giá cả của hầu hết mọi hàng hóa, thực phẩm và dịch vụ, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.
Mặt khác, Ukraine hiện nay là một đồng minh chiến lược, chưa phải là thành viên khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu nên không có những hiệp ước bảo vệ chung như những quốc gia thành viên trong khối. Ukraine có đầy đủ lý do để bảo vệ và hy sinh cho nền độc lập của mình nhưng rất tiếc là các quốc gia đồng minh không có những lý do như Ukraine, ngoại trừ việc tiếp tục viện trợ tối đa cho Ukraine.
Những đối thủ chính trị của Tổng Thống Joe Biden có thể đã và đang chê trách sự yếu đuối của ông cùng nội các đương nhiệm, cho rằng Hoa Kỳ đang bỏ rơi đồng minh. Cũng như Donald Trump và người ủng hộ ông cho rằng nếu ông ta vẫn còn là tổng thống thì Nga sẽ không dám tấn công Ukraine (!?). Với những suy diễn cá nhân, có lẽ cần dẫn lời cựu cố vấn an ninh quốc gia thân cận của Donald Trump là John Bolton, người có thẩm quyền và hiểu rõ chính sách dưới thời Donald Trump hơn.
Trả lời phỏng vấn trên hệ thống truyền hình cực hữu Newsmax, ông bảo Nga không tấn công Ukraine đơn giản là vì chưa sẵn sàng. Họ vẫn còn dự tính đến lúc sức mạnh của NATO và EU sẽ suy yếu đi, mất đi sự hợp nhất dưới chính sách đối ngoại của Donald Trump một khi ông ta tái đắc cử. Còn với Trump, ông ta không biết Ukraine ở đâu và từng hỏi Phần Lan có phải từng thuộc về Liên Bang Xô Viết hay không thì khó có đủ khả năng giải quyết biến động quốc gia hay thế giới.
Trong chuyến công du Châu Âu vài ngày qua, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đã lên án mạnh mẽ và tố cáo Nga đang sát hại dân lành. Đồng thời, ông cũng tuyên bố rằng, "Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột với Nga nhưng chúng tôi sẵn sàng cho cuộc xung đột này và sẽ bảo vệ mỗi tấc đất của lãnh thổ NATO". Điều này có thể hiểu rằng, Hoa Kỳ sẽ không động binh cho đến khi buộc phải tham chiến nếu Nga tấn công sang một thành viên NATO nào đó. Ukraine tất nhiên không thuộc về NATO, muốn hay không thì đây là một sự thực trần trụi cần đối diện.
Đưa quân đội vào chiến đấu cùng lính Ukraine xem như chính thức tuyên chiến cùng Nga và chấp nhận những thương vong, thiệt hại cho chính quân đội của mình, sẽ là một chọn lựa bất khả kháng và cuối cùng. Chấp nhận những chỉ trích cá nhân về phần mình với những quyết định đặt quyền lợi quốc gia và người dân lên trên hết không phải là điều dễ dàng và luôn được đồng thuận theo suy nghĩ thông thường của người dân nhưng đó là một tư chất và bản lãnh của một nhà lãnh đạo quốc gia. Liệu ai có thể dễ dàng phát động một cuộc chiến tranh bất kể xương máu và hậu quả cho người dân, ngoại trừ những kẻ độc tài?
Bất luận điều gì sẽ xảy ra, xin chúc lành đến giới lãnh đạo cùng những người lính và người dân Ukraine can đảm trong cuộc chiến đấu đầy hào hùng của một dân tộc xứng đáng được hưởng sự tự do này.
Nhã Duy