logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 08/03/2022 lúc 07:10:51(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,259

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Đã gần 50 năm trôi qua, thời gian mang đi bao nhiêu âu yếm của một đời người, và biết bao kỷ niệm đã phôi phai, nhưng sao trong lòng tôi quê hương yêu dấu ngày nào vẫn in hình rõ mồn một, tựa như tháng năm không hề làm mai một những kỷ niệm yêu dấu trong tôi của thời niên thiếu. Banmethuột, lòng yêu không cùng và nỗi nhớ không nguôi.
 
Tôi hình như không sao xóa được hình ảnh thời tao loạn và nỗi kinh hoàng xảy ra ngày 10 tháng 3 năm 1975 trên thành phố tôi yêu mến.
 
Những công điện viết tay vội vàng và những bản văn BVS/TK của các đơn vị tình báo Chiến thuật chiến lược, Không ảnh và không trợ, của Biệt đội QB, Của Trung tâm TV/QD và của màng lưới TBND mang đầy tin tức và hoạt động của địch vùng Nam, Tây Nam thị xã Banmethuot 30km, và vùng Cư Ming (Ban Don) Tây, Tây Bắc thị xã Banmethuot 60km đường chim bay, cung cấp về hoạt động của Sư Doàn 320 Sao Vàng, Sư Doàn 316 và Sư doàn F5 quân chính quy Bắc Việt đã xâm nhập lãnh thổ Darlac, và tiến về Banmethuot, cùng với Trung doàn 25 Địa Phương.
 
Tháng 2/1975, một nữ tù binh thuộc Trung Đoàn 25 Địa Phương bị bắt, cho biết cộng quân sẽ mở chiến dịch tại Khánh Dương, Tiểu Khu Khánh Hòa, Nha Trang, giáp ranh Quận Phước An, thuộc Tiểu Khu Darlac (Banmethuot).
 
Ngày 7/3/1975 (3 ngày trước khi cộng quân tấn công Banmethuot), một thiếu úy cộng quân bị bắt khi đang giăng dây điện thoại tại khu vực buôn EA Sup, thuộc xã Cư Ming (Ban Don) Quận Banmethuot. Cùng với nhiều phiếu trình và bản đánh giá nhận đinh tin tức đặc biệt rằng cộng quân sẽ đánh Banmethuot vẫn không thuyết phục được tư lệnh Quân đoàn.
 
Vào dịp Tết, Tổng thống về ăn tết với Quân đoàn, sau khi nghe thuyết trình về tình hình, đã ra lệnh cho Tư lệnh Quân doàn đưa 2 Trung doàn 44BB và 45BB về phòng thủ Banmethuot, tại cuộc họp, Tư lệnh quân đoàn trả lời xin tuân lênh, nhưng sau đó đã không thi hành lệnh này. Cho đến khi cộng quân tràn ngập Chi Khu Thuận Mẫn, tỉnh Phú Bổn nằm trên QL 14, con đường duy nhất liên lạc từ Banmethuot đến Quân Đoàn II.
 
Rồi dêm 6/3/1975, cộng quân công hãm Khánh Dương cắt QL 21, đường giao thông liên lạc từ cao nguyên đến vùng duyên hải, Nha Trang.
 
Đêm ngày 9/3/1975, cộng quân tràn ngập Chi Khu Đức Lập, thuộc tỉnh Quảng Đức nằm trên QL14, cách Banmethuot 60 km về phía nam, cắt liên lạc Banmethuot với Saigon, Banmethuot bị cô lập hoàn toàn.
 
Bằng ấy những sự kiện cứ lởn vỡn trong tâm trí tôi như không hề rời xa, Banbmethuot, quê hương ấu thơ, tôi yêu quê hương như chính thân mình. Và rồi bao hình ảnh xa xưa lần lượt theo về, mà kỷ niệm êm ái nhất là kỳ thi Tiểu  học ở Trường Nguyễn Du, con đường vòng vèo quanh Biệt Điện có tường xây bao quanh mà vườn trong mọc um tùm những cây cổ thụ để bóng ngả trên đường về mỗi chiều mùa hạ. Thủa đó, mẹ tôi thường dọa dẫm bỏ tôi vào vườn Biệt Điện để làm bạn với ma những khi tôi làm biếng học bài. Hình ảnh của sân trường Nguyễn Du với những cây phượng lùn tịt nở đầy hoa đỏ như máu của mỗi lần Hè, và tiếng ve kêu của buổi trưa bây giờ tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai. Con đường Thống Nhất thủa đó tôi còn mang máng nhớ, lồi lõm những đá, và ngôi nhà Bưu Điên mái ngói cũ kỹ mà phía đối diện là cổng vào đồn lính có cây phượng lớn cành lá sum suê che bóng rợp trên đường. Ngôi nhà cao cẳng tiêu sơ mang vẻ nét điêu tàn, đứng kề bên cổng vào đồn lính. Cái công viên còm cõi ngày đó ít ai tưởng tới, cũng buồn thiu trơ trụi đã trở thành bãi đá bóng của những đứa nhóc con.
 
Nhà Thờ cha già Ngoạn ở Ngã Sáu, nằm giữa hai con đường Tự Do và Phan Chu Trinh, còn tang thương hơn trí tưởng tượng của tôi bấy giờ, rêu phủ quanh tường rào và đài Đức Mẹ, dù nơi tôn nghiêm thực sự được quét dọn hằng ngày, nhưng từ xa nhìn vào, màu đất đỏ phủ quanh khuôn viên đã làm cho nơi chốn thờ phụng tưởng như tiêu sơ hoang phế.
 
Bên kia Ngã Sáu, nhìn xéo qua nhà thờ Chính Tòa, là bến xe và Rạp hát Thăng Long với một khu đất trống mà chỉ cần một cơn gió nhẹ hay vài chiếc xe đi qua là đủ để bụi đỏ tung bay. Con đường Hùng Vương từ Ngã Sáu dẫn đến trường Tổng Hợp heo hút chỉ có một gốc phượng già nằm ở góc khuôn viên Ty Công Chánh, mà phía đối diện là vài ba căn nhà tôn nằm khuất sau dãy hàng rào cây mận hảo, hình như là Ty Thủy lâm.
 
Thế rồi sau kỳ thi Tiểu học, tôi bỏ đất Buồn Muôn Thủa có bụi mù trời để về Thành đô theo tiếng gọi của phồn hoa! Thời gian vần vũ, và định mệnh như đã an bài, tôi lại về nơi quê hương ấu thơ ngày đó, vênh váo làm một cậu học trò Đệ Nhất, làm cậu Tú Phần II ở tỉnh nhỏ, oai phong biết dường nào. Và cũng chính thời gian này, tôi mới hiểu, mới thấm được cái quạnh hiu êm ái của Banmêthuột, cái quấn quít thắm thiết đến khó mà rửa sạch của màu đất đỏ những ngày mưa ở xứ Bụi Mù Trời mới yêu dấu dường nào!
 
Hồ Trung Tâm, Vườn Ương, khu rừng Trắc Bá hút hút chạy dài hai bên vệ đường, từ phi trường dân sự Phụng Dực tới cây số 5, đã là những nơi hẹn hò lý tưởng cho tình yêu thơ mộng của tuổi học trò. Học trò Banmêthuột, Bồ Đề, Hưng Đức, La San, Bán Công, Tổng Hợp, mà đặc biệt là Trường nữ Trung Học Vinh Sơn, nơi ôm ấp bao vẻ nét hình hài của một Tây Thi, Dương Quí Phi, Ngu Cơ hay Điêu Thuyền sắc nước hương trời một thời, được che kín bằng lớp hàng rào tường vi với kẽm gai, mà tài tử mỗi ngày về qua có lén nhìn vào cũng chỉ là cảm giác mùi hương hoa phảng phất qua kẽ lá. Học trò Đệ Nhất như Ngô Văn… Phạm công... Nguyễn huy... Đinh viết... Trần quốc… hay Tôn thất… mấy ai mà không từng mơ một lần bước đến để “đưa em vào hạ”.
 
Nhưng nếu có ai hỏi về địa danh của xứ Buồn Muôn Thủa ngày ấy như Rừng Chim Chích, Thung Lũng Cỏ Hồng, Đồi Hoa Vàng, thác Dray Ling... quả thật tôi không biết những mỹ danh ấy xuất xứ từ đâu, tôi chỉ biết khu rừng Bằng Lăng nở hoa với những màu vàng, trắng, tím, hồng ở khu rừng thuộc xã Ea Knir, của Khu Kỹ Nghệ cây số 7. Những đồi cây dầu thân mang đầy hoa phong lan mà mỗi độ Xuân về hoa nở tỏa ngát mùi hương, pha lẫn với nhựa cây dầu bàng bạc trong chiều hôm, hoặc là những đồi tranh thoai thoải, rải rảc mọc lên vài ba cây quỳnh hương vàng đậm làm tăng thêm nét hoang sơ mà vương giả giữa buổi cuối chiều của núi rừng Cao Nguyên.
 
Bờ suối đá phủ đầy rêu xanh với dòng nước ngược quanh quẩn qua các kẽ đá và chảy theo triền đồi đổ về Buôn Dlung như một bến đậu yên lành cho đàn voi mỗi ngày mùa nắng. Hay là con sông Serepok bắt nguồn từ Cam Bốt chạy về Banmêthuột qua núi rừng âm u của vùng Ban Don, Cư Ming để làm thành một thảo nguyên thơ mộng mà hung vĩ giữa cao nguyên đất đỏ ở phía Tây thị xã.
 
Và tất cả những cảnh sắc đó đã là gia bảo, như vốn liếng của một đời người đến nay vẫn đậm nét trong tâm hồn tôi, nhất là những tháng năm tôi bỏ xa rừng núi gió mùa của Cao nguyên.
 
Thủa đó, phố thị của tỉnh lỵ này vẫn chưa gột sạch nét sơ khai. Con đường dài nhất có lẽ là con đường Hàm Nghi lỗ chỗ nhừng viên đá ba-lát lồi lõm, nhất là khúc cuối dẫn vào xã Định Cư Châu Sơn, đoạn đường có tên gọi rất dễ thương “Hàm Nghi dốc đứng bụi khuất người”. Cái sầm uất của phố thị là con đường Ama Trang Long, chạy từ Ngã 6, nhà thờ Cha Ngoạn cho đến Tôn Thất Thuyết với hai dãy tiệm buôn và một thương hiệu nổi tiếng, “Kim Môn Rồng Vàng”; đường Quang Trung từ Phan Chu Trinh, qua các dãy phố Hoàng Vinh, An Thái, Tân Ka, Chi Cao, Đô Thành, Dân Thiên Đường, Trúc Lâm, Minh Sơn, xuyên qua Ciné LoDo, khu chợ, nhà hàng Vĩnh Thuận dẫn đến Suối Đốc Học. Đường Lý Thường Kiệt với nhà hàng mang tên Tây “Le Blanc de Neige” nổi tiếng với món cá lóc hấp, gần ngã tư Quang Trung; Cuối Lý Thường Kiệt, gần Ama Trang Long là nhà sách Văn, nơi mà thiên hạ thường khi làm dáng đến mua sách để làm quen nhau.  Đường Y-Jút tưng bừng, nhộn nhịp từ Phan Bội Châu cho suốt đến Ama Trang Long, hai bên đường là những dãy phố chợ san sát nối tiếp nhau. Có ai vào thời đó, bước qua đây mà không ngửi được mùi thơm của bún bò, lẫn mùi cay của khói thuốc lào 888, 999 từ khu chợ, mì vịt tiềm, hủ tíu, phở bò, cháo lòng heo... Bên kia đường là những tiệm buôn bán tạp hóa, áo quần, đủ loại, đủ các mặt hàng gia dụng; đường Tôn Thất Thuyết, khoảng từ Phan Bội Châu đổ về hướng sân vận động và Ty Cảnh Sát Quốc Gia, đầy dẫy quán sá, khách sạn, tiệm ăn như Tân Việt Tiến, hay phở, cháo lòng heo Xuân Thu…


 
Những nhà hàng nổi tiếng thời đó thực ra tôi chưa hề thử, Tân Cao Nguyên với món thịt dê đồn đãi ở đường Hoàng Diệu, Le Blanc de Neige với cá lóc hấp ở Lý Thường Kiệt, hay phở Tân Hiên vang danh như sấm động Cao Nguyên! Dư vị còn lại trong tôi vẫn là Cà phê Thiên Hương, Chè Tân Ka, Kem Chi Cao theo tôi suốt những dặm đường dài của quãng đời chinh chiến cho tận đến hôm nay. Cái sầm uất và thịnh vượng của tỉnh lỵ được phô bày trên những con đường này, để du khách khi qua đây, vẫn mang trong lòng cái cảm giác hưng thịnh của tỉnh lỵ miền đất đỏ quê tôi.
 
Lần thứ 2 tôi lại bỏ xứ Bụi Mù Trời để không phải về nơi gió cát, mà là trở lại chốn phồn hoa, tiếp tục nghiệp mài đũng quần ở giảng đường. Suốt 4 năm ròng rã, tôi chưa có dịp về lại khu Vườn Ương thơ mộng có đồi Chim Chích và thung lũng Cỏ Hồng để nhìn mùa Thu qua dãy rừng Trắc Bá tôi yêu thích, hay là ngắm nắng hoàng hôn của chiều về trên những đồi tranh bát ngát và ngoạn mục của rừng Buôn Quang từ xã Đạt Lý, chạy dài theo Quốc lộ 14 cho đến Hà Lan B.


Cái hùng vĩ của núi rừng Ban Don và 7 Buôn Làng của Cư Ming vẫn đầy cám dỗ trong tôi. Tôi ao ước có một lần được nằm dài trên đồi cỏ, mà quanh tôi không gian đã ngừng trôi, thời gian như cô động lại, tôi im lìm giữa cái vắng vẻ của núi rừng. Mà tiếc thay, giấc mộng bình thường ấy, tôi đã không có được từ buổi đó và vĩnh viễn mất rồi ở hôm nay.
 
Rời sân trường Đại học, tôi khoác lên vai chiếc ba-lô chinh chiến đến biên cương để hiểu thế nào là mùi quan tái và để biết thế nào là trời chiều biên ải. Tư đó, tôi xa đất Buồn Muôn Thủa mười mấy năm ròng, cho đến mùa Hạ năm 1972, tôi mới trở lại Banmêthuột. Bước xuống phi trường, tôi đi thật chậm như đếm bước chân mình trên từng tấm vĩ sắt của phi đạo, mắt nhìn quanh dãy hàng rào kẽm gai và hít thở thật sâu, thật dài không khí của vùng đất ấu thơ tôi đã bỏ đi mười mấy năm trường, tôi nghe như cảm xúc dâng ngập tâm hồn mình.
 
Con đường Tự Do, đối diện với phi trường là một dãy Ty, Sở, khang trang, mà nổi bật nhất là Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát; Nhà thờ Chính Tòa và Đền Đức Mẹ đã làm sống dậy sự tôn nghiêm của nơi thờ phượng. Đại lộ Thống Nhất, bắt đầu từ Hội Đồng Tỉnh, rồi Tòa Án, nhà Bưu Điện… phô bày tinh thần thượng tôn luật pháp của một chế độ. Đường Lê Lợi với dãy cư xá Sĩ quan và Câu Lạc Bộ Biên Thùy, nơi mà những người trẻ không ai mà không biết đến. Hàng phượng già đang mùa nở hoa, màu hoa đỏ tươi và rực rỡ trên con đường này cho tôi cái cảm giác được đón chào. Tôi cảm nhận nỗi vui mừng thực sự trong lòng mình.
 
Banmêthuột hôm nay đã thay đổi, như cô bé con ngày xưa tôi quen thói nô đùa, nay đã thành khuê nữ, mang đầy đủ nét trâm anh đài các. Buồn Muôn Thủa ngày xưa đã biến dạng, phố xá như thênh thang, nét giàu sang hiện rõ lên vẻ mặt thành phố; Nhiều khách sạn mọc lên như Anh Đào, Hồng Kong, Hoàng Gia, và một rạp hát mới, sát vách khách sạn Darlắc của ông bà Lý Trần Lý. Ciné Nguyễn Huệ, nằm trên ngã tư đường Quang Trung và Hai Bà Trưng, tiệm ăn Phú Lâm đông đúc không thua gì Thanh Thế ở Đại lộ Lê Lợi Sàigon vào mỗi chiều thứ 7; Và cũng trên con đường này, xuất hiện nhiều thương hiệu mới, như Nhà Hàng Hoàng Vinh, sát vách tiệm may Hoàng Yến thủa nào, và phía đối diện là Ngân Hàng Đại Á, một ngân hàng do tư nhân quản trị, cũng như SàiGòn Tín Dụng gần ngã 4 Quang Trung Y-Jút. Rất nhiều những tiệm buôn và nhà hàng mới.
 
Banmêthuột đã trở thành thị tứ, nơi đô hội của kỹ nghệ khai thác lâm sản mà người ta đã đặt tên cho là “Kinh đô của Cẩm Lai và Cà-te”, là hai loại gỗ quý hiếm trong ngành trang trí nội thất. Từ sự phát triển của ngành khai thác lâm sản, kéo theo ngành trang trí nội thất, các tiệm mộc mọc lên đầy dẫy, mà nổi tiếng nhất là xưởng mộc Tư Cần. Các xưởng cưa xẻ cây gỗ cũng được mở mang thêm ở khu vực cây số 7, Quốc lộ 14 về phía Nam Thị Xã, và phát đạt nhất là hai xưởng cưa ở khu vực xã Cư-Êbư, Châu Khen và Liên Quang.
 
Banmêthuột, quê hương ấu thơ trong tôi đã là cái nôi kinh tế của miền Cao Nguyên đất đỏ, từ đây, không phải chỉ nuôi sống 60 ngàn dân của thị xã Banmêthuột nhỏ bé, mà là nuôi sống dân số của toàn tỉnh Darlac, cung cấp công ăn việc làm và góp phần phát triển nền kinh tế quốc dân cho cả miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. Ngoài kỹ nghệ lâm sản và trang trí nội thất, nghề trồng cây kỹ nghệ cũng phát triển vượt bậc, tiêu, ca cao, cao su, mà đặc biệt là cà phê, được phát triển đều khắp 4 quận, mà cực thịnh là Phước An và Buôn Hô. Nếu có ai nói tới trà ở Blao, thì nhất định cũng nói đến cà phê Banmethuột, nhất là loại cà phê cứt chồn; Cũng như người ta khoa trương cây thông của Đà Lạt, thì cũng không thể quên cây bằng lăng, dầu, gụ, sên sên, sao, hay cẩm lai, và cà-te của rừng Banmêthuột.
 
Bây giờ tôi không còn thời gian để đi thăm khu vườn mộng tôi yêu, hay là lãng mạn từng đêm bước qua cửa nhà nàng nhìn lên khung cửa sổ để thấy bóng ai thấp thoáng bên màn, cũng không có thời gian vờ vĩnh mua sách ở quán Văn mà ươm hột giống cây si. Quán cà phê Mây Hồng trên đường Bà Triệu, tôi nghe nổi tiếng lắm, hoặc là khu xóm Đạo trên đường Phan Chu Trinh còn bao nhiêu thục nữ rất yêu kiều, tôi vẫn chưa có dịp ngang qua.
 
Tôi vốn thương thầm khuôn viên Vinh Sơn trên con đường này, khoảng từ nhà thờ Chính Tòa cho đến Phan Bội Châu, dãy hàng rào Tường Vi cao vời vợi che kín ngôi trường nữ Trung học nổi tiếng của tỉnh lỵ này cho tôi cảm giác yên tĩnh lạ lùng, cái yên tĩnh đến tịch mịch như khu vườn cà phê sau lưng Tòa Giám Mục ở cuối Phan Chu Trinh mà mỗi hoàng hôn của Chủ nhật tôi quen đến nằm giấu mình giữa những luống ca phê để hít lấy mùi hương mà tưởng như mình đang dạo chơi trong vườn huệ ở Đà-Lạt.
 
Nỗi quạnh hiu của những khu phố Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Nguyễn Tri Phương, những nơi mà ngày còn bé, tôi hay lang thang tìm tổ chim se sẻ trên mái nhà, hay là ngôi chùa Khải Đoan cổ kính tôn nghiêm vắng lặng mà mỗi sáng sớm hay chiều hôm, tiếng chuông vang lên đồng vọng trong nỗi tịch mịch của khu phố Suối Đốc Học nhưng đầy quyến rũ đã ăn sâu vào trí óc tôi.


Và còn rất nhiều những thứ tôi mê luyến, những kỷ niệm trong tâm hồn tôi và lòng yêu mến những nơi chốn tôi đã từng đến, ví như khu chợ ở đường Y-Jút, góc Ama Trang Long, mùi khói thuốc lào và cái im lặng của buổi sáng tinh mơ trùm lên phố thị.
 
Hình ảnh những em bé theo mẹ đến trường trên đường Hai Bà Trưng, khu cư xá Lam Sơn; Hay là tiếng rao phở của người bán phở rong mỗi đêm trên con hẻm của đường Võ Tánh và Hàm Nghi . Cái nhộn nhịp và nét phồn vinh của tỉnh lỵ hình như không thay đổi được cái thanh thản của chiều hôm trên phố thị cao nguyên, và hình ảnh tấm bé của từng con hẻm nhỏ cho tới cảnh náo nhiệt từng bừng của HongKong, Anh Đào, hay LoDo, Nguyễn Huệ, Hoàng Gia đã như hòa nhập với nét hoang sơ mà vương giả của phố núi thời tuổi nhỏ trong tâm trí tôi.
 
Banmêthuột, quê hương của tuổi thơ yêu dấu trong tôi là gia sản theo tôi trong suốt những dặm dài chinh chiến, từng phút bâng quơ nhớ về phố thị, những buổi Xuân hồng nhìn phong lan nở hoa mà thương tưởng núi rừng của vùng đất ấu thơ nuôi tôi khôn lớn, hoặc một đôi khi nhìn được màu bằng lăng tím nở trên những triền đồi của vài vùng núi cao nguyên, lòng tôi chợt như se lại, nỗi nhớ về một thời tuổi nhỏ đùa vui trên công viên phố thị hay khuôn viên trường Nguyễn Du hái trộm những cánh phượng đầu mùa, hoặc giả một thủa thương thầm người ta mà không dám ngỏ lời, để đêm đêm dạo qua không biết bao nhiêu con phố, đếm bước chân đêm qua từng cột đèn buồn... Đất buồn muôn thủa nơi xứ bụi mù trời có ai biết mới thương, dù bây giờ đã cách xa quê hương hơn nửa quả địa cầu, xa hẳn núi rừng đất đỏ, mất rồi những cọng trắc bá của mùa Thu, nhưng trong tâm trí tôi, một Vùng Đất Ấu Thơ ngày cũ vẫn rực rỡ như những vạt nắng vàng từng chiều buông trải quanh đây.
 
Mùa Xuân Cali, 2022
Nguyễn Định

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.118 giây.