logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 08/03/2022 lúc 07:12:50(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Tôi nhận được cú phôn từ Việt Nam vào một buổi tối khi cả nhà sắp sửa đi ngủ. Bên kia đầu dây, giọng nói của đứa em trai kế lạc đi vì xúc động, báo tin chị Tr. vừa mới chết ở Vĩnh Long. Tôi bàng hoàng và đau đớn, lặng đi một lúc, chỉ buông được 1 câu “Thật vậy à?” Tôi không thể tin được chị tôi qua đời khi tuổi vừa mới 44, để lại đàn con 5 đứa bơ vơ trong khi ba của chúng, một gã ăn hại, làm biếng, chỉ lo nhậu nhẹt, còn mải chạy theo các người đàn bà khác. Buông phôn xuống, tôi chẳng nói được câu nào, tự dưng những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má.

Trên con tàu xuôi Nam, đứa bé gái 2 tuổi, bước dài bước ngắn, lon ton vừa đi vừa chạy, nắm chặt tay người chị cả 4 tuổi, cùng với cha mẹ và đứa em trai đang được địu trên lưng mẹ, cả gia đình bỏ lại quê hương, nhà cửa, ruộng vườn để di cư vào miền Nam lánh nạn cộng sản. Đặt chân lên miền đất tự do nhưng xa lạ, chưa biết làm gì nuôi 3 đứa con, ba tôi đăng lính. Mỗi lần đơn vị di chuyển, ông phải đem cả gia đình đi theo. Rồi lần lượt, chúng tôi, 6 đứa nữa lần lượt chào đời, mỗi đứa một nơi sinh khác nhau. Lần đóng quân lâu nhất là trong phi trường tỉnh Sóc Trăng, một tỉnh rộng lớn nằm bên giòng Hậu Giang, miền Tây Nam, nơi đồng lúa bạt ngàn, xanh tươi, cò bay thẳng cánh. Chị em chúng tôi trải qua thời thơ ấu bình yên, tuổi học trò tung tăng những bước chân sáo trên mảnh đất tươi đẹp, hiền hòa này.



Cô bé hai tuổi ngày xưa giờ trở thành một cô thiếu nữ tuổi trăng tròn, cao lớn phổng phao, xinh xắn, dễ coi trong khu gia binh toàn gia đình con em binh sĩ tiểu đoàn 212 pháo binh. Nhà đông con, vả lại chị học hành không giỏi giang như chúng bạn, nên xin thôi học, ở nhà giúp má tôi và bà chị cả mở một tiêm tạp hóa và cà phê, kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình và trông coi các em. Ngoài việc phụ giúp má tôi trông coi quán và bán hàng cho khách và bà con trong khu gia binh, chị siêng năng, cần mẫn, nhanh nhẹn, khéo léo, và là đầu bếp chính của gia đình, cả nhà đều thích những bữa ăn nóng hổi ngon lành chị nấu. Má tôi hay kể, lúc nhỏ tôi là đứa hay khóc và khóc rất dai, không ai dỗ được, chỉ có chị là người có thể dỗ tôi nín. Vì vậy, lúc nhỏ tôi thương chị nhất nhà, hay đeo theo chị đi chơi trong xóm. Chị cũng thương tôi hơn các đứa em khác vì tôi còi cọc, hay bệnh lặt vặt, khó nuôi.



Tôi cảm nhận được chị thương tôi hơn những đứa em khác nên tôi hay làm nũng với chị mà không dám nhõng nhẽo với bà chị cả. Má tôi nhớ, có đêm tôi bị sốt, mũi chảy thò lò, người oặt oẹo, khóc rề rề cả đêm, không ai ngủ được, chị cứ ẵm tôi trên vai, vỗ về, săn sóc chu đáo. Khi mệt quá, chị lại đặt tôi nằm xuống giường, tôi lại khóc, chị đi kiếm giấy báo cũ đốt lên để tôi được nhìn thấy bóng ngọn lửa nhảy múa trên tường thì tôi nín khóc. Lửa vừa tắt, tôi lại khóc lè nhè, dai dẳng, chị phải đốt tờ báo khác để dỗ dành cho đến khi tôi mệt lả đi vì hết hơi, và chìm vào giấc ngủ chập chờn. Chị nhẹ nhàng lau mặt cho tôi bằng khăn ấm rồi mới trở về nằm trên cái võng kế bên.



Lớn hơn một chút, mỗi lần theo má đi chợ, chị để dành tiền mua cho tôi khi thì một món đồ chơi hay vài miếng bánh da lợn mà thôi thích. Chị chăm chút cho tôi còn hơn má nên tôi thích lẽo đẽo đi theo chị suốt ngày. Sau này, lớn lên đi học xa nhà, chị là người hay viết thơ cho tôi kể chuyện gia đình. Nhìn nét chữ viết ngoáy cứng cáp của chị, tôi vui thật nhiều vì dù tôi đi xa, chị vẫn nhớ thương, lo lắng cho thằng em bé bỏng của chị, không biết nó có tự lo cho bản thân được không. Lần nào chị cũng gởi tôi một ít tiền tiêu vặt để đi phố với bạn bè. Cuối thư, chị không quên nhắc nhở phải giữ ngực cho ấm trời Đà Lạt lạnh lắm, nghen em.



Như bao cô gái vào tuổi mộng mơ, chị vẫn hay thả hồn lang thang, chấp chới bay theo những cánh bướm lượn lờ trên những bông hoa, để mắt dõi theo những đám mây trời bàng bạc trên bầu trời xanh, mơ câu chuyện thần tiên có chàng bạch mã hiệp sĩ hiện về trong giấc mơ. Má tôi khẽ lắc đầu, gọi nhiều lần chị mới giật mình dạ to một tiếng, trở về với thực tại. Cuộc sống trong khu gia binh thời đó, lính tráng đi ra mặt trận, hết chiến dịch lại về nên lúc nào trong trại cũng đầy bóng dáng những thanh niên hào hùng trong bộ đồ trận vương mùi thuốc súng và những thư sinh vừa rời ghế nhà trường, khoác áo “trây di” theo tiếng gọi non sông. Trong chốn ba quân đó, có một chàng trai khoảng 20 tuổi, dáng người gầy nhưng cao, mũ nồi đen, áo trận bạc màu, binh chủng thiết giáp. Anh ta hay ghé quán nhà tôi uống cà phê, mua bao thuốc lá, thỉnh thoảng ngồi lại cao giọng kể chuyện hành quân và các trận chiến ác liệt ngoài sa trường pha lẫn một chút láu lỉnh, khi cao hứng anh ta kể mình là nhân vật chính, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, luôn xông pha về phía trước, coi kẻ thù như là… củ khoai.



Thời chiến tranh, sống nay chết mai, hầu hết các cô gái miền Nam đều ước mơ được làm người yêu của lính dù biết các chàng Kinh Kha ra đi chưa chắc có ngày trở về. Hình ảnh người lính Việt Nam anh hùng là hình ảnh đẹp nhất thời bấy giờ trong tim người dân miền Nam Việt Nam nên chị tôi cũng thầm yêu anh lính Thiết Giáp ăn to nói lớn kia.



Rồi anh chàng lính Kỵ Binh đem trau cầu đến hỏi khi chị tôi mới vừa tròn 17 tuổi. Chị tôi lên xe hoa về nhà chồng tận huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngày cưới, tôi nghe họ đàng trai kêu chị tôi là chị Bảy. Lúc chị xách va li rời nhà, tôi khóc rất nhiều, không muốn cho chị đi. Tôi hụt hẫng, chơi vơi. Tôi biết tôi sắp mất một người chị thân yêu nhất. Nhưng một đứa con nít thì làm gì được. Chị tôi phải theo chồng đi khắp 4 vùng chiến thuật và năm sau, tôi đi học xa nhà, vào một trường nội trú; Còn chị phận gái tòng phu, chị phải theo chồng con mỗi lần đơn vị di chuyển. Chúng tôi chỉ còn liên lạc với nhau bằng thư từ



Sau năm 1975, tất cả mọi binh lính, sĩ quan, và công chức miền Nam đều phải trải qua những tháng năm của kiếp người trong những “trại súc vật”, anh rể tôi may mắn chỉ đi học tập cải tạo 5 ngày vì chỉ là hạ sĩ quan, rồi đem vợ và 3 đứa con về quê nội. Cha mẹ chồng chia cho anh chị vài sào ruộng để nuôi đàn con tuổi đang ăn đang lớn. Vốn cần cù, siêng năng, chị tôi tần tảo nuôi chồng nuôi con nhờ vào chiếc xuồng ba lá chất đầy cần xé, giỏ lác với đủ thứ gà vịt, tôm cá và nông sản, hằng ngày xuôi ngược trên con sông quê bất kể nắng mưa dãi dầu.



Từ chiếc xuồng con ba lá bơi bằng dầm, chị dành dụm mua được chiếc ghe lớn hơn với hai mái chèo đứng, chị tôi chèo đi trong xóm thu mua tất cả mọi thứ, đem đến chợ huyện bán. Đến trưa, chị lại hối hả mua hàng xén, mắm muối, đường thẻ, và những thứ hàng hóa cần thiết mà người dân trong xóm vì xa chợ, không thể mua được. Chị một mình hì hục chất hàng lên ghe thật khẳm, theo con nước lên, xuôi về nhà, dưới ánh nắng vàng chói chang, chênh chếch, mồ hôi pha lẫn nước mắt vì thỉnh thoảng chị cảm thấy một cơn đau nhói như phá tan lồng ngực, đau đến ứa nước mắt không thể ngăn lại được. Một thân một mình, đi sớm về trưa, chị đem hàng về nhà để hắn và mấy đứa con bầy bán trong một cửa hàng tạp hóa mà chị đã mở phía trước nhà để kiếm thêm tiền chợ. Mấy sào ruộng chỉ đủ gạo cho cả gia đình 7 miệng ăn, mà 2 đứa sau này ra đời trong những ngày gạo châu củi quế sau năm 1975.



Thời gian này, tôi cũng long đong lận đận, tù tội rồi vượt ngục. Không dám về nhà, tôi phải phiêu bạc giang hồ. Tôi lại chạy về với chị. Chị lúc nào cũng giang rộng vòng tay thương yêu đón đứa em lưu lạc thiếu may mắn, và luôn dúi vào tay tôi ít tiền xài. Có những đêm khuya khoắt, mấy đứa cháu ngủ đã lâu, anh rể tôi còn mải trăng hoa nơi nào, tôi ngồi một mình đọc sách bên ngọn đèn dầu chờ chị về. Thỉnh thoảng tôi bước ra sàn nước sau nhà sát mé sông, nhìn con nước lên hình dung coi giờ này chị tôi sắp về gần đến nhà chưa. Nghe tiếng lạch cạch của mái chèo va vào mạn xuồng, tôi buông cuốn sách, chạy vội ra giúp chị khuân hàng hóa lên nhà. Nhìn chị mệt nhọc, tất bật, lam lũ, xác xơ, lòng tôi xót xa muôn vàn, chẳng biết làm gì đỡ cho chị. Ăn vội chén cơm, chị ngồi xuống, cắm cúi lo tính toán sổ sách. Nhìn bóng hình cam chịu của chị soi trên vách, nước mắt tôi chực trào ra.



Chị đến gần, đặt tay lên vai tôi hỏi sao chưa đi ngủ. Tôi nắm lấy hai bàn tay nổi những đường gân xanh của chị:



– Chị chưa về, em làm sao ngủ cho yên.



Tôi thấy mắt chị mờ đi một thoáng hơi sương. Chị khẽ bảo:



– Thôi em đi ngủ đi, mai chị không đi chợ.



Vậy mà chị em tôi đâu có nhiều dịp ngồi lại với nhau trò chuyện được lâu. Chị khuyên tôi ở lại đây lấy vợ, làm ăn, chị sẽ làm mai cho một đứa con gái quê hiền lành, biết chịu cực, hay lam hay làm. Vấn đề hộ khẩu chị lo cho, tôi không phải bận tâm, vì ở đây toàn bà con xóm làng, không ai làm khó dễ đâu. Tôi biết chị muốn chị em được ở gần nhau, nhưng tôi còn ôm giấc mộng lớn, chưa muốn neo thuyền ở bất cứ một bến đỗ nào. Đó là lần cuối cùng tôi gặp chị, tôi lại ra đi vào sương gió về một nơi vô định.



Nhờ sự cần cù bương chải, chăm chỉ của chị, trong thời kỳ “quá đọi” để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cả gia đình không một bữa nào phải ăn cơm độn khoai. Mỗi ngày khi gà chưa gáy sáng, khi vạt cỏ bên đường còn ướt đẫm sương đêm, chị tôi thức giấc, nhẹ nhàng với tay lấy 2 mái chèo và giỏ xách, một mình chèo ghe đến Cầu Đôi, gởi ở đó, lo chuẩn bị cho chuyến đi buôn đến Sài Gòn kiếm thêm gạo về nuôi 5 đứa con khờ dại. Ngày đêm vất vả, đầu bù tóc rối, không ngại một sương hai nắng, gian khổ, chị khéo léo né tránh công an kinh tế chuyên rình rập bắt hàng hóa của dân chúng, nhờ vậy gia đình có thêm của ăn của để.



Kinh tế gia đình khấm khá một chút thì tật mèo mỡ của anh rể tôi càng hoang dại hơn, những ngày ở nhà với vợ con đếm được trên ngón tay, hắn chỉ trở về khi hết tiền, vét sạch hộc tiền tiệm tạp hóa rồi lại bỏ đi. Khi không có tiền, hắn đe dọa mấy đứa con phải đưa tiền cho hắn đi buôn bán. Nếu không đưa, hắn đánh đập tàn nhẫn nên con cái sợ hắn như sợ cọp. Có lần hắn đánh thằng con lớn phải đi cấp cứu, tưởng chết. Ở dưới quê, không có gì dấu được lâu, chuyện vợ bé, trai gái cũng đến tai ba má và anh chị em gia đình hắn. Ai cũng xót thương cho nỗi nhọc nhằn và hoàn cảnh của chị tôi. Họ lên tiếng bênh vực và đứng hẳn về phía chị tôi, chửi hắn thậm tệ. Họ khuyên nhủ, cầu xin, hết cứng rắn rồi lại mềm dẻo, nhưng tánh nào tật nấy, hắn không nghe một ai. Cha ruột hắn vốn là một thày dạy võ, ông Hai Đính giận quá, bơi xuồng qua tận nhà hắn, vác cây dầm bơi đập cho hắn mấy cây. Hắn nhảy ùm xuống sông, vừa bơi vừa la lớn:



– Bớ hàng xóm, Hai Đính quýnh Bảy Tân.



Ông già 70 tuổi, tuy là võ sư, làm sao có sức rượt đuổi hắn, ông hậm hực bơi xuồng về và đòi từ hắn, không cho hắn qua nhà mấy ngày giỗ chạp hay Tết. Hắn không cần, vẫn đi mèo mỡ, khi hết tiền về nhà cố vét được ít tiền rồi lại đi. Chị tôi vẫn cắn răng cam chịu, nhẫn nhục vì con cái, không dám than thở cả với cha mẹ ruột mình. Khi đó, cuộc đời tôi vẫn lang bạt sống mòn trong cái xã hội đọa đày, vẫn nuôi mộng hải hồ; Tôi được mời làm tài công, lái tàu vượt biển đến trại tỵ nạn Philippines, ở đó hơn 2 năm, chờ đi định cư ở Mỹ. Tôi cắm đầu cắm cổ đi làm đi học, đầu tắt mặt tối, tôi quên tất cả, tôi quên bạn bè, quên gia đình và quên luôn chị tôi cho đến ngày học xong, ra trường, và có việc làm đầu tiên, chưa kịp viết thơ cho chị thì hay tin dữ.



Dòng sông quê vẫn đục màu nước phù sa, tiếng bìm bịp vẫn kêu con nước lên nước xuống, nhưng một buổi sáng, chị tôi không còn dậy nổi để đi chợ. Chị mở mắt. Trần nhà chông chênh xoay chuyển. Chị có cảm giác như thân thể mình bồng bềnh tựa chiếc thuyền trôi đi, cứ trôi đi trên sông nước, trong sương khói mênh mông, và dật dờ đi vào một vùng tối mịt mù. Chị cảm nhận hơi lạnh thấm vào xương tủy, một nỗi đau đớn kinh khủng vừa vỡ ra trong lồng ngực. Trong vùng mơ ảo đó, chị nghe thấy tiếng của chính mình - “Hãy ngủ đi, ngủ cho quên đi nỗi nhọc nhằn, ngủ cho thật say để thoát khỏi nợ trần gian”. Chị sụp đổ xuống trong vùng bóng tối im lặng sâu thẵm đó.



Đến sáng, mấy đứa con nhìn xuống bờ sông, thấy chiếc ghe của má tụi nó vẫn còn cột hờ hững ở đó. Chúng vội chạy vào buồng, má tụi nó nằm như chết, mặt trắng bệch, trên gối vết máu còn tươi nguyên. Chúng khóc la và sợ hãi kêu cứu, nhưng ba tụi nó không có ở nhà. Một đứa bơi xuồng qua bên ông bà nội. Chú Út lấy chiếc vỏ lải máy đuôi tôm chở má tụi nó lên bệnh viện huyện. Họ cho biết cô bị lao lực và chuyển sang ung thư phổi giai đoạn chót, không còn sống bao lâu, nên đem về nhà lo hậu sự.



Vì yêu thương đám con dại khờ, chị cố sống lây lất hơn 5 tháng nữa, với thuốc men khi có khi không. Nhìn đàn con dơ bẩn, nhếch nhác, quá đau lòng, chị gắng gượng dậy lo cơm nước cho chúng bữa đực bữa cái trong khi chồng còn mãi chạy theo những hình bóng khác. Ba má tôi cũng cố hết sức giúp đỡ tiền bạc lẫn công sức, đem mấy đứa con về bên ngoại nuôi. Ngày trước, tình yêu chồng con đã giúp chị tôi có sức mạnh vượt qua những cơn đau âm ỉ ngày một ngày hai; Bây giờ nỗi buồn đau người chồng bội bạc gặm nhấm dần thân thể bệnh hoạn khiến chị liệt giường và không bao giờ còn ngồi dậy nữa. Mấy đứa con không biết săn sóc mẹ nên lưng chị bị lở loét vì nằm một chỗ quá lâu không có người lau sạch và xoay trở thân mình. Chị tự biết mình sẽ không còn sống bao lâu nữa chỉ lo các con rồi đây ai nuôi chúng mà hai hàng nước mắt lặng lẽ chảy ướt cả gối.



Bốn câu thơ của thi sĩ Tế Xương như một lời tiên tri vận vào cuộc đời chị tôi đúng đến từng chi tiết nhỏ:



Quanh năm buôn bán ở ven sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng,

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.


Một hôm, hắn trở về nhà với một người đàn bà mà hắn giới thiệu là một y sĩ “cách mạng” của bệnh viện xã. Chị tôi mệt mỏi, nặng nề, mở mắt nhìn người chồng bội bạc cùng với người cướp chồng mình mà không nói lời nào. Sức sống cạn dần trong cái thân xác gầy gò chỉ còn là bộ xương, trong đôi mắt đẫm lệ của chị tôi, lặng lẽ một nỗi đau buồn uất nghẹn. Còn niềm vui ác độc nào hơn niềm vui khốn nạn của người chồng phụ bạc, nỡ lòng đâm thêm một nhát dao chí mạng vào người đầu gối tay ấp của mình đang hấp hối trên giường bệnh.



Cả hai ngủ với nhau ngay trong căn nhà mà chị tôi đã đổ mồ, nước mắt và xương máu xây dựng lên. Hắn hỏi chị còn vàng bạc thì đưa hắn làm vốn để đi buôn thuốc Tây với cô y sĩ cách mạng. Chị tôi thừa hiểu hắn có biết một chữ tiếng Tây tiếng U gì đâu mà đi bán thuốc Tây. Hắn lôi chị ngồi dậy và tra hỏi, chị nói còn chút gì thì đã xài hết vào thuốc thang. Chị tôi đã kín đáo gởi lại lại ít chỉ vàng bên nội cho đám con khờ dại sau này, phòng khi chị không còn nữa. Hắn đạp chị một cái thật mạnh vào bụng, chị tôi đổ gục xuống sàn nhà. Cả hai bỏ đi trong tiếng khóc thất thanh của mấy đứa con. Đứa con trai lớn vừa lấy vợ đang ở xa, không có ở nhà. Con cọp còn không nỡ ăn thịt đồng loại mình. Con chim Ương còn biết gào khóc tiếng bi thương bên xác con chim Uyên, cho đến lúc kiệt sức mà chết, huống chi con người.



Nửa tháng sau, vào một ngày gần cuối năm 1996, chị tôi vĩnh viễn rời xa cõi đời khốn khổ lúc vừa tròn 44 tuổi, mang theo nỗi buồn da diết và u uất như từ tiền kiếp nào. Chị bỏ lại 4 đứa con bơ vơ, chúng lớn lên hoang dã như cỏ dại. Ông nội mấy đứa nhỏ, ba hắn, qua nhà nhìn thân xác cô con dâu nằm héo hắt trong quan tài, chỉ biết lắc đầu khóc và than lớn tiếng để cho thằng con trời đánh nghe rõ:



– Con ơi, ba xin lỗi con, ngàn lần xin lỗi con.



Má tôi, từ xa đến khóc con, chỉ nấc lên nghẹn ngào:



– Mẹ chưa đi, sao con lại ra đi trước mẹ.



Một đám tang buồn thảm trong một ngày mưa dầm dề. Trời đất như nhỏ lệ khóc thương cho linh hồn chị tôi, một vì sao lẻ loi vừa rơi rụng ở cuối trời. Rồi một ngôi mộ đất nằm buồn bã cô đơn bên hàng cau xơ xác ven sông ở quê chồng. Chị tôi nằm lại đó, cạnh bờ sông nước lớn nước ròng, sóng bồng bềnh, gió mênh mông thì thầm qua kẽ lá ru hồn chị êm đềm đi vào giấc ngủ thiên thu. Chị bỏ lại sau lưng lớp áo trần gian đầy nhọc nhằn, rũ bỏ những bụi trần lắng đọng của thời gian và không gian để đi về miền đất miên viễn không có đau khổ, bạc tình. Chị của tôi vừa đi trọn kiếp người trong cái thế giới đầy nhọc nhằn, đau thương, và khổ ải.



– Năm đó con mới 12, 13 tuổi.



Đứa con gái út chị tôi, lúc này 16 tuổi, vừa khóc vừa kể cho tôi nghe sau ngày cùng ba nó qua đến Mỹ theo diện vợ bảo lãnh về tiểu bang Washington. Một bà bồ cũ của hắn, có 2 đứa con lai, từ Mỹ về Việt Nam chơi, gặp và cưới hắn, rồi đem hắn và đứa con gái út qua Mỹ. Tôi đón cháu tôi về nhà để nuôi nấng và gởi nó đi học nghề.



Hôm nay nhớ chị, tôi lục lại trong xấp giấy tờ cũ, thấy lá thư cuối cùng viết cho tôi hơn 1 năm trước khi chị lâm bệnh nặng, nằm liệt giường. Tôi mở ra đọc, nước mắt chảy ướt trang thư tay, làm nhạt nhòa những giòng chữ viết tay rắn rỏi của chị: “…chị viết cho đứa em xa quê hương mà chị thương nhiều nhất”. Chị yêu thương của em, chị là vầng trăng sáng, là đại dương mênh mông mà vòng tay em không ôm hết được từ những ngày còn thơ dại. Từ nay em mất chị vĩnh viễn rồi. Từ trong lồng ngực tôi một tiếng kêu đau thương bật lên, không nén lại được, tôi thổn thức kêu lên “Chị ơi”. Chị tôi trở về với cát bụi ngày 6 tháng 9, năm 1996.


3/2022
Nguyễn Văn Tới
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.192 giây.