Xe tăng của quân đội Nga tiến vào một khu phố ngoại ô thành phố Mariupol, đông nam Ukraina, ngày 11/03/2022. AP - Evgeniy Maloletka
Tính đến hôm nay, 23/03/2022, cuộc tấn công xâm lược Ukraina do Nga khởi động ngày 24/02 đã kéo dài gần một tháng, chính xác là 4 tuần lễ. Chiến thắng thần tốc mà tổng thống Nga Vladimir Putin mong đợi đã không diễn ra, từ ba tuần nay cỗ máy tấn công hùng hậu đã bị khựng lại, trong lúc lực lượng Ukraina nhỏ bé đã bắt đầu tổ chức những vụ phản công dù quy mô còn hạn chế.
Kịch bản Nga bị sa lầy tại Ukraina mà nhiều nhà phân tích dự báo từ khi chiến tranh bùng lên đã ngày càng rõ nét, với một hệ quả thảm khốc cho thường dân Ukraina.
Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde ngày 23/03, phải nói là sau gần một tháng tấn công, lực lượng Nga đã lấn chiếm thêm được 49.000 km2 lãnh thổ của Ukraina, một diện tích tương đương với nước Đan Mạch, và lớn hơn nhiều so với nước Bỉ.
Thế nhưng mục tiêu “dứt điểm” Ukraina trong vỏn vẹn một tuần mà ông Putin được cho là đã đề ra đã bị phá sản, và sau gần một tháng, Nga vẫn chưa chiếm được một thành phố lớn nào của Ukraina, ngoại trừ Kherson ở miền Nam. Trong một tháng, quân đội Ukraina đã kháng cự, không để mất một thành phố lớn nào của đất nước.
Hầu như không chiếm được thành phố lớn nàoKharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraina ở phía nam, dù rất gần biên giới Nga, một mục tiêu chiến lược mang tính biểu tượng, vẫn chưa thất thủ dù bị bắn phá dã man, và trước mắt, Quân Đội Nga có dấu hiệu từ bỏ việc đánh chiếm thành phố này.
Theo ghi nhận của nhà sử học Pháp Michel Goya, nguyên là một đại tá quân đội, thì kể từ ngày 04/03, các lực lượng Nga đã không phát động một cuộc tấn công quy mô lớn nào, các đà tiến lại bị chặn ở nhiều nơi, thậm chí còn bị thất bại ở một số nơi khác. Chuyên gia Goya nêu bật hai ví dụ, như tại Zaporijia, họ không chiếm được thành phố dù đã kiểm soát được nhà máy điện hạt nhân, hay ở Voznessensk, thành phố có 35.000 dân, bị chiếm đóng trong ba ngày và sau đó được giải phóng vào giữa tháng Ba…
Theo một báo cáo do Viện Nghiên Cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có uy tín của Washington công bố cuối tuần qua, và được nhật báo Pháp Les Echos ngày 20/03 trích dẫn, đối mặt với sự kháng cự rất kiên quyết của lực lượng Ukraina ngày càng được tăng viện và ngày càng hoàn thiện, Nga đã không thể hạ gục các thành phố lớn như họ mong muốn.
Việc sử dụng tên lửa siêu thanh Kinjal từ không phận Crimée, được thông báo hai lần trong những ngày gần đây, gây ấn tượng mạnh, nhưng được cho là nhằm che giấu sự tiến bộ ít ỏi của binh lính Nga trên mặt đất. Chủ Nhật 20/03 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ LLoyd Austin nhận định rằng loại vũ khí đó “không thay đổi cuộc chơi” trên hiện trường.
[b]Sách lược khủng bố tinh thần người dân[b]
Chính vì ngày càng cảm thấy mình bị sa lầy mà Quân Đội Nga được cho là đã dùng đến vũ khí khủng bố để phá vỡ ý chí chiến đấu của người Ukraina.
“Cuộc chiến sẽ đi vào giai đoạn sa lầy có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng”, báo cáo của ISW lưu ý, trong lúc lực lượng Nga “sẽ tiếp tục bắn phá vào dân thường để phá vỡ ý chí chiến đấu của người Ukraina”.
Đối với người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Anh, Trung tướng Jim Hockenhull, "hoạt động của Nga đã thay đổi", với "chiến lược tiêu hao liên quan đến việc sử dụng hỏa lực liều lĩnh và bừa bãi". Phương Tây ngày càng xem trọng nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học làm càn tại Ukraina.
Theo RFI