logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 27/03/2022 lúc 06:09:01(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Đại Quan họ Đỗ, quê cha đất tổ ở Huyện Nho Quan, Tỉnh Ninh Bình, một vùng núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình nhưng nghèo. Ninh Bình là vùng đất hẹp, người đông cho nên đất đai quý hơn vàng. Tổ tiên bao đời sống bằng nghề nông, đổ mồ hôi nước mắt trên vài mẫu ruộng, sống chết với ruộng đồng nhưng cuộc đời vẫn không khá. Đấy là nói về hàng trung nông, còn bần nông thì đời sống còn cơ cực gấp bội. Đã thế lại còn sai dịch, sưu thuế, đóng góp với làng nước nữa. Chỉ có tầng lớp quan lại là giàu sang, phú quý. Các quan bóc lột, bẻ đầu bẻ cổ dân ghê quá. Tới cụ cố tổ đời thứ tư, nhân có Cụ Tả Ao là bậc thánh tổ địa lý, có thể cải số Trời cho nên mới nảy ra ý định thỉnh cụ về nhà để nhờ cụ để mồ để mả cho, may đâu con cháu sau này sẽ khấm khá hơn.
 
Ba tháng trời sống cung phụng “cơm gà, cá gỡ”, Cụ Tả Ao sáng xách gậy trúc đi thăm thú khắp vùng để “tầm long, tróc mạch”, chiều tối mới về. Một ngày kia cụ ngồi giữa phòng khách, nghiêm trang hỏi gia chủ:
 
– Thế ông bà muốn cái gì?
 
Ông bà cố tổ chắp tay, khép nép đứng bên cạnh, trong thâm tâm thì muốn nói xin cụ để mồ để mả cho con cháu sau này làm quan, nhưng nói ra thì sỗ sàng quá cho nên bẽn lẽn thưa:
 
– Xin cụ để sao cho con cháu sau này có thể bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ.
 
Dường như hiểu thâm ý chủ nhà và cũng là để đền ơn, Cụ Tả Ao nói:
 
– Tôi đã tìm được một mảnh đất tốt, con cháu sau này sẽ bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ, tuy nhiên...
Tới đây cụ dừng lại rồi nói tiếp, “Phúc phần đều do Trời định, kết phát hay không còn tùy thuộc vào âm phần phước trạch nữa.”
 
Nghe nói thế ông bà cố tổ mừng quá, run run nói: 
 
– Cảm ơn cụ. Thật phúc đức quá. Cụ dạy thế nào thì chúng con theo vậy.
 
Sau khi chọn được ngày giờ tốt, ngôi mộ của cụ cố tổ đời thứ năm, tức là thân phụ của ông tổ đời thứ tư được bốc lên rồi cải táng trên một gò đất cao, hai bên có hai hàng cây chạy dài xuống mà Cụ Tả Ao nói rằng đó là Tả Phù, Hữu Bật khiến nghề nghiệp của cháu con sau này rất bền vững cho dù thời thế có đổi thay thế nào đi nữa.
 
Cải táng xong và tin tưởng vào tài năng xoay chuyển quyền Tạo Hóa của Cụ Tả Ao, trong lòng đầy phấn chấn, ông bà cố tổ cho bán bớt đi hai sào ruộng để cho cậu con trai theo học một cụ Cử nổi tiếng hay chữ ở Nam Định với hy vọng con mình đỗ đạt ra làm quan. Thế nhưng sau sáu năm dùi mài kinh sử, hai lần thi Hương không đậu, ông con phẫn chí trở về quê ngậm ngùi nối nghiệp cha ông khi cụ cố tổ qua đời.
 
Cụ cố tổ đời thứ ba mà Đại Quan gọi là cụ, lớn lên trong một giai đọan mà đất nước đầy biến động, từ việc Vua Gia Long dẹp yên nhà Tây Sơn rồi tới Quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất cho nên bút nghiên, thi cử là điều không tưởng. Khi ông tổ đời thứ hai mà Đại Quan gọi là ông nội ra đời thì Thực Dân Pháp đã áp đặt được một nền cai trị vững vàng trên đất nước An Nam. Muốn ra làm quan lúc bấy giờ phải học Trường Hậu Bổ hoặc Trường Thông Ngôn. Nhiều nhân vật tốt nghiệp Trường Thông Ngôn đã trở thành Phụ Chính Đại Thần hoặc Thượng Thư cũng chỉ nhờ khả năng thông dịch tiếng Pháp cho quan lại Thực Dân. Cụ cũng muốn cho con lên Hà Nội theo học trường này, vì một khi tốt nghiệp, dù học thức chỉ là một anh thông dịch viên tầm thường nhưng chuyện làm quan Tổng Đốc là chuyện dễ dàng khi được quan Tây cất nhắc. Khi đó thì tha hồ bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ. Thế nhưng muốn được tuyển vào học phải có sự tín cẩn và giới thiệu của các quan Thực Dân hoặc quan lại An Nam thân Tây cho nên cụ đành bỏ cuộc.
 
Ông nội của Đại Quan sinh được hai người con trai. Người con đầu lòng chính là thân phụ của Đại Quan, ở lại làng quê để nối nghiệp tổ tiên. Theo đuổi giấc mơ con cháu làm nghề “bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ” cho nên ông đã cho người con thứ, tức chú của Đại Quan lên Hà Nội để theo đuổi việc bút nghiên vì ông này lúc bé rất thông minh. Thế nhưng dù cố gắng hết mình, ông chú cũng chỉ đậu nổi bằng Thành Chung rồi làm thư ký cho một hãng buôn mà thôi. Nghe bố kể lại chuyện để mồ để mả năm xưa, khi Đại Quan chào đời, ông thân sinh ra Đại Quan vừa tức, vừa cay cú cho nên nhất quyết đặt cho đứa con trai một cái tên để thể hiện giấc mơ của giòng họ. Mới đầu ông định chọn cái tên Đỗ Quan Lớn nhưng sợ làng xóm chê cười – nghèo mà ham, cho nên đổi thành Đỗ Đại Quan. Đại Quan cũng là Quan Lớn, nhưng nho nhã và kín đáo hơn. Như vậy cái tên Đại Quan là cả một giấc mơ mà dòng họ đã ấp ủ bao đời nay.
 
Khi Đỗ Đại Quan được ba tuổi thì Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra, rồi Nhật chiếm Đông Dương, rồi Nhật đầu hàng, rồi Việt Minh cướp chính quyền, quân Lư Hán tràn vào, rồi Pháp trở lại. Việt Nam giống như một thân thể bầm nát bị đủ thứ loại ngoại bang giày xéo. Trong bối cảnh đất nước tràn đầy binh đao, khói lửa, đói kém, đủ thứ quan quyền đè đầu và bóc lột người dân thì một thị trấn nhỏ như Nho Quan, trẻ con được ê a hai chữ i, tờ đã là khá lắm rồi.
 
Vào năm 1953 chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh trở nên khốc liệt. Nho Quan là vùng trái độn. Nếu Pháp bình định được Nho Quan thì Liên Khu Tư của Việt Minh lâm nguy. Ngược lại nếu mất Nho Quan thì Pháp không sao giữ được Ninh Bình. Khi Ninh Bình không giữ được thì Nam Định sẽ rơi vào tay Việt Minh và cả vùng đồng bằng Bắc Bộ sẽ mất. Chính vì thế mà Pháp quyết đánh chiếm Nho Quan còn Việt Minh thì quyết tử thủ tại Nho Quan. Do đó có thể nói Nho Quan là nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt Minh. Người dân ở đây một cổ hai tròng. Thanh niên lớn lên nếu không theo Việt Minh thì cũng bị Pháp bố ráp để bắt lính. Trong một gia đình, có khi người anh đi bộ đội trong khi người em lại đi lính cho Pháp và cũng là lúc Đại Quan mười bảy tuổi. Trước tình thế nguy ngập đó, ông cụ thân sinh không còn cách nào khác là cho Đại Quan lên tá túc tại nhà người em ở Hà Nội.
 
Nhận nuôi Đại Quan, ông chú không biết tính sao khi nhìn cháu mình đã lớn mà không nghề nghiệp, không chữ nghĩa giữa tình thế khó khăn của Hà Nội trong thời chinh chiến. Hơn thế nữa cũng không thể để Đại Quan lêu nghêu mãi. Một ngày kia ông nghiêm trang nói với Đại Quan:
 
– Không phải chú thím không thương cháu nhưng cháu đã lớn tuổi. Một là đi học, hai là đi làm. Đi học thì trễ quá. Làm sao cháu có thể vào trung học trong khi chưa xong bậc tiểu học? Vả lại cháu cũng không thể sống không nghề nghiệp như thế này và có thể bị Tây bắt lính bất cứ lúc nào.
 
Ông chú dừng lại rồi sau giây phút trầm ngâm, ông  nói tiếp:
 
– Chú khuyên cháu là nên đi làm. Chú có quen biết một ông chủ hiệu hớt tóc. Cháu có thể học nghề tại đó một thời gian rồi sau này chú sẽ tính kế khác.
 
Là một cậu trai quê mới lớn, ngơ ngác giữa lòng đô thị, lại mang thân phận ăn nhờ ở đậu, Đại Quan không còn lựa chọn nào khác hơn là nghe lời ông chú. Vả lại học nghề hớt tóc cũng có cái lạ, ít ra là bớt khổ cực hơn những ngày cày sâu cuốc bẫm ở làng quê.
 
Sau hai tuần lễ học cầm tông-đơ, dao, kéo tương đối đã thành thạo, ông chú bỏ tiền mua cho Đại Quan một chiếc xe đạp, một bộ đồ hớt tóc, một chiếc ghế xếp để Đại Quan vừa thực tập mà cũng vừa hành nghề hớt tóc dạo cho trẻ em ở các ngõ hẻm hoặc ở vùng ngọai ô. Dĩ nhiên trẻ em là “địa bàn” lý tưởng để các ông thợ cúp mới ra nghề thực tập. Trẻ em, nhất là bọn trẻ con nhà nghèo thì đầu tóc quá lắm chí hớt trọc hoặc húi court (1) chứ đâu có kiểu cọ như mấy công tử Hà Nội cho nên mấy ông thợ tập sự tha hồ tung hoành. Chắc chắn đã có khá nhiều chú nhóc là nạn nhân của ông thợ Đại Quan này, nhưng đó là chuyện nhỏ, nhằm nhò gì. Rủi chú nhóc nào bị cạo béng đi một mảng tóc thì chỉ biết nếu máo chứ ăn vạ ai bây giờ?
 
Sau ít tháng, thấy nghề nghiệp của Đại Quan tương đối thành thạo, ông chú năn nỉ một chủ nhà ở Phố Hàng Thiếc để cho phép Đại Quan đặt một chiếc ghế hớt tóc ở ngòai bờ tường, bên dưới một tàng cây hoa đại. Thế là anh chàng Đại Quan nhà ta đã có một “cơ ngơi” để hớt tóc cho thanh niên, người lớn, ông già chứ không còn là trẻ em như mấy tháng trước nữa. Kể từ giờ phút này Đại Quan rủng rỉnh đồng ra đồng vào, không còn phải xin tiền chú thím như trước.
 
Trong lúc lo âu, vội vã tìm cách ổn định đời sống cho Đại Quan, ông chú không để ý chi cả, thế nhưng một hôm tình cờ ghé ngang chỗ “hành nghề” của cháu mình, nhìn Đại Quan nắn đầu, bẻ cổ khách hàng trong khi hớt tóc, cạo râu, nhớ tới việc để mả năm xưa ông giật mình, mồ hôi ông vã ra. Tối hôm đó, sau bữa cơm, ông thận trọng kể lại từng chi tiết về cuộc cải táng mộ cụ tổ bốn đời cho Đại Quan nghe. Kể xong ông nói với giọng lo lắng:
 
– Theo lời truyền tụng, được Cụ Tả Ao để mả cho, chậm lắm là hai đời sẽ kết phát. Cũng có khi “phát dã như lôi” tức là kết phát ngay đời thứ nhất. Thế nhưng chú không hiểu sao tới đời thứ ba vẫn chưa kết phát… và tới đời thứ tư tức đời cháu thì… cháu lại làm cái nghề… bẻ hầu bẻ cổ thiên hạ như thế này! Hay dòng họ ta phúc bạc? Hoặc cũng có thể ông bà cố tổ làm Cụ Tả Ao phật ý điều gì cho nên cụ mới chơi sỏ, hoặc Cụ Tả Ao chọn lầm đất chăng? Thật tình chú không hiểu nổi.
 
Nghe ông chú kể lại như thế, là một thanh niên sinh ra ở thập niên 1940, Đại Quan cũng tỏ vẻ buồn nhưng không tin tưởng lắm vào việc để mồ để mả như các thế hệ trước cho nên chàng ta nói cứng:
 
– Việc để mồ để mả có khi chỉ là truyền thuyết, tuy nhiên cháu chỉ làm cái nghề này một thời gian rồi chuyển qua nghề khác, vừa để cải số vừa để cho vong linh các cụ khỏi tủi thân vì có thằng chắt bốn đời phải làm nghề hớt tóc.
 
Nghe Đại Quan nói thế ông chú dù trong lòng vẫn còn rầu rĩ, nhưng cũng yên tâm phần nào.
 
Thấm thoắt thời gian qua đi rất nhanh. Chiến sự chẳng những không lắng yên mà mỗi lúc mỗi trở nên ác liệt. Rồi đùng một cái Điện Biên Phủ thất thủ, Hội Nghị Genève ra đời và đất nước chia đôi. Phân nửa người dân Hà Nội bỏ nhà bỏ cửa lên máy bay hoặc xuống Hải Phòng đáp tàu xuôi Nam. Trong tình thế hoang mang tột cùng như thế, ông chú không còn chọn lựa nào khác khi hãng buôn cũng di chuyển vào Nam. Khi gia đình chuẩn bi bán đổ bán tháo đồ đạc, giường tủ, ông chú hỏi Đại Quan là có muốn theo gia đình vào Nam hay trở về quê. Là một thanh niên mới lớn sẵn máu phiêu lưu mạo hiểm, ngoài ra cũng muốn thay đổi mệnh số, sau khi gửi thư về cho bố mẹ mà không thấy bố mẹ phản đối gì, Đại Quan quyết định vào Nam với ông chú. Để bày tỏ quyết tâm cải số, trước ngày lên máy bay, Đại Quan đem cả thùng đồ nghề hớt tóc ném xuống Hồ Tây, thề độc là sẽ không bao giờ cầm lại cái dụng cụ để  “bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ” nữa.
 
Theo gia đình chú di cư vào Nam, tá túc ở Khu Bàn Cờ, Đại Quan choáng ngợp bởi Sài Gòn – Hòn Ngọc Của Viễn Đông. Trong lúc rảnh rỗi, chưa công ăn việc làm, Đại Quan lang thang ở các khu Chợ Vườn Chuối, Phan Đình Phùng, Trần Quý Cáp, Lê Văn Duyệt để tìm hiểu cuộc sống mới và do méo mó nghề nghiệp, chàng la cà tới mấy ông thợ hớt tóc để làm quen. Đại Quan thấy Miền Nam sao dễ thương chi lạ. Của cải thì phong phú, đời sống thì dễ dãi, tác phong thì bình dị. Khách hớt tóc không trả giá, kỳ kèo như ngoài Bắc mà còn cho tiền pour bois.(2) Buổi trưa các ông thợ cũng như các ông đạp xích lô, tác phong như Tây, gác chân lên đọc báo nghỉ ngơi chẳng thèm làm.  Một ông thợ hớt tóc, dù tá túc ở dưới hàng hiên, một ngày kiếm năm mươi đồng dễ như chơi.
 
Với hy vọng tràn trề là xã hội mới, hoàn cảnh mới sẽ đưa tới cuộc đời mới, từ đó giã từ cái nghề oan nghiệt “bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ”. Thế nhưng mang thân phận của một kẻ di cư xa lạ, tìm kiếm một việc làm thích hợp không phải chuyện dễ dàng. Đạp xích lô hay lái taxi thì đường xá phải thuộc làu. Phu khuân vác bến tàu thì đòi hỏi sức khỏe và vô cùng cực nhọc. Xin làm thư ký thì không đủ khả năng. Buôn bán thì phải có vốn và dù có vốn rồi nhưng biết buôn bán gì đây? Còn đi học thì lớn tuổi quá. Dù đã cố gắng hết mình và cả với sự trợ giúp của ông chú, Đại Quan cũng sao tìm ra được một nghề để mưu sinh. Thấm thoắt thế mà ba tháng đã qua. Số tiền dành dụm nhỏ nhoi nhờ làm nghề hớt tóc ở Hà Nội cũng đã cạn. Nhiều đêm trằn trọc, nghĩ tới việc kiếm tiền thoải mái của mấy ông thợ hớt tóc, nghĩ tới lời thề độc năm xưa khi quẳng thùng tông-đơ, dao, kéo xuống Hồ Tây, mồ hôi trong người Đại Quan rịn ra. Tự ái, lo âu và bực tức giằng co dữ dội trong tâm trí khiến Đại Quan muốn phát bệnh cho đến một ngày nọ, có thể Đại Quan cũng đã muốn buông xuôi theo dòng định mệnh, cho nên rầu rĩ nói với ông chú:
 
– Thưa chú, thực tình cháu không muốn làm lại cái nghề “bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ” nữa… nhưng có lẽ cũng chẳng còn con đường nào khác. Chú có nghĩ rằng mồ mả đã kết phát như thế thì cũng chẳng thể cải số được chăng?
 
Tới mức này thì chính ông chú cũng bực bội với Cụ Tả Ao, với chuyện để mồ để mả năm xưa của tổ tiên. Nhưng trước thực tế khó khăn của người cháu, chính ông cũng vô kế khả thi cho nên ông đành lên tiếng an ủi Đại Quan:
 
– Thôi thì cháu cứ tạm quay lại với nó một thời gian rồi chú cháu mình tính sau.
 
Bằng sự giúp đỡ của người chú, Đại Quan một lần nữa lại đi mua sắm tông-đơ, dao cạo râu, kéo, gương, lược rồi mướn một cái chái của một căn nhà lụp xụp ở Đường Trần Quý Cáp để hành nghề. Thế rồi do chăm chỉ, cần mẫn, khéo tay, công việc làm ăn của Đại Quan mỗi lúc mỗi trở nên khấm khá và chỉ hai năm sau đã mướn được ngay căn nhà bên cạnh để mở một tiệm hớt tóc đàng hoàng với cái tên rất Tây: Coiffure Đại Quan, với sự phụ tá của hai người thợ. Rồi công việc mỗi ngày mỗi thịnh vượng, Đại Quan mua lại được chính căn nhà đó và năm sau thì cưới vợ, một cô gái Nam đang làm thợ dệt cho Hãng Vinatexco.


 
Trên đời này người ta thường hay đổ thừa cho định mệnh hay mệnh số khi một biến cố xảy đến cho đời mình. Thế nhưng thật ra tất cả đều do quyết định của chính con người. Không một chuyện gì trên đời này mà không có quyết định của con người. Và cả anh chàng Đại Quan nhà ta cũng thế. Theo dòng thời gian, mặc dù đã là chủ một tiệm hớt tóc, đời sống dễ chịu nhưng trong thâm tâm Đại Quan lúc nào cũng mặc cảm với cái nghề đang nuôi sống mình và luôn thắc mắc về bí mật của cuộc để mồ để mả năm xưa. Trong vài năm đầu, Miền Nam tương đối thanh bình nhưng sau đó chiến tranh lan rộng và mỗi lúc mỗi trở nên khốc liệt. Vào năm 1968 khoảng 500,000 quân Mỹ đã phải đổ vào để cứu nguy sự sụp đổ của Miền Nam. Sài Gòn thì truất phế, lật đổ, đảo chính, chỉnh lý, biểu dương lực lượng, giới nghiêm liên miên khiến người dân sống trong không khí ngột ngạt. Thanh niên sinh viên lớn lên không nhìn thấy tương lai, ngọai trừ tương lai động viên và nhập ngũ và không còn thứ giải trí nào khác hơn là chui đầu vào các rạp cinê hoặc các phòng trà nghe nhạc tình, nhạc ủy mị, nhạc Trịnh Công Sơn… do đó phòng trà, các quán cà phê mọc lên khắp nơi. Nhìn thấy thời cơ tốt, vả lại cũng là dịp để thay đổi số mệnh, ngoài ra làm chủ một quán cà-phê nhạc trông có vẻ “nghệ sĩ” và “oai” hơn là tiệm hớt tóc cho nên Đại Quan dẹp tiệm, mở quán Café Quan. Giống như lần ở Hà Nội, chàng đem tông-đơ, dao kéo ném xuống sông Sài Gòn rồi tới Lăng Ông ở Bà Chiểu thề độc là sẽ không bao giờ cầm lại mớ dụng cụ “oan nghiệt” này nữa.
 
Trong khi hiu hiu ngồi nghe nhạc, ung dung với lợi tức vừa đủ của quán cà-phê,  Đại Quan có lúc mơ về tương lai. Chàng thấy trên cái cuộc đời kỳ lạ này, chẳng phải văn hay chữ tốt, bằng cấp đầy mình mới có thể làm quan. Nhỏ không học lớn lên cũng làm quan. Một ông chuyên dạy lái ô-tô cũng trở thành nghị viên Đô Thành, một bà bán hàng ở Chợ Bến Thành cũng trở thành dân biểu Quốc Hội. Rồi một ông nghĩa quân ở Gia Định cũng trở thành nghị viên Hội Đồng Tỉnh, vậy thì có gì lạ khi một ông chủ quán cà-phê trở thành một nghị viên, rồi dân biểu? Những vị này không là quan thì là cái gì nữa? Để thực hiện giấc mơ làm quan, chàng bắt đầu tham gia vào các sinh họat của Phường, Khóm, các đám giỗ, tiệc cưới, các hội ái hữu, đăng báo phân ưu, mừng đám cưới trên các báo… để thiên hạ biết tên tuổi mình. Giấc mơ đó cứ lớn dần, sáng dần cho đến khi… đột nhiên Miền Nam sụp đổ và “Cách Mạng” tràn vào.
 
Hình như Sài Gòn cái gì cũng xa lạ và lạc lõng với đoàn quân dép râu, nón cối, mũ tai bèo và xe đạp thồ tràn ngập đường phố. Có lẽ đoàn quân đó lạc hậu với thành phố này tới nửa thế kỷ. Vì đây là cuộc “Cách Mạng” triệt để cho nên từng núi sách vở, báo chí, băng nhạc được đem ra đốt. Phòng trà, ca nhạc, vũ trường là sản phẩm văn hóa độc hại, đồi trụy cần phải cho đi học tập cải tạo. Chính vì thế mà Đại Quan hốt hoảng đóng cửa ngay quán nhạc, phá bỏ lớp kính màu, chạy vội lên Chợ Cũ mua ngay tông-đơ, dao, kéo để mở lại tiệm hớt tóc, nhưng không dám lấy tên cũ Coiffure Đại Quan vì cái tên này nghe Tây quá. Mà giống Tây thì có vẻ “phản động” cho nên dựng một cái bảng mới: Hớt Tóc Quan.
 
Đối với “Cách Mạng” dù làm chủ một tiệm hớt tóc, giai cấp tiểu tư sản nhưng nó có vẻ thuộc giai cấp công nhân và gần gũi với “Cách Mạng” hơn. Nhìn thấy cả triệu viên chức chế độ cũ phải đi tù cải tạo, Đại Quan hú hồn hú vía, thầm cám ơn cụ cố tổ đã để mồ để mả cho làm nghề hớt tóc. Chứ nếu làm nghề “bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ” thì giờ này đã đi tù “Mút Mùa Lệ Thủy”.
 
Mặc dù không bị đi tù về tội làm chủ một quán cà-phê nhưng chịu chung số phận với hằng triệu dân chúng Miền Nam: Ăn độn, làm thủy lợi, vùng kinh tế mới, họp phường, họp khóm, họp tổ… và đói rã họng ra mà kêu trời không thấu. Nhắm không thể sống nổi dưới chế độ này, năm 1979 lợi dụng nhà nước cho phép đi bán chính thức, Đại Quan trà trộn vào đám thương gia Chợ Lớn và chuyến vượt biên bình yên, tàu cặp bến Bi Đông, Mã Lai.
 
Khi đặt chân lên đảo tỵ nạn, thoát khỏi Việt Nam đầy ác mộng, Đại Quan thầm cám ơn tổ tiên, Trời, Phật và nghĩ rằng từ đây cho đến ngày nhắm mắt lìa đời sẽ không bao giờ phải làm lại cái nghề hớt tóc và bao mộng đẹp khi định cư vào Mỹ hình thành.
 
Thế nhưng giữa mộng và thực luôn luôn là một khoảng cách xa vời và có khi đối nghịch hẳn nhau. Vì chỉ là thường dân buôn bán, không thuộc diện con lai, làm sở Mỹ, cựu quân nhân, công chức, tù cải tạo cho nên Đại Quan và gia đình không đủ điều kiện đi Mỹ. Nói khác đi Đại Quan thuộc thành phần “ở mục đảo”. Ba tháng qua đi rất nhanh, nhìn những gia đình tới đảo sau mình đã có “danh sách rời trại” Đại Quan nóng cả ruột. Vì thời giờ quá rảnh rỗi, chàng lang thang trên đảo để tìm hiểu cuộc sống của đồng bào tỵ nạn. Người Việt mình quả là một sắc dân có sức sống mãnh liệt. Thôi thì đủ thứ sinh họat phồn tạp diễn ra trên đảo. Người thì trồng bầu trồng bí, người làm nghề thợ may, đồ thủ công, hàng lưu niệm, chụp hình, mở quán cà-phê nhạc Việt nhạc Mỹ xập xình và dĩ nhiên có cả nghề hớt tóc. Chợ “chồm hổm”mỗi buổi sáng trao đổi củi, cá, thuốc lá, mì gói, bầu bí, v.v… nhộn nhịp như một khu chợ nhỏ ở một quận lỵ nào đó ở Việt Nam. Vàng lận theo người bán đi để sinh sống đã cạn. Mỗi lần đi hớt tóc phải trả hai Mã Kim tức khoảng một đô-la Mỹ, Đại Quan thấy “đau hơn họan”. Thế rồi sáu tháng qua đi rất nhanh, vợ lại mang thai, cuộc sống tù túng trên đảo mỗi lúc mỗi trở nên khó khăn, tương lại định cư thì mù mịt. Sau một đêm suy nghĩ mà đầu muốn bạc như Ngũ Tử Tư năm xưa,  Đại Quan cắn răng quên lời thề độc, bán đi chiếc nhẫn cưới của vợ để nhờ giám thị Mã Lai mua cho một bộ đồ hớt tóc. Hôm nhận hộp đồ nghề “bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ”, nước mắt Đại Quan trào ra.
 
Thế nhưng có lẽ do “tổ đãi” hoặc do mồ mả kết phát, giống như ở Sài Gòn, Đại Quan bắt đầu sống thoải mái, có tiền để mua thêm đồ ăn, sắm quần áo mới, giầy dép mới, máy Cassette Radio để nghe nhạc và mua được cả vàng do dân tỵ nạn mới đến đảo bán đi để sinh sống. Cuộc sống trong khắc khoải, lo âu vì chờ đợi nhưng thoải mái về tài chánh so với dân tỵ nạn khác cứ như thế kéo dài ba năm.
 
Chính phủ Mỹ quả là một chính phủ nhân đạo. Đối với những người “ở mục đảo”, tức không đủ điều kiện đi Mỹ, cứ một hai năm họ cho mở lại hồ sơ để cứu vớt một số, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ. Dân tỵ nạn gọi hành vi nhân đạo này một cách nôm na bằng danh từ “hốt rác”. Thế là vợ chồng Đại Quan cùng hai con nhỏ được phái đòan Mỹ “hốt rác” và cho chuyển qua Trại Sungei Besi cũng thuộc Mã Lai rồi Trại Bataan, Phi Luật Tân học Anh Văn sáu tháng để định cư.
Thật mâu thuẫn, giống như những lần ở Hà Nội và Sài Gòn trước đây, dù nghề hớt tóc đã là cái phao giúp Đại Quan vượt qua những giờ phút ngặt nghèo nhưng lúc nào Đại Quan cũng căm hận cái nghề oan trái này. Hôm rời Đảo Bi Đông, Đại Quan ra cầu tàu, quăng bộ đồ hớt tóc xuống biển cùng với lời thề độc giống như năm xưa.
 
Thấm thoắt thời gian sáu tháng ở Trại Chuyển Tiếp Bataan, Phi Luật Tân qua nhanh. Ngày rời Phi định cư vào Mỹ là cả nỗi hân hoan cho gia đình và tương lai rộng mở. Do không có thân nhân ở Mỹ, Đại Quan được một hội thiện nguyện bảo lãnh. Thế rồi cũng do sự giúp đỡ của hội thiện nguyện, gia đình Đại Quan xin được welfare, food stamps rồi xin được housing tức trợ cấp nhà ở. Thời điểm bấy giờ là năm 1982, kinh tế Mỹ phồn thịnh cho nên chính phủ cho các gia đình có con nhỏ ăn welfare “mút chỉ” tới 18 tuổi mới thôi. Nếu tiếp tục sinh con đẻ cái thì lại ăn welfare tiếp, tức là có thể ăn welfare mãn đời.
 
Không phải loại người làm biếng chủ trương sống bám vào welfare, nhiều lần vợ chồng tính nạp đơn xin làm assembler tức thợ lắp ráp điện tử, thế nhưng được một số vị khôn ngoan đến Mỹ trước, khuyên: “Xứ Mỹ này rất kỳ lạ; một là thật giàu, hai là thật nghèo. Vô sản thì chính phủ lo hết. Trung trung đứng ở giữa, đi làm đóng thuế sặc máu, về già lại không có MediCal. Trên đời này không có gì sướng bằng ăn welfare, ở nhà housing và đi làm chui lãnh tiền mặt. Nhiều người có tiền, nhờ thân nhân, con cháu đứng tên mua nhà cho thuê sống sung sướng lắm ông bà ơi!”
 
Trong những lúc rảnh rỗi chạy qua hàng xóm láng giềng tán dóc, hoặc la cà vào các khu thương mại người Việt dò hỏi, đâu đâu người ta cũng nói như vậy. Khi được biết Đại Quan đã có thời làm thợ hớt tóc ở Việt Nam, một số bạo miệng khuyên, “Sao ông không mua bộ đồ hớt tóc về nhà làm chui? Chẳng thuế má gì cả mà cũng chẳng ảnh hưởng tới welfare. Tiền không đấy ông ơi!”
 
Nghe nói tới việc trở lại làm nghề hớt tóc Đại Quan choáng váng cả mặt mày. Thế nhưng nếu đi làm thì welfare, housing bị cúp, lúc đó lại phải đi thuê nhà mỗi tháng cả ngàn đô-la, về già lại không có MediCal. Còn nếu cứ ở không như thế này thì thật uổng phí. Không giống như Việt Nam, ở Mỹ “lao động là vinh quang” có làm là có ăn, thời giờ là tiền bạc.  Thế là tâm trí Đại Quan một lần nữa lại giằng co dữ dội, dữ dội hơn cả những lần còn ở Việt Nam. Thế nhưng cuối cùng tiền bạc đã thắng. Tiền bạc như một thần lực, nó thắng luôn cả tự ái lẫn những lời thề độc năm xưa. Đại Quan một lần nữa lại đi mua sắm tông-đơ, dao, kéo, gương, lược để trở lại nghề hớt tóc ngay tại nhà mình.
 
Giống như được “cô độ”, công việc của Đại Quan lại trở nên phát đạt. Các ông bạn hàng xóm tới với Đại Quan vừa để ủng hộ đồng hương vừa là dịp uống trà, tán dóc. Hơn thế nữa, theo phong tục không biết có từ đời nào, hớt tóc ở Mỹ không có cạo mặt, không cạo râu, không lấy ráy tai mà phải trả 10 đô-la. Tới Đại Quan chỉ phải trả 8 đô-la thôi, vừa kỹ lưỡng, lại có đủ thứ và “báo chợ” đọc chơi. Mỗi buổi sáng Đại Quan rảo qua văn phòng các bác sĩ, nha sĩ nhặt báo đem về cho bạn bè và khách hàng. Nhà của Đại Quan giống như một “business” nho nhỏ và vui vui. Thế là Đại Quan một lần nữa tiền bạc rủng rỉnh, mỗi tháng kiếm hai, ba trăm đô-la dễ như chơi và  bắt đầu có dư để gửi về Việt Nam biếu gia đình bố mẹ ở Ninh Bình và ông chú ở Sài Gòn.
 
*
 
Với cuộc sống tương đối ổn định, trông lên thì chẳng bằng ai nhưng trông xuống thì chẳng ai ung dung bằng mình. Trong những lúc vắng lặng, Đại Quan suy nghĩ vẩn vơ. Xã hội Mỹ trông bề ngoài phồn vinh như thế nhưng đầy dẫy bấp bênh và đổi thay như chong chóng. Có những ông, nhà cửa đáng giá bạc triệu, đi xe Mercedes, tiền để ngân hàng, chơi stock bỗng nhiên ra homeless (3) sau khi ly dị vợ. Còn kỹ sư điện tử thất nghiệp, không sao tìm được việc phải đi bỏ pizza hoặc làm bồi cho nhà hàng. Nhìn thằng con đầu lòng sinh ở Sài Gòn giờ đã lên đại học, nghĩ tới việc để mồ để mả của tổ tiên, nhìn lại đời mình Đại Quan thấy có thể Cụ Tả Ao năm xưa đã chọn lầm đất khiến con cháu thay vì  ra làm quan lại đi làm nghề hớt tóc. Định mệnh đó theo đuổi mãi dù đã chạy qua tới đất Mỹ. Liên tưởng tới ngày thằng con trai mình ra trường đậu bằng kỹ sư, lấy vợ, rồi vợ chồng bất hòa ly dị, rồi trắng tay biết đâu nó chẳng phải làm nghề hớt tóc như bố nó ngày hôm nay?  Đại Quan rầu rĩ chia sẻ ý nghĩ này với vợ:
 
– Bà à, sao tôi lo quá. Tôi sợ rồi đây việc để mồ để mả linh thiêng của Cụ Tả Ao sẽ lại ứng nghiệm. Biết đâu đến đời thằng con mình nó cũng lại làm cái nghề “bẻ đầu bẻ cổ thiên hạ” như tôi?
 
Nghe nói thế, bà vợ thay vì lên tiếng an ủi, bà “xì” một cái rồi nói:
 
– Trời đất ơi! Ông ở Mỹ mà cứ như còn ở Việt Nam. Cụ Tả Ao là bậc thánh tổ địa lý. Cụ thương dòng họ mình và biết  chắc rằng thằng chắt năm đời sẽ lưu lạc qua đất Mỹ cho nên cụ mới để mả cho nó làm nghề hớt tóc. Nếu như cụ để mả cho anh làm quan thì năm 1975 đã đi tù “mút mùa lệ thủy” rồi, qua đây làm nghề gì để sinh sống? Bộ anh tưởng một tháng kiếm hai, ba trăm đô-la “tiền tươi” (4) dễ lắm hả? Ở Mỹ này có tiền mua tiên cũng được. Thằng con mình nó giỏi tiếng Anh, nếu nó có theo “nghiệp tổ” thì nó sẽ phát triển thành năm, ba tiệm. Khi có tiền rồi thì nó làm gì mà chẳng được. Ông không thấy một ông Việt Nam làm nghề thầu rác vừa được tổng thống bổ nhiệm làm Phụ Tá Giáo Dục Tòa Bạch Ốc sao? Có tiền đóng góp cho mấy ông ứng cử viên tổng thống. Đắc cử rồi thì ông ấy cho mình làm quan. Ở Mỹ có tiền mua tiên cũng được ông ơi!
 
Nghe bà vợ nói thế mặt Đại Quan xụ xuống. Sau một hồi ngồi như kẻ mất hồn, chàng ta lẩm bẩm một mình:
 
– Ừ, con mẹ trông nhà quê thế mà nói cũng có lý. Biết đâu thằng con trai mình sau này làm nghề hớt tóc phát đạt, góp tiền tranh cử cho các ứng cử viên thống đốc, tổng thống rồi sau đó được các ông ấy bổ nhiệm làm quan, tha hồ “bẻ đầu bẻ cổ” thiên hạ. Mình lẩm cẩm quá!
 
Đào Văn Bình
_________________________
           
(1) cắt tóc ngắn
(2) tiền típ, tiền trà nước
(3 ) lang thang không cửa không nhà như gã ăn mày
(4) tiền mặt và không phải đóng thuế
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.245 giây.