xuyên nhận được yêu cầu từ chính quyền Việt Nam đòi gỡ bỏ các nội dung bị cho là phản cảm, sai sự thật và chống phá nhà nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm 29/3 cho biết đã có hơn 3.200 bài viết và video bị gỡ bỏ trên các trang xã hội như Facebook, YouTube trong quý đầu tiên của năm vì bị cho là chứa thông tin sai lệch và vi phạm pháp luật Việt Nam.
Theo đó, cơ quan quản lý truyền thông của Việt Nam cho biết từ ngày 1/1 đến 21/3, mạng xã hội Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 525 bài viết đăng “thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, tin gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Tỷ lệ gỡ chặn của mạng xã hội này đạt 90%”, TTXVN tường thuật.
Phía Google cũng đã gỡ 2.679 video bị cáo buộc vi phạm pháp luật trên nền tảng Youtube. Tỷ lệ gỡ chặn trên nền tảng này đạt 93%.
Bộ TTTT nói những thông tin tiêu cực trên không gian mạng trong tháng 3 này có chiều hướng tăng so với tháng trước, với tỷ lệ thông tin tiêu cực là 3,6%, tăng 0,2% so với tháng trước.
Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu các công ty truyền thông có số người sử dụng cao như Facebook, Google và TikTok phối hợp với các cơ quan chức năng để gỡ bỏ các nội dung bị cho là phản cảm, sai sự thật và chống phá nhà nước.
Theo “Báo cáo Minh bạch” của Google, trong nửa đầu năm 2021, công ty này đã nhận được 326 yêu cầu gỡ bỏ nội dung trên YouTube tại Việt Nam, và 300 trong số đó là vì lý do chỉ trích chính phủ.
Trong một báo cáo riêng, Bộ TTTT cho biết họ đã ra lệnh cho các công ty truyền thông trên chặn và xóa hơn 28.100 bài đăng vào năm ngoái.
Trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng thắt chặt việc kiểm duyệt internet, với đỉnh điểm là đưa ra Luật An ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 và ban hành ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào tháng 6 năm ngoái.
Các nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền thường xuyên bày tỏ lo ngại rằng các quy định luật trên có thể giúp cho chính quyền thêm quyền lực để đàn áp những người bất đồng chính kiến bằng cách buộc các công ty truyền thông xã hội cung cấp dữ liệu khách hàng của họ.
Theo VOA