Mùa đông xuân năm nay, trời lạnh sớm, cái lạnh tái tê kéo dài từng đợt trên khắp cả nước, từ miền cao đến châu thổ. Có những nơi như đèo Ô Qui Hồ, Mẫu Sơn, Y Tý… tuyết rơi trắng xóa. Tuyết nơi miền chí tuyến! Cùng với tiết trời là những đợt gió rét mướt vi vu dễ làm chùng lòng, chẳng dám dậy sớm đi biển. Nên nhớ vẩn vơ. Nhớ gió qua bao nỗi niềm.
Gió mậu dịch hay còn gọi là tín phong/ trade winds là gió thổi từ cao áp cận chí tuyến về miền xích đạo. Do trái đất quay, không khí bị chệch hướng vì ảnh hưởng của lực Coriolis, ở Bắc Bán Cầu, gió thổi hướng Đông Bắc-Tây Nam, ở Nam Bán Cầu, theo chiều Đông Nam-Tây Bắc. Gió thổi quanh năm nên trước khi có tàu thủy chạy bằng máy hơi nước, từ cuối thế kỷ 15, gió đã đưa thuyền buồm của các nhà hàng hải từ Âu Châu sang Tân Thế Giới, mở ra thời Phục Hưng với bao điều hay ho mà cũng lắm hệ lụy.
Mùa hè nóng bỏng 2020, sau cái chết tức tưởi của anh da màu George Floyd ở Minneapolis, Hoa Kỳ, đám đông cuồng nộ đã xịt sơn lên tượng Kha Luân Bố, người được vinh danh đã tìm ra Châu Mỹ năm 1492. Nhờ gió mùa và la bàn dẫn đường, vậy mà Christopher Colombus vẫn còn lầm miền đất mới Châu Mỹ với Ấn Độ.
Vài chục năm trở lại đây, khi biển và đại dương giữ vai trò then chốt trong thế địa chính trị trên bàn cờ thế giới, Trung Hoa muốn khẳng định vai cường quốc hàng hải, vội vàng phủi bụi thời gian, đề cao vai trò của đô đốc Trịnh Hòa qua 7 chuyến hải trình từ 1403 đến 1433. Những ngọn tín phong và gió mùa thuở đó đã đưa Trịnh Hòa đến vùng biển Đông Nam Á, Ấn Độ Dương, bán đảo Ả Rập, vùng Đông Phi. Luồng gió mới mở ra biển cả và đại dương lồng lộng cho đất nước Trung Hoa vốn xưa nay co cụm bên trong Vạn Lý Trường Thành có tên Trịnh Hòa, một Christopher Colombus phương Đông đầy tham vọng. Ông vốn là viên quan thái giám người Ouighur/Duy Ngô Nhĩ của vùng Tân Cương đầy nghi kị và sân hận bây giờ.
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa với hai mùa gió Đông Bắc, từ tháng 9 đến tháng 5 và Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 9. Mousson, Monsoon đến từ tiếng Ả Rập mausim nghĩa là mùa. Từ đó mà có chiến thuật giặc mùa. Cuối thế kỷ 18, từ những năm 1790, vào các tháng Năm, Sáu, theo gió mùa Tây nam, qua cửa Cần Giờ, Nguyễn Ánh đưa quân ra Quy Nhơn, phối hợp với các đoàn quân bản địa, uy hiếp và khống chế lực lượng anh em nhà Tây Sơn. Khi gió mùa Đông Bắc tràn về, quân Nguyễn rút vào Nam, chỉ để lại một ít quân sĩ canh giữ. Từ đó, dân gian có câu:
Lạy trời cho chóng gió nồm
Để thuyền chúa Nguyễn thuận buồm thẳng ra.
Mùa hè, gió mùa Tây Nam băng qua Ấn Độ Dương, biến thành những ngọn gió ẩm, khi thổi đến Trường Sơn thì bị hoành sơn nầy chận lại nên Trường Sơn Tây anh đi/ Thương em thương em bên ấy mưa nhiều...
Bên sườn đông, phía đồng bằng duyên hải miền Trung, đặc biệt là vùng đồng bằng duyên hải Nghệ-Tĩnh-Trị-Thiên, nhiều khi gió còn vượt qua giới hạn trên tiến ra tận Bắc Bộ hay xuống đến Bình Định, Phú Yên. Gió từ sườn đông Trường Sơn thổi sang phần phật từng cơn, từng cơn, kéo dài trong hai ba ngày, có khi đến nửa tháng, gọi là gió Lào. Người Lào hiền hòa, dễ mến, thân thiện, đi du lịch Lào thú vị và nhớ hoài mà gió Lào thì dữ dội.
Hãy nghe nhà địa lý học Lê Bá Thảo – Thiên nhiên Việt Nam, NXB Giáo Dục tái bản. 2004, trg 202, mô tả:
Khi gió Lào thổi,nhiệt độ tăng cao lên đến 37-39° hay hơn, độ ẩm xuống đến mức thấp nhất, từ 30 đến 45%, độ bốc hơi tăng lên một cách đột ngột làm cây cỏ chết héo, mái tranh khô cong, tre nổ lốp bốp và hồ ao cạn nước.Người ta nghe thấy tiếng gió thổi ào ào trên các lùm cây,tiếng lá khô bay lao xao trên mặt đất và một luồng khí nóng phả vào người lấm tấm rát như kim châm.
Nguyễn Tuân trong tùy bút Gió Lào:
Bấy giờ là cuối tháng tư âm lịch, gió Lào đêm ngày nối tiếp kêu gào như sinh vật bị cắt họng. Có lúc gió rống lên như đàn chó già sủa bóng. Bị lục địa xua rượt từ Tràng Sơn ra bể Đông, gió chạy một chiều rất nhanh rất bạo qua một cái tỉnh vắng rộng. Còn linh động được ở đây là chỉ có cát và bụi thôi…Gió cứ một điều ù ù thổi từ đất ra biển không một phút nào ngoảnh cổ lại… Đất ùn chướng lũy, uất lên với nhiệt độ gió Lào… Khí trời ong ong, khí người ráo kiệt… Gió từ nẻo lưng đèo ùa về đưa tiếng khóc đàn bà qua các cồn cát trắng, trắng đến mức ngao ngán,qua những rú xanh ruộng cằn trên đó còn phất phơ cái ú ớ mê tín ma Hời…Ôi gió Lào ơi, tôi muốn đưa cả cho gió những ngày đầy hẹn ước của đời tôi, để gió đừng rên kêu trong một buổi, chỉ một buổi thôi!
(Dẫn lại theo bản dịch Trần Thiện Đạo. Albert Camus. Tiểu Luận, phần phụ lục. NXB Văn Hóa Thông Tin tái bản. Hà Nội 2004.)
Nhìn lại lịch sử Đại Việt, từ hậu bán thế kỷ 14, sau hào quang ba lần chiến thắng Nguyên Mông, nhà Trần bước sang thời suy vong. Từ phương Nam, quân Chiêm Thành tiến vào Đại Việt như chỗ không người, đốt phá kinh thành Thăng Long, vua quan kéo nhau di tản trước, dân lêu bêu tứ tán theo sau. Người anh hùng Chiêm Thành bấy giờ là Chế Bồng Nga. Như chiến thuật của Nguyễn Ánh sau này, Chế Bồng Nga nương theo gió nồm/ gió mùa Tây Nam để tấn công Đại Việt.
Tháng 11 năm 1389, trong thế thượng phong trước vua tôi nhà Trần bạc nhược, bất chấp quy luật thời tiết gió mùa Đông Bắc lạnh ẩm vốn xa lạ với đoàn quân phương Nam quen với nắng ấm, Chế Bồng Nga ra lệnh xuất quân. Trong đỉnh điểm mùa gió bấc tháng giêng năm 1390, do hàng thần bội phản, Chế Bồng Nga bị phục kích và trúng đạn chết trên thuyền ở sông Luộc, Hưng Yên, chấm dứt những trang sử vàng son Chiêm Thành. Trong sự thất bại ấy, ngoài lý do Chế Bồng Nga bị chỉ điểm, còn có gió mùa Đông Bắc lạnh cắt da đã cầm chân quân Chiêm Thành. Như tuyết rơi trắng xóa, giá rét căm căm phần nào giải thích sự thất bại của Napoléon I trong chiến dịch tiến quân sang Mạc Tư Khoa năm 1812 mà người Nga gọi là trận Borodino.
Có lần dừng chân phía Bắc đèo Cổ Mã, Phú Yên, tôi đành chịu trận trước những đợt gió lồng lộn, hung hãn đang rít lên như tiếng ngựa phi trong bão cát mịt mù. Cát phả vào người, luồn qua những lớp áo, gió và cát thấm rát vào da thịt nghe rờn rợn. Gió không khô nóng như gió Lào. Nơi quán bên đường, sau phút hoàn hồn, hỏi thăm về gió thì được chủ quán trả lời: gió nam cồ.
Gió nam cồ thổi ròng rã ngày đêm không ngừng nghỉ. Không biết gió ở đâu mà nhiều thế, chạy hàng đàn lũ lượt, lồng lộn, la thét, hung hãn tột cùng… Một cái gió mà ruồi muỗi phải sợ núp trốn, nhưng trẻ nhỏ và ngựa lại thích chí vô cùng. Đó là gió nam cồ. (Ngô Phan Lưu).
Tôi đưa khách nhàn du Lai Châu, Điện Biên Phủ, Lào Cai, Yên Bái… nhiều lần mà chưa từng bao giờ cảm nhận “ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên”. Có lẽ phải là người đã chọn nơi này làm quê hương hay chỉ là nỗi nhớ hắt hiu những người tù khổ sai thuở nào tháng ngày núi rừng biên ải.
Trong bài thơ Les yeux d’Elsa/ Đôi mắt Elsa, Louis Aragon viết: “Les vents chassent en vain les chagrins de l’azur/ Gió thổi không nguôi cho tan đi niềm đau nhân thế”.
Thôi thì hãy nhớ đến những ngọn gió hoan hỉ hơn, những ngọn gió khiến con người xích lại gần nhau. Buổi sáng hôm nay, mùa đông đến đột nhiên, không báo trước.Vừa mới hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh…
Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt. (Gió đầu mùa, Thạch Lam).
Trời muốn trở rét…Ở ngoài có lẽ gió thổi mạnh hơn vì tôi nghe tiếng lá bàng rụng trên đường mau hơn…Gió lên…gió nữa lên…Gió lên…lạy Trời gió lên…Một cơn gió mạnh nổi lên. Lá rụng… một lát đã đầy đường. Mau lên chị ơi… Nhặt cả hai tay chị ạ…Trời sáng rõ lúc nào tôi không để ý. Ánh nắng lấp lánh trên những lá bàng bóng như sơn son. Hai đứa bé còn đứng đó buộc mấy gánh lá bàng nhặt được đêm qua. (Đôi bạn, Nhất Linh).
Thời đi học, chúng tôi may mắn đọc miên man từ Tự Lực Văn Đoàn, nhóm Sáng Tạo, Văn… đến Kim Dung, các tác giả phương Tây. Albert Camus là một trong những dòng văn chương để đời thuở ấy cho đến tận bây giờ, đặc biệt là tập tiểu luận ngắn Noces/ Giao Cảm với bốn bài tùy bút trải lòng với mặt trời, nắng, biển cả, sa mạc, gió…
Gió từ một nẻo trống giữa mấy hòn núi xa ở phía đông thốc ra, chạy ùa từ chân trời mù tịt mà dội hừng hực vào gạch đá và ánh nắng. Gió liên tiếp rít qua phế tích, quay cuồng trong một hý trường đất đá lẫn lộn, chui thọc vào các đống đá khối rỗ mặt, vây trùm các cột trụ để rồi phân tán ra thành bao tiếng rú không ngừng trong công trường trống nóc. Tôi cảm thấy bị dập vùi như một cột buồm… Riêng tôi, đứng trước cảnh vật này, tôi không muốn dối ai, mà cũng không muốn ai dối tôi. (Gió về Djémila, theo bản dịch của Trần Thiện Đạo, Sđd).
Cho nên, bao nhiêu năm rồi, vẫn ngại phất phơ gió chiều nào ngả theo chiều đó.
Gió đã lên… Trên mặt đất thân yêu nầy, còn biết bao nhiêu là cơn gió như gió nóng Santa Ana, đỏ rực đây đó đất trời California, gió Mistral hay gió Sirocco lồng lộng miền Nam nước Pháp hay cơn gió nhẹ hiu hiu một chiều nào bên sông Hương…
Tống Văn Thụy