Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Đến nghị quyết thứ hai của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng, thì quả là Hà Nội đã đi quá đà.
Một trong nhà ga trên cuộc hành trình tìm “điểm rơi” của Việt Nam cần được hướng tới là bày tỏ tình đoàn kết với chính quyền và nhân dân Ukraine đang chiến đấu vì độc lập tự do của mình, nhưng cũng là của cả châu Âu và thế giới, trong đó có Việt Nam.
Một báo cáo nếu được chuẩn bị trình Hội nghị TW-5 sắp tới sẽ phải khẳng định rõ vấn đề: “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga càng kéo dài, Việt Nam càng gặp khó khăn trong triển khai chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá về ngoại giao từ trước đến nay.
Như một tập quán thông thường, tại Hội nghị TW-5 của ĐCSVN sắp tới đây kiểu gì cũng sẽ có một báo cáo chung giữa Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương về đối ngoại. Báo cáo này sẽ phải khẳng định rõ một vấn đề: “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga càng kéo dài, Việt Nam càng gặp khó khăn trong triển khai chính sách đa dạng hoá về ngoại giao từ trước đến nay. Đã đến lúc hai cơ quan có trách nhiệm hàng đầu về chính sách đối ngoại cần chỉ rõ, bất kỳ cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc theo kịch bản nào thì địa-chính trị thế giới và khu vực sẽ tiến về phía các kịch bản bất lợi cho chính sách “đu dây” truyền thống. Vấn đề cấp bách là Việt Nam sẽ phải làm gì để khắc phục hậu quả của hai lá phiếu trắng trong vòng một tháng qua ở LHQ?
Phiếu trắng là “nguỵ tạo” ủng hộ Nga?Lá phiếu trắng thứ nhất, thế giới có thể thông cảm được phần nào. Lợi ích trước mắt của Việt Nam, các lô dầu khí và những kho vũ khí từ Nga gần như “dán keo” vào miệng người phát ngôn BNG. Nhưng đến lá phiếu trắng thứ hai, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraine, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng, thì quả là Hà Nội đã đi quá đà. Giờ là lúc ngoại giao Việt Nam cần tạo ra những cú hích mới để đất nước có thể hoà cùng 140/141 nước trên thế giới có lập trường rõ ràng và dứt khoát lên án cuộc xâm lăng của Nga đối với Ukraine. Bởi vì hiện nay, đang có dư luận cho rằng, hai lá phiếu trắng của Việt Nam ở LHQ chẳng qua là một “sự ngụy tạo” cho lập trường ủng hộ của Việt Nam đối với cuộc chiến Nga tiến hành ở Ukraine.
Để giải toả dư luận tiêu cực ấy cũng như để vượt thoát não trạng của một “tiểu quốc” từng bị buộc chặt vào cỗ xe của “ảnh cả” và “anh hai”, Việt Nam hiện đang bắt đầu cuộc hành trình đi tìm “điểm rơi” về lợi ích. Nếu vì các lợi ích trước mắt phải o bế Nga, lại bị hút vào quan tính cũ (tình đoàn kết Việt – Trung – Xô ngày nào), buộc Việt Nam phải tiếp tục làm người ngoài cuộc, quan sát cuộc diệt chủng của Nga từ khán đài, thì Việt Nam sẽ đi dần vào thế cô lập. “Điểm rơi” giờ đây cần xác định: Xem đâu là thời điểm để nền ngoại giao “hội nhập” phải vượt thoát khỏi thân phận một “tù binh của quá khứ” để tiến vào không gian mới “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Nếu không bứt phá được để tận dụng không gian này, Việt Nam sẽ khó khăn bội phần không chỉ trong quan hệ với Mỹ mà cả với Nhật Bản, Úc lẫn châu Âu.
Chiến tranh ở Ukraina dường như không làm Mỹ lơ là tập trung ở liên vùng FOIP, đặc biệt là ở Biển Đông vì căng thẳng vẫn tồn tại, xung đột còn lâu mới được giải quyết. Trung Quốc ngày càng củng cố hiện diện trong vùng, quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa và Hoàng Sa. Vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraina hôm 24/2, Trung Quốc lại tăng ngân sách quốc phòng, đã ở mức rất cao, bỏ xa mọi ngân sách của các nước trong vùng và hiện đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh tăng cường hiện đại hóa đội tàu chiến. Cứ hai năm, đội tàu Trung Quốc được cho là tăng gấp đôi về trọng tải. Theo tài liệu của Lầu Năm Góc, năm 2021 nỗ lực và sự đầu tư ồ ạt đáng kể đó đã giúp Hải Quân Trung Quốc đứng đầu thế giới về trọng tải, dù có thể không phải về chất lượng hay công nghệ.
Các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sau khi Nga xâm lược Ukraine sẽ khiến Việt Nam ngày càng khó tiếp tục nhập khẩu vũ khí từ Nga hơn. Thứ nhất, sẽ có những trở ngại về mặt kỹ thuật và tài chính vì Nga sẽ không tiếp cận được với một số bộ phận và linh kiện nhập khẩu cần thiết cho việc sản xuất vũ khí của mình, trong khi các ngân hàng lớn của Nga đã bị loại khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu SWIFT, khiến hai bên khó giải quyết các khoản thanh toán. Thứ hai, tiếp tục mua vũ khí từ Nga sẽ dẫn đến rủi ro về uy tín, khiến Việt Nam có thể phải chịu các lệnh trừng phạt tiềm tàng, chẳng hạn như Đạo luật Ứng phó với các đối thủ thông qua trừng phạt (CAATSA) năm 2017 của Washington. Do đó, trong tương lai, Việt Nam nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh nỗ lực giảm phụ thuộc vào vũ khí Nga.
Cam kết “đối tác an ninh” với MỹMặc dù vậy, sẽ không dễ để Việt Nam có thể mua được vũ khí và thiết bị quân sự mới từ các nước khác. Quá trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam đã bị chậm lại kể từ năm 2016, và ngân sách dành cho mua sắm các mặt hàng quân sự mới có vẻ eo hẹp, khiến vũ khí từ các nước phương Tây trở nên ít hấp dẫn hơn đối với Việt Nam về mặt giá cả. Khả năng tương thích giữa các nền tảng vũ khí của Liên Xô/Nga và các nền tảng mới hơn không phải của Nga cũng sẽ là một thách thức. Quan trọng hơn, vì nhiều quan chức cấp cao trong quân đội Việt Nam đã được đào tạo ở Liên Xô hay Nga, và đã quen làm ăn với các đối tác Nga, nên họ có thể gặp khó khăn khi giao dịch với các nhà cung cấp mới có văn hóa kinh doanh khác biệt, bao gồm cả các thông lệ kinh doanh minh bạch hơn, điều mà các quan chức Việt Nam có thể cảm thấy không thoải mái.
Chính vì thế, chuyến thăm vừa qua của Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ Derek Chollet tại Việt Nam bàn về “quan hệ đối tác an ninh” có ý nghĩa đặc biệt. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ thăm Philippines, Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 28/3 – 2/4 để khẳng định cam kết của Mỹ đối với các đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tối 1/4, ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của chuyến thăm Việt Nam, Cố vấn Ngoại trưởng Derek Chollet đã dành thời gian chia sẻ với giới báo chí tại Hà Nội. Cố vấn Ngoại trưởng Derek Chollet khẳng định, sự ra đời của “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới” thời gian qua cho thấy sự quan trọng của khu vực này nói chung và Đông Nam Á nói riêng đối với Hoa Kỳ. Trong đó, Việt Nam nổi lên như là một đối tác then chốt với Hoa Kỳ trên mọi lĩnh vực, dù là trên khía cạnh chính trị, ngoại giao, kinh tế, công nghệ, biến đổi khí hậu hay an ninh. Ông đánh giá cao vai trò chiến lược, tiếng nói quan trọng của Việt Nam tại khu vực và quốc tế.
Tiếp Cố vấn Derek Chollet, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong 27 năm qua, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là kinh tế – thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, và mới đây là hợp tác phòng, chống Covid-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ. Bộ trưởng đề nghị Cố vấn phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước trong năm 2022, trong đó có chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ và tham gia các hoạt động song phương.
Tiếp xúc đại diện Ukraine tại Hà NộiNgày 5/4/2022, ông Oleksandr Gaman – tân Đại sứ Ukraine tại Việt Nam – đã có các cuộc gặp mặt riêng rẽ với Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper và Đại sứ Ba Lan Wojciech Gerwel, chỉ ba ngày sau khi đến Hà Nội. Ông Oleksandr Gaman và phu nhân đến sân bay Nội Bài hôm 2/4 sau thời gian trì hoãn vì cuộc chiến tranh xâm lược do Nga gây ra ở Ukraine. "Chào mừng đến Việt Nam, thưa Ngài, và cảm ơn Ngài vì cuộc trò chuyện tuyệt vời. Chúng tôi sát cánh cùng Ukraine trước sự gây hấn man rợ của Nga. Ngài sẽ luôn có một người bạn thân và đối tác ở Ba Lan", Trang Facebook của Đại sứ quán Ba Lan đăng tải tấm hình cuộc gặp gỡ và lời chào của Đại sứ Ba Lan. Trước đó, đại diện ngoại giao Ukraine cũng có cuộc gặp mặt với Đại sứ Marc Knapper, đồng thời bày tỏ cảm ơn vì "sự ủng hộ kiên định dành cho Ukraine khi đối mặt với cuộc chiến tranh man rợ của Nga."
Một trong nhà ga trên cuộc hành trình tìm “điểm rơi” của Việt Nam cần được hướng tới là bày tỏ tình đoàn kết với chính quyền và nhân dân Ukraine đang chiến đấu vì độc lập tự do của mình, nhưng cũng là của cả châu Âu và thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu trước mắt, chính phủ Việt Nam quan ngại thái độ của Nga và Trung Quốc, thì ít nhất, nhà nước Việt Nam cũng nên mở rộng không gian tiếp xúc của người dân và xã hội dân sự Việt Nam với các đại diện của Ukraine tại Việt Nam. Trên tinh thần ấy, hy vọng các lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine tại Nhà thờ St. Antony và Hội chợ quyên góp giúp nhân dân Ukraine tại Đại sứ quán Czech tại Hà Nội trong những ngày tới đây sẽ không bị cấm cản như một số hoạt động thiện nguyện hay toạ đàm khoa học vừa qua tại Hà Nội.
Hoàng Trường (VOA)