Tàu chở 2,000 tấn than lậu từ Cẩm Phả, Quảng Ninh sang Trung Quốc bị Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ. Việt Nam phải nhập cảng than trong khi than lậu vẫn ồ ạt chảy sang Trung Quốc. (Hình: Tuổi Trẻ)HÀ NỘI (NV) - Doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tràn lan, vật giá gia tăng khiến niềm tin của dân chúng Việt Nam vào tương lai sụt giảm. Chưa kể kinh tế còn bị phá từ bên trong lẫn bên ngoài.
Hồi đầu tuần này, ông Đỗ Viết Thủy, 39 tuổi, ngụ tại Hải Dương, vừa bị Công an Lạng Sơn bắt giữ, sau khi phát giác đang tìm cách đưa 200 triệu bạc giả từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Loại bạc giả này có mệnh giá 200 ngàn đồng một tờ. Theo Công an Lạng Sơn, ông Thủy đã dùng băng keo bó số bạc giả này quanh người. Ông Thủy khai được thuê vận chuyển số bạc giả đó với tiền công chỉ có hai triệu đồng.
Cách nay khoảng ba tuần, công an Việt Nam từng bắt một thanh niên tên là Nguyễn Mạnh Tuấn, 32 tuổi, ngụ tại Hà Nội, vận chuyển 11 ngàn đô la, giả loại giấy bạc 100 đô la và 68 triệu đồng, giả các loại giấy bạc 500 ngàn đồng, 200 ngàn đồng, cũng từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Công an Việt Nam đã lên tiếng báo động về dòng tiền giả bao gồm cả ngoại tệ giả lẫn tiền đồng giả đang ồ ạt chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam. Tổng số tiền giả bị thu giữ trong thời gian vừa qua lên tới cả tỷ đồng. Tại Việt Nam, tiền giả được sử dụng để thanh toán trong các sòng bạc và các đường dây cá cược phi pháp, rồi từ đó chảy ra bên ngoài.
Trả lời BBC, ông Nguyễn Quang A, một chuyên viên kinh tế, nhận định, tiền giả chủ yếu được làm giả ở Trung Quốc. Tiền giả không chỉ gây tác hại về kinh tế nhưng không nguy hiểm bằng niềm tin của người dân vào đồng nội tệ bị xói mòn.
Bên cạnh những tác động từ bên ngoài, kinh tế Việt Nam đang suy yếu nhanh chóng cả ở hiện tại lẫn tương lai còn do tài nguyên bị tận thu để bán ra nước ngoài, bất chấp nền kinh tế đang cần nội lực để hồi phục.
Do thiếu than để vận hành các nhà máy nhiệt điện, Việt Nam phải ký hợp đồng nhập cảng 3 triệu tấn than/năm từ Úc, trong khi đó, sáu tháng qua, có 2 triệu tấn than bị xuất lậu sang Trung Quốc.
Ngoài than, quặng sắt của Việt Nam cũng đang ồ ạt chảy sang Trung Quốc. Theo Hải quan Trung Quốc, năm ngoái, Trung Quốc nhập cảng 1.7 triệu tấn quặng sắt từ Việt Nam trong khi nhiều nhà máy thép của Việt Nam phải đóng cửa, ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu.
Xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc vừa lãng phí tài nguyên, vừa thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất trong nước vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu nhưng không thể ngăn chặn.
Tháng trước, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, nhận định, tình trạng khoáng sản của Việt Nam bị xuất lậu sang Trung Quốc kéo dài nhiều năm vì có sự móc ngoặc giữa các doanh nghiệp xuất cảng với những lực lượng có trách nhiệm kiểm soát.
Đối với quặng sắt, vì các nhà máy, cơ sở luyện gang thép kêu cứu do thiếu nguyên liệu, nhà cầm quyền CSVN đã ra lệnh cấm xuất quặng thô sang Trung Quốc nhưng cũng tháng trước, một viên chức của Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định, lệnh cấm đó bất khả thi bởi đứng sau các nhóm khai thác – xuất cảng quặng sắt sang Trung Quốc là con cháu nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh.
Ông Nguyễn Quang A gọi đó là một vấn nạn kinh tế làm Việt Nam suy yếu. Trò chuyện với BBC, ông A bảo rằng, ai cũng biết có sự câu kết rất chặt chẽ giữa các thế lực kinh tế mà chủ yếu là các doanh nghiệp lớn của nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn, với các thế lực chính trị, để các bên đạt tới lợi ích lớn nhất mà Việt Nam thường gọi là nhóm lợi ích.
Chuyên viên kinh tế này cho rằng, trong vài thập niên gần đây, xã hội Việt Nam đã xuất hiện một lớp tài phiệt lũng đoạn nền kinh tế, làm giàu bất chính bằng cách áp dụng các kinh nghiệm xấu của mafia Nga để làm ăn gian lận và móc ngoặc với những thành viên trong giới cầm quyền.
Theo ông Nguyễn Quang A, muốn biết tác hại của việc biển thủ tài nguyên, công quỹ, móc ngoặc với chính quyền, rửa tiền tới nền kinh tế như thế nào thì phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo báo Người Việt