Trong bài giảng giập tắt giận dữ, đức Đạt Lai Lạt Ma có viết một đoạn như sau:
“Vậy phải xử trí như thế nào đối với sự giận dữ ? Theo một số người thì giận dữ không phải là một
khiếm khuyết. Những ai không quen quan sát tâm thức thì có thể cho nó là một thành phần thuộc bản
chất của tâm thức, vì thế họ chủ trương không nên kiềm chế mà trái lại cứ để cho nó bộc lộ ra ngoài.
Nếu quả thực
là như thế thì sự dốt nát và mù chữ cũng phải được xem là thuộc vào thành phần của tâm thức vì khi vừa
chào đời ta chưa hề biết được điều gì cả. Đối với những thứ ấy, tức là dốt nát và mù chữ, thì người ta
tìm đủ mọi phương cách để loại trừ, chẳng những không thấy ai chống đối việc này mà cũng không thấy
ai chủ trương nên duy trì chúng. Như vậy thì tại sao ta không hành động tương tợ đối với giận dữ và hận
thù vì chúng còn tàn phá khủng khiếp hơn dốt nát và mù chữ nhiều ? Điều ấy cho chúng ta thấy là cũng
nên thử tìm cách loại trừ giận dữ và hận thù xem sao”.
Có hai phương thức trái ngược nhau để giập tắt giận dữ (hoặc buồn phiền):
a/ Cứ để nó bộc lộ ra ngoài rồi nó sẽ vơi đi cho tới khi cạn kiệt; giống như một nồi nước sôi, cứ để nó rò
rỉ thì tất nhiên nó sẽ khô cạn. Thí dụ: một người đang buồn phiền, thì cứ để cho họ than khóc cho tới khi
khan tiếng, cạn nước mắt rồi sẽ kiếm cách an ủi sau. Đây là lập luận của các nhà tâm lý học Tây phương,
đã được viết thành text book để dạy trong các trường trung học và đại học.
b/ Giập tắt nó dứt khoát, tức thì, bằng một phương thức hữu hiệu nhất. Diệt vô minh (ignorance) là
phương thức nhà Phật dùng để giập tắt giận dữ và buồn phiền. Nó nằm trong căn bản diệt khổ của Phật
Thích Ca và đã được khai triển thành kinh điển để tăng lữ và tín đồ tụng niệm, thực hành.
Sau đây là thái độ của Con Cò:
Cò tôi, kiến thức nông cạn nên không dám phản bác lập luận (a) của những đại tâm lý gia Tây phương
mà chỉ nghĩ rằng lý thuyết của họ chỉ được giải thích bằng thí dụ, chưa được chứng minh hữu hiệu bởi vì
khoa học không cho phép chứng minh
2
bằng thí dụ. Nếu những tâm lý gia Tây phương ví giận, buồn như một nồi nước sôi (một món đồ cụ thể)
và cứ để mặc nó rò rỉ cho đến khi cạn kiệt thì Cò cũng có quyền ví giận, buồn như một ngọn lửa (một sự
việc trừu tượng) cần phải được giập tắt tức thì, không để̀ cho nó phừng to, lan rộng, thiêu thân mình, đốt
nhà mình và đốt nhà hàng xóm.
Cò tôi không phải là một phật tử thuần túy nên không thỉnh chuông, gõ mõ để tụng niệm bài kinh (b) mà
chỉ coi nó như một lời vàng ngọc của phật Thích Ca, vị thày vĩ đại nhất của lịch sử loài người.
Trong qúa khứ, khi gặp tai ương, đôi lần tôi đã áp dụng phương thức (a) và nghiệm thấy rằng giận, buồn
cứ âm ỉ, dai dẳng, làm cho mình hao mòn, tiều tụy. Tới khi áp dụng phương thức (b) thì lại thấy giận,
buồn nhường chỗ cho an lạc và ăn lại thấy ngon, ngủ lại thấy êm, nụ cười lại nở trên môi. Xin thanh minh
với bạn rằng tôi không có tham vọng chứng minh phương thức (b), chỉ chứng nghiệm nó trên bản thân
của mình. Nếu bạn có cảm tình với các tâm lý gia Tây phương thì cứ áp dụng phương thức của họ. Biết
đâu, với tài xoay xở của bạn, nguy chẳng biến thành an? Phương thức của họ cũng có thể giúp bạn phần
nào nhưng không phải cách tốt nhất.
Tới đây, xin thú nhận rằng đôi khi tôi đã tụng câu kinh “Nam mô cứu khổ, cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”
nhưng không tụng theo nghi thức của các tăng ni, phật tử mà theo nghi thức riêng của mình. Vì sợ lạc đề
nên tôi sẽ viết mục này trong một đề tài riêng biệt.
Sau hết tôi xin thành thực cáo lỗi nếu những lời thô thiển trên đây vô tình làm buồn lòng bạn nào vẫn coi
phương thức (a) như khuôn vàng thước ngọc hoặc vô tình xúc phạm đến tín ngưỡng của bạn nào muốn
thực thi phương thức (b) bằng chuông mõ. Xin chỉ coi bài này như một tâm sự của tôi với bạn bè.
Cảm ơn bạn đã bỏ thời giờ đọc bài ngắn ngủi này.
Ngày 15 tháng 8 năm 2013
Con Cò (bác sĩ Nguyễn Văn Bảo)