Nếu Nguyễn Phương Uyên, cô sinh viên 21 tuổi đã trở thành điểm tụ hội của nhiều người, không phân biệt quá khứ, chính kiến thì ông Lê Hiếu Đằng và những tuyên bố về sự ra đời của đảng Dân chủ Xã hội là bức tranh rõ rệt nhất cho những bất đồng ý kiến ở mức độ xung khắc cực điểm.
Hai thông điệp viết bằng máu của Nguyễn Phương Uyên, không nằm trên mạng, trên thư, trên tuyên bố, trên cương lĩnh mà ở trên đường phố, rõ ràng ngắn gọn - “Đi chết đi ĐCSVN bán nước”, “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông” - xác định dứt khoát ai là thù trong, ai là giặc ngoài.
Hành động treo cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa của Uyên đã không làm mất đi sự ủng hộ dành cho Uyên từ nhiều đảng viên cộng sản kỳ cựu. Ngược lại huy hiệu đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trên chiếc áo trắng tinh khôi cũng không làm cho những người ở bên này vĩ tuyến 17 của cuộc chiến trước 75 e dè, xa lánh Phương Uyên.
Và thái độ, những lời phát biểu của Phương Uyên trước cả một hệ thống đàn áp khổng lồ, trước nguy cơ nhiều năm tù đày đã trở thành niềm phấn khích và đánh thức vô số người về lòng can đảm, ý chí kiên cường của dân tộc vẫn còn hiện hữu trong một người trẻ Việt Nam.
Đó là thế hệ Nguyễn Phương Uyên, thế hệ của những Đinh Nguyên Kha, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Duy Thức, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Hoàng Vi, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Nữ Phương Dung, Nguyễn Thảo Chi, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Lân Thắng, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trịnh Anh Tuấn, Đào Trang Loan, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Tiến Nam, Châu Văn Thi, Trịnh Hữu Long, Nguyễn Vũ Hiệp, Vũ Sỹ Hoàng, Nguyễn Văn Dũng,... thế hệ của những thanh niên thiếu nữ trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội cất cao tiếng gọi chủ quyền, của những Công dân Tự Do công khai cổ vũ quyền làm người, của những blogger Việt Nam tay viết, miệng nói, chân đi, đường hoàng chững chạc trong những tiếp xúc với quốc tế.
Đó là một thế hệ trắng tinh khôi mà lòng yêu nước là nhân ảnh rõ ràng được nhìn thấy từ họ.
Ở ông Lê Hiếu Đằng người ta không thể tìm thấy một màu trắng tinh khôi đó. Ở ông, gom lại hết những gam màu phản ảnh từ dư luận và từ chính con người ông, những thông điệp chính trị và chuỗi hành động kéo dài gần hết đời người của ông... nó trở thành là một màu xám.
Nếu những thông điệp của Phương Uyên ngắn gọn, rõ ràng thì ông Lê Hiếu Đằng đã có những thông điệp chính trị tạo nên nhiều luồng suy nghĩ, phản ứng khác nhau.
Ông vừa viết xong câu tính sổ rạch ròi và cho vào thùng rác quá khứ và sự nghiệp sinh viên giải phóng “lẫy lừng" của ông và phong trào sinh viên chống Mỹ cứu nước: “Thật sự là Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng...” thì cùng lúc ông vẫn gọi những người "Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc” ấy là địch.
Ông vừa kết luận “đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam - không thể nói khác được” thì cũng chính ông sau đó "Đảng Cộng sản Việt Nam HIỆN NAY đã KHÔNG CÒN là đảng cách mạng như trước đây nữa”.
Ông đứng dậy và kêu gọi: “Vùng lên sau một giấc ngủ khá dài để chấp nhận mọi rủi ro, nguy hiểm cho bản thân cá nhân mình cũng như gia đình để dấn thân vào cuộc chiến đấu mới để tiếp tục thực hiện lý tưởng thời trai trẻ mà hiện nay đã bị phản bội...” thì sau đó ông lại ngồi xuống: “Cái chữ đối lập đây không có nghĩa là mình bài bác gì đảng Cộng sản - bản thân tôi là đảng viên đảng Cộng sản lâu năm - và chính điều đó giúp cho đảng một lối thoát.”
Bên cạnh những thông điệp chính trị lẫn lộn, trắng đen của ông, quá khứ bản thân ông cũng đem lại cho ông nhiều sóng gió dư luận.
Khi tính sổ đời mình với đảng, lời ông nói “tiếp tục thực hiện lý tưởng thời trai trẻ mà hiện nay đã bị phản bội, chà đạp những lời hứa năm nào trong kháng chiến...” có thể mang lại sự hài lòng cho nhiều đồng chí cộng sản cùng có tâm trạng như ông. Ngược lại, cụm từ “phản bội” cũng gợi lên trong lòng nhiều người miền Nam hình ảnh của một kẻ “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Với họ, ông Đằng là người phản bội. Với họ, ông đã không hoặc chưa tính sổ đời ông với những người lính “Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc” vừa mới ôm xác đồng đội ở chiến trường, trở về thành phố an bình nhờ vào chính sinh mạng và hy sinh của họ, để rồi nhìn thấy ông và bạn bè ông đang thờ ma cộng sản chà đạp lên lý tưởng bảo vệ tự do và sứ mệnh gìn giữ miền Nam của họ. Những người đó, giống như ông, bây giờ đã già, nhưng vẫn còn sống.
Khi kể tội và kết tội đảng cộng sản, ông làm hứng khởi nhiều người vì không gì tốt hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn khi chính những người cộng sản kết án đảng, ông làm nhiều người đồng cảm về thái độ phản tỉnh của ông. Cùng lúc, những chức vụ, vị trí của ông trong thời gian những tội ác đó được thực hiện, mà ông không quên liệt kê ra trong mọi trường hợp, lại làm cho nhiều người kết án ông - chính ông cũng là một phần tham gia, tiếp tay cho những tội ác đó.
Khi đề cập đến hiểm họa Tàu cộng xâm lăng, ông có một thái độ rạch ròi đối với Bắc Kinh, thái độ hèn nhát của đảng và nhà nước, nhưng sau đó ông đem Nguyễn Tấn Dũng ra làm kẻ cầm cờ: “Tôi rất mừng nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ở hội nghị Shangri-La chống lại nền chính trị cường quyền và những đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam...” Nhiều người ủng hộ ông và nhiều người chỉ trích ông, điều đó không thể khác.
Ông xuất hiện một, hai lần biểu tình chống Tàu cộng, hình ảnh được đăng lên mạng. Sự xuất hiện của ông và bằng hữu đã làm giúp phát triển khí thế chung của những người yêu nước, đã gia tăng hình ảnh Diên Hồng của những người con dân Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng. Cùng lúc, những người theo dõi thời cuộc biết rõ phong trào xuống đường biểu tình yêu nước, chống Tàu khựa xâm lược bắt đầu từ nhiều năm trước, có những người tiên phong đã ở trong tù, có những người đã ra tù và đang bị quản thúc, có nhiều người bị trấn áp, tạm giam, sách nhiễu... nhưng họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ý chí bảo vệ chủ quyền bằng hành động và bằng những cái giá phải trả của những người không mang thẻ đảng.
Tất cả những gì đang gây sóng gió trong dư luận, những thông điệp chính trị, quá khứ, hiện tại của ông Lê Hiếu Đằng và tương lai đảng Dân chủ Xã hội đều nằm trong bối cảnh: nhu cầu của một nền chính trị đa đảng, thoát khỏi ách độc tài, độc đảng của đảng cộng sản VN.
*
Cách đây gần 70 năm, khát vọng Độc lập đã thôi thúc hàng triệu người. Bằng mọi giá phải khôi phục lại quyền sống, quyền tự chủ, quyền tự quyết định vận mạng của người Việt Nam. Hàng triệu thanh niên, thiếu nữ đã tiến bước theo tiếng gọi của núi sông.
Hơn nửa thế kỷ sau, nhìn lại, khát vọng đó thật là chính đáng, nhưng tiếng gọi từ ai, con đường nào, phương tiện chính trị gì đã trở thành mối uất hận cho hàng triệu sinh linh đã chết và hàng hàng lớp lớp con người đang sống.
Hơn nửa thế kỷ sau, chúng ta đang đối diện với nguy cơ mất nước và từ đó dẫn đến nhu cầu đa đảng để thiết lập tự do, dân chủ, để có một chính quyền xứng đáng bảo vệ và phát triển đất nước. Đó là một khát vọng và nhu cầu chính đáng. Nhưng, một lần nữa, tiếng gọi từ ai, con đường nào, phương tiện chính trị gì để những năm về sau nó không sẽ không lại trở thành mối uất hận cho hàng triệu sinh linh đã chết và hàng hàng lớp lớp con người đang sống?
Cho nên không thể đánh đồng, không thể cào bằng giữa mục tiêu muốn đạt và con đường, phương thức, phương tiện để đạt đến mục tiêu.
Những người đàng hoàng, có tâm, có lòng đang chống đối hay ủng hộ ông Lê Hiếu Đằng đều có chung một mục tiêu. Họ chỉ khác nhau về sự đánh giá “những thứ” tiến đến mục tiêu ấy.
Những người đặt Tổ Quốc trên hết sẽ vượt lên những cảm xúc riêng tư, những thân tình đồng đội, những khác biệt quá khứ, để hướng tới và tìm kiếm những gì tốt nhất cho đất nước.
Sẽ rất khó để xác định đâu là khởi động tốt nhất để làm nền tảng khởi đầu cho bối cảnh đa đảng của đất nước. Một tập hợp những người không cộng sản sẽ có những khó khăn chồng chất. Một tập hợp những người cộng sản thực tâm, thực lòng muốn bỏ đảng và lập đảng mới cũng phải đối diện với nhiều sóng gió. Nhưng chắc hẳn, sẽ không ích lợi gì cho đất nước khi có một thái độ cứng ngắt, không tương nhượng - bất kỳ một người cộng sản nào đều không thể thay đổi được, bất kỳ một động thái chính trị nào cũng là âm mưu của tập đoàn độc tài. Nó chỉ làm gia tăng sức mạnh và sự gắn chặt vào nhau trong hàng ngũ những kẻ độc tài.
Cựu Tổng Bí Thư Đảng CS Liên Xô Gorbachev: “Tôi đã bỏ một nữa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, nhưng ngày hôm nay tôi đau buồn mà nói rằng: Đảng cộng sản chỉ biết tuyên truyền dối trá”. Nếu không biết dối trá cả nửa cuộc đời thì bản thân của Gorbachev đừng hòng leo lên chức Tổng bí thư trong guồng máy đầy dối trá. Và đừng nói ông ta đã không góp phần vào những tội ác của đảng cộng sản Sô Viết.
Cựu Tổng Thống Nga Boris Yelsin: “Cộng sản không thể thay đổi, tự sửa chữa mà phải thay thế, loại bỏ chúng”. Chính Yelsin đã tự phủ nhận, tự làm sai câu nói của ông: ông đã thay đổi.
Chẳng ai tin vào hai trùm sỏ cộng sản, leo lên tận đỉnh cao quyền lực của một tập đoàn gây ra bao nhiêu tội ác cho đến những ngày lá cờ đỏ được kéo xuống ở điện Kremlin. Ngày hôm nay người ta tin vào hai nhân vật đầu sỏ của đảng cộng sản Sô Viết đã góp phần thay đổi bộ mặt chính trị của toàn thế giới bằng hành động sau cùng của họ.
*
Con đường mà ông Lê Hiếu Đằng, những đồng chí của ông và những người ủng hộ ông có thể được nhiều người tin rằng sẽ có mức độ tiêu hao năng lượng thấp nhất. Câu hỏi đặt ra là nó ít làm tiêu hao năng lượng cho tập thể những người khởi xướng hay ngược lại nó sẽ làm tiêu hao năng lượng của cả một phong trào dân chủ?
Ông Lê Hiếu Đằng và đảng Dân chủ Xã hội có thể góp phần trả lời cho câu hỏi này. Cách thức trả lời bằng thái độ, hành động cũng là nền tảng để đánh giá vai trò và những đóng góp của ông và đồng chí của ông đối với công cuộc chung.
Cùng lúc năng lượng của công cuộc chung không chỉ nằm trong tay ông Lê Hiếu Đằng, vận mạng đất nước có xoay chiều hay không, không chỉ tùy thuộc vào sự ra đời của đảng Dân chủ Xã hội.
Vẫn còn đó những công dân Việt Nam thế hệ 8x, 9x đang miệt mài, với quá khứ một tờ giấy trắng, với bản chất tuổi trẻ trong sáng, với thông điệp rạch ròi, với thái độ đường đường chính chính, đã và đang dấn thân bằng lòng can đảm, bằng trí tuệ, bằng trái tim Việt Nam và bằng lý tưởng Tổ Quốc Trên Hết.
Quá khứ là những chia cắt đau buồn như giòng sông Bến Hải.
Tương lai là những nụ cười tươi tắn của Cà phê 258.
Rất khó để mà tiến nhanh về tương lai tươi sáng bằng những cỗ xe đã cũ mèm, đã khô dầu, cạn nhớt, đã rớt bù lon, đã long con ốc, và đã có thời từng đêm, từng đêm chuyên chở những xác người. Nó chỉ nên là những cỗ xe cố góp phần, góp sức những gì còn có thể được, phụ chuyên, phụ chở những hành trang cần thiết cho đoàn xe tuổi trẻ đang từng bước tiến về phía trước.
Vũ Đông Hà (Danlambao)