RSF bày tỏ quan ngại về bản án hình sự trong tuần qua đối với hai nhà báo Nguyễn Hoài Nam và Phan Bùi Bảo Thy.
Hôm 12/4, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) bày tỏ quan ngại về bản án hình sự trong tuần qua đối với hai nhà báo Nguyễn Hoài Nam và Phan Bùi Bảo Thy, cho rằng “đây là những bản án hình sự được thiết kế để bịt miệng các nhà báo đang phục vụ công ích”.
Nhà báo Nguyễn Hoài Nam, 49 tuổi, cựu phóng viên Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 5/4 bị kết án 3 năm 6 tháng tù về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Theo cáo trạng, vào năm 2018, ông Nam viết loạt bài về nghi vấn “quỹ đen” ở Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhưng ông không đồng tình với kết quả điều tra của Bộ Giao thông Vận tải và của Bộ Công an nên đã đưa ý kiến phản bác của mình lên Facebook tố giác việc bao che, bỏ lọt tội phạm.
Trong các bài đăng trên Facebook cá nhân ông Nam cho biết mặc dù đã xác định được 15 người nhận hối lộ trong vụ này, nhưng công an chỉ bắt giữ ba nhân viên của Cục Đường thủy nội địa và không điều tra thêm các quan chức cấp cao liên quan đến vụ tham nhũng. Ông Nam bị bắt vào tháng 4/2021.
Trong thông cáo báo chí gửi cho VOA hôm 12/4, ông Daniel Bastard, người đứng đầu văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, cho biết: “Chúng tôi kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Nguyễn Hoài Nam và xóa án tích của ông vì tội duy nhất của ông là đã cố gắng phục vụ công ích bằng cách cảnh báo chính phủ đất nước về nạn tham nhũng”.
“Số phận của ông ấy làm nổi bật chiếc áo khoác bó buộc của các nhà báo nhà nước ở Việt Nam, những người bị buộc phải tuân theo đường lối chính thức do cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản cầm quyền áp đặt ngay cả khi họ cố gắng thu hút sự chú ý đến các vụ tham nhũng”, ông Bastard cho biết thêm.
Với cùng tội danh như ông Nam, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, 51 tuổi, từng công tác tại Báo Giáo dục và Thời đại, hôm 7/4 bị một tòa án ở Quảng Trị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ vì hành vi “bôi nhọ lãnh đạo trên mạng xã hội”.
Như RSF đã loan tin, ông Thy bị bắt vào tháng 2/2021 vì một số bài đăng trên Facebook tiết lộ các vụ án tham nhũng liên quan đến Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao, Nguyễn Văn Hùng, đồng thời là cựu Bí thư tỉnh Quảng Trị, và ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh.
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho rằng hành vi của ông Thy và hai người khác trong nhóm của ông đã “gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự nên cần xét xử nghiêm theo pháp luật”.
VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ bình luận về thông cáo của tổ chức RSF hôm 12/4, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trong bản xếp hạng Tự do Báo chí Thế giới 2021 của RSF, Việt Nam thuộc nhóm các nước có môi trường “rất tồi tệ” đối với tự do báo chí, bị xếp thứ 175/180. Cũng theo thống kê của RSF, hiện có 43 nhà báo đang bị giam cầm tại Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam nói RSF “xuyên tạc, bôi nhọ trắng trợn tình hình tự do báo chí ở Việt Nam” và luôn cho rằng chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị bỏ tù ở nước này.
Theo RFI