Từ phải qua: ông Chu Mạnh Sơn, bà Nguyễn Thị Luyến và ông Nguyễn Văn Thêm khi mới bị bắt
Facebook Mary Phuong
Hai người Việt Nam đang tị nạn chính trị tại Thái Lan là cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn và ông Nguyễn Văn Thêm vừa được luật sư riêng bảo lãnh ra khỏi Trung tâm Giam giữ Người Nhập cư Trái phép IDC ở thủ đô Bangkok vào tối ngày 12/4/2022.
Trước đó, ông Sơn cùng gia đình ông Nguyễn Văn Thêm, bà Nguyễn Thị Luyến cùng hai con đến đồn cảnh sát để xin giấy xác nhận lý lịch tư pháp như một bước cuối cùng trước khi đi định cư Canada theo diện bảo lãnh tư nhân do tổ chức VOICE bảo trợ.
Cả năm người bị cảnh sát di trú bắt giữ trong ngày 8/4 do không có giấy tờ hợp lệ và phải ra tòa với tội danh cư trú bất hợp pháp, bị phạt tiền và đối diện với nguy cơ bị trục xuất về Việt Nam.
Ông Chu Mạnh Sơn kể lại với chúng tôi vào chiều 13/4 như sau:
"Sau những nỗ lực mà luật sư riêng phải phối hợp với UN (Liên hiệp quốc), rồi bên cảnh sát IDC cũng như bên di trú yêu cầu chúng tôi cung cấp giấy tờ xác nhận chúng tôi là người tị nạn, đóng tiền thế chân.
Cũng như lúc đó là tôi cũng như gia đình anh Nguyễn Văn Thêm, chị Nguyễn Thị Luyến bị đem ra tòa và đối diện với nguy cơ, khi thẩm phán nói là phạt tiền và trục xuất khỏi Thái Lan nên chúng tôi rất lo lắng.
Rất là may sau những ngày luật sư nỗ lực làm việc và bên UN hỗ trợ rất nhiệt tình thì mãi chiều tối ngày hôm qua thì bên IDC chấp nhận cho chúng tôi được luật sư bảo lãnh để chúng tôi ra ngoài, và hàng tháng phải đến trình diện."
Theo ông Sơn, điều kiện để được bảo lãnh là phải có Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc chứng nhận là người tị nạn và cơ quan này phải là bên trực tiếp quản lý người được bảo lãnh.
Ngoài ra còn phải nộp tiền thế chân, phí kiểm tra COVID-19, tiền phạt do cư trú bất hợp pháp... tổng cộng là gần 2.000 đô la Mỹ/người.
Bà Nguyễn Thị Luyến và hai đứa con của mình, một bé 5 tháng tuổi và một em 17 tuổi vẫn đang ở Trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép của Bangkok do đang bị dương tính với COVID-19.
Ông Chu Mạnh Sơn cho biết thêm, các luật sư sẽ làm việc tiếp tục để bảo lãnh những người còn lại ra khỏi trại giam của IDC nhằm tránh nguy cơ phải ngồi tù lâu hay bị trục xuất.
Thái Lan đến nay chưa ký công ước về người tị nạn của Liên Hiệp quốc tuy nhiên nhiều người tị nạn vẫn tìm đến đây để lánh nạn và xin quy chế để mong được đi tị nạn chính trị một nước thứ ba do có văn phòng của Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc.
Blogger Trương Duy Nhất của RFA hồi tháng 1 năm 2019 bị bắt giữ chỉ một ngày sau khi nộp đơn xin quy chế tị nạn tại Bangkok, không lâu sau đó ông xuất hiện tại nhà tù Việt Nam, mà người ta nghi ngờ rằng có sự nhúng tay của lực lượng an ninh Hà Nội.
Theo RFA