Chưởng lý Tòa Hình sự Quốc tế: Ukraina là « hiện trường tội ác »Chưởng lý Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) Karim Khan. AFP - DANIEL MUNOZ
Chưởng lý Tòa Hình sự Quốc tế (CPI), Karim Khan, ngày 13/04/2022 mô tả Ukraina là một « hiện trường tội ác », trong chuyến thăm Bucha, gần thủ đô Kiev, nơi chính quyền Ukraina ghi nhận hơn 400 xác chết của thường dân, sau khi quân Nga rút đi hồi cuối tháng 3.
Theo AFP, phát biểu trước báo giới, chưởng lý Tòa Hình sự Quốc tế (CPI), Karim Khan, khẳng định CPI đến nơi này vì « có những lý do chính đáng » để tin rằng có « những tội ác thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa Hình sự Quốc tế đã xảy ra » ở Bucha, và CPI sẽ phải « vượt qua màn sương mù chiến tranh để đến với sự thật ».
Chưởng lý Karim Khan nhấn mạnh : « Chúng tôi phải giữ một tinh thần cởi mở và tin tưởng vào các chứng cớ… Luật pháp phải được huy động và tung vào trận chiến để bảo vệ dân thường » và cho biết một nhóm pháp y của CPI đang chuẩn bị hành động để tòa « thực sự có thể tách bạch sự thật khỏi hư cấu ».
OSCE: Quân đội Nga rõ ràng « vi phạm nhân quyền » ở UkrainaTrong khi đó, trong báo cáo 300 trang công bố ngày 13/04, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) ghi nhận « những hành vi rõ ràng là vi phạm nhân quyền » của quân đội Nga kể từ đầu cuộc xâm lược Ukraina. OSCE « bàng hoàng » trước việc hàng ngàn người bị thương và tử vong do chiến tranh và tố cáo « các hành xử thù địch » của quân Nga. Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu đồng thời cho rằng lẽ ra đã có thể tránh được nhiều vụ tấn công vào các bệnh viện, khu dân cư, các cơ sở văn hóa, trường học, cơ sơ hạ tầng điện nước, và số người chết và bị thương lẽ ra cũng thấp hơn rất nhiều, nếu Nga tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan đến xung đột vũ trang.
Theo báo cáo của OSCE, các vụ sát hại, tra tấn, bắt cóc thường dân mà quân Nga thực hiện ở Ukraina có thể được xếp vào « các tội ác chống nhân loại ». OSCE cũng ghi nhận « những vi phạm của Ukraina », đặc biệt trong « cách hành xử với tù nhân chiến tranh », nhưng khẳng định những vi phạm của phía quân Nga « nghiêm trọng hơn nhiều » cả về quy mô, mức độ và bản chất.
Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, trong chuyến thăm Kiev cùng đồng nhiệm 3 nước vùng Baltic, đã nhận định Nga không đơn giản chỉ tiến hành chiến tranh ở Ukraina mà còn tiến hành « khủng bố » và là thủ phạm của các tội ác « tàn bạo ».
Về phía tổng thống Pháp Emmnanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz, hai nhà lãnh đạo châu Âu đều không dùng từ « diệt chủng » để nói về Putin như tổng thống Mỹ Biden. Ông Macron không tin rằng việc « leo thang căng thẳng về ngôn từ » có thể giúp chấm dứt chiến tranh và nhấn mạnh phải hết sức thận trọng khi sử dụng từ ngữ. Đáp lại, tổng thống Ukraina Zelensky cho rằng việc đồng nhiệm Pháp từ chối cáo buộc quân đội Nga « diệt chủng » đã « gây xúc phạm » nặng nề đối với người Ukraina.
Theo RFI