Thư chung kêu gọi TT Biden nêu vấn đề ngôn ngữ hận thù nhắm vào các nhóm tôn giáo khi tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính Hàng chục tổ chức và cá nhân vừa ký thư chung gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kêu gọi Nhà Trắng nêu lên các quan ngại về việc chính phủ Việt Nam “chủ trương bách hại các tôn giáo không chấp nhận bị chính phủ kiểm soát.” Động thái này diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN, khi Tổng thống Biden dự kiến có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào giữa tháng 5.
Thư chung được soạn thảo vào cuối tháng 3, và tính đến sáng ngày 19/4 có 40 tổ chức và 34 cá nhân, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Thái Lan, Việt Nam… ký tên và sẽ được gửi đến Nhà Trắng và các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 5/5, ban soạn thảo cho VOA biết.
Bức thư lên án sự can thiệp có chủ ý của chính quyền Việt Nam vào các hoạt động tôn giáo: “Nhà Nước đã chỉ đạo và hỗ trợ chương trình tuyên truyền dùng những ngôn từ kích động sự thù địch và bạo lực nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và giáo dân, dẫn đến những hậu quả tai hại và đáng lo ngại”.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành của tổ chức BPSOS có trụ sở ở bang Virginia, Mỹ, một trong những tổ chức khởi xướng và ký vào thư chung, chia sẻ với VOA:
“Mục đích của thư chung này là để báo động cho chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là Hành pháp của Tổng thống Biden về một hiện tượng mà chúng tôi theo dõi từ ba năm nay với thông điệp kích động hận thù và bạo lực nhắm vào các cộng đồng tôn giáo độc lập với chính quyền.
“Ví dụ như Hội Cờ Đỏ tấn công các linh mục, giáo dân công giáo, và sau này họ cũng bắt đầu tấn công vào các tôn giáo khác; hoặc các tín đồ của chi phái Cao Đài 1997 (chi phái do nhà nước dựng lên) có những lời phỉ báng nhắm vào những tín đồ, chức sắc, chức việc của chi phái Cao Đài gốc 1926.”
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Tiến sĩ Thắng nêu thêm dẫn chứng:
“Vào đầu năm nay xảy ra khá nhiều bạo lực nhắm vào các tín đồ Cao Đài 1926 với sự hiện diện của công an và chính quyền địa phương nhưng họ không hề can thiệp. Có những thư yêu cầu khởi tố thì chính quyền dẹp đi.
“Vụ sát hại linh mục Trần Ngọc Thanh ở Kon Tum tôi cho rằng cũng bị ảnh hưởng bởi những lời kêu gọi kích động hận thù và bạo lực tràn lan ở xã hội Việt Nam hiện nay.”
Bức thư được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh có đoạn viết: “Các nhóm thuộc “Hội Cờ Đỏ” được tổ chức, điều động trong việc dùng phương tiện truyền thông xã hội để vu khống các Linh mục Công giáo, gọi các vị này là “quạ đen”, “phản quốc”, “linh mục chó săn”, “con hươu Công giáo”, “kẻ buôn nến” và “cực đoan, quỷ quyệt,” trong số các tên gọi xấu xa khác”.
Bức thư cho biết người trong Hội Cờ Đỏ đã dán nhãn lên các nhà sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là “những thế lực xấu” đã “xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam”.
“Người trong Hội Cờ Đỏ ở tỉnh Đắk Lắk kêu gọi chính quyền “loại bỏ Hội thánh Tin lành đấng Christ Tây Nguyên ra khỏi cuộc sống của dân làng,” bức thư cho biết.
Ngoài ra, bức thư cho biết chính phủ Việt Nam chưa truy tố thành viên nào của Hội Cờ Đỏ.
VOA đã liên lạc Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị các cơ quan này cho ý kiến về bức thư chung, nhưng chưa được phản hồi.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, Hội Nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN dự kiến diễn ra trong các ngày 12 và 13 tháng 5, và Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự sự kiện này, theo lời mời của Tổng thống Biden.
Từ Thái Lan, ông Y Quynh Bdap, sáng lập viên của tổ chức Montagnards Stand For Justice (MSFJ), nêu lý do tổ chức của ông ký tên vào thư chung:
“Chúng tôi ký vào lá thư này để các tổ chức quốc tế và chính phủ Hoa Kỳ để họ lên tiếng về việc đối xử của chính phủ Việt Nam đối với các tôn giáo mà chính quyền không thừa nhận ở Tây Nguyên.
“Các tổ chức tôn giáo độc lập ở Tây Nguyên hầu như bị nghiêm cấm trong việc sinh hoạt tôn giáo. Đài ANTV và các trang báo của Bộ Công an có bài “Xóa bỏ Tin lành Đấng Christ” chứng tỏ rằng chính quyền Việt Nam không tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
“Chúng tôi đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ nên duy trì cơ sở dữ liệu về ngôn ngữ kích động, hận thù trong các báo cáo và đề nghị chính phủ Việt Nam phải giải thích và giải quyết mỗi vụ; cũng như xác định và đánh giá tác động của ngôn ngữ kích động, hận thù đối với các cộng đồng tôn giáo người Thượng ở Tây Nguyên để chính phủ Việt Nam có thể thay đổi.”
Thư chung gửi Tổng thống Joe Biden. Screenshot on April 19 2022. Photo: vnforb.org.
Bức thư nêu nhận định rằng các thông điệp cổ võ cho hận thù và bạo lực “đã nhanh chóng lan tỏa trên khắp xã hội Việt Nam”.
Chỉ trong 12 tháng qua, các tổ chức nhân quyền đã ghi nhận khoảng một trăm tin nhắn trên Facebook và Google nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo và giáo dân của các hội thánh Cơ Đốc Giáo người Thượng, bức thư cho biết.
“Chính phủ Hoa Kỳ có cơ hội để nêu sự quan tâm của mình trực tiếp với giới lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn cấp cao của Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN”, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nêu kỳ vọng.
“Chúng tôi kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần thay đổi cách nhìn, cách nghiên cứu và lý giải tình trạng ở Việt Nam hiện nay.
“Cũng nằm trong chính sách chung là để kiểm soát, khống chế các tổ chức tôn giáo độc lập với chính quyền, họ chuyển hướng từ việc dùng bạo lực trực tiếp sang việc khuyến kích và bao che cho các thành phần ngoài chính quyền, ví dụ như Hội Cờ Đỏ…Đó là một kế hoạch “ném đá giấu tay” của nhà nước Việt Nam,” ông Thắng cho biết thêm.
Các tổ chức ký tên cho rằng chính quyền Việt Nam không tuân thủ Điều 20, khoản 2 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), theo đó “mọi chủ trương gây hận thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị nghiêm cấm”.
Bức thư gửi Tổng thống Biden có đoạn: “Trước xu hướng đáng lo ngại này, chúng tôi đề nghị Ngài trao đổi trực tiếp với Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam và kêu gọi chính phủ của ông ấy tuân thủ đầy đủ Điều 18 của ICCPR, trong đó đảm bảo quyền tự do tôn giáo hoặc niềm tin, cũng như quy định của Điều 20 rằng việc kích động bạo lực bị pháp luật nghiêm cấm”.
Theo VOA
Sửa bởi người viết 19/04/2022 lúc 10:49:36(UTC)
| Lý do: Chưa rõ