Điện Kremlin tại Moscow được cho là có quan hệ với các tin tặc tấn công vào Ukraine.
Các tin tặc của chính phủ Nga thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng chống lại Ukraine dường như để hỗ trợ các cuộc tấn công quân sự và các chiến dịch tuyên truyền trên mạng của Moscow, công ty Microsoft cho biết trong một phúc trình ngày 27/4.
Các cuộc xâm nhập được báo cáo - một số chưa từng được tiết lộ trước đây - cho thấy rằng tấn công tin tặc đóng một vai trò lớn hơn trong thời gian xảy ra cuộc xung đột, so với những gì đã được công bố trước đây.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận cuộc tấn công kỹ thuật số khốc liệt, mà Microsoft cho biết đã bắt đầu một năm trước cuộc xâm lược ngày 24/2 năm nay của Nga, có thể đã đặt nền tảng cho các nhiệm vụ quân sự khác nhau trong lãnh thổ bị chiến tranh tàn phá.
Trong khoảng thời gian từ ngày 23/2 đến ngày 8/4, Microsoft quan sát tổng cộng 37 cuộc tấn công mạng gây nhiều thiệt hại của Nga bên trong Ukraine.
Tòa đại sứ Nga tại Washington không trả lời ngay yêu cầu bình luận.
Các chuyên gia nói phát hiện này cho thấy chiến tranh hiện đại có thể kết hợp với các cuộc tấn công kỹ thuật số như thế nào.
Microsoft nói chiến dịch quân sự và chiến dịch tin tặc được Nga thực hiện "song hành chống mục tiêu chung đề ra."
Ví dụ, vào ngày 1/3 - cùng ngày một tên lửa Nga bắn vào tháp truyền hình của Kyiv - các công ty truyền thông ở thủ đô Ukraine cũng bị tấn công bằng những vụ xâm nhập phá hoại và gián điệp mạng.
Trong một trường hợp khác, nhóm nghiên cứu an ninh mạng của công ty ghi nhận "các tin tặc bị nghi ngờ là người Nga" lờn vờn vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine tại thành phố Sumy, đông bắc nước này, hai tuần trước khi tình trạng thiếu điện trên diện rộng được báo cáo trong khu vực vào ngày 3/3.
Ngày kế tiếp, Microsoft nói, các tin tặc Nga đã đột nhập vào một mạng chính phủ ở thành phố Vinnytsia, miền trung Ukraine. Hai ngày sau, tên lửa san bằng sân bay của thành phố.
Ông Victor Zhora, một quan chức an ninh mạng hàng đầu của Ukraine, ngày 27/4 cho biết ông tiếp tục chứng kiến các cuộc tấn công mạng của Nga nhắm vào các công ty viễn thông địa phương và các nhà điều hành mạng lưới năng lượng.
Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, các học giả và các nhà phân tích nói Nga dường như kém tích cực trong lĩnh vực mạng chống lại Ukraine so với dự kiến. Báo cáo của Microsoft tiết lộ một loạt các hoạt động mạng độc hại, dù tác động trong hầu hết các trường hợp là không rõ ràng hoặc không có bằng chứng ngay lập tức.
Cách đây hai tuần, chính phủ Mỹ đã công khai vạch trần một vũ khí mạng, được gọi là Pipedream, được thiết kế để làm hỏng các hệ thống kiểm soát công nghiệp. Mặc dù chưa biết công cụ này có phải của Nga hay không, nhưng nó được xem là rất nguy hiểm và việc phát hiện ra nó trùng hợp với cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo VOA