Từ trái: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN via VTV)
Chúng ta không hy vọng, Hội nghị TƯ5 có thể hoá giải được tình thế lưỡng nan về đối nội và đối ngoại của Việt Nam hiện nay.
Công bố lệnh bắt “Viện sĩ, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn trước ngày Thủ tướng Nhật thăm Việt Nam và phản ứng của Cố vấn Ngoại trưởng Hoa Kỳ trước tuyên bố của Moskow sẽ có cuộc tập trận với Hà Nội vào thời điểm cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine bước sang giai đoạn ba, có thể coi là hai trong nhiều biến cố nổi bật chưa thể lường trước được hậu quả đối với cả nội trị lẫn ngoại giao của Việt Nam.
‘Mẻ lưới cuối cùng” của Tổng Bí thư?Nhìn “những mẻ lưới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước Hội nghị Trung ương 5 trong những ngày tới (TƯ5) người ta không thể không cảm thán: Tham nhũng đến thế là cùng! Hầu như diễn ra ở khắp tất cả mọi cấp, mọi ngành, từ trung ương đến địa phương, từ khu vực nhà nước đến tư nhân, không sót một ngõ ngách nào. Sáng 27/4/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTƯ) về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tiến hành cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trước đó, ngày 25/4/2022, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã tổ chức hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát quý 1, triển khai nhiệm vụ quý 2. Hội nghị giao ban đã đưa ra những con số thật đáng báo động.
UBKT các địa phương, đơn vị kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 1.700 tổ chức đảng, kiểm tra 332 tổ chức đảng về thu chi ngân sách, sản xuất và kinh doanh. Trong quý 1 vừa qua, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 32 tổ chức đảng và 1.953 đảng viên, 266 cấp ủy viên. UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng, 1.017 đảng viên, 222 cấp ủy viên. Nội dung kiểm tra tiếp tục đi vào những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản; thực hiện các dự án đầu tư; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; chứng khoán và thị trường chứng khoán…
Đặc biệt Hội nghị giao ban lần này đã nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt để xảy ra tham nhũng tiêu cực. Điều khó hiểu là Hội nghị lần này đã không chứng kiến sự có mặt và phát biểu như thường thấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. TBT bận cho cuộc họp hai ngày sau đó hay có lý do gì khác? Tiếng đồn râm ran gần đây, TBT đang bị sức ép và có thể sẽ “giã từ sân cỏ” sau Hội nghị TƯ5. Cho nên, đây có thể là “mẻ lưới cuối cùng” của cụ Tổng. TƯ5 chắc chắn sẽ là một hội nghị lịch sử, không chỉ vì nó diễn ra tại thời điểm cực kỳ nhạy cảm do các khó khăn kinh tế – xã hội của đất nước cũng như các biến cố có ý nghĩa thời đại trong cục diện khu vực và quốc tế. Liên quan đến các biến cố quốc nội lẫn quốc tế ấy, người dân muốn biết vai trò của người nắm quyền lực cao nhất ở Việt Nam ở đâu?
Dư luận có phần bất ngờ khi ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư vừa công bố “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030”. Chiến lược này là đòn răn đe đối với các đồng chí “chưa bị lộ trong đống rơm”, nhưng nó cũng có thể là một trò boomerang. Nhìn vào hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong thời gian qua, đảng vừa cho “xộ khám” hơn 40 tướng lĩnh các lực lượng vũ trang và xử lý 2.000 đảng viên, có thể kết luận “Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát” ấy thành công hay thảm bại! Tại TƯ5 liệu có Uỷ viên Trung ương nào dám đặt thẳng vấn đề về trách nhiệm của TBT Nguyễn Phú Trọng. Với tư cách là Bí thư Quân uỷ trung ương và Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, ông Trọng không thể vô can trước những sai phạm nghiêm trọng của các tướng lĩnh ở cả hai Bộ Quốc phòng và Công an suốt một thời gian dài như đã biết?
Không ngẫu nhiên, sáng 27/4, ông Nguyễn Phú Trọng vừa chủ trì cuộc họp của BCĐTƯ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì ngay chiều 29/4, có nhiều ô tô biển xanh đã xuất hiện và các lực lượng công an mặc đủ loại cảnh phục đã tiến hành khám xét tại trụ sở ở Hà Nội của Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ. Khám xét và đọc lệnh các Quyết định khởi tố bị can và các Lệnh bắt bị can để tạm giam. Nghe liệt kê các chức danh cũng như các vụ “móc nối với các sếp lớn để đánh quả” trên quy mô toàn quốc của bà Thanh Nhàn mà thấy chóng cả mặt, ù cả tai.
Phải thừa nhận “Viện sĩ” Nhàn quá khủng, thuộc loại siêu nhân chứ không phải người phụ nữ bằng xương bằng thịt. Cũng có ý kiến cho rằng, làm tiền không có tội, tội là ở các cơ quan chủ quản. Ai đã chống lưng cho Thanh Nhàn tung hoành ngang dọc? Và vấn đề là có lôi ra được “mấy cái trụ” mà Thanh Nhàn bám vào hay không? Chắc chắn chủ nhân của “Đế chế AIC Group” có nhiều nguồn tin đắt giá và lời khuyên vàng ngọc nên “Bà Trùm cuối” đã cao chạy xa bay từ cách đây cả năm trời…
Cách ứng xử với các nước lớnTheo trang Web của Đại sứ quán Nhật Bản ở Việt Nam, ngày 24/11/2018, tại Nhà riêng của Đại sứ Nhật, đã diễn ra lễ trao tặng Huân chương cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Đó là loại Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Nơ thắt hoa hồng. Lần đầu tiên Huân chương Mặt trời mọc được trao cho một cá nhân dưới tuổi 50. Nhật Bản khi đó cho hay: “Đóng góp lớn thứ nhất của Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Nhàn là giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị thân thiện giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua hỗ trợ cho cuộc thi Hùng biện Tiếng Nhật, tạo cơ hội cho hơn 700 sinh viên Việt Nam sang thăm Nhật Bản và Lễ hội Hoa Anh Đào được tổ chức tại nhiều tỉnh thành Việt Nam với tư cách là nhà tài trợ chính cũng như thực hiện tổ chức toàn bộ sự kiện...” “Đóng góp lớn thứ hai của Chủ tịch Thanh Nhàn là giúp thúc đẩy đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam thông qua tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp Nhật Bản”. Và “đóng góp lớn thứ ba là Chủ tịch Nhàn đã giúp thúc đẩy hợp tác về y tế giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua tham gia điều phối hỗ trợ người Việt Nam khám chữa bệnh tại Nhật Bản như thu xếp bệnh viện tiếp nhận, bố trí phiên dịch… Bên cạnh đó, Công ty AIC còn đưa vào Việt Nam các kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản trong lĩnh vực y tế, bảo vệ môi trường, khoa học giáo dục, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam”.
Chưa rõ, Bộ Công an sẽ làm việc với Chính phủ Nhật Bản như thế nào để nhặt “viên sỏi” Thanh Nhàn ra khỏi “cỗ máy” bang giao Việt – Nhật đang chạy trơn tru? Lại nữa, tại sao Bộ Công an lại kích nổ “quả bom hẹn giờ” này đúng vào lúc Thủ tướng Kishida Fumio nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thăm chính thức Việt Nam từ ngày 30/4 đến 1/5/2022? Ông Kishida, từng tuyên bố: “Việt Nam là một đất nước đặc biệt”. Các nhà chức trách Việt Nam khoản đãi ông Kishida một món “khai vị” (appetizer) quả là “rất đặc biệt”. Bởi vì, toàn bộ hành tung của bà “Viện sĩ” các Hãng thông tấn “Vỉa hè” ở Việt Nam đều đã tỏ tường, thậm chí đã cho công bố trên truyền thông từ cách đây năm rưỡi.
Theo phép xã giao thông thường, đặc biệt khi quan hệ Việt – Nhật đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, tại sao không thể lùi quyết định giải tán “Đế chế AIC Group” thêm vài ngày nữa? Chỉ có thể giải thích điều này: Cuộc “giáp la cà” trên thượng tầng đang vào hồi quá gay cấn, quá kịch tính, đến mức đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn từng là Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, cũng không thể can ngăn cụ Tổng trì hoãn việc “tung chưởng”. Quyền lợi dân tộc – quốc gia lúc này cũng không bằng lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm khi vào hồi tỷ thí!
Trong một diễn biến khác liên quan đến mối liên hệ tay ba Việt – Nga – Mỹ: ngày 28/4, Hoa Kỳ đã có những phản ứng đầu tiên khá mạnh mẽ về tin tức tập trận quân sự giữa Nga và Việt Nam. Nội dung trả lời VOA của Cố vấn Ngoại trưởng Derek Chollet có đoạn: Những quốc gia này [tức là Việt Nam] “cần lượng định mối quan hệ với Nga và chúng tôi sẵn sàng trở thành một đối tác của họ khi họ xem xét về vấn đề an ninh của họ trong tương lai.” Ý ông Cố vấn là sẵn sàng chia sẻ các quan ngại về an ninh của Hà Nội và nếu đôi bên cần thì Hoa Kỳ sẵn sàng trở thành một “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) với Việt Nam. Quy chế này, ASEAN và hoa Kỳ sắp trao cho nhau trong dịp có Cuộc thượng đỉnh Đặc biệt giữa 9 nước Đông Nam á với Mỹ trong những tuần sắp tới. Cố vấn Derek Chollet, người vừa có chuyến công du đến Hà Nội vào hồi đầu tháng 4, còn giải thích thêm với VOA: “Tôi không thể bình luận cụ thể về cuộc tập trận đó. Và tôi đã ở Hà Nội cách đây vài tuần, đã có cuộc trò chuyện dài với các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam về mối quan hệ Việt – Mỹ, mà chúng tôi tin rằng có tiềm năng to lớn, cũng như mối quan ngại thực sự của chúng tôi về Nga và con đường tương lai với Nga”. Tưởng ông Derek không thể nào diễn đạt rõ ràng hơn khi ông trình bày: “Chúng tôi đã đưa ra quan điểm với những người bạn Việt Nam, mà tôi tin rằng họ thấy có giá trị, đó là Nga ngày nay là một đối tác kém hấp dẫn hơn nhiều so với thời điểm cách đây 4 tháng”.
*
Tương tự như với Nhật Bản, đối với Hoa Kỳ, CSVN vẫn tiếp tục “kèo trên” đến đâu khi gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ trong một báo cáo thường niên, lần đầu tiên từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao hai nước, đã lên tiếng công khai chỉ trích “sự thiếu tính chính danh” của các hệ thống quyền lực ở Việt Nam? Hoa Kỳ nhận định, Nhà nước Việt Nam không phải là nhà nước của dân, nó ngăn cản, đàn áp quyền tham chính của người dân trên thực tế. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho rằng “công dân (Việt Nam) không thể lựa chọn chính phủ của mình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng, được tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín, nhằm đảm bảo quyền tự do biểu đạt và ý chí của người dân”. Khác với người Mỹ, người Nhật vốn kín đáo. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết Thủ tướng Kishida nghĩ gì về “quả bom” Thanh Nhàn Hà Nội cho nổ trước chuyến công du của ông.
Riêng những ai cảm thấy còn nặng lòng vì đất nước, cũng không nên quá buồn phiền trước những biến cố dữ dội nói trên. Chúng ta không hy vọng, Hội nghị TƯ5 có thể hoá giải được tình thế lưỡng nan về đối nội và đối ngoại của Việt Nam hiện nay. Nhưng chúng ta có thể hy vọng, cuộc giằng co giữa toàn trị và pháp quyền trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam chính là động lực để thay đổi. Bởi các phe phái không thể quản trị đất nước bằng phương pháp “án binh bất động”, “trên bảo dưới không nghe” hoặc “trên thảm dưới đinh” như chính một số yếu nhân trong “Bộ Tứ” nhiều lần phải phàn nàn. Thời đại đang sang trang. Trật tự thế giới đang chuyển đổi. Việt Nam không thể đứng yên, lại càng không thể lội ngược dòng lịch sử khi Mỹ, NATO và phương Tây đang hết mình giúp Ukraine bảo vệ quyền tự quyết dân tộc. Đến lượt mình, bản thân quân đội và người dân Ukraine cũng đang xả thân vì độc lập, tự do của chính dân tộc mình, nhưng đồng thời cũng để bảo vệ nền tự do của châu Âu và thế giới.
Trần Đông A (VOA)