Chiến tranh Ukraina : Nga có sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ?Binh lính Nga canh gác cảng Mariupol, Ukraina. Ảnh chụp ngày 29/04/2022. AP
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại một nước thành viên của khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO hầu như là không chắc. Nhưng trước những khó khăn trên thực địa, và bực bội về việc phương Tây giao vũ khí cho Ukraina, tổng thống Nga có thể sẽ chọn một giải pháp cực đoan : Dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật để giành chiến thắng quyết định mà không khơi mào Đệ Tam Thế Chiến.
Câu hỏi đặt ra : Đâu là sức phá hủy thật sự của vũ khí hạt nhân chiến thuật ? Olivier Lepick, chuyên gia về vũ khí thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) trên tờ Le Figaro, trước hết lưu ý là có hai loại vũ khí hạt nhân. Loại thứ nhất là vũ khí chiến lược có tính chất răn đe, « có khả năng tiêu diệt hoàn toàn đối thủ ». Nhưng ông cảnh báo, nếu Nga sử dụng thì « tất cả đều bị thiệt ». Trong trường hợp này, có thể kể đến tên lửa đạn đạo RS-24 Yars, có thể mang đến 4 đầu đạn hạt nhân với sức công phá tổng cộng là 400 kilo tấn.
Loại thứ hai là các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, mà Mỹ và Nga đang đua nhau phát triển từ nhiều năm qua. Về mặt lý thuyết, loại vũ khí này, do nhỏ hơn vũ khí hạt nhân chiến lược, nên chỉ mang được một đầu đạn hạt nhân nặng từ 10-100 kilo tấn, và do vậy có khả năng sử dụng trên chiến trường, « trong mục tiêu chiến thuật, để giành thắng lợi trong một trận chiến, tiêu diệt một đoàn xe tăng hay chọc thủng các hệ thống phòng thủ », theo như giải thích của ông Olivier Lepick. Le Figaro nhắc lại, hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, có sức công phá lần lượt là 15 và 20 kilo tấn, đã có những hệ quả như thế nào thì giờ ai cũng biết.
Bên cạnh tiêu chí về sức công phá, điều kiện mang đầu đạn cũng thay đổi tùy theo mục đích sử dụng. Đầu đạn hạt nhân chiến lược hầu như chỉ được vận chuyển bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa, bắn đi từ các hầm chứa, tầu ngầm, hay từ chiến đấu cơ như tại Pháp chẳng hạn. Còn về đầu đạn hạt nhân chiến thuật, người ta có thể thay đổi phương tiện hỗ trợ như chúng có thể được thả bằng bom, đẩy bằng tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình, tầm ngắn, tầm trung. Trong trường hợp này, những hệ thống tên lửa như Iskander của Nga được cho là lưỡng dụng.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), trong số 6.000 đầu đạn hạt nhân mà Nga sở hữu, khoảng 2.000 đầu đạn được cho là để dùng cho chiến thuật. Như vậy, để có thể giành được thắng lợi trên chiến trường, người ta nghi ngờ tổng thống Putin rất có thể sẽ thử sử dụng số đầu đạn chiến thuật đó, đủ để gây ra thiệt hại cho Ukraina, mà không đưa Nga vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Nhà nghiên cứu Heloise Fayet, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), nhận định với Le Figaro rằng có nhiều yếu tố cho thấy một kịch bản như thế có nguy cơ xảy ra. Một đầu đạn chiến thuật có thể được « sử dụng để bổ sung trong trường hợp quân đội Nga gặp quá nhiều khó khăn trên chiến trường » như ở Donbass chẳng hạn, hoặc Nga cũng có thể ra lệnh tấn công kiểu như vậy « nhắm vào thường dân Ukraina nhằm bẻ gãy động lực ».
Matxcơva cũng có thể phản ứng tương tự nếu Ukraina « đánh vào những điểm cốt lõi tại Nga », như ông Vladimir Putin từng cảnh cáo ngay từ đầu cuộc chiến. Trong những ngày gần đây, Kiev đã không ngừng khẳng định « quyền » đánh vào những mục tiêu quân sự của Nga, để tự vệ bằng mọi giá, nhằm đáp trả việc « Nga tấn công Ukraina và giết hại thường dân ».
Ngoài ra, ông Putin cũng có thể quyết định đánh vào đoàn xe giao vũ khí trên lãnh thổ Ukraina, hay tệ hơn nữa là nhắm vào « một nước thành viên của NATO như Ba Lan chẳng hạn, mà ông Putin xem là một nước thù địch hay một mối đe dọa ».
Dù vậy, giới quan sát tại Pháp cho rằng có rất ít khả năng chủ nhân điện Kremlin sẽ dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Một hành động như thế sẽ bị cả thế giới lên án, Nga bị mất đồng minh. Và nhất là về mặt thực tế, một cuộc tấn công bằng hạt nhân ở Donbass có nguy cơ biến khu vực này thành một vùng không thể sinh sống do hậu quả của chất phóng xạ gây ra, trong khi mục tiêu đề ra của điện Kremlin là chiếm lấy toàn bộ vùng Donbass. Do vậy, theo quan điểm của Olivier Lepick, lời dọa dẫm trên chỉ là « một dấu hiệu của sự rối loạn về chiến lược hơn là ý định sử dụng thật sự loại vũ khí này. »
Theo RFI