Học sinh tìm hiểu về lịch sử Việt Nam tại trường Trung học Phổ thông Đông Hà, miền Trung Việt Nam. Ảnh minh họa chụp trước đây. Reuters
Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) Việt Nam, kể từ năm học 2022-2023, môn Lịch sử được xếp vào nhóm những môn học tự chọn cho học sinh cấp Trung học Phổ thông (THPT). Ngay khi thông tin này được báo chí đăng tải, nhiều người lo ngại môn Lịch sử sẽ không được học sinh chọn học. Nguyên nhân là kết quả thi môn này trong nhiều năm qua liên tiếp thấp kỷ lục.
Sử gia Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 17/5, nhận định:
“Hội Sử học chúng tôi cũng có cảnh báo, nếu hiểu theo nghĩa tự chọn là hoàn toàn các cháu muốn, nhất là trong bối cảnh dạy sử và học sử chưa tốt như hiện nay, thì có thể các cháu sẽ chán và không lựa chọn thì sao? Bộ giáo dục cũng đưa ra những con số thống kê điều tra và sẽ có những phương án để không xảy ra tình trạng ấy. Thế nhưng tôi nhắc lại rằng không nên dùng chữ ‘tự chọn’ hay là ‘không bắt buộc’ mà chỉ điều chỉnh chương trình cho nó phù hợp với xu thế là có sự phân ngành, để có sự định hướng nghề nghiệp cho chuẩn. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa biết văn bản cuối cùng như thế nào? Nhưng rõ ràng dư luận xã hội vừa rồi cũng đã tác động ngành giáo dục, để điều chỉnh lại cho phù hợp thực tiễn xã hội hiện nay.”
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khi tiếp xúc cử tri tại huyện Hoà Vang và quận Cẩm Lệ - Đà Nẵng hôm 13/5 cho rằng, đã có cách diễn đạt không đúng, khiến nhiều người hiểu nhầm là bỏ môn Lịch sử ở THPT.(!?)
Hội Sử học chúng tôi cũng có cảnh báo, nếu hiểu theo nghĩa tự chọn là hoàn toàn các cháu muốn, nhất là trong bối cảnh dạy sử và học sử chưa tốt như hiện nay, thì có thể các cháu sẽ chán và không lựa chọn thì sao?
-Sử gia Dương Trung QuốcTrước nhiều ý kiến trái chiều, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn hôm 12/5 cho biết trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc các phương án về dạy học lịch sử bậc THPT trong thời gian tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín, Hà Nội, cũng là một phụ huynh, cho RFA biết ý kiến của mình hôm 17/5:
“Tôi ủng hộ đưa môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông thành môn tự chọn. Từ cấp tiểu học và cơ sở các cháu đã bị ép học môn Sử là môn bắt buộc. Lên cấp Trung học phổ thông thì có thể tự chọn, không không sao cả, vì lịch sử Việt Nam đến khi vào đại học lại trở thành môn bắt buộc. Cấp cơ sở cũng đã học rất đầy đủ về lịch sử. Thế nhưng những người yêu thích lịch sử, những người lo lắng lịch sự cho đất nước thì lại phản đối việc để môn sử là môn tự chọn. Vừa rồi lãnh đạo bộ lại đưa ra ý kiến môn Lịch sử sẽ là môn ‘tự chọn bắt buộc’… nghe nó lủng củng không đúng… theo kiểu gió chiều nào theo chiều đấy.”
Thầy Đỗ Việt Khoa cho biết vẫn giữ nguyên quan điểm ủng hộ môn Lịch sử là môn tự chọn. Theo Thầy Khoa, mọi người cũng không cần lo quá vì số học sinh tự lựa chọn môn Sử sẽ rất cao, thay vì các em chọn các môn khoa học tự nhiên khác.
Một học sinh cấp Trung học Phổ thông giấu tên nói với RFA TV mới đây:
“Chắc nên làm vậy, vì nếu không đặt nặng môn Lịch Sử, sẽ có thời gian cho các môn chính nhiều hơn.”
Còn một nữ sinh Trung học khác thì cho rằng sẽ không nhiều học sinh chọn môn Sử nếu không bắt buộc:
“Em nghĩ cũng được, nhưng sẽ không có nhiều bạn học sinh chọn đâu. Vì lịch sử có rất là nhiều cái chán, nhiều sự kiện, nhiều cuộc chiến xảy ra, tụi em không thể nào nhớ nổi được hết ngày tháng năm… Rất là khó học bài cho tụi em, môn lịch sử chỉ là một môn học bài thôi, chỉ một hai câu tự luận vận dụng…”
Ảnh minh họa chụp bên ngoài một trường THPT ở Hà Nội trước đây. AFP PHOTO.
Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam hôm 11/5 cũng có thư kiến nghị đệ trình lên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng liên quan đến vấn đề Lịch Sử được xếp là môn học lựa chọn.
Cụ thể, theo Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam, việc xếp Lịch Sử là môn tự chọn trong chương trình giáo dục trung học phổ thông là chưa thể hiện đầy đủ vai trò, vị trí của môn Lịch Sử trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Dương Trung Quốc nói thêm về việc này:
“Có lẽ trước hết phải đặt chương trình này trong một chủ trương chung mà xã hội hết sức ủng hộ. Tức là làm sao cho chương trình giảng dạy phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, nhất là việc lâu nay giáo dục Việt Nam chưa làm được. Tức là phân luôn học sinh ở cấp ba để đi dạy học hay học nghề một cách rõ ràng, giảm bớt môn học hay tăng cường để chọn ngành phù hợp xu hướng phát triển lâu dài. Chủ trương đó thì ai cũng ủng hộ, nhưng ví dụ như môn toán, lịch sử, tiếng việt… thì luôn luôn được coi trọng.”
Đây là bài toán mà các nhà soạn thảo chương trình phải đặt ra. Rõ ràng việc bỏ môn Sử là điều không thể chấp nhận được, nhưng bộ giáo dục chứng minh là không có ý định bỏ, mà chỉ điều chỉnh cho phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.
-Sử gia Dương Trung QuốcDo đó theo ông Quốc, việc tự chọn hay không bắt buộc môn Sử gây phản cảm xã hội, nhất là xã hội Việt Nam luôn coi trọng việc nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Cho nên rộ lên luồng dư luận không chấp nhận về việc bỏ môn Sử. Ông Quốc nói tiếp:
“Sau đó Bộ giáo dục đã cố gắng điều chỉnh, Hội Sử học và các cơ quan khác cũng được mời để trao đổi, nhất là sắp đến thời điểm Quốc Hội họp. Hồi năm 2015, cũng đã từng đưa môn Sử thành môn tự chọn, đến nỗi Quốc Hội phải đưa ra biểu quyết với đa số tuyệt đối yêu cầu giữ lại môn này. Tôi tin rằng sắp tới sẽ có điều chỉnh để không bỏ môn Sử, mà nên điều chỉnh như thế nào cho phù hợp thời lượng và lộ trình học của các cháu được liên tục, mà vẫn có định hướng cho nghề nghiệp. Đây là bài toán mà các nhà soạn thảo chương trình phải đặt ra. Rõ ràng việc bỏ môn Sử là điều không thể chấp nhận được, nhưng bộ giáo dục chứng minh là không có ý định bỏ, mà chỉ điều chỉnh cho phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.”
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc khi trả lời RFA vào tháng 4 năm 2022 cũng liên quan vấn đề này cho rằng, nếu nội dung môn lịch sử như hiện nay và cách dạy của giáo viên cũng giống như trước đây, khi học sinh làm bài thi là trả lại những gì thầy cô đã dạy thì theo ông Phúc cũng nên cho học sinh tự chọn hoặc bỏ luôn môn Lịch sử. Vì việc này chẳng ảnh hưởng gì đến sự phát triển nhân cách của học sinh.
Theo quan điểm của ông Đinh Kim Phúc, muốn giữ môn Lịch sử cho học sinh trong trường PTTH để dạy cho học sinh biết truyền thống của ông cha, biết những cái tốt đẹp trong sự phát triển của đất nước cũng như nền văn minh của nhân loại, thì phải có một cuộc cách mạng trong việc soạn sách giáo khoa và cách mạng trong việc dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông.
Theo RFA