Hình minh họa: Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/5/2022. AFP
Thủ tướng Phạm Minh Chính được nghe thấy trò chuyện bằng ngôn ngữ thân mật với các quan chức Việt Nam khác khi kể về trải nghiệm của ông tại Nhà Trắng. Thủ tướng Phạm Minh Chính “chém gió” bằng loại ngôn ngữ như thế này: “Rõ ràng… sòng phẳng. Mẹ nó… Sợ cái gì!” Ông vừa cười to vừa hoa chân múa tay. Đoạn video nằm trong Livestream của Bộ Ngoại giao Mỹ phát trên YouTube ngày 13/5 ghi lại trước thời điểm cuộc gặp của ông Chính với Ngoại trưởng Antony Blinken. Nó dường như vô tình được ghi lại các khoảnh khắc riêng tư của các quan chức hàng đầu Việt Nam tán gẫu với nhau trong khi chờ Ngoại trưởng Blinken tới. Thủ tướng Chính và ông Tô Lâm có lẽ không để ý cái camera của Bộ Ngoại giao Mỹ đang ghi hình của đoàn và phát trực tiếp (1).
Có một cái lệ bất thành văn, lãnh đạo Việt Nam vì mắc căn bệnh “khệnh khạng” (trừ một số ít ngoại lệ), nên khi ra tiếp xúc bên ngoài cơ quan, đều muốn tỏ ra mình là người của công chúng, dễ gần gũi, nên thường có thói quen ăn nói đời thường, giản dị. Họ không ngần ngại dùng các “phương ngữ đường phố”. Nguyên nhân là vì hàng ngày tại các công sở, trong các cuộc họp, họ đều phải dùng một loại “ngôn ngữ gỗ”, cứng nhắc, giả tạo, che đậy hầu hết sự thật… Vì vậy lúc nào, các quan chức này cũng có nhu cầu “xả stress”. Trường hợp phái đoàn Chính phủ cũng thế thôi. Đang sống “chậm” ở Việt Nam, khi đột ngột phải chuyển sang một môi trường làm việc “nhanh”, nghị trình đi lại, tiếp xúc căng thẳng… Trong những phút giải lao như thế này, thường người có cương vị cao nhất hay khơi mào, bắt đầu “nổ”, những người khác phụ họa theo, sao cho vừa lòng cấp trên. Tất cả… cứ “tự nhiên như người Hà Nội”. Tất nhiên, cuộc “diễn xuất” vừa qua ở Bộ Ngoại giao Mỹ là một thất thố quá đáng (No excuse!)
VIDEO FB Nga Pham, một nhà báo có tiếng từng làm cho BBC đã “tuýt” như sau: “Thời buổi cái gì cũng Livesstream, YouTube và TikTok nữa mà không ai cố vấn cho cụ Chính và các cụ trong đoàn hay sao? Nên cho dàn An ninh và Lễ tân (đi phục vụ đoàn) đứng úp mặt vào tường hai ngày (như một hình thức kỷ luật)! Tha hồ cho các ban Việt ngữ câu view, chứ Tây chắc nó chả hiểu gì đâu. Tôi cũng chịu, không biết dịch “nó” với “thằng” sang tiếng nước ngoài như thế nào?” Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác bác lại status của FB Nga Pham, cho rằng “bọn Tây” ở đâu và bao giờ cũng có cánh trợ lý “An Nam” giúp việc. Mà nếu không có trợ lý Đông Lào thì bạn hãy chịu khó đọc Basam.vet cũng ra hết (2).
Tuy nhiên, hiện Video ghi lại cuộc nói chuyện “không đáng có” giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và các quan chức Việt Nam tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 13/5 hiện đã không còn được tìm thấy trên kênh YouTube của Bộ Ngoại giao Mỹ nữa, mà chưa rõ nguyên nhân vì sao. Trong cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng Chính với các quan chức trong đoàn, bao gồm Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Thứ trưởng Quốc phòng Phạm Hoài Nam và một số quan chức khác diễn ra vào trước cuộc gặp giữa đoàn Việt Nam với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và được nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ thu lại toàn bộ, và phát trực tiếp trên kênh YouTube của Bộ này. Điểm đáng chú ý trong đoạn bình luận năm phút tại phòng khánh tiết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là cách ăn nói thiếu văn hóa của quan chức Việt Nam. Bộ trưởng Công an Tô Lâm khi đề cập đến cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger dưới thời Tổng thống Trump, đã gọi ông này là “thằng”, và bổ sung thêm “nó” (tức ông Pottinger) có vợ là Việt Nam và khen cô vợ này thông minh.
Kể ra cũng thật bất ngờ khi bàn dân thiên hạ lại có thể nghe từ miệng ông Phạm Minh Chính phát ra: “Rõ ràng… sòng phẳng. Mẹ nó… Sợ cái gì!” . Chưa hết, một quan chức trong đoàn còn tranh thủ “nịnh xoáy”: “Mình nói ngoài này, ngồi trong đấy nó nghe hết…”. Đoạn video ngay lập tức đã được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội và thu hút nhiều nhận xét của cộng đồng mạng. Một người xem video này trên Facebook của RFA có tên Kien Nguyen viết nhận xét: “Làm khách tới nhà người ta mà ăn nói sau lưng chủ nhà (Thật ra là nói trước camera đấy chứ, có phải sau lưng đâu!) một cách vô học, bố đời, bố láo, bố toét.” Một người khác có tên Lê Minh Hoàng viết: “Những câu nói này.... tưởng đang nghe trên bàn nhậu nào đó.... chứ không phải ở Ngoại giao Cấp cao. Chính khách đại diện cho nước Việt Nam như thế này ah.” Người khác tên Hoa Nguyen viết: “Ngôn từ!!! Từ miệng Thủ tướng mà nghe cứ như ở bến xe.” Đến chiều tối ngày 14/5 giờ miền đông nước Mỹ, khi người xem bấm vào video này trên kênh YouTube của Bộ Ngoại giao Mỹ thì được báo “Video unvailable” (Tức không thể xem được). (3)
Trên Twitter, cựu nhà báo BBC Bill Hayton viết: “Thật quá là xấu hổ cho đoàn Việt Nam đến mức Bộ Ngoại giao Mỹ dường như phải gỡ đoạn video xuống”.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam gây ra những xì-căng-đan khét tiếng về mặt ngoại giao khi công cán nước ngoài. Hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính sang dự Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu tại Anh đã đến ăn thịt bò dát vàng tại quán ăn nổi tiếng của đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ Salt Bae. Bữa ăn nghe nói có giá trung bình khoảng 1.975 USD. Điều đáng chú ý là ông Tô Lâm đi ăn bữa ăn đắt đỏ trong khi ở Việt Nam lúc bấy giờ đang có đại dịch COVID-19 và nhiều người dân bị phong toả hàng tháng trời, không việc làm, không thu nhập. Bữa ăn này của Bộ trưởng Tô Lâm cũng khiến cả báo chí quốc tế “dậy sóng” và gọi món bò mà ông Tô Lâm ăn là “Bò Cộng sản” (4).
Nhìn ta mà ngẫm đến người! Trước đây, các Tổng thống Clinton, Obama sang thăm chính thức Việt Nam họ cũng “diễn” cuộc sống đời thường của những Tổng thống. Dân Việt mình, cả ở Hà Nội lẫn Sài gòn, tự nguyện sắp hàng từ sân bay về đến Khách sạn, chỉ để được vẫy chiếc xe đặc chủng chở người đứng đầu nước Mỹ. Đáp lại thịnh tình dân Đông Lào, các Tổng thống đang trên đường ra sân bay về nước lại bảo dừng xe để ăn bát phở (Clinton), mua cốm làng Vòng (Obama). Và các chính khách Mỹ quả thực đã chiếm được trái tim người Việt, mặc dầu dân Việt cũng thừa biết chưa chắc họ đã mê phở và cốm làng Vòng đến mức như thế. Diễn cả thôi! Những “diễn” là nhất thời mà “đẳng cấp văn hóa” là vĩnh viễn. Đấy là văn hóa của Lãnh đạo, chứ không phải là loại Lãnh đạo thiếu văn hóa!
Gia Cát Tường
___________________
Tham khảo 1.
https://youtu.be/wn-mqp2bE0w 2.
https://basam.vet/2022/0...inh-bi-ghi-hinh-co-tieng 3.
https://www.youtube.com/watch?v=uR+6BFLIVdo 4.
https://www.rfa.org/viet...able-05142022235230.html