Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022. Photo US Embassy in Hanoi.
Đây không phải là lần đầu Thủ tướng Chính bày tỏ lập trường “không chọn bên”. Ngày 15/12 năm ngoái, phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao Việt Nam lần thứ 31 ông nhấn mạnh: “Tinh thần là chúng ta không 'chọn bên' mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.”
Ngày 11/5/2022, tại một sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trong khuôn khổ chuyến đi Mỹ để tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định “VN không chọn bên” trong quan hệ quốc tế. Ông tuyên bố: “Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược, và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.” (1)
Đây không phải là lần đầu Thủ tướng Chính bày tỏ lập trường “không chọn bên”. Ngày 15/12 năm ngoái, phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao Việt Nam lần thứ 31 ông nhấn mạnh: “Tinh thần là chúng ta không 'chọn bên' mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.”(2)
Trước đó, trong cuộc họp báo quốc tế sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tổ chức vào cuối tháng 6/2020, người tiền nhiệm của ông Chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã bày tỏ lập trường này. Trả lời câu hỏi của phóng viên, "Trước những căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ASEAN phải làm gì để có thể vượt qua tình hình này?" Ông nói: “ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác, cùng phát triển và chắc chắn không muốn phải chọn bên nào.” (3)
Phát biểu của những người đứng đầu Chính phủ Việt Nam được đưa trong bối cảnh thế giới đang có hai vấn đề nổi cộm.
Thứ nhất, Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong toan tính đánh chiếm nốt quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cũng của Việt Nam vào năm 1974 và một phần quần đảo Trường Sa vào năm 1988. Điều này dẫn đến công luận Việt Nam, gồm cả tác giả bài viết này (4), đòi hỏi Việt Nam liên minh quân sự ngay với Mỹ để bảo vệ lãnh thổ quốc gia, nhất là khi Mỹ đã “xoay trục” về châu Á – Thái Bình Dương từ cách nay một thập kỷ, vào năm 2010, để ngăn chặn Trung Quốc dùng vũ lực bành trướng trong khu vực.
Thứ hai, Nga xâm lược Ukraine. Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng về nghị quyết lên án Nga và bỏ phiếu chống nghị quyết trục xuất Nga khỏi Hội đồng nhân quyền, điều mà công luận cho rằng chính phủ Việt Nam đã chọn vào phe với Nga trên thực tế. Trong khi đó, Mỹ, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, luôn đi đầu trong việc lên án và trừng phạt Nga.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi tập trung vào phân tích chính sách “không chọn bên” của Chính phủ Việt Nam liên quan đến Trung Quốc trên cơ sở đối chiếu với đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh, mà Đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam khẳng định trung thành tuyệt đối.
Đánh tráo khái niệmCứ theo diễn giải của Chính phủ Việt Nam qua các phát biểu nêu trên, căng thẳng ẩn chứa đối đầu quân sự hiện nay ở châu Á – Thái Bình Dương là do Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh với nhau gây ra và Việt Nam “không chọn bên”, tức tự coi mình là “người ngoài cuộc”.
Để biết được diễn giải này của Chính phủ Việt Nam có lý hay không, tất phải tìm hiểu nội hàm của “không chọn bên”.
“Không chọn bên” hay “không đứng về bên nào” (tiếng Anh: not taking sides, tiếng Pháp: ne pas prendre parti) đồng nhất với “trung lập”.
Trong quan hệ quốc tế, trung lập là không liên minh quân sự với nước khác để chống nước thứ ba. Không những thế, quốc gia trung lập không cho bất cứ bên nào của một cuộc xung đột vũ trang lập căn cứ quân sự/hậu cần trên lãnh thổ của mình, trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quốc tế theo bốn Công ước Genève ngày 12/8/1949 về bảo hộ nạn nhân xung đột vũ trang.
Cơ bản có hai dạng trung lập:
Trung lập có đảm bảo quốc tế, cụ thể đảm bảo của các cường quốc. Đó là trường hợp của Thụy Sĩ , theo Tuyên bố chung của các cường quốc châu Âu gồm nước Pháp bại trận và Anh, Áo, Phổ và Nga tại Đại hội Vienna năm 1815.
Trung lập không có đảm bảo quốc tế. Trường hợp này cũng có hai dạng: chủ động trung lập, như Áo, Thụy Điển và bị nước khác ép trung lập, như Phần Lan (bị Liên Xô ép để tránh các cuộc tiến công của siêu cường cộng sản này).
Tóm lại, một quốc gia có thể “không chọn bên” hay giữ quy chế trung lập chỉ trong trường hợp quốc gia đó không phải là một bên xung đột vũ trang, bất luận chủ động hay bị động. Ngược lại, khi là hoặc tiềm năng là nạn nhân của một cuộc xâm lược thì quốc gia đó hoặc cam chịu mất lãnh thổ, thậm chí bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới hoặc kháng cự. Trong trường hợp sau, liên minh quân sự với nước khác là phương thức khả dĩ nhất để đánh bại và tốt hơn thế, ngăn ngừa xâm lược.
Vậy phải chăng Việt Nam không trong tình thế xung đột với Trung Quốc?
Sẽ là không thừa khi nhắc lại chỉ trong vòng nửa thế kỷ nay Trung Quốc đã nhiều lần đánh chiếm lãnh thổ của Việt Nam: quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 (lúc đó dưới quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa), một phần quần đảo Trường Sa (dưới quyền quản lý của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào năm 1988. Năm 1979, Trung Quốc xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc, đó chưa kể vẫn nước này trước đó đã chống lưng Căm Pu Chia Dân chủ của Khmer Đỏ xâm lược các tỉnh Tây Nam. Hiện nay, Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo và thực thể chiếm được của Việt Nam trên biển Đông và lăm le đánh chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Trường Sa.
Như vậy, với tư cách là nạn nhân xâm lược của Trung Quốc, Việt Nam chắc chắn là một bên xung đột cho dù thụ động. Do đó, “không chọn bên” mà Chính phủ Việt Nam liên quan đến Trung Quốc là một sự đánh tráo khái niệm, từ “nạn nhân” của nước này sang “người ngoài cuộc”! Hệ quả của sự đánh tráo này là rõ ràng: lãnh thổ còn lại của Việt Nam ở biển Đông bị đặt vào thế “trứng để đầu đẳng” trước tham vọng lãnh thổ cuộn trào của tân đế quốc Trung Hoa.
Không chỉ thế, Chính phủ Việt Nam với chủ trương “không chọn bên” còn phá hủy ngay tính chính danh của bản thân khi đi ngược đường lối đối ngoại của Hồ Chí Minh mà họ luôn tuyên bố trung thành.
“Chọn bên”- tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí MinhTrước hết, Hồ Chí Minh “chọn bên” với tư cách cá nhân.
Lần đầu tiên Hồ Chí Minh “chọn bên” là vào năm 1918 khi ông, lúc đó dưới tên Nguyễn Tất Thành, gia nhập Đảng xã hội Pháp theo Đệ nhị Quốc tế vì cho đó là chính đảng duy nhất bênh vực người dân thuộc địa.
Lần “chọn bên” tiếp của Hồ Chí Minh là tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại Tours cuối tháng 12/1920 khi ông, lúc đó dưới tên Nguyễn Ái Quốc, với tư cách đại biểu Đông Dương duy nhất bỏ phiếu tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp theo Đệ Tam Quốc tế, còn gọi là Quốc tế cộng sản, do lãnh tụ đảng Bolshevik Nga Lê Nin chủ xướng. Lý do dẫn Hồ Chí Minh đến bược ngoặt chính trị này là Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, đăng trên báo L’Humanité (Nhân loại) ra ngày 16 và 17-7-1920, đã chiếm toàn bộ “trái tim và khối óc” của ông.
Năm 1960, trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Hồ Chí Minh viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế ba”(5)
Trên thực tế, Đại hội Tours đã thông qua Nghị quyết về trao trả nền độc lập cho các dân tộc đang sống dưới ách thuộc địa của Pháp, xác định nhiệm vụ của những người cộng sản trong cuộc đấu tranh để thực hiện Nghị quyết.
Tiếp theo, Hồ Chí Minh “chọn bên” với tư cách lãnh tụ Đảng cộng sản và nguyên thủ quốc gia Việt Nam.
Trong chiến tranh thế giới thứ II, Hồ Chí Minh đã chọn đứng về phía Đồng Minh để chống phát xít Nhật và chính quyền thực Pháp. Sự “chọn bên” này đã được ông tự hào tuyên bố ngay trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, văn kiện đồng thời khai sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH): “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!”
Thế chiến II vừa chấm dứt, Pháp liền tái xâm lược Việt Nam. Để “khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ”, Hồ Chí Minh đã không ngần ngại đề nghị liên minh quân sự với “các nước dân chủ”.
Trong bức thư tháng 12/1946 gửi Đại Anh Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các nước thành viên khác của Liên hợp quốc, sau khi khẳng định “nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bị đặt trong một cuộc xung đột vũ trang gây ra bởi các lực lượng Pháp” và “Cuộc xâm lược này mà chúng tôi là nạn nhân, ngoài việc gieo rắc chết chóc và huỷ diệt trên đất nước chúng tôi, còn uy hiếp nền hoà bình thế giới trong miền Viễn Đông”, Chủ tịch Chính phủ VNDCCH tuyên bố: “Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân." Đáng tiếc là đề nghị này của Hồ Chí Minh đã không được “các nước dân chủ” hồi đáp, dẫn đến nhiều năm sau đó VNDCCH thân cô thế cô chống lại xâm lược Pháp.
Sau khi Chiến tranh lạnh bắt đầu vào năm 1947 với sự ra đời của học thuyết Truman tập hợp các nước phương Tây chống chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn cầu, “phe xã hội chủ nghĩa (XHCN)” hình thành với sự ra đời của nhà nước cộng sản tại Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari, Bungari, Rumani, Anbani, Đông Đức và đặc biệt tại Trung Quốc vào những năm 1948 -1949. Cũng do Chiến tranh lạnh mà cùng thời gian đó quan hệ giữa Liên Xô với Pháp xấu đi nghiêm trọng bất chấp “Hiệp ước đồng minh và tương trợ lẫn nhau”, mà Tướng De Gaulle, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng Hòa Pháp, ký với Liên Xô tháng 12/1944, có giá trị 20 năm.
Trước cục diện thế giới mới, Hồ Chí Minh quyết định đưa VNDCCH gia nhập “phe XHCN”. Tại cuộc hội kiến đầu tháng 2/1950 với lãnh đạo Liên Xô Stalin có sự tham dự của Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông (đang ở thăm Liên Xô), Hồ Chí Minh khẳng định VNDCCH đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Ông cũng thông báo rõ tình hình kháng chiến của Việt Nam và đề nghị Liên Xô và Trung Quốc trợ giúp, nhất là về quân sự. Stalin bày tỏ quan điểm công nhận ngoại giao VNDCCH và cam kết viện trợ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Liên Xô cho rằng Liên Xô ở xa Việt Nam nên đề nghị Trung Quốc viện trợ quân sự cho Việt Nam, hết bao nhiêu Liên Xô sẽ hoàn trả. Kết quả là với viện trợ quan trọng từ hai đồng minh cộng sản này, VNDCCH đã đánh bại Pháp tại trận quyết chiến Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954. Chiến thắng này của những người cộng sản Việt Nam đã khiến Hiệp định Genève được ký kết ngay sau đó, chấm dứt sự có mặt của Pháp tại Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 chia tạm thời đất nước làm hai miền Bắc và Nam.
Với sự sắp xếp của Chính phủ Mỹ, Ngô Đình Diệm từ Mỹ về miền Nam làm Thủ tướng Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng để tiếp đó phế truất Bảo Đại và lập ra Việt Nam Cộng hòa (VNCH) vào năm 1955. Sự kiện này dã mở đầu Chiến tranh Việt Nam, một sự pha trộn giữa một cuộc chiến quốc tế (giữa VNDCCH và Mỹ) và một cuộc nội chiến (giữa VNDCCH và VNCH).
Để “chống Mỹ xâm lược” và thống nhất đất nước, Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông đã không ngần ngại tuyên bố “nước VNDCCH là tiền đồn của phe XHCN ở Đông Nam Á” (6) để tiếp tục nhận được từ phe này các khoản viện trợ tuyệt đối cần thiết cho sự thành công của sự nghiệp này (7). Kết quả là ngày 30/4/1975 quân đội cộng sản Việt Nam đã giành chiến thắng chung cuộc trong Chiến tranh Việt Nam khi buộc Tổng thống VNCH Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (8).
Việc Hồ Chí Minh kiên định chọn “phe XHCN” làm đồng minh còn được thể hiện rõ ở việc VNDCCH chưa bao giờ tham gia Phong trào không liên kết thành lập năm 1955 gồm các quốc gia tuyên bố đứng giữa hai liên minh quân sự đối địch trong Chiến tranh lạnh là NATO và Warszawa, ngay dù phong trào này chống phương Tây trên thực tế với tiêu chí “chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa thực dân kiểu mới.”
Kế thừa tư tưởng “chọn bên” của Hồ Chí Minh, ngày 3 tháng 11 năm 1978, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do những đồng chí cận kề ông là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng lãnh đạo, đã ký với Liên Xô Hiệp ước hữu nghị và hợp tác nhằm thiết lập một liên minh quân sự (9) chống Trung Quốc, bất chấp cả ba đều cùng “đại gia đình cộng sản”. Điều này xảy ra trong bối cảnh Việt Nam bị Khmer Đỏ được Bắc Kinh chống lưng xâm lược và bị ngay chính Bắc Kinh đe dọa xâm lược như trên đã đề cập.
Kết quả là với hỗ trợ quân sự to lớn của của Liên Xô, quân đội Việt Nam đã đánh bại Khmer Đỏ, chiếm được Phnom Penh chỉ sau hai tuần phản công (25/12/1978 – 7/1/1979) và tiếp đó đánh bại cuộc xâm lược mà Trung Quốc tiến hành ngày 17/2/1979 với 300 ngàn quân nhằm vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam. (10)
Cù Huy Hà Vũ (VOA)
____________________
Kết luậnTrong bối cảnh là nạn nhân xâm lược từ Trung Quốc, là một cường quốc quân sự, và hơn thế, một cường quốc hạt nhân, Việt Nam chỉ có thể sống sót nếu là đồng minh quân sự ít nhất của một cường quốc hạt nhân. Để nói, liên minh quân sự với Mỹ không những là chuyện chẳng đừng mà còn cấp thiết đối với Việt Nam, nhất là siêu cường duy nhất này có cả một chiến lược ngăn chặn Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực ở châu Á – Thái Bình Dương.
Tóm lại, chọn liên minh quân sự với Mỹ để chống Trung Quốc xâm lược chính là Chính phủ Việt Nam trung thành với tư tưởng “chọn bên” của Hồ Chí Minh, đứng về phía lợi ích sống còn của Quốc gia, Dân tộc và Nhân dân Việt Nam.
Chú thíchPhát biểu tại Mỹ: TTg Chính khẳng định VN ‘không chọn bên,’ lạc quan về quan hệ Việt-Mỹ, VOA Tiếng Việt, 12/05/2022
Ngoại giao không “chọn bên” mà chọn lẽ phải lớn của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Công lý, 15/12/2021
ASEAN và thông điệp không muốn phải chọn bên, Thế giới&Việt Nam, 17/09/2020
Hãy từ bỏ chính sách ‘Ba Không’ để liên minh quân sự với Mỹ, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 21/10/2019
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 15, năm 1959, nêu rõ: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á. Đế quốc Mỹ chiếm cứ miền Nam, âm mưu xâm lược miền Bắc là để tấn công phe xã hội chủ nghĩa. Cho nên, thắng lợi của cách mạng Việt Nam quan hệ trực tiếp đến phe xã hội chủ nghĩa, làm cho phe xã hội chủ nghĩa càng rộng lớn, vững mạnh”.
Từ 1955 đến 1975, Liên Xô, Trung Quốc và các nước cộng sản khác đã viện trợ cho VNDCCH một lượng hàng hóa quân sự tương đương 7 tỉ rúp - Những nguồn chi viện lớn cho cách mạng Việt Nam, Quân đội nhân dân, 03/05/2008
Phạm Xuân Thệ, người bắt sống và ra lệnh Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện 30-4-1975, Bauxite Việt Nam, 1/5/2022.
Điều 6 Hiệp ước này quy định: “Trong trường hợp một trong các bên trở thành đối tượng của một cuộc tấn công hoặc đe dọa tấn công, các bên ký kết sẽ ngay lập tức bắt đầu tham vấn lẫn nhau để loại bỏ mối đe dọa đó và thực hiện các biện pháp hiệu quả phù hợp đảm bảo hòa bình và an ninh cho quốc gia của hai bên.”
Ngoài không vận cấp tốc 20 nghìn quân Việt Nam từ Campuchia trở về miền Bắc Việt Nam để tổ chức phòng thủ và phản công và cung cấp cho Việt Nam một số lượng lớn xe tăng, xe thiết giáp, xe bộ binh cơ giới, pháo, tên lửa, máy bay tiêm kích và các thiết bị quân sự khác, Liên Xô còn điều 30 tàu chiến vào biển Đông để ngăn hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tập kích Việt Nam. Không những thế, ngày 22/2/1979, Tùy viên quân sự Liên Xô tại Việt Nam tuyên bố: “Liên Xô sẽ thực hiện những điều khoản đã ký kết trong Hiệp ước hữu nghị và hợp tác đã ký với Việt Nam. Nhưng xung đột vẫn có thể giới hạn được, Liên Xô cũng không muốn có một cuộc chiến tranh”. Ngay ngày hôm sau, 23/2, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tuyên bố sẽ rút quân trong vòng 10 ngày hoặc hơn. Để gia tăng áp lực buộc Trung Quốc chấm dứt xâm lược Việt Nam một cách thực sự, từ 12 đến 26/3/1979, Liên Xô đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất trong lịch sử quân sự thế giới với hơn 200.000 quân sát biên giới với Trung Quốc. Kết quả là ngày 16/3/1979, Trung Quốc về cơ bản đã rút quân khỏi Việt Nam. Ông Hà Vũ: Bài học 'đồng minh' từ năm 1979, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, BBC Tiếng Việt, 15 tháng 2 2015.