Phái đoàn vận động tại Geneva (từ trái): Bà Trần Quỳnh Vi, bà Bùi Thị Thiện Căn, và ông Will Nguyễn
FB Luật Khoa Tạp chí
Một phái đoàn Việt Nam đang ở Thụy Sĩ để tiến hành vận động quốc tế cho tự do của bà Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động nhân quyền và blogger bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 9 năm tù giam hồi năm ngoái với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước."
Phái đoàn gồm bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của bà Phạm Đoan Trang, ông Will Nguyễn- nhà vận động dân chủ, và bà Trần Quỳnh Vi- đồng giám đốc của Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (cơ quan chủ quản của Luật Khoa Tạp chí).
Cuộc vận động này được tiến hành nhân dịp Quỹ Martin Ennals trao giải thưởng cùng tên năm 2022 cho nhà hoạt động người Hà Nội. Bà Bùi Thị Thiện Căn sẽ thay mặt con gái để nhận giải thưởng này trong lễ trao giải tại trụ sở của Hội đồng thành phố Geneva ngày 2 tháng 6 tới đây.
Trong email trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Á Châu Tự Do, ông Will Nguyễn thay mặt phái đoàn cho biết:
“Chúng tôi sẽ đề nghị các tổ chức phi chính phủ, phái đoàn và đại diện khác nhau mà chúng tôi gặp gỡ gây áp lực với chính phủ Việt Nam về ba điểm nổi bật:
Thứ nhất là cung cấp dịch vụ y tế đầy đủ và ngay lập tức để chữa trị bệnh cho Phạm Đoan Trang, cho phép gia đình được thăm bà trong trại giam vì chưa một ai trong gia đình được gặp bà kể từ khi bị bắt mà chỉ có luật sư được tiếp xúc, và thứ ba là trả tự do cho bà.”
Ông Will Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt từng bị một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt trục xuất sau khi bị bắt vì tham gia biểu tình chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng năm 2018, tiết lộ phái đoàn sẽ đề nghị cộng đồng quốc tế gây sức ép để buộc chính phủ Việt Nam phải tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền cũng như tôn trọng chính Hiến pháp của chế độ.
"Đặc biệt, chúng tôi đã nêu rõ với một số tổ chức về trường hợp của Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương và Đặng Đình Bách, những người mà chúng tôi nghi ngờ bị bắt có liên quan đến việc tham gia vào VNGO-EVFTA, một nhóm được thành lập để giúp giám sát việc tuân thủ lao động của Việt Nam và các nghĩa vụ nhân quyền trong Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam. (EVFTA).
Chừng nào Hà Nội không giữ lời với Liên minh Châu Âu trong việc thực thi cải thiện nhân quyền, thì Việt nam sẽ không bao giờ trở thành một thành viên “có trách nhiệm.” Để giúp Việt Nam nâng cao uy tín của mình, chúng tôi có trách nhiệm chỉ ra những vi phạm của chính phủ Việt Nam và buộc họ phải thực thi các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết cũng như tôn trọng Hiến pháp của chính mình."
Đại diện phái đoàn cũng kêu gọi người Việt ở hải ngoại gặp gỡ dân biểu, lãnh đạo địa phương và các nhà ngoại giao ở nơi mình sinh sống để nói về nhà báo Phạm Đoan Trang cùng hồ sơ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Ông Will Nguyễn khẳng định, các vụ bạo hành của công an đối với cá nhân Phạm Đoan Trang là minh chứng rõ ràng rằng người Việt Nam không được hưởng các quyền nghiễm nhiên mà người dân trong thế giới văn minh được hưởng.
Ông cũng nói rằng càng có nhiều tiếng nói gây sức ép lên chính phủ Việt Nam để buộc họ phải thực thi các cam kết quốc tế và chính Hiến pháp của họ thì nhân quyền ở Việt Nam càng có cơ hội được tôn trọng. Ông kêu gọi mọi người sử dụng quyền tự do của chính mình để giúp đỡ người khác có được quyền này.
Bà Phạm Đoan Trang, một người hoạt động nhân quyền và blogger nổi tiếng là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách xuất bản không xin phép chính quyền Việt Nam như Chính Trị Bình Dân, Cẩm Nang Nuôi Tù.... Bà cũng là thành viên sáng lập của tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ mang tên "Sáng kiến Pháp lý Việt Nam" và là biên tập viên của Luật Khoa Tạp chí.
Bà bị bắt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vào ngày 7/10/2020 chỉ vài giờ sau khi cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kết thúc.
Bà bị kết án 9 năm tù giam hồi tháng 12 năm ngoái trong phiên tòa sơ thẩm bị Liên Hiệp quốc, nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ của nhiều nước lên án và đồng thời nói rằng bà không làm gì khác ngoài việc bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.
Bà Trang được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế, bao gồm Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Giải thưởng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cho mục Ảnh hưởng, giải thưởng Homo Homini từ tổ chức People In Need (Czech)… và giải thưởng Martin Ennals.
Theo RFA